Nghiên cứu - Trao đổi

Ý nghĩa khởi nghĩa Thanh La đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945

Ngày Đăng: 6/3/2017 13:32 Lượt xem: 339

          Đầu năm 1945, tình hình thế giới có những chuyển biến mau lẹ, tạo thời cơ lớn cho cách mạng Việt Nam, phát xít Đức đầu hàng quân đồng minh không điều kiện (5/1945), chiến tranh thế giới II kết thúc ở Châu Âu. Ở Châu Á- Thái Bình Dương phát xít Nhật đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Ở Việt Nam phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát triển mạnh mẽ.
         Phát xít Nhật lo ngại bị quân Pháp đánh úp sau lưng khi Đồng Minh tiến vào Đông Dương, nên ngày 9/3/1945, quân Nhật tiến hành đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại Từ Sơn, Bắc Ninh từ ngày 9/3 đến ngày 12/3/1945 đề ra chỉ thị “ Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Từ đây, phong trào kháng Nhật, cứu nước dâng lên mạnh mẽ, các cuộc khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều nơi.
          Ở Tuyên Quang, mặc dù chưa nhận được chỉ thị mới của Trung ương nhưng nhận thấy phong trào cách mạng phát triển nhanh chóng, Ban lãnh đạo phân khu Nguyễn Huệ đã chủ trương và quyết tâm: Chớp thời cơ, tổ chức khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền và chọn xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) làm nơi bắt mạch đầu tiên đối với chính quyền địch với tư tưởng chủ đạo là phải chắc thắng để gây thanh thế cho ta. Với kế hoạch được chuẩn bị chu đáo, đêm 10/3/1945, lực lượng vũ trang cách mạng bí mật tiếp cận tước vũ khí của lính dõng, bắt bọn tổng lý, hương dõng phải đầu hàng, giải phóng xã Thanh La. Từ thắng lợi đạt được ở Thanh La, phân khu ủy phân khu Nguyễn Huệ quyết định mở rộng hoạt động, lãnh đạo quân khởi nghĩa tiến về chiếm đồn Đăng Châu giải phóng huyện Sơn Dương (ngày 13/3/1945), trước khí thế và sức mạnh của quần chúng, quân ta đã chiếm được huyện lỵ, thu hơn một trăm khẩu súng, hàng chục két lựu đạn trang bị cho tự vệ, phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân nghèo…, tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban Cách mạng lâm thời châu. Đây là chính quyền cách mạng cấp xã đầu tiên của Tuyên Quang và trong cả nước.
          Thắng lợi của khởi nghĩa Thanh La tạo bước ngoặt hết sức quan trọng trong quá trình gấp rút chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vị cả nước. Một trong những đóng góp không nhỏ của khởi nghĩa Thanh La đối với thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945 đó là:
          Thứ nhất, thắng lợi của khởi nghĩa Thanh La là điều kiện tiên quyết để lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định lựa chọn xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) là Thủ đô khu giải phóng, đại bản doanh, nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với vận mệnh của dân tộc: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc; Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch; đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản quân lệnh số 1, chính thức phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Từ Tuyên Quang, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã trực tiếp lãnh đạo cao trào tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
          Thứ hai, thắng lợi của khởi nghĩa Thanh La diễn ra khi chưa nhận được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng một mặt thể hiện sự chủ động của địa phương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, mặt khác khẳng định chủ trương, đường lối của Bác Hồ và Trung ương Đảng đề ra từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền là hoàn toàn đúng đắn. Cuộc khởi nghĩa là phát pháo hiệu của phong trào khởi nghĩa từng phần, mở màn một cao trào cách mạng vũ trang tiến tới tổng khởi nghĩa; đồng thời góp phần cổ vũ, khích lệ tinh thần đấu tranh dũng cảm của nhân dân cả nước, quyết tâm giành thắng lợi, đập tan ách đô hộ của phát xít Nhật, lật đổ sự tồn tại của chế độ phong kiến trên đất nước ta.
          Hơn 70 năm qua, thắng lợi của khởi nghĩa Thanh La luôn là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, dấu mốc ấy trở thành động lực to lớn đối với Tuyên Quang trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương cách mạng. Thực tế, trong những năm gần đây với sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Tuyên Quang đoàn kết vượt qua khó khăn, đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Giai đoạn 2015 – 2020, Tuyên Quang tiếp tục phấn đấu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc theo tinh thần nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI. 
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Trang
Khoa Xây dựng Đảng

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289826

Đang Online : 52