Nghiên cứu - Trao đổi

Tiểm năng để phát triển du lịch cộng đồng ở Tuyên Quang

Ngày Đăng: 20/4/2017 8:15 Lượt xem: 448

          Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Tuyên Quang nguồn tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng và có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, là điều kiện tốt để phát triển các loại hình du lịch. Toàn tỉnh có khoảng hơn 500 di tích lịch sử trong đó 02 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là Tân Trào và Kim Bình; có 08 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là lễ hội Lồng Tông, nghi lễ Then của dân tộc Tày; hát Páo Dung, nghi lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; hát Soọng Cô của người Sán Dìu; kéo co truyền thống; hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan; lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La của thành phố Tuyên Quang (Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang cùng các tỉnh liên quan xây dựng hồ sơ khoa học Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cùng tỉnh Bắc Kạn xây dựng hồ sơ khoa học Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới) . Với 22 dân tộc anh em cùng với những giá trị văn hoá truyền thống mang bản sắc riêng, đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch văn hoá đầy hấp dẫn tại Tuyên Quang.
 
 
          Thôn Nà Mụ, xã Hồng Thái, huyện Na Hang mùa lúa chín 
Nguồn: 
http://doingoai.tuyenquang.gov.vn

          Du lịch cộng đồng hiện là một trong những loại hình du lịch đang thu hút đông du khách tham gia, nhất là du khách nước ngoài. Đây là một hình thức xã hội hoá du lịch, mọi người dân đều có thể làm du lịch dựa trên những giá trị, bản sắc văn hoá ở khu dân cư. Du lịch cộng đồng phát triển không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân mà còn góp phần vào công tác bảo tồn các nét văn hóa bản địa và giữ gìn cảnh quan tự nhiên của từng khu dân cư, từng địa phương. Một số tỉnh miền núi phía Bắc đã rất thành công với loại hình du lịch cộng đồng như Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang. Với Tuyên Quang, đây là một loại hình du lịch mới mẻ nhưng hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao bởi Tuyên Quang có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này.
          Nằm bên dòng sông Lô lịch sử, thành phố Tuyên Quang có vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và nét văn hóa đặc sắc, là điều kiện để thúc đẩy du lịch của thành phố ngày càng phát triển. Trong những năm gần đây, đêm hội thành Tuyên được tổ chức đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách. Thành phố Tuyên Quang đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước, du khách nước ngoài mỗi dịp Tết Trung thu.
          Nằm ở phía Bắc của tỉnh, huyện vùng cao Na Hang không chỉ thu hút du khách bởi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, đó là hồ thủy điện Tuyên Quang mà Na Hang còn hấp dẫn du khách bởi hệ thống cảnh quan khu bảo tồn vẫn còn nguyên vẹn, núi non hùng vĩ bên cạnh những bản, làng truyền thống của bà con các dân tộc Tày, Dao. Na Hang từ lâu đã được ví như “nàng tiên xanh” giữa đại ngàn. Đến với Na Hang, du khách được tham gia chuyến du lịch mạo hiểm khám phá vùng lòng hồ rộng trên 8 nghìn ha và cùng thử thách, chinh phục đỉnh Pác Tạ, thác Tát Hẩu, thác Khuổi Súng, Khuổi Nhi, Nặm Me, Đén Luông, dãy núi đá Đén Deng. Được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương qua những phiên chợ vùng cao ở Yên Hoa, Đà Vị hay ghé thăm những bản người Dao Tiền ở Hồng Thái để thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng.
           Đến Lâm Bình, sau khi đi thăm hồ thủy điện Tuyên Quang, du khách sẽ được nghỉ ngơi ăn tối trong những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, thưởng thức những sản vật nổi tiếng của địa phương và cùng giao lưu hát then, hát cọi, nghe đàn tính cùng với người dân, tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
