Nghiên cứu - Trao đổi

Chiêm Hóa bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Tày gắn với khu di tích lịch sử Kim Bình và phát triển dịch vụ du lịch

Ngày Đăng: 21/2/2017 8:0 Lượt xem: 529

          Kim Bình là xã nằm ở phía bắc của huyện Chiêm Hóa, cách trung tâm huyện 15km,  xã có tuyến đường Quốc lộ 2C chạy qua địa bàn. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 4.153 ha, dân số 5.092 người, có 08 dân tộc, trong đó 03 dân tộc chiếm đa số: Tày, Kinh, Dao. Dân tộc Tày là một dân tộc chiếm số lượng đông nhất của xã Kim Bình (chiếm 69,7% dân số toàn xã), có văn hóa truyền thống đặc trưng như: thờ cúng, phong tục cưới hỏi, lễ hội Lồng Tông vào dịp năm mới, lễ mừng cơm mới, hát then, cọi…, đặc biệt là kiến trúc nhà sàn độc đáo.
          Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân xã Kim Bình đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của, xây dựng lực lượng dân quân du kích, tổ chức sản xuất vũ khí thô sơ, làm tròn nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu. Tháng 2 năm 1951, xã Kim Bình vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt; Đại hội Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam – Lào - Cămpuchia; Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất. Đặc biệt Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 diễn ra tại Khu rừng Nà Loáng (thôn Phú An), nay là thôn Bó Củng, xã Kim Bình. Đây là Đại hội Đảng diễn ra đầu tiên ở trong nước và được tổ chức trong thời điểm cả nước đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 2 năm 1991 di tích lịch sử Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã được Bộ văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Năm 2006 khu di tích Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã được Nhà nước đầu tư phục hồi, tôn tạo trở thành trường học lớn trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, hằng năm tại đây đón trên 5.000 lượt khách thăm quan du lịch. Từ năm 2011 đến nay, cứ vào ngày 14 tháng giêng Âm lịch, Ủy ban nhân dân xã Kim Bình tổ chức Lễ hội lịch sử-cách mạng Kim Bình tại Quảng trường Khu di tích đã thu hút đông đảo du khách tham dự lễ hội.
          Đặc biệt, ngày 2/2/2017, tại Quảng trường thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2017) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình.
          Thực hiện một trong ba khâu đột phá mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI đã xác định “Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch”, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, cụ thể là bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày tại xã Kim Bình nói riêng cũng như dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa nói chung; đồng thời góp phần đầu tư, tôn tạo cảnh quan khu di tích Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình, từng bước tạo nên các dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến thăm quan khu di tích lịch sử Kim Bình, ngày 11/8/2016 Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa đã ban hành Quyết định số 226/QĐ-UBND ban hành Đề án bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Tày gắn với Khu di tích lịch sử Kim Bình và phát triển dịch vụ du lịch tại thôn Bó Củng xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá. Theo đó, từ năm 2016 đên năm 2018 huyện Chiêm Hóa thực hiện quy hoạch khu dân cư phía trước Quảng trường Khu di tích lịch sử Kim Bình. Vận động các hộ dân hiện đang định cư tại đây làm nhà sàn theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa; đồng thời khuyến khích các hộ gia đình từng bước phát triển các dịch vụ: ăn, nghỉ, hoạt động văn hóa văn nghệ…để phục vụ du khách khi đến thăm quan Khu di tích Đại hội II và tạo nên một làng văn hóa du lịch cộng đồng. Hiện nay, huyện đã tiến hành triển khai vận động 05 hộ gia đình làm nhà sàn theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày huyện Chiêm Hoá, theo hình thức nhà sàn có diện tích khoảng 100m2; cột nhà và toàn bộ khung cứng của nhà làm bằng bê tông, sơn giả gỗ; dui, mè, đòn tay, vì kèo bằng gỗ; sàn nhà bằng tre (hoặc gỗ); vách xung quanh nhà bằng tre (hoặc gỗ); nền gầm sàn láng xi măng; mái nhà lợp ngói…phía trước nhà sàn có cổng vào, các nhà có hàng rào bằng cây xanh (hoặc bằng tre, nứa). Phía sau là vườn cây, ao cá…; cách bố trí không gian trong nhà, thiết kế vì, kèo, trang trí hoa văn… theo đúng kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày.
          Bên cạnh đó, huyện tiến hành vận động các hộ sưu tầm đồ dùng sinh hoạt, nông cụ sản xuất, nhạc cụ và trang phục truyền thống của dân tộc Tày để bố trí trưng bày trong các nhà sàn: Đàn tính, Loỏng giã gạo (cốm), cối xay lúa, trang phục…; khuyến khích các hộ gia đình hình thành các dịch vụ phục vụ khách với phương châm phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Nhà sàn truyền thống của các hộ gia đình vừa là nhà ở, khi có khách du lịch vừa có thể phục vụ các dịch vụ ăn, uống, nghỉ, giải trí cho khách, vận động các hộ gia đình học cách chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc Tày như mắm cá ruộng, thịt lợn chua, các món chế biến từ rau rừng, xôi ngũ sắc, các loại bánh, cơm lam, đồ uống của người Tày…đảm bảo ngon, vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi nhà sàn bố trí từ 01 đến 02 nơi ngủ dành cho khách.
          Hiện nay, xã Kim Bình đã thành lập đội văn nghệ, tổ chức truyền dạy, tập luyện một số tiết mục văn nghệ mang bản sắc văn hóa tày như: hát then, cọi, hát quan làng… để phục vụ du khách; phục dựng một số hoạt động văn hóa dân gian của dân tộc Tày: lễ mừng cơm mới, hội giã cốm, múa then…, các trò chơi dân gian: đánh yến, đánh bàm, kéo co, đẩy gậy, tung còn, đánh quay, đi cà kheo…để phục vụ du khách. Lựa chọn các sản vật đặc trưng của địa phương trưng bày, bán cho du khách: Lạc Chiêm Hóa, Mắm cá ruộng, lá đắng, thịt trâu khô, măng khô, rượu chuối Kim Bình… Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động các thành viên trong các hộ gia đình mặc trang phục truyền thống trong những dịp lễ tết, đón du khách đến tham quan khu di tích.
          Có thể thấy đây là một mô hình có tính khả thi cao được Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao. Trong tương lai, dự án thành công sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt văn hóa và xã hội. Cụ thể:
          Về mặt kinh tế: Đề án bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Tày tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình được thực hiện sẽ góp phần tôn tạo cảnh quan khu di tích lịch sử Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại xã Kim Bình trở thành điểm du lịch lịch sử hấp dẫn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tạo điều kiện cho các hộ gia đình trong khu dân cư từng bước hình thành các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn của xã Kim Bình.
         Về mặt xã hội: giữ gìn và phát huy tốt văn hóa truyền thống dân tộc Tày xã Kim Bình nói riêng, huyện Chiêm Hóa nói chung; là điều kiện để tuyên truyền, quảng bá với du khách thập phương về khu di tích lịch sử Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, về nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa; tạo điều kiện cho nhân dân được giao lưu văn hóa với nhân dân các địa phương khác, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và phục vụ khách du lịch đến tham quan khu di tích lịch sử Kim Bình.
          Để thực hiện thành công dự án trên cần có sự quan tâm hơn nữa của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trên địa bàn huyện nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung, trong đó tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản sau:
          Thứ nhất, về công tác tuyên truyền.
          Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc bảo tồn nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình để nhân dân đồng tình, ủng hộ trong triển khai thực hiện Đề án; vận động nhân dân trong thôn phát huy tối đa nội lực, tự giác trong việc bảo tồn nhà sàn truyền thống và các di sản văn hóa dân tộc Tày.
          Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trong khu dân cư thực hiện Đề án chủ động làm nhà sàn, vườn cây, ao cá, chỉnh trang khuôn viên, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp; bố trí, sắp xếp không gian trong nhà để nhà ở của mỗi hộ gia đình không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình mà còn có thể phục vụ cho khách du lịch nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí.
          Thứ hai, Thu hút các nguồn lực cho Dự án.
         Các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND huyện trình UBND tỉnh và đề nghị các sở, ban ngành của tỉnh ủng hộ, giúp đỡ thực hiện các nội dung của dự án.
        Vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tham gia bằng nhiều hình thức để ủng hộ thực hiện các nội dung trong dự án: bằng ngày công, vật liệu, hiện vật, tiền…
         Vận động nghệ nhân dân gian, các cá nhân am hiểu di sản văn hóa truyền thống dân tộc Tày thực hiện truyền dạy những giá trị văn hóa của dân tộc Tày như: hoạt động văn hóa, văn nghệ; cách chế biến các món ăn của dân tộc Tày…
         Thứ ba, có phương án hỗ trợ về tài chính
        Ủy ban nhân dân huyện cần xây dựng phương án cụ thể trong việc bố trí kinh phí thực hiện dự án: kinh phí thực hiện quy hoạch; hỗ trợ các hộ gia đình làm nhà; kinh phí sưu tầm, phục dựng các di sản văn hóa Tày./.
 
 
 Thạc sĩ Hán Thị Hạnh Thúy
Phó Trưởng khoa  Nhà nước và pháp luật
 
 
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289835

Đang Online : 61