Nghiên cứu - Trao đổi

Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 14/3/2017 15:52 Lượt xem: 500


          Hàm Yên là huyện miền núi phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, với tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 90.092,53 ha; dân số toàn huyện là 109.632 người, gồm 12 dân tộc. Toàn huyện có 71.981 lao động trong độ tuổi, chiếm chiếm 62,8% dân số. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn là 66.079/71.981 người, chiếm 91,8%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo là 40%, trong đó qua đào tạo nghề là 25%.
          Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hàm Yên luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, ban hành các Nghị quyết, Quyết định về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện nói chung và công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng như: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hàm Yên lần thứ XX; Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thực hiện Nghị quyết đã đề mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chỉ tiêu, giải pháp về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2015-2020. Cụ thể hoá Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Uỷ ban nhân dân huyện Hàm Yên đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 25/11/2011 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2020. Hằng năm ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện. 
          Trên cơ sở đó, Uỷ ban nhân dân huyện đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-UBND, ngày 13/3/2012 về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn huyện do đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện phụ trách văn hóa - xã hội làm Trưởng ban. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo, điều hành các thành viên Ban Chỉ đạo, các cấp, các ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. 18/18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo. Các thành viên Ban chỉ đạo, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện các nội dung về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Duy trì 6 tháng, 1 năm tổ chức sơ kết, tổng kết báo cáo Ủy ban nhân dân huyện kết quả thực hiện. 
          Nhờ sự quan tâm lãnh chỉ đạo kịp thời, sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương nên trong những năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Hàm Yên đã đạt được kết quả đáng khích lệ, đang phát huy hiệu quả thiết thực. Dù là nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã phát huy được nghề ngay tại địa phương hoặc hành nghề tại một số doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Những kết quả đó thể hiện rõ nét trên các mặt như sau: 
           Thứ nhất, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn
          Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, hằng năm Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm dạy nghề huyện chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, Ủy ban nhân dân các xã thị trấn tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình huyện đăng tin, bài tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện và thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp. Từ năm 2011 đến năm 2016, Ban chỉ đạo đã phát hành trên 5.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền chế độ, chính sách của Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”đến các thôn bản, hộ nhân dân trên địa bàn huyện.
           Thứ hai, công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn
          Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp tiến hành rà soát số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo quy định, kế hoạch giao. Kết quả cho thấy, từ năm 2011 đến năm 2016 qua khảo sát trên địa bàn huyện có 2.339 người có nhu cầu học nghề. Số người được học nghề từ năm 2011 đến năm 2016 là 2.200 người (hai nghìn hai trăm người).  
          Thứ ba, các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả
          Từ năm 2012, Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh đã triển khai tổ chức dạy nghề thí điểm theo mô hình cho lao động nông thôn tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên  01 lớp học nghề kỹ thuật thêu ren móc sợi thổ cẩm, 01 lớp học nghề kỹ thuật trồng cây cam sành. Sau 3 tháng học nghề 70 học viên/ 02 lớp đã tốt nghiệp, được cấp chứng chỉ và có việc làm tốt. Thu nhập của các học viên sau khi học nghề bình quân 2.000.000đ - 3.000.000đ/người/tháng. 
          Từ kết quả việc tổ chức dạy nghề thí điểm theo mô hình cho lao động nông thôn, Ban Chỉ đạo huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện và Trung tâm Dạy nghề thực hiện tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình trên địa bàn. Hằng năm Trung tâm Dạy nghề huyện tiến hành tổng kết, đánh giá và đề nghị nhân rộng các cá nhân tham gia học nghề tiêu biểu, điển hình để phát triển thành mô hình. Qua 06 năm triển khai đến nay có 03 mô hình cá nhân tiêu biểu, trong đó 02 mô hình lĩnh vực nông nghiệp và 01 mô hình lĩnh vực phi nông nghiệp, cho thu nhập bình quân/tháng đạt từ 2,5 triệu đồng trở lên, có mô hình thu nhập bình quân 16 triệu đồng/tháng.
        Tuy nhiên việc thí điểm và phát triển các mô hình cũng gặp không ít khó khăn như: làng nghề, vùng nguyên liệu của huyện chưa nhiều nên việc lựa chọn các mô hình, địa điểm để đầu tư dạy nghề còn khó khăn; do kinh phí hạn chế nên việc đầu tư cho các mô hình chưa nhiều; số lượng, quy mô các mô hình đã đầu tư còn hạn chế. 
       Thứ tư, về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề
        Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện luôn quan tâm đầu tư, xây dựng, sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Từ nguồn kinh phí được hỗ trợ theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã phân phối, công khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho Trung tâm Dạy nghề huyện. Cụ thể:
