Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:2/22/2018 9:53:00 AM Lượt xem: 1217

MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐÀO TẠO CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2017
 
 Thạc sĩ Đặng Quốc Tuyên
 Trưởng phòng Đào tạo
 
          Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang có chức năng, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ công chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Quản lý đào tạo là một khâu quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trường Chính trị trong thực hiện các Quy chế, quy định, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của các bộ ngành và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng. 
 
Đồng chí Đỗ Thu Hương, Phó Hiệu trưởng, phụ trách Trường Chính trị trao bằng tốt nghiệp
cho học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa 100      
        
             Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của các bộ, ngành và của tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng; chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý đào tạo của nhà trường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao chất lượng quản lý đào tạo, bồi dưỡng ngày một nâng lên.
           Năm 2017, là năm học đầu tiên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang thực hiện bộ Quy chế quản lý đào tạo mới của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), là năm nhà trường tiếp tục thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về đổi mới nâng cao chất lượng quản lý đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường công tác quản lý học viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học… góp phần đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và đã đạt được một số kết quả quan trọng như sau:
           - Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện: Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động trong xây dựng kế hoạch, chương trình công tác trình Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; nghiêm túc thực hiện các quy định, quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ ban hành. Các khâu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch. Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trong thẩm định, phê duyệt danh sách đăng ký đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, với Sở Nội vụ trong thẩm định danh sách đăng ký bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự; phối hợp chặt chẽ với Thường trực Huyện ủy các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang trong việc tổ chức, quản lý các lớp mở tại huyện.
          Kết quả trong năm nhà trường đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẩm định danh sách đăng ký đào tạo Trung cấp LLCT-HC với 749 học viên; phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định danh sách đăng ký bồi dưỡng với 530 học viên. Thực hiện chiêu sinh mở 08 lớp Trung cấp LLCT-HC với 721 học viên (05 lớp mở tại trường và 03 lớp mở tại huyện) vượt 90 chỉ tiêu so với kế hoạch được giao năm 2017; mở 06 lớp Bồi dưỡng với 495 học viên đạt chỉ tiêu so với kế hoạch được giao; phối hợp với Thường trực huyện ủy các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang mở 03 lớp Trung cấp LLCT-HC với 291 học viên; phối hợp với Học viện Chính trị khu vực I quản lý, thực hiện kế hoạch học tập cho học viên các lớp Cao cấp lý luận chính trị K9, K10 với 180 học viên và thực hiện bế giảng 01 lớp Cao cấp K9 với 90 học viên, tham gia giảng dạy chuyên đề tự chọn chương trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị cho học viên lớp Cao cấp K10; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mở 01 lớp bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực với 30 học viên; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức, quản lý lớp Bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp tỉnh năm 2017.
          - Trong công tác tổ chức thực hiện các quy chế, quy định, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các bộ, ngành: Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo phòng Đào tạo nghiên cứu, rà soát các quy chế, quy định, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của các bộ, ngành về công tác đào tạo, bồi dưỡng, trong đó tập trung nghiên cứu Quy chế quản lý đào tạo (Ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) để tham mưu, đề xuất với Ban Giám hiệu cụ thể hóa một số nội dung nhằm thực hiện có hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và của địa phương. Trong năm 2017, Ban Giám hiệu nhà trường đã ban hành được một số kết luận nhằm cụ thể hóa một số nội dung về công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch, chủ đề đi nghiên cứu thực tế cho học viên các lớp đào tạo Trung cấp LLCT-HC, nội quy thi tốt nghiệp…
          - Trong công tác quản lý học viên: Ban Giám hiệu đã chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế quản lý đào tạo (Ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý học viên. Thực hiện duy trì họp giao ban định kỳ hàng tuần giữa Ban Giám hiệu với lãnh đạo các khoa, phòng, thông qua các cuộc họp giao ban hàng tuần, Ban Giám hiệu để nắm bắt việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện và đề ra những biện pháp thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
           Trong quản lý các lớp học Ban Giám hiệu chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các khoa, phòng, Ban chỉ đạo lớp học, giáo viên chủ nhiệm, giảng viên giảng dạy và Ban Cán sự các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong công tác quản lý học viên, giao phòng Đào tạo phối hợp với các khoa chuyên môn tổ chức họp giao ban với Ban Cán sự các lớp, họp rút kinh nghiệm giữa khoa chuyên môn, phòng đào tạo với các lớp sau khi kết thúc phần học, qua hoạt động giao ban nhà trường đã kịp thời rút kinh nghiệm, xử lý các vấn đề phát sinh, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng và các đề xuất kiến nghị của các học viên với nhà trường.
           Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu công tác quản lý học viên của nhà trường đã từng bước đi vào nền nếp, phát huy được tinh thần trách nhiệm quản lý lớp học của giảng viên, nâng cao ý thức tự quản của Ban Cán sự và học viên, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của phòng Đào tạo do đó đã hạn chế, khắc phục được tình trạng học viên đi học muộn, nghỉ học, học viên nghỉ học đều được bố trí học lại theo đúng quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ý thức chấp hành nội quy, quy chế, ý thức học tập của học viên ngày càng được nâng lên.
           - Trong công tác quản lý điều hành hoạt động chuyên môn: Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các khoa, phòng thực hiện nghiêm theo đúng chức năng nhiệm vụ được quy định tại Đề án số 01-ĐA/TCT ngày 08/5/2009 của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang (Ban hành kèm theo Quyết định số 3260-QĐ/TU ngày 18/09/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) và Quy chế quản lý đào tạo (Ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), tăng cường hoạt động thao giảng, dự giờ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng thiết thực phục vụ tốt cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ của từng đơn vị khoa, phòng, đổi mới cách thức ra đề thi tốt nghiệp theo hướng đề mở, chú trọng đến việc vận dụng những kiến thức luận đã học vào thực tiễn công tác của từng học viên, nhằm đánh giá, phân loại chất lượng học tập của học viên; hướng tới đổi mới cách thức ra đề thi hết các phần học chương trình đào tạo, đề kiểm tra chương trình bồi dưỡng theo hướng đề mở. Kết quả trong năm hoạt động chuyên môn của nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng bài giảng của giảng viên được nâng lên, qua phiếu đánh giá phản hồi từ người học đối với giảng viên đa số giảng viên được học viên đánh giá ở mức độ khá hài lòng, trong năm có 13/13 giảng viên đăng ký thao giảng và đạt danh hiệu giảng viên giỏi cấp trường, trong công tác nghiên cứu khoa học có 06 đề tài khoa học cấp trường được và 01 đề tài cấp khoa được Hội đồng khoa học nhà trường nghiệm thