Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:2/22/2018 9:53:00 AM Lượt xem: 1238

NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CÁC ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀO GIẢNG DẠY
TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai
Khoa Nhà nước và pháp luật
 
           Việc nghiên cứu, vận dụng kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học vào giảng dạy lý luận chính trị là một hoạt động quan trọng góp phần minh họa, bổ sung, làm rõ kiến thức lý luận giúp cho bài giảng được sinh động và hấp dẫn. Những năm gần đây hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường được quan tâm đẩy mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu, các đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng có chất lượng. Các đề tài nghiên cứu đã tập trung hệ thống, khái quát quan điểm lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đánh giá đúng thực trạng, với nguồn số liệu phong phú, chính xác… đồng thời đề xuất những giải pháp khả thi có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Kết quả nghiên cứu của đề tài là nguồn tài liệu, tư liệu vô cùng quý giá để giảng viên chọn lọc và bổ sung vào bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
             Thực tế giảng dạy tại nhà trường, việc giảng viên lựa chọn, sử dụng kiến thức đã được nghiên cứu trong các đề tài khoa học vào bài giảng không nhiều. Một số đề tài khoa học đã được nghiệm thu nhưng ít khi được giảng viên và học viên nghiên cứu, sử dụng. Đó là một sự lãng phí, vì các sản phẩm nghiên cứu mất nhiều thời gian và công sức nhưng không phát huy được hiệu quả và giá trị đích thực trong thực tiễn. Thực tế đó là do các đề tài khoa học của ta thường có phạm vi nghiên cứu rất hẹp, có những đề tài chỉ phục vụ cho 1 chuyên đề trong một môn học, hoặc nghiên cứu ở phạm vi một địa phương chưa mang tính bao quát toàn tỉnh, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chưa hiệu quả do đó giảng viên ít quan tâm đến nguồn tài liệu này … Để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc nghiên cứu, vận dụng kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học vào giảng dạy lý luận chính trị, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
             Thứ nhất, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của giảng viên về vai trò, tầm quan trọng của việc vận dụng kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học vào giảng dạy lý luận chính trị. Nhà trường cần tích cực tuyên truyền, quán triệt đến giảng viên về việc phải thường xuyên bổ sung kiến thức thực tế vào bài giảng từ các nguồn khác nhau như: Các tài liệu, văn bản, báo cáo thu thập được từ cơ sở. Trong đó cần nhấn mạnh việc sử dụng các số liệu, tư liệu, bảng biểu có trong các đề tài khoa học vào bài giảng, vì các đề tài nghiên cứu là sản phẩm chứa đựng rất nhiều thông tin được tổng hợp, khái quát từ thực tiễn. Trên cơ sở nhận thức rõ được giá trị của các đề tài khoa học giảng viên sẽ chủ động nghiên cứu, tìm tòi những nội dung phù hợp để bổ sung vào bài giảng.
           Thứ hai, nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học. Thực chất nếu muốn giảng viên sử dụng các sản phẩm nghiên cứu vào hoạt động giảng dạy thì bản thân các đề tài phải đảm bảo chất lượng. Các đề tài nghiên cứu phải sát với nội dung chuyên môn giảng dạy, đặc biệt là phải đi sâu vào nghiên cứu các nội dung còn chưa đầy đủ, cụ thể, đặc biệt là các vấn đề thực tiễn để minh chứng, bổ sung cho nội dung lý luận trong giáo trình. Số liệu, luận điểm nghiên cứu của đề tài phải mang tính bao quát, đại diện, tiêu biểu; phải có quan điểm, phương pháp tiếp cận mới… Muốn vậy nhà trường cần làm tốt các khâu trong quá trình thực hiện đề tài, từ việc