Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 1_2015

Ngày Đăng:4/30/2016 10:35:00 PM Lượt xem: 1197

MỘT SỐ ĐIỂM LƯU Ý KHI SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC HIỆN ĐẠI
TRONG GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
 
Đỗ Thị Phương Điệp
Khoa Nhà nước và pháp luật
 
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay đã mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn, đặc biệt trong công tác giảng dạy đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giờ lên lớp của giảng viên và được coi là một khâu đột phá để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Bằng sự có mặt của các phương tiện dạy học hiện đại (máy vi tính, máy chiếu và các phần mềm hỗ trợ như: Violet, Power point… ) với khả năng thực hiện những vấn đề mà đồ dùng dạy học phấn trắng bảng đen không thực hiện được thì việc ứng dụng các phương tiện dạy học hiện đại đã đem đến cho việc dạy học một sinh khí mới, sinh động và hấp dẫn, góp phần đưa công nghệ dạy học thoát khỏi thô sơ, khô khan và đơn điệu.
Với những ưu thế đó, trong giảng dạy lý luận chính trị việc áp dụng phương pháp giảng dạy mới kết hợp với việc sử dụng phương tiện dạy học hiện đại cũng không nằm ngoài vai trò tích cực trên.
Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, các phương tiện dạy học hiện đại đã được nhà trường trang bị đầy đủ và các giảng viên trong Trường Chính trị tỉnh đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới với việc kết hợp sử dụng phương tiện dạy học hiện đại vào giảng dạy và đã thể hiện rõ những mặt tích cực cần được phát huy. Qua thực tiễn giảng dạy cho thấy không phải bài nào cũng có thể sử dụng giáo án điện tử, chúng ta cần phải biết chọn lọc các bài có khả năng sử dụng phương tiện dạy học hiện đại để đạt hiệu quả cao. Do đó, trong một môn học giảng viên phải xác định việc sử dụng phương tiện giảng dạy hiện đại vào giảng dạy cho bài nào? phần nào? từ đó chủ động trong việc tìm kiếm tư liệu, thiết kế bài giảng điện tử cho phù hợp.
Để phát huy những yếu tố tích cực của phương tiện dạy học hiện đại vào giảng dạy nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy lý luận chính trị thiết nghĩ cần phải chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, giảng viên phải chuẩn bị tốt, nắm chắc, nhuần nhuyễn về mặt nội dung bài giảng khi áp dụng các phương tiện dạy học hiện đại.
Đây là vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng bài giảng. Để có thể truyền đạt tới học viên một nội dung nào đó một cách có hiệu quả, tạo nên sự hứng thú, thu hút được sự chú ý của học viên, tạo không khí học tập sôi nổi thì đòi hỏi giảng viên phải có sự kết hợp tốt giữa phương pháp giảng dạy tích cực với phương tiện dạy học hiện đại tương ứng, phù hợp khi giảng dạy. Muốn như vậy, thì điều đầu tiên và chắc chắn đó là giảng viên phải có sự chuẩn bị nhuần nhuyễn về mặt nội dung bài giảng. Chỉ khi nắm chắc nội dung bài giảng, kết hợp với việc sử dụng phương tiện dạy học hiện đại một cách phù hợp mới có thể khai thác tối đa khả năng, tác dụng của phương tiện hiện đại. Từ đó sẽ giúp cho bài giảng chất lượng và thành công hơn. Ngược lại, nếu giảng viên không nắm chắc, không có sự chuẩn bị tốt và nhuẫn nhuyễn về mặt nội dung bải giảng thì cũng sẽ không xác định được phương pháp cũng như sự kết hợp giữa nội dung, phương pháp và các phương tiện dạy học hiện đại như thế nào. Kết quả là giữa vai trò của người thầy với bài giảng và với học viên sẽ không có sự kết nối với nhau. Và như vậy thì việc sử dụng phương tiện dạy học hiện đại sẽ không đạt được hiệu quả mà thậm trí là phản tác dụng.
Thứ hai, giảng viên phải chủ động tích cực học tập, nâng cao trình độ về công nghệ thông tin.
