Nghiên cứu - Trao đổi

Về miền thổ cẩm

Ngày Đăng: 8/5/2018 14:12 Lượt xem: 678

          Ngược vòng cung Lô - Gâm về với huyện Lâm Bình. Nơi đây gắn liền với Sự tích 99 con Phượng hoàng về làm tổ tạo nên vùng đất Thượng Lâm hữu tình mà người ta quen gọi là Hạ Long cạn. Cảnh và đất hữu tình, "Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm", đó là quê hương của miền gái đẹp. Về với Lâm Bình đắm mình với những giai điệu mượt mà của hát then, hát lượn. Về nơi nức tiếng nhất vùng về nghề nấu rượu ngô men lá và dệt thổ cẩm.
          Người Tày nơi đây sống tập trung thành từng bản khoảng 40 - 50 hộ gia đình, hướng nhà dựa lưng vào đồi núi, mặt nhìn ra cánh đồng. Họ là cư dân lâu đời nhất sinh sống trên mảnh đất vùng cao này và vẫn còn những nét văn hóa bản địa đặc sắc, thể hiện văn hóa, lịch sử tộc người. Đối với các dân tộc thiểu số khác trong huyện cũng như ở vùng khác, thì những bộ trang phục rực rỡ chính là thứ làm nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc đó. Tuy nhiên, đối với người Tày nơi đây, thứ làm nên bản sắc văn hóa của họ lại đến từ những tấm thổ cẩm đầy màu sắc hòa lẫn những tâm tư tình cảm của người tạo ra nó. Thổ cẩm của đồng bào Tày Lâm Bình là sự sáng tạo phong phú và đa dạng của những nghệ nhân không chuyên qua nhiều thế hệ, mang dấu ấn của sự phát triển tri thức dân gian của dân tộc Tày để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống ngày một đa dạng, phong phú về cả văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất. 
          Nghề dệt có nguồn gốc từ câu chuyện cổ tích mà nàng tiên ban tặng hạt giống quý mà đến hôm nay quê hương Lâm Bình ấm no, hạnh phúc. Hạt giống đã ban cho đồng bào ấm áp lúc đông sang, cho sặc sỡ muôn sắc hoa mỗi độ xuân về.
          Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ tết đến xuân về, đồng bào dân tộc Tày ở Lâm Bình đều tổ chức lễ hội Lồng Tông (lễ hội xuống đồng) để tạ ơn đất trời, tạ ơn tổ tiên đã sinh ra nghề trồng bông dệt vải. Ngày xưa người dân nơi đây chưa có nghề trồng bông dệt vải, trang phục hàng ngày được khâu từ vỏ cây sui, cây sảng đập mềm phơi khô hoặc dùng đồ dưới xuôi. Người già kể rằng: Cứ mỗi vụ giáp hạt tháng 3, hay những ngày đói tháng 8 lại có một bà ăn xin xuất hiện ở bản. Bà người gầy gò, ăn mặc rách rưới lại không có nhà để về; dù trong những ngày khó khăn nhất nhưng người dân trong bản vẫn luôn đùm bọc, sẻ chia với bà bát cơm, manh áo để vượt qua những ngày rét tháng 3 tê cóng chân tay. Một hôm bà đang định đi qua cầu thì bị ngã xuống suối, nhờ có người dân trong bản nên bà được cứu sống. Bà lão được đưa vào ngôi nhà gần đấy, sưởi ấm và hong áo quần. Vợ chồng chủ nhà dọn cơm mời bà ăn rồi mời bà ngủ lại qua đêm. Sáng ra cả nhà hoảng hốt không thấy bà lão đâu. Người vợ vào xem chỗ bà già nằm thấy một cái túi vải. Người chồng mở ra xem. Trong túi có những hạt nho nhỏ, màu đen. Họ đem túi hạt ấy gieo ra nương. Không lâu sau đó đám hạt đã nảy mầm. Tháng năm cây ra hoa trắng muốt, rồi làm quả. Tháng tám quả khô vỏ tách ra những sợi mỏng tang trắng muốt, mới hay là cây bông. Thế là có bao nhiêu hạt, mùa ấy họ đem trồng hết. Năm sau chia hạt cho hàng xóm. Qua ba, bốn năm cả bản biết trồng bông, năm sáu năm thì cả vùng trồng. Bấy giờ, người ta mới chỉ biết dùng bông làm chăn, làm đệm mà thôi.
          Vài năm sau, vào ngày hội Lồng Tông, có bốn cô bạn gái rủ nhau đi hội. Lúc lội qua con suối nhìn thấy đàn chép đang chen nhau bơi ngược dòng, họ lội theo để bắt. Họ đuổi ngược mãi dòng suối. Đàn cá biến mất, thấy trong hang phát ra những vầng sáng những cô gái đã rủ nhau vào đó; ở đây các cô gái gặp lại bà lão ăn xin và được bà lão truyền lại nghề dệt vải. Bấy giờ mọi người trong bản mới biết bà lão ăn xin chính là Bà tiên. Và từ đó nghề dệt vải được truyền từ đời này qua đời khác và còn lưu truyền đến ngày hôm nay.
         Phong tục nơi đây quy ước con gái khi về nhà chồng phải có đủ ít nhất 12 tấm chăn bông thổ cẩm và 4 tấm chăn đơn. Người dân nơi đây quan niệm, con gái biết trồng bông dệt vải mới là người siêng năng, đảm đang, biết lo toan gia đình. Trước đây ở trong bản, hầu như nhà nào cũng có khung cửi, đó là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ. Ban ngày họ lao động trên nương rẫy, đêm đến lại miệt mài bên khung cửi để dệt nên những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, những cô thiếu nữ người Tày đã phải theo mẹ, theo bà lên nương trồng bông lấy về dệt vải. Để làm ra được một tấm vải thổ cẩm thì phải trải qua rất nhiều công đoạn. Dệt được một tấm thổ cẩm không phải là mất 1, 2 ngày ngồi bên khung dệt, mà còn phải trải qua rất nhiều công đoạn mất một thời gian dài, kéo dài cả năm, từ đốt dọn nương, trồng bông, nhặt bông nở, đem phơi, xoắn, cán, bật, xe sợi, làm cuộn, hồ sợi, quay thành búp... Đồng bào gieo hạt cây bông vào mùa xuân và thu hoạch vào mùa thu. Người ta lấy những hạt bông về phơi khô rồi cán hạt ra, tách sợi bông với hạt ra để riêng. Khi đã có bông rồi, không lẫn các vật khác thì người ta đem đi bật cho bông tơi và lẫn đều nhau, vì như thế bông mới kéo thành sợi được. Sau đó, người đem bông đi giã nhẹ dưới nước để cho chắc sợi. Khi bông đã được kéo sợi rồi thì người ta đem đi nấu với gạo trong khoảng một đêm để các sợi vải chắc, cứng và bóng sợi, sau đó họ sẽ đem đi phơi khô và vò hết các hạt bụi, sạn lẫn trong vải ra. Những sợi vải được quay thành những cuộn nhỏ để sau này lấy sợi ra cho dễ. Để dệt thành vải, người ta phải đo những sợi vải đó, tùy thuộc vào mục đích và sản phẩm như: Chăn, màn, địu... Người ta thường lấy 4 chân cột nhà làm thước đo, cứ mỗi vòng vải quanh cột thì dệt được một mảnh thổ cẩm, khi nào đo xong thì họ mới đặt vào khung cửi để dệt. Việc dệt vải là công việc bắt buộc của con gái, đàn ông không được phép ngồi vào khung cửi đấy. 

