Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 1_2015

Ngày Đăng:4/30/2016 10:28:00 PM Lượt xem: 1065

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2014
 
                Hán Thị Hạnh Thúy
                  Khoa Nhà nước và pháp luật
 
          Gia đình là tế bào của xã hội, mà ở đó con người sinh ra, được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phát triển toàn diện, đây cũng là điểm tựa cuối cùng của mỗi con người. Vai trò của gia đình đối với xã hội là vô cùng quan trọng nên các chế định pháp luật điều chỉnh vấn đề này không những phải đáp ứng được định hướng pháp luật mà còn phải phù hợp với thực tiễn xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, xã hội phát sinh rất nhiều quan hệ về nhân thân và quan hệ về tài sản giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa các thành viên trong gia đình với nhau; đồng thời do sự phát triển không ngừng cả về đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân đã làm cho các quan hệ hôn nhân và gia đình có những thay đổi đáng kể. Chính vì vậy, sau gần 15 năm đi vào cuộc sống Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế  gây khó khăn cho người dân cũng như cơ quan giải quyết các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật này là yêu cầu cấp thiết nhằm kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Tại Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII ngày 19/6/2014, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chính thức được thông qua và đã có hiệu lực từ 01/01/2015. Luật này bao gồm 10 chương, 133 điều quy định chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình.  
Trong khuôn khổ bài viết, với mục đích bổ sung kiến thức cho bải giảng “Nội dung cơ bản một số ngành luật trong Hệ thống pháp luật Việt Nam” (cụ thể là ngành luật hôn nhân và gia đình) trong bộ môn Những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa, Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, tôi xin giới thiệu một số điểm mới cơ bản và ý nghĩa quan trọng của văn bản luật này.
Thứ nhất, điều kiện về độ tuổi kết hôn
          Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã nâng độ tuổi kết hôn cao hơn so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Cụ thể: Khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định tuổi kết hôn là “nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên”. Theo quy định này thì chỉ cần nam bước sang tuổi 20, nữ bước sang tuổi 18 là đã có thể kết hôn. Ví dụ: chị Nguyễn Thị A sinh ngày 10/3/1980 thì đến ngày 10/3/1997 chị A tròn 17 tuổi, từ sau ngày 10/3/1997 là coi như chị A đã bước sang tuổi 18 và có quyền kết hôn mà không bị coi là vi phạm về độ tuổi kết hôn [1]
Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 quy định nâng độ tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên và với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên. Sở dĩ có việc thay đổi này vì quy định nâng độ tuổi kết hôn lên là rất phù hợp với đặc điểm (chỉ số) phát triển tâm sinh lý của người Việt Nam, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với sức khỏe của người kết hôn, bảo đảm cho họ có thể đảm đương được trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ; đảm bảo cho con cái của họ sinh ra khỏe mạnh cả về thể lực và trí lực. Mặt khác khi đạt đến độ tuổi trưởng thành nam nữ có thể tự mình lựa chọn việc kết hôn. Do vậy, sẽ đảm bảo sự tự nguyện của nam nữ khi kết hôn, đồng thời khi đạt đến độ tuổi này nam nữ đã có thể tham gia vào quá trình lao động và có thu nhập đảm bảo cho họ có thể có cuộc sống ổn định.
Bên cạnh đó ta thấy, nếu quy định tuổi kết hôn của nữ là vừa bước qua tuổi 18 thì quy định này là không thống nhất với Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. Bởi vì, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, nhiều giao dịch (về bất động sản, tín dụng...) đòi hỏi chủ thể của giao dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên (người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý)…Như vậy, quy định này của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 gây ra những khó khăn khi vợ chồng giao kết hợp đồng với người thứ ba.
 Hơn nữa, về tư cách tố tụng, Khoản 3 Điều 57 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định một cá nhân chỉ có thể tự mình tham gia quan hệ tố tụng khi đã đủ 18 tuổi trở lên. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, vợ chồng có quyền tự do yêu cầu ly hôn, trong đó có cả trường hợp người vợ chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, quyền tự do ly hôn của người vợ không thể thực hiện nếu đến thời điểm có yêu cầu ly hôn, họ chưa đủ 18 tuổi.
 Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn là không hợp lý, thiếu đồng bộ và làm hạn chế một số quyền của người phụ nữ khi xác lập các giao dịch như quyền yêu cầu ly hôn.           
