Nghiên cứu - Trao đổi

Một số điểm cần lưu ý trong thảo luận các bài thuộc phần Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày Đăng: 20/4/2017 7:57 Lượt xem: 1048


          Thảo luận là một khâu quan trọng trong quá trình dạy học lý luận chính trị, được quy định trong Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2014 và Quyết định số 3136/QĐ-HVCTQG ngày 14 tháng 7 năm 2016 về việc điều chỉnh Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, tất cả các phần học đều có các buổi thảo luận, với tổng số tiết là 160 tiết/1056 tiết thuộc chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
          Để có sự thống nhất trong các trường chính trị trong việc thảo luận, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 2417/QĐ-HVCTQG ngày 06/6/2016 về việc ban hành mẫu Giáo án thảo luận và sổ theo dõi giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những định hướng chung, kế hoạch của một bài thảo luận. Để nâng cao chất lượng các giờ thảo luận, đáp ứng yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn trong dạy học lý luận chính trị, theo ý kiến cá nhân, giảng viên cần nắm vững nội dung cả phần, khai thác các phương pháp dạy học để phát huy tính tự chủ, sáng tạo trong học tập của người học. Đặc biệt, trong thảo luận các bài thuộc phần học Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên nên lưu ý một số điểm sau đây:
          Thứ nhất, tổng số giờ thảo luận của phần Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là 44 tiết, trong đó phần Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin là 32 tiết. Phần Những vấn đề cơ bản của Tư tưởng Hồ Chí Minh là 12 tiết. Trong Hướng dẫn số 134/HD-HVCTQG ngày 21/7/2016 Hướng dẫn thực hiện Chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chia các tiết thảo luận phù hợp với nội dung của từng bài. Vì vậy, sau khi học xong bài nào nên thảo luận luôn bài đó. Không nhất thiết hết bài mới thảo luận cả 6 tiết.
          Hai là, tất cả các giảng viên tham gia giảng dạy lý thuyết của phần học đều có thể tham gia thảo luận. Trong phần Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin, có những buổi lên lớp có thể giảng 2 tiết và thảo luận 2 tiết. Riêng phần Những vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể kết hợp học 2 bài sau đó bố trí một buổi thảo luận. Đặc biệt, trong khi cán bộ, đảng viên đang thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giảng viên cần thiết kế nội dung thảo luận thiết thực, cụ thể, gắn với nhiệm vụ của các học viên ở cơ sở.
          Ba là, trước buổi thảo luận, giảng viên lên lớp cần đưa ra một số chủ đề thảo luận để học viên nghiên cứu, chuẩn bị ở nhà. Có thể đưa ra nhiều câu hỏi và phân công các nhóm chuẩn bị. Ví dụ, trong bài Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa duy vật biện chứng có thể đưa ra các vấn đề như: Vai trò của thực tiễn đối với lý luận? Hay: Tại sao phải gắn lý luận với thực tiễn? Tại sao không được phủ định sạch trơn?...Trong buổi thảo luận về Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa duy vật lịch sử, có thể đưa ra vấn đề chứng minh thành tựu của 30 năm đổi mới đất nước qua sự vận dụng quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, hoặc nêu vấn đề về đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam hiện nay. Đối với phần Những vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể nêu các vấn đề về chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị…
          Bốn là, để thảo luận có hiệu quả, xác định vai trò chủ đạo của học viên, giảng viên chỉ là người định hướng tham gia và neo chốt kiến thức. Vì vậy, phải lựa chọn những phương pháp phù hợp nhất, kích thích tính chủ động, tích cực của người học. Có thể lựa chọn phương pháp thảo luận nhóm. Với số lượng học viên trong khoảng từ 75 đến 90 người như hiện nay, mỗi lớp có thể chia từ 4 đến 5 nhóm, mỗi nhóm được phân công chuẩn bị một nội dung khác nhau. Tùy nội dung thảo luận mà giảng viên cũng có thể lựa chọn một số phương pháp khác nhau như nêu ý kiến ghi bảng, sàng lọc, mời chuyên gia…. Tuy nhiên, lựa chọn phương pháp nào cũng cần phải khuyến khích được tất cả học viên tham gia, tránh tình trạng một số học viên trong giờ thảo luận làm việc riêng, không chú ý.
          Năm là, phải chuẩn bị giáo án thảo luận chu đáo, chi tiết, thông qua khoa chuyên môn để đạt mục đích của buổi thảo luận. Giáo án thể hiện rõ nội dung các vấn đề cần thảo luận, phương pháp sử dụng, những tình huống (nếu có)…
          Sáu là, đối với học viên lớn tuổi, đã và đang giữ chức vụ lãnh đạo các cấp hoặc đang quy hoạch giữ những vị trí cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở, việc rèn luyện phong cách diễn đạt, tác phong lãnh đạo, thuyết trình trước đám đông…là rất quan trọng và cần thiết. Vì vậy, giảng viên nên “nhường bục giảng” cho học viên, vừa giúp cho học viên nắm kiến thức, vận dụng kiến thức vào thực tế, vừa được rèn luyện tác phong của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Như vậy, việc tham gia học tập lý luận chính trị ở Trường Chính trị nói chung và việc tham gia các buổi thảo luận thuộc phần Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng giúp cho học viên nắm chắc lý luận, vận dụng vào thực tiễn, rèn luyện phương pháp diễn đạt để tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao ở cơ sở.
 
                    Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung
                     Phó Hiệu trưởng

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289586

Đang Online : 3201