 
Cô gái Tày miệt mài bên khung cửi. (Ảnh Đinh Công Thủy)
 
          Để dệt thành những tấm thổ cẩm đẹp, nhiều màu sắc, người ta thường phải nhuộm màu cho vải từ các loài hoa hay vỏ cây trong tự nhiên, nhưng mà chủ đạo vẫn là màu chàm. Hoa văn, họa tiết trên các tấm thổ cẩm cũng rất độc đáo, nó là những hình ảnh cách điệu từ các loại hoa thân thuộc trong đời sống như hoa cà, hoa bưởi, hoa rừng hay cách điệu những con chim, thú… Màu sắc hoa văn rực rỡ, sự phối hợp các màu nguyên sắc có độ tương phản bên nhau khá mạnh. Không có nguyên tắc về hoa văn của thổ cẩm người Tày ở Lâm Bình. Mỗi tấm mỗi khác, là do người dệt nghĩ ra, xấu đẹp phụ thuộc vào sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của mỗi người. Nhìn hoa văn biết sự tinh tế của người con gái, biết tâm tư tình cảm của cô gái đó, biết khi dệt mặt chăn cô có nghĩ tới ai không, mơ về chuyện gì không. Đó chính là điều làm nên sự quyến rũ của những đường hoa văn thổ cẩm nơi đây, hút hồn nhiều du khách và gợi nhớ thương trong lòng những người con xa xứ. Có thể nói, trên từng khung thổ cẩm, với tình yêu bản làng, dân tộc, tình yêu lao động và sự đam mê bản sắc dân tộc, những thiếu nữ Tày đã thổi hồn vào từng tấm thổ cẩm màu xanh của cây rừng, màu đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời, màu nâu của mảnh đất của quê hương. Màu sắc và hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm là tinh hoa, là biểu tượng đặc trưng của mỗi dân tộc, mỗi địa phương, vì vậy thổ cẩm của mỗi vùng đều có sự khác biệt, không hòa lẫn vào nhau, kể cả của các bản người Tày với nhau cũng có sự khác biệt. Bố cục của một tấm thổ cẩm khá đơn giản: Có hai loại hoa văn cơ bản là hoa văn nền và hoa văn nổi. Hoa văn nền gồm đường viền khung, đường nền xen giữa các ô hoa văn có màu sắc.
          Mặc dù, tất cả người Tày ở huyện Lâm Bình đều biết trồng bông dệt vải, nhưng nổi tiếng nhất là thổ cẩm của người Tày vùng Lăng Can - nơi được coi là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm nơi đây. Chính vì thế mà những câu chuyện trồng bông dệt vải của vùng đất này đã được khắc họa trong biết bao truyền thuyết, ca ngợi sức sáng tạo và đức tính cần cù của bà con nơi đây. Ngày nay, nghề dệt truyền thống không còn phổ biến như thời ông bà nữa nhưng vẫn có nhiều gia đình lưu giữ và dệt những vuông thổ cẩm để làm địu trẻ con, khâu thành những tấm chăn để con gái đi lấy chồng và đặc biệt trong các nghi lễ tín ngưỡng thì không thể thiếu những tấm thổ cẩm dệt – đó như một sự tri ân với tổ tiên.

 
Cử nhân Trịnh Thị Thứ
Phòng Đào tạo

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286314

Đang Online : 25