Thứ hai, Luật không cấm kết hôn đồng giới
Khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính. Quy định này xuất phát ngay từ khái niệm hôn nhân: “Hôn nhân là sự liên kết giữa một người nam và một người nữ nhằm xây dựng gia đình”[2]. Gia đình phải thực hiện chức năng xã hội của nó, một trong những chức năng đó là chức năng sinh đẻ nhằm duy trì và phát triển nòi giống. Như vậy chỉ những người khác giới tính kết hôn với nhau thì mới có thể cùng nhau thực hiện chức năng cơ bản của gia đình là sinh đẻ, tái sản xuất ra con người để duy trì nòi giống. Nếu hai người cùng giới kết hôn với nhau thì trái với quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Do vậy Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định cấm những người cùng giới kết hôn với nhau.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ra đời trong bối cảnh các nước trên thế giới và ở Việt Nam đang đề cao vấn đề dân chủ, nhân quyền. Đặc biệt, bản Hiến pháp mới nhất của Nhà nước ta - Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực thi hành, trong đó dành riêng một chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (chương 2), tự do hôn nhân là một trong những quyền cơ bản của con người nên Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014  đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” trong Luật năm 2000 nhưng quy định cụ thể “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính" (Khoản 2 Điều 8). Không cấm nhưng không công nhận, đó là sự nhìn nhận bước đầu về hôn nhân giữa những người cùng giới tính của Nhà nước ta. Việc không thừa nhận này đồng nghĩa với việc những người cùng giới tính sẽ không thể đăng ký kết hôn, không được cấp chứng nhận kết hôn, hay việc chung sống của họ sẽ không được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, các đôi cùng giới có thể tổ chức đám cưới hay chung sống với nhau theo quyền công dân của mình. Nhà nước sẽ không can thiệp, không xử phạt hành chính nhưng những người này sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp về quyền nhân thân, như: quyền được yêu thương, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng…còn các tranh chấp về tài sản nếu phát sinh thì Nhà nước sẽ giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Thứ ba, Luật cho phép mang thai hộ
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã chính thức thừa nhận và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo - đây chính là việc Nhà nước cho phép một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Thực tế khi pháp luật chưa có quy định thì việc mang thai hộ vẫn diễn ra, trở thành nhu cầu của xã hội. Việc mang thai hộ là chính đáng đối với những cặp vợ chồng muốn có con mà không thể mang thai. Song, đây là vấn đề nhạy cảm nên Nhà nước đã quy định những điều kiện chặt chẽ cho trường hợp mang thai hộ nhằm ngăn chặn các hình thức biến tướng, thương mại hóa, đẻ thuê, cụ thể: việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 95, Điều 98 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, như: người mang thai hộ phải là thân thích, cùng họ hàng của người nhờ (vợ hoặc chồng), từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý...ngoài ra, các cặp vợ chồng hiếm muộn chỉ được phép đến một trong ba cơ sở y tế mà Nhà nước chỉ định để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ (Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh).
Như vậy, vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là quy định mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 không quy định vấn đề mang thai hộ). Quy định này đã phản ánh được thực trạng hiện nay và đáp ứng được tình hình phát triển thực tế của các mối quan hệ trong hôn nhân và gia đình.
Tóm lại, việc ban hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có ý nghĩa quan trọng, có thể coi đó là một bước phát triển, một bước hoàn thiện mới của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Văn bản luật này chính là một trong những công cụ pháp lý không thể thiếu của Nhà nước đối với hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý trong các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, hành chính tư pháp nói riêng. Hy vọng rằng, khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực thi hành và được triển khai thực hiện trên thực tế thì đây chính là những chuẩn mực pháp lý điều chỉnh về chế độ hôn nhân và gia đình trong thời kỳ mới, bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình, đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, qua đó sẽ có góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và đất nước nói chung./.
 

[1] Cách tính tuổi kết hôn được quy định tại Mục1 điểm a Nghị quyết số 02/2000/NQ - HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000
 
[2] Điều 1 và Điều 18 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278082

Đang Online : 274