          Về xây dựng cơ sở vật chất: Trung tâm  đã triển khai xây dựng, sửa chữa nhà lớp học và đưa vào sử dụng. Các hạng mục xây dựng đã đưa vào sử dụng tốt, phát huy được hiệu quả; việc mua sắm trang thiết bị dạy nghề đúng theo quy định. Các trang thiết bị mua sắm đã đưa vào sử dụng đúng mục đích và đã phát huy được tác dụng thiết thực với việc dạy và học nghề của lao động nông thôn ở địa phương.
          Về kinh phí thực hiện: tổng kinh phí thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện trong 6 năm qua là 6.690.250.000 đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
          Thứ năm, về phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề
         Công tác phát triển, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy nghề luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Trong đó, Trung tâm dạy nghề huyện là bộ phận nòng cốt để thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Được thành lập theo Quyết định số 321/QĐ-UBND ngày 17/9/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm được phép đào tạo 12 ngành nghề. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm dạy nghề huyện có 09 biên chế, 100% cán bộ trong Trung tâm đều có trình độ Đại học và được phân công nhiệm vụ tương đối phù hợp với năng lực. Trong 06 năm Trung tâm Dạy nghề huyện đã cử và hỗ trợ kinh phí cho 11 lượt cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy nghề do Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Lilama I tổ chức; 01 đồng chí đi bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ quản lý, điều hành do Tổng cục Dạy nghề tổ chức.
          Tuy nhiên số lượng và chất lượng giáo viên còn hạn chế: Trung tâm có 01 giáo viên trong biên chế, còn lại là giáo viên hợp đồng ngắn hạn, phần lớn là cán bộ khuyến nông, thợ của các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tham gia dạy nghề nên khó khăn không nhỏ cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện hiện nay.
          Thứ sáu, phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề; xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức chi phí đào tạo nghề.
          Trong những năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện đã chỉnh sửa, biên soạn mới 12 chương trình, giáo trình, phù hợp nhu cầu học của người lao động và đáp ứng được yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ, trong đó có 03 giáo trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 9 giáo trình thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Đặc biệt, Trung tâm Dạy nghề đã đầu tư, quan tâm đến phát triển chương trình, giáo trình, học liệu, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc dạy và học
           Thứ bảy, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề
           Dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của UBND huyện, trong 06 năm qua Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án của huyện đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc việc hỗ trợ chi phí học nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Kết quả đã hỗ trợ chi phí học nghề cho lao động nông thôn với tổng kinh phí đã hỗ trợ là: 2.195.355.300 đồng.
           Thứ tám, kết quả thực hiện một số mục tiêu
          Từ năm 2011 đến năm 2016, Tổng số lao động nông thôn trên địa bàn huyện có nhu cầu đăng ký học nghề là trên 2.339 lao động. Trung tâm Dạy nghề huyện đã tổ chức mở được 70 lớp với 2.200 học viên. Trong đó:
          Học nghề phi nông nghiệp là 24 lớp với tổng số 725 học viên trong đó có 02 lớp điện dân dụng với 54 học viên; 04 lớp may thời trang với 109 học viên; 01 lớp sửa chữa lắp ráp xe máy với 20 học viên; 11 lớp vận hành máy nông nghiệp bằng 351 học viên và 06 lớp Thêu ren kỹ thuật với 191 học viên. 
Học nghề nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp là 46 lớp với tổng số 1.475 học viên, trong đó có 35 lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm với 1.127 học viên; 09 lớp trồng cây ăn quả với 289 học viên; 02 lớp trồng cây công nghiệp với 59 học viên.
          Tất cả số học viên theo học trên đều được hưởng chính sách của Đề án 1956“Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án thuộc đối tượng 1 của huyện có người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo là 628 người; thuộc đối tượng 2 có người thuộc hộ cận nghèo là 24 người; đối tượng 3 (lao động nông thôn khác) là 1.548 người.
          Thực tiễn cho thấy, những kết quả trên đã từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện nói chung, bước đầu đã giải quyết được việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người lao động và từng bước xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận người lao động nói riêng, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Sau gần 06 năm thực hiện Đề án, số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 1.712 người chiếm tỷ lệ 77,8% trên tổng số người đã học nghề xong, trong đó tự tạo việc làm phục vụ chính bản thân, gia đình là 1.603 người; 31 người được tuyển dụng làm may tại các khu công nghiệp và các cơ sở tại huyện; 78 người sản xuất tại gia đình được bao tiêu sản phẩm. Sau khi học nghề học viên tham gia các lớp như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả; trồng cây công nghiệp (mía); vận hành máy nông nghiệp đều áp dụng kiến thức đã học được phụ vụ cho chính bản thân, gia đình. Quan trọng hơn, trong gần 06 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện, hiệu quả lớn nhất là người người nông dân đã thay đổi được nhận thức. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề...để đưa lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng nhanh hơn, cao hơn trước. 
          Trong thời gian tới, để góp phần có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Yên cần quan tâm hơn nữa tới công tác này, tiếp tục triển khai thực hiện hiện tốt Đề án 1596 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đặc biệt cần tập trung đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới bằng những hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước./.

 
Thạc sĩ Hán Thị Hạnh Thúy
Phó Trưởng khoa  Nhà nước và pháp luật

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289844

Đang Online : 70