Nghiên cứu - Trao đổi

Tưởng nhớ đồng chí Trường Chinh - nhà lý luận, nhà văn hóa lớn của dân tộc

Ngày Đăng: 10/2/2017 15:47 Lượt xem: 428

          Tổng Bí thư Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đồng chí là người cộng sản kiên cường đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, đặc biệt trên lĩnh vực lý luận và văn hóa.
          Từ khi bắt đầu tham gia Đảng Cộng sản cho đến cuối đời, đồng chí đã phấn đấu không mệt mỏi để xác lập địa vị của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của dân tộc. Đồng chí đã chiến đấu không khoan nhượng chống bọn Tờrốtkít và các hạng tay sai khác của đế quốc, thực dân xuyên tạc chủ nghĩa Mác, bôi nhọ lịch sử dân tộc, chống lại văn hóa suy đồi của thực dân, phát xít.... Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng gian khổ của dân tộc, đồng chí Trường Chinh là một trong những người đi đầu trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, phổ biến đường lối chủ trưởng của Đảng, hướng dẫn nhân dân đòi quyền dân sinh, dân chủ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức dân tộc và ý thức giai cấp cho nhân dân. Đồng chí đã có công lớn trong việc đào tạo, giáo dục cả một thế hệ cán bộ cách mạng, góp phần hình thành những con người mới thời đại Hồ Chí Minh.
          Đặc biệt, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình hình thành đường lối lãnh đạo và lý luận của Đảng về văn hóa.
          Năm 1943, đồng chí đã khởi thảo và công bố bản “Đề cương văn hóa Việt Nam”, một cương lĩnh cách mạng văn hóa dân tộc dân chủ nhân dân, vừa xây dựng nền văn hóa cách mạng nước ta, vừa nhằm đánh thắng văn hóa phản động của thực dân, phát xít Pháp – Nhật, có tác dụng tập hợp giới văn nghệ sĩ, trí thức yêu nước vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng văn hóa. Đề cương xác định rõ nền tảng của văn hóa là kinh tế và sức mạnh của văn hóa chính là sức mạnh của tinh thần, phục vụ mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội và hướng đến xây dựng nền văn hóa có tính dân tộc, khoa học, đại chúng.
          Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhận thức rõ vai trò của mặt trận văn hóa, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II (7/1948). Tại Đại hội này đồng chí Trường Chinh đã đọc bản “Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” - văn kiện hoàn chỉnh đầu tiên của Đảng ta về trí thức và văn hoá văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến 9 năm (1945-1954). Bản báo cáo đã  nêu rõ tính chất của văn hóa cách mạng, phê phán và đấu tranh chống các quan điểm văn hóa phản động, hướng mọi hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, đồng thời xác định thái độ đúng đắn của những người làm công tác văn hóa, “cách mạng văn hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt” một lòng một dạ phục vụ nhân dân, tham gia mọi hoạt động kháng chiến kiến quốc. Với khẩu hiệu “Kháng chiến văn hóa, văn hóa kháng chiến”, nền văn hóa mới của ta đã góp phần tích cực động viên nhân dân tham gia kháng chiến, ca ngợi những gương anh hùng, những con người mới trong chiến đấu và lao động sản xuất; đấu tranh chống văn hóa phản động, nô dịch của địch trong vùng tạm chiến.
          Những đóng góp to lớn của đồng chí trên lĩnh vực lý luận và văn hóa đã góp phần đưa đến thắng lợi của phong trào đấu tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.
Thạc sĩ Phùng Thị Khánh Lệ
Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin – Tư liệu
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289839

Đang Online : 65