          Nằm cách thành phố Tuyên Quang khoảng 40 km, khu du lịch sinh thái Green Việt Nam tại xã Bình Xa, có diện tích 50 ha đang được coi như là một điểm du lịch nhà vườn lý tưởng. Nếu như các điểm du lịch khác hấp dẫn bởi giá trị về lịch sử, văn hóa và những danh lam thắng cảnh đẹp làm say đắm lòng người thì khu du lịch sinh thái Green lại mang đến cho du khách những trải nghiệm lý thú. Đến Khu du lịch sinh thái Green xã Bình Xa, du khách được ngắm nhìn những ngôi nhà sàn truyền thống chìm trong màu xanh của núi rừng, được hòa mình vào thiên nhiên với những cỏ cây, hoa lá, được lắng nghe những người nông dân nơi đây kể về cuộc sống, công việc của họ. Được ngắm trọn vẹn không gian núi rừng bao la, được chiêm ngưỡng và dạo chơi trên những đồi cam sành trĩu quả, được tham quan các trang trại nuôi lợn đen, nuôi vịt bầu của bà con. Vào mùa cam chín, du khách còn được cùng với những người nông dân thu hoạch cam và tận hưởng vị ngọt mát của trái cam sành Hàm Yên, một trong 50 trái cây nổi tiếng bậc nhất Việt Nam ngay tại vườn. Điều đặc biệt là từ nhà vườn này, còn có các tour đi bộ, đi xe đạp, xe máy đến Cham Chu xã Minh Hương, Động Tiên xã Yên Phú và thác Thiêng xã Phù Lưu.
          Hiện nay, Tuyên Quang đã và đang xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển du lịch địa phương, trong đó tập trung vào các chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, hỗ trợ kinh phí cho mô hình homestay, xây dựng các khu trưng bày và bán sản phẩm của người dân tại các điểm du lịch cộng đồng trọng điểm; ưu tiên đầu tư, tôn tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới một số tuyến đường đi bộ phục vụ khách tham quan du lịch. Để phát triển du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 51/KH – UBND, ngày 23/6/2016 về phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 – 2020 với một số giải pháp như: “ Đầu tư xây dựng các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa - du lịch Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn; thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang; thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình; thôn Bó Củng, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa... Hoàn thành hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể "Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam” trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; lập hồ sơ "Công viên địa chất quốc gia Na Hang - Lâm Bình” trình Thủ tướng Chính phủ công nhận...” và nhiều giải pháp khác
          Để phát triển du lịch cộng đồng một cách hiệu quả và bền vững thì các địa phương cần lựa chọn, quy hoạch và phát triển một số làng nghề truyền thống thành các điểm du lịch cộng đồng có đầy đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, bảo đảm an toàn, an ninh nhằm thu hút khách du lịch. Khuyến khích các hộ gia đình bảo tồn và phát triển một số nghề thủ công truyền thống như dệt thủ công, mây giang đan. Duy trì hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện cho du khách khám phá bản sắc văn hóa phong phú của địa phương. Đẩy mạnh liên kết giữa các điểm, khu du lịch để hình thành tua du lịch nội tỉnh hoặc liên kết với tỉnh bạn để hình thành và khai thác hiệu quả tuyến du lịch liên tỉnh. Tập trung phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch và tăng cường xúc tiến, quảng bá tiềm năng lợi thế phát triển du lịch của tỉnh và khuyến khích các địa phương, người dân phát triển sản phẩm du lịch để tạo được những ấn tượng với du khách khi đến Tuyên Quang.
          Với những lợi thế đã có, Tuyên Quang đã và đang khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng để góp phần đưa du lịch Tuyên Quang phát triển, quảng bá hình ảnh về đất và con người Tuyên Quang với những nét văn hoá đặc sắc đến với du khách trong nước và du khách nước ngoài./.
Thạc sĩ Đỗ Thu Hương
Phó Hiệu trưởng

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289583

Đang Online : 3198