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin như hiện nay, việc ứng dụng phương tiện dạy học hiện đại vào giảng dạy nói chung, giảng dạy lý luận chính trị nói riêng giúp cho bài giảng trở nên phong phú, khơi dậy được tính tích cực, sáng tạo trong quá trình học tập, khắc phục được sự nhàm chán và tụt hậu trong quá trình giảng dạy. Để thực hiện được tất cả những điều này thì đòi hỏi mỗi giảng viên phải trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất về tin học, sử dụng thành thạo các phần mềm như Power point, word, làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại cũng như những cách xử lý, khắc phục những sự cố đột xuất có thể xảy ra trong quá trình sử dụng phương tiện dạy học hiện đại khi tiến hành giảng dạy. Có hiểu và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật hiện đại mới giúp cho giảng viên có thể thiết kế được bài giảng Power point vừa đảm bảo được nội dung, kỹ thuật, tính thẩm mỹ, vừa đảm bảo tính khoa học, tính sinh động, hấp dẫn và tính định hướng chính trị. Muốn đạt được điều đó thì mỗi giảng viên chúng ta có thể thường xuyên tự học, tự nghiên cứu, học qua đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt tích cực đi dự giờ các giảng viên có kinh nghiệm và đã thành công trong việc sử dụng phương pháp giảng dạy kết hợp sử dụng phương tiện dạy học hiện đại làm kinh nghiệm, góp phần thành công bài giảng của mình.
Thứ ba, phối hợp nhuần nhuyễn giữa việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại với các phương pháp dạy học khác.
Từ trước đến nay chúng ta đã ghi nhận rất nhiều sự thành công trong giảng dạy của các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị với những phương pháp giảng dạy thuyết trình truyền thống. Ngày nay, khi công nghệ thông tin đã có những bước phát triển tích cực với những hỗ trợ to lớn mà nó mang lại đã khắc phục được một số những hạn chế của phương pháp giảng dạy truyền thống. Thế nhưng, dù các phương tiện dạy học có tiên tiến, hiện đại đến đâu đi chăng nữa vẫn chỉ là công cụ, phương tiện để hỗ trợ cho quá trình giảng dạy chứ không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người thầy, không thể thay thế các phương pháp khác. Để một bài giảng, một nội dung, một khái niệm khi phân tích thành công không phải ở việc chúng ta sử dụng hình ảnh, âm thanh gì mà là việc chúng ta biết kết hợp giữa việc sử dụng hình ảnh, âm thanh hay đoạn video clip đó với tất cả các yếu tố khác đó là: giọng nói, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, tác phong, sự làm chủ giáo án, bục giảng của người thầy và các phương pháp dạy học khác như: thuyết trình, đàm thoại, gợi mở, nêu vấn đề…Đó là cái khó và cũng là nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra cho mỗi giảng viên phấn đấu để đạt được sự thành công trong nhiệm vụ giảng dạy của mình.
Thứ tư, giảng viên cần phải giảng thử trước khi giảng dạy trên lớp
Đối với các bài giảng nói chung thì vấn đề tự rèn luyện tác phong sư phạm, giảng thử trước khi giảng dạy trên lớp là một việc cần thiết, đặc biệt đối với các giảng viên trẻ khi giảng dạy có sự kết hợp phương pháp giảng dạy mới với sử dụng phương tiện hiện đại. Thông qua việc tự rèn luyện, giảng thử không những sẽ giúp cho họ rèn luyện phương pháp, bản lĩnh sư phạm mà đối với việc giảng thử với những bài giảng có sử dụng phương tiện giảng dạy hiện đại như phần mềm Power point thì điều này vô cùng cần thiết. Thông qua mỗi lần giảng thử các giảng viên trẻ có thể tự đóng góp ý kiến, giúp nhau phát hiện những điểm hợp lý và kịp thời bổ sung kiến thức, điều chỉnh thông tin đã lạc hậu, cập nhật thông tin mới cho phù hợp và phong phú thêm cho bài giảng. Việc giảng dạy bằng giáo án điện tử có thể đặt ra hai tình huống: hoặc là chắc kiến thức nhưng sử dụng phương tiện hiện đại không thành thạo hoặc sử dụng tốt phương tiện hiện đại nhưng lại chưa có sự nhuần nhuyễn về nội dung. Một trong hai tình huống này đều không thể dẫn đến một bài giảng thành công. Để một bài giảng thành công thì phải tự rèn luyện và giảng thử trước khi lên lớp. Có như vậy, bài giảng có sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào giảng dạy mới thực sự phát huy được hiệu quả.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278060

Đang Online : 252