Nghiên cứu - Trao đổi

Đường Kách mệnh – Bảo vật quốc gia trường tồn cùng thời gian!

Ngày Đăng: 16/3/2017 10:42 Lượt xem: 1019

          Tác phẩm Đường Kách mệnh - Bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 1426/QĐ - TTg ngày 01/10/2012 là cuốn sách tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các khóa học của Trường huấn luyện chính trị Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc), được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tại Quảng Châu năm 1927, nhằm giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất về Đảng Cộng sản, về lý luận cách mạng. Sách không dài, bản in lần đầu khoảng 100 trang, nhưng đề cập khá đầy đủ về con đường đi, việc xây dựng tổ chức và tập hợp lực lượng, đặc biệt là những phẩm chất mà người cách mạng Việt Nam cần có. Sau này, bản Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, thông qua tại hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930, nội dung cơ bản được rút ra từ tác phẩm này.

 I. Nội dung của tác phẩm
a) Tư cách một người cách mệnh
          Tư cách một người cách mệnh được đặt lên vị trí hàng đầu của tác phẩm. Nội dung gồm 3 phần:
          - Tự mình phải cần kiệm - liêm chính - vị công vong tư. Giữ chủ nghĩa cho vững.
          - Đối người phải: với từng người thì khoan thứ. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người.
          - Làm việc phải : Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể.
          Tác phẩm đã nêu lên những vấn đề cơ bản của đạo đức mới - đạo đức của người cộng sản. Đó là phải có đức và tài, trí và dũng, tư cách và năng lực theo kiểu người cộng sản. Đó là con người một lòng một dạ. Đó là con người có tổ chức, gắn bó với tổ chức, với đoàn thể. Đồng thời biết phát huy năng lực cá nhân. “Tư cách người cách mệnh” có giá trị khoa học và giáo dục lớn đặt cơ sở cho đạo đức học ở Việt Nam.

b) Con đường cách mệnh
          Nguyễn Ái Quốc đưa ra khái niệm “cách mệnh” rất dễ hiểu: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Từ đó, Người xác định các loại cách mạng:
          - Tư bản cách mệnh.
          - Dân tộc cách mệnh.
          - Giai cấp cách mệnh.
          Nguyễn Ái Quốc giải thích nguyên nhân sinh ra các loại cách mệnh ấy. Từ phân tích mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp, tác giả xác định tính chất cách mệnh. Dân tộc cách mệnh là dân tộc nô lệ đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi để giành độc lập tự do. Giai cấp cách mệnh là giai cấp bị áp bức cách mệnh để đạp đổ giai cấp đi áp bức mình.
          Về dân tộc cách mệnh và giai cấp cách mệnh, tác giả đều lấy ví dụ Việt Nam. Khi kết luận, tác giả cũng nói đến sự cần thiết phải tiến hành dân tộc cách mệnh và giai cấp cách mệnh ở Việt Nam. Cách mệnh Việt Nam phải tiến hành giải phóng dân tộc để tiến lên giải phóng giai cấp. Việt Nam phải làm cả dân tộc cách mệnh và giai cấp cách mệnh.
          Nguyễn Ái Quốc phân tích kỹ Cách mạng tư sản Pháp 1789, Cách mạng tư sản Mỹ 1776, Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 và chỉ ra kinh nghiệm lịch sử của các cuộc cách mạng này: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”. “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật”. Từ lịch sử và thực tiễn, tác giả đã định hướng cho các mạng Việt Nam là đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga “theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.
          Nguyễn Ái Quốc cũng xác định rõ bạn và thù của cách mệnh Việt Nam. Đế quốc Pháp đã chà đạp lên nền độc lập của dân tộc, đặt ách áp bức bóc lột đối với nhân dân ta. Do đó, đế quốc Pháp vừa là kẻ thù của dân tộc và cũng là kẻ thù của giai cấp. Tác giả phân biệt rạch ròi giữa đế quốc Pháp và nhân dân Pháp trước hết là công nông Pháp. Từ đó, nêu mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam với giai cấp cách mệnh Pháp nói riêng và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản chính quốc nói chung.
          Còn giai cấp phong kiến địa chủ, Nguyễn Ái Quốc có phân loại: điền chủ nhỏ là bầu bạn cách mệnh công nông, những đại địa chủ thì chớ có cho họ vào hội của dân cày. Việc xác định đúng, chính xác kẻ thù cơ bản là chủ nghĩa đế quốc Pháp có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng chiến lược và sách lược cách mạng, trong việc tập hợp lực lượng, phân hóa, cô lập cao độ kẻ thù, nhằm tăng sức mạnh cho cách mạng.

c) Về lực lượng cách mạng:
          Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ rõ: Công nông là người chủ cách mệnh “là vì công nông bị áp bức nặng hơn, là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết, là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc”. “Học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”.
          Người đã căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước, thái độ của các giai cấp trong xã hội, đối với cách mạng để vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp, không giáo điều, máy móc. Vì vậy, lực lượng cách mạng vừa đông, vừa mạnh, nhưng vẫn đảm bảo vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân.