phê duyệt danh mục tên đề tài, phê duyệt thuyết minh, nghiệm thu đến công nhận kết quả. Theo đó nhà trường chỉ nên phê duyệt các đề tài có giá trị thực sự phục vụ cho công tác giảng dạy của nhà trường, thậm chí đặt hàng các đề tài phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy. Nâng cao chất lượng việc đánh giá, nghiệm thu các đề tài, phải thực sự có chất lượng, đảm bảo độ chính xác mới phê duyệt và công nhận kết quả. Có nguồn kinh phí thỏa đáng để khuyết khích các đề tài đầu tư nghiên cứu và có sản phẩm chất lượng. Có thể nói việc đề tài nghiên cứu có chất lượng, có tính ứng dụng cao thì giảng viên sẽ yên tâm khi sử dụng và mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy.
          Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài vào giảng dạy. Ban Giám hiệu và Hội đồng khoa học nhà trường cần tích cực chỉ đạo và quan tâm hơn nữa đến tất cả các khâu trong quá trình thực hiện đề tài. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các đề tài khoa học nhà trường cần quan tâm đến việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong thực tiễn. Khi phê duyệt thuyết minh đề tài Hội đồng khoa học cần yêu cầu chủ nhiệm đề tài xây dựng rõ kế hoạch ứng dụng đề tài trong thực tiễn về thời gian, quy mô, địa điểm, đối tượng ứng dụng, dự kiến kết quả đạt được… Đó là điều kiện để gắn nội dung với ứng dụng kết quả nghiên cứu, đổng thời cho thấy tính khả thi của đề tài trong thực tiễn.
           Để đề tài vừa được sử dụng trong giảng dạy, vừa phát huy được hiệu quả ứng dụng trong thực tế thì cần phải có chỉ đạo cụ thể từ Ban Giam hiệu để các giảng viên xem việc khai thác các đề tài khoa học như một nhiệm vụ không thể thiếu trong quá trình soạn giảng bài. Các khoa chuyên môn trong quá trình thông qua bài cần quan tâm việc giảng viên đã bổ sung những kiến thức có trong các đề tài khoa học vào bài giảng chưa. Bên cạnh đó, bản thân giảng viên cần tích cực chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các đề tài khoa học để bổ sung kiến thức vào bài giảng. Đây là nguồn số liệu, tư liệu phong phú, tin cậy, có tính thực tiễn cao. Thực tế một số giảng viên lên lớp còn thiếu kiến thức thực tiễn. Hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân, do chưa bố trí thời gian hợp lý để đi thực tế, chưa biết khai thác số liệu từ nhiều nguồn khác nhau, chưa nhận thức được các đề tài khoa học đã được nghiệm thu là kênh tài liệu bổ sung kiến thức thực tế vô cùng phong phú. Vì vậy, mỗi cán bộ giảng viên cần căn cứ vào các nội dung còn thiếu để tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, khai thác, vận dụng các nguồn kiến thức phong phú, trong đó có nội dung của các đề tài để bổ sung kiến thức thực tế cho bài giảng.
             Nhà trường cần cụ thể hóa kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học thành các sản phẩm phục vụ cho công tác giảng dạy. Từ kết quả nghiên cứu đề tài nhà trưởng tổ chức biên tập thành các tập bài giảng, sách, tài liệu tham khảo để in ấn, xuất bản và phục vụ cho nhu càu nghiên cứu, học tập của giảng viên, học viên nhà trường.
           Để thuận tiện cho việc nghiên cứu của giảng viên các đề tài sau khi hoàn thiện cần được nhập mã số và đưa vào danh mục tài liệu của thư viện. Cần phải có giá để riêng các đề tài, phân loại đề tài theo chủ đề, theo đơn vị khoa, phòng hoặc theo năm để thuận tiện cho người nghiên cứu, tìm hiểu.
           Để khắc phục được hạn chế thiếu kiến thức thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị thì việc nghiên cứu, vận dụng kiến thức trong các đề tài khoa học vào giảng dạy bằng việc thực hiện tốt các giải pháp nêu trên là hết sức cần thiết góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8069091

Đang Online : 7536