Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:8/25/2019 9:50:00 AM Lượt xem: 1250

CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG HỌC TẬP TÁC PHONG TẬP THỂ - DÂN CHỦ
CỦA CHỦ TỊCH
HỒ CHÍ MINH
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy
Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Là người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước dân chủ, ở đỉnh cao của quyền lực, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có tác phong làm việc tập thể - dân chủ. Gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể đây là phương châm chỉ đạo suy nghĩ và hành động xuyên suốt của Người.

Đảng bộ Trường Chính trị tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018
          Về tác phong tập thể - dân chủ trong Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cần thực hiện những nội dung cơ bản sau:
          Thứ nhất, phát huy sức mạnh trí tuệ của tập thể. Hồ Chí Minh nói: “Một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề.
           Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó.
          Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm”[1].
            Thứ hai, mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Người lãnh đạo phải khuyên cán bộ, đảng viên mạnh bạo, cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, phê bình. Đó là cách tốt nhất để người lãnh đạo biết rõ ưu, khuyết điểm của mình và tỏ ra thật thà, dân chủ trong Đảng. Người lãnh đạo phải hiểu rằng, trong sinh hoạt mà cán bộ không nói năng, không đề xuất ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, mà vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở thành những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hoá ra oán ghét, chán nản. Để không xảy ra tình trạng này, người lãnh đạo không được chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan, mà phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ ý kiến của mình.
          Thứ ba, nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
          Trên cơ sở nhận thức dân chủ là giá trị lớn nhất, là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn, người cán bộ đảng viên phải làm cho nhân dân có năng lực làm chủ, biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Muốn vậy phải coi trọng việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức làm chủ, phát triển văn hoá chính trị và tính tích cực của công dân, khuyến khích nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước, giám sát, phê bình Chính phủ, phê bình lãnh đạo, khắc phục mọi thứ dân chủ hình thức.
           Hồ Chí Minh luôn khẳng định chế độ ta “dân là chủ” và khi dân là chủ thì cách lãnh đạo phải dân chủ. Người nói: Không một người nào có thể hiểu được mọi thứ, làm hết được mọi việc. Ngay đến anh hùng lãnh tụ cũng vậy. Đem so với công việc của cả loài người trên thế giới, thì những người đại anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bộ phận mà thôi. Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ phải biết cách tập hợp được tài năng, trí tuệ của nhiều người, của tập thể để phấn đấu cho mục tiêu chung. Mà muốn làm được như vậy, phải tạo ra được một không khí dân chủ thực sự trong nội bộ. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề.
           Tuy nhiên, phong cách dân chủ không có nghĩa là mạnh ai nấy làm mà phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, hay còn gọi là nguyên tắc “dân chủ tập trung”. 
          Đối lập với phong cách dân chủ là phong cách quan liêu. Hồ Chí Minh kịch liệt phê phán những cán bộ quan liêu, những người “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”.
           Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên Trường Chính trị Tuyên Quang phải nhận thức đúng đắn rằng một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thể nhìn khắp được sự vật, biết hết mọi việc.Vì vậy phải chú ý phát huy trí tuệ của tập thể, gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể. Có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí, mới cùng quyết tâm thực hiện, tránh được "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".
           Trong công việc, phải tôn trọng các quyết định của tập thể, biết lắng nghe ý kiến mọi người thì sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo và quy tụ được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, tạo nên sức mạnh to lớn để giải quyết thắng lợi mọi nhiệm vụ.
          Đảng ủy Nhà trường phải chú trọng thường xuyên việc giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thực hiện dân chủ trong sinh hoạt đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đúng với Điều lệ Đảng. Tiếp tục phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu; khắc phục tình trạng dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể hoặc độc đoán, chuyên quyền khi quyết định những vấn đề quan trọng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng phải gương mẫu trong thực hiện tự phê bình và phê bình trên tinh thần “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn; kiên quyết phê phán các hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; phòng và chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
           Do đó, cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Phải trăn trở và thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân.
          Phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, của dân tộc ta. Học tập và làm theo tác phong làm việc tập thể - dân chủ của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta nói chung và đối với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Tuyên Quang nói riêng. Học tập tác phong làm việc tập thể - dân chủ của Hồ Chí Minh sẽ giúp cán bộ, giảng viên nhà trường phải luôn tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống giản dị, trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, xứng đáng là những người “truyền lửa” cho các thế hệ cán bộ, đảng viên của tỉnh nhà.
 
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.5.tr.619

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070260

Đang Online : 8704