Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:8/25/2019 9:51:00 AM Lượt xem: 2199

CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN CẦN NỖ LỰC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH LÀM VIỆC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
 Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách vô cùng quý giá.
          Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ. Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW sẽ làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
          Một trong những phong cách mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh chính là phong cách làm việc khoa học, hiệu quả. Phong cách làm việc của Người thể hiện ở nhiều nội dung, đó là một phong cách làm việc dân chủ, quần chúng gần gũi, đời thường, một phong cách nêu gương thiết thực và nói đi đôi với làm. Học tập phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nội dung vô cùng thiết thực mà mỗi cán bộ, đảng viên cần nỗ lực học tập, bởi đây cũng là phong cách mà thời đại đang đòi hỏi.
           Một là, người cán bộ, đảng viên phải rèn luyện cho mình phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả.
           Trong công việc, xây dựng cho mình một tác phong làm việc khoa học là điều mà cán bộ, đảng viên cần phải tự giác thực hiện. Xây dựng được một tác phong làm việc khoa học giúp mang lại kết quả công việc cao nhất, chủ động về thời gian và tạo nên uy tín, sự tín nhiệm cho người cán bộ, đảng viên.
            Đối với mỗi công việc được giao, cần xác định rõ phương hướng, mục đích. Việc xác định rõ mục đích là rất quan trọng, bởi "Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn”, nếu như chưa rõ ràng về mục đích thì rất dễ dẫn đến việc “Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”[1]. Khi đã có mục đích rõ ràng, cần phải vạch ra được một chương trình, kế hoạch làm việc thật rõ ràng, cụ thể sát hợp. Bởi lẽ, trước nhiều bộn bề của cuộc sống thường ngày, có nhiều công việc nếu chúng ta không có những mục tiêu rõ ràng, định hướng đúng đắn thì rất khó thực hiện được và thậm chí không thực hiện được.
          Trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc cũng cần phải cụ thể, thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Không vội vàng chạy theo thành tích, phong trào mà đặt mục tiêu quá cao hoặc quá xa rời với thực tế. Khi đã có phương hướng và mục đích rõ ràng thì chắc chắn quỹ thời gian dành cho công việc sẽ được bảo đảm, tránh lãng phí công sức, tự giác và vui vẻ thực hiện.
           Học tập phong cách làm việc khoa học của Bác còn là học cách làm việc luôn luôn đổi mới, sáng tạo. Sự sáng tạo giúp mỗi người phát huy được năng lực tiềm ẩn của mình cũng như có sự chủ động hơn trong công việc, tránh sự máy móc, dập khuôn. Sự sáng tạo còn khiến cho mỗi người không lạc hậu, trì trệ mà luôn vươn lên tiếp nhận cái mới, bổ sung và làm phong phú hơn cái cũ. Đối với mỗi người giảng viên đó là không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực để bài giảng trở nên hấp dẫn, thiết thực. Đối với mỗi cán bộ, nhân viên đó là không ngừng đổi mới cách làm việc ngày càng sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng với những nhiệm vụ mới.
          Hai là, người cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương trong rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc.
           Tác dụng nêu gương giữ vai trò rất quan trọng trong việc hình thành đạo đức xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Người luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi việc, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Vì vậy, phong cách làm việc Hồ Chí Minh đặc biệt có ý nghĩa đối với vấn đề đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên đặc biệt là cán bộ lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay.
Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới hôm nay luôn gắn liền với vai trò "cái gốc của mọi công việc" của đội ngũ cán bộ. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ đã và đang thể hiện vai trò “cầu nối “ của mình giữa Đảng với nhân dân cũng như thể hiện sự cố gắng trong mọi lĩnh vực được phân công công tác.
          Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong phong cách làm việc. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nghiêm túc chỉ ra: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái.”[2]. Một số ít cán bộ có chức, có quyền cao còn biểu hiện “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân[3]. Những hạn chế, bất cập về phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Song, cần phải thấy rõ nguyên nhân chủ yếu từ phía bản thân người cán bộ, người lãnh đạo cả về trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, việc tự giáo dục, rèn luyện phong cách mới.
          Do đó, học tập phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một việc làm hết sức thiết thực, không hề xa lạ, khô cứng mà vô cùng linh hoạt. Hằng năm, việc xây dựng kế hoạch cá nhân cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, không "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đối với đội ngũ của cán bộ chủ chốt, bí thư cấp ủy, người đứng đầu… các địa phương, các cấp, các ngành được xác định có vai trò hết sức quan trọng, qua đó đội ngũ cán bộ chủ chốt thực sự làm “đầu tàu” nêu gương để cán bộ, đảng viên, quần chúng… học tập, làm theo.
          Cán bộ, đảng viên càng giữ vị trí cao, vị trí quan trọng, nhất là người đứng đầu càng phải nêu gương đổi mới phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả. Không chỉ gương mẫu về đạo đức lối sống, mà còn phải là những cán bộ thực sự hành động, đó là: Nói ít, làm nhiều; dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; không ngại va chạm; trong công tác luôn có cách làm hay, phương pháp phù hợp, sáng tạo, hiệu quả. Phong cách công tác của cán bộ, của người đứng đầu phải sâu sát, gần gũi quần chúng, “nói phải đi đôi với làm”; không nể nang, xuê xoa, dĩ hòa vi quý, mà phải thẳng thắn, mạnh dạn chỉ rõ những sai phạm, yếu kém và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc, kéo dài ở địa phương, cơ quan, đơn vị…thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá cũng như tổng kết rút kinh nghiệm để công việc được hoàn thành đúng theo yêu cầu.
          Học tập và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả vào quá trình giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên cần gắn liền với nhân rộng các điển hình tiên tiến, kịp thời nhân rộng những kinh nghiệm tốt trong mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Đó là tấm gương của những "người tốt việc tốt" phải được nhanh chóng lan tỏa đến với đối với mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân. Để sự nêu gương ấy trở thành những hành động đẹp cho mọi người noi theo.
          Thiết nghĩ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu, trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là tình cảm, là nguyện vọng tha thiết của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam yêu nước. Bởi lẽ, điều đó giúp cho mỗi người tự hoàn thiện bản thân, nỗ lực phấn đấu, vươn lên, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội; góp phần tỏa sáng tư tưởng đạo đức của Người và củng cố niềm tin từ nhân dân, được nhân dân tin yêu, noi theo và mến phục./.
 
 
 
 
 
 
 
 
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN.2002, tập 5.tr.374
[2] NQTW4 khóa XII,tr.22
[3] NQTW 4 khóa XII,tr.31

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070757

Đang Online : 9203