d) Về đoàn kết quốc tế:
         Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ rằng, cách mạng Việt Nam phải đoàn kết với các lực lượng cách mạng thế giới: “Chúng ta cách mệnh thì cũng phải liên lạc tất cả những đảng cách mệnh trong thế giới để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa (như Đệ tam quốc tế)”. Người đưa ra những dẫn chứng cụ thể, đầy sức thuyết phục để xác định lực lượng đồng minh quốc tế của cách mạng Việt Nam “An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”. Cách mạng Việt Nam cũng phải liên minh với cách mệnh Pháp và có thể thành công trước cách mệnh Pháp. “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ”.
          Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới. Ai làm cách mệnh trên thế giới cũng đều là đồng chí của nhân dân Việt Nam. Đã là đồng chí thì sung sướng cực khổ phải có nhau.
Như vậy, về đoàn kết quốc tế, Hồ Chí Minh nêu 3 vấn đề lớn:
          - Cách mạng Việt Nam phải đứng hẳn về phía phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc thế giới để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa trên thế giới.
          - Xác định rõ quan hệ lợi ích dân tộc và cách mạng thế giới, giữa quyền lợi và trách nhiệm, sự thống nhất của quan hệ này.
         - Xác định rõ quan hệ cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc là tác động qua lại. Cách mạng thuộc địa không thụ động ngồi chờ cách mạng chính quốc.
          Với những luận điểm trên, tác phẩm đã đặt nền tảng đúng đắn cho đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng, và đặt cơ sở cho sự giúp đỡ của quốc tế trong thời kỳ thành lập Đảng.

đ) Về phương pháp cách mạng:
         Nguyễn Ái Quốc khẳng định rằng, phương pháp cách mạng giữ vai trò hết sức quan trọng: “Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó. Nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm được”. Đó là:- Phải làm cho dân giác ngộ.
          - Phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu.
          - Phải hiểu phong trào thế giới, phải bày sách lược cho dân.
          - Phải đoàn kết toàn dân “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”... “Đàn bà, trẻ con cũng giúp làm việc cách mệnh được nhiều. Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”.
          - Phải biết tổ chức dân chúng lại, tác giả nhấn mạnh vai trò của tổ chức: cách mạng phải có tổ chức rất vững bền thì mới thành công. Tác giả đưa ra cách tổ chức quần chúng như công hội, dân cày, hợp tác xã, thanh niên, phụ nữ, quốc tế cứu tế đỏ...
          - Phải giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng của quần chúng, phải biết chọn thời cơ.
          Tác phẩm đã nêu lên những quan điểm cơ bản về phương pháp cách mạng Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tổng kết kinh nghiệm cách mạng các nước. Những quan điểm đó là cơ sở cho Đảng xây dựng phương pháp cách mạng của mình.
          Về Đảng Cộng sản, Đảng là điều kiện đầu tiên để đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mệnh. “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
          Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải theo chủ nghĩa Mác - Lênin. “Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
          Nguyễn Ái Quốc luôn có ý thức xây dựng lập trường chính trị, bản chất giai cấp công nhân, tính cách mạng triệt để của Đảng. Những tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam của Người là những phác thảo cho đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người phân tích sâu sắc lịch sử cách mạng Nga để quán triệt bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam.
Vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên được Người đề cập gần như xuyên suốt tác phẩm.
          Bằng tư tưởng xây dựng Đảng Cộng sản ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã đáp ứng yêu cầu bức bách của lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX, chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

II. Ý nghĩa to lớn của tác phẩm
          Tác phẩm có ý nghĩa giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc cho cán bộ và đông đảo quần chúng nhân dân, nhằm xây dựng sự thống nhất trong nhận thức tư tưởng, chuẩn bị thành lập Đảng.
          Tác phẩm xây dựng lập trường, quan điểm của giai cấp công nhận cho cán bộ và quần chúng công nông. Vạch ra được đường hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, làm cơ sở cho việc xây dựng Cương lĩnh chính trị của Đảng.
          Tác phẩm Đường Kách mệnh ra đời đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam; thúc đẩy phong trào yêu nước, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ .
          Tác phẩm trang bị lý luận cho một lớp cán bộ cách mạng kiểu mới chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Tác phẩm cũng đưa ra hệ thống tổ chức của Đảng và các tổ chức quần chúng như công hội, nông hội, thanh niên, phụ nữ... để Đảng tập hợp quần chúng, chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng.
          Đường Kách mệnh là tác phẩm lớn, một trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Nội dung cuốn sách thể hiện rõ quan điểm tư tưởng của Người trong thời kỳ chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức tiến tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam.
          Năm 2017, Đảng và nhân dân ta kỷ niệm 90 năm ngày tác phẩm ra đời. Dù 90 năm đã qua đi, song tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Những điều mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giảng dạy về lựa chọn con đường cách mạng, về Đảng, về bản chất nhà nước, về vai trò và sứ mệnh của giai cấp công nhân, về đại đoàn kết toàn dân và tư cách một người cách mạng… vẫn còn nguyên giá trị, là "cẩm nang" của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước, luôn là bó đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy
Giảng viên Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289730

Đang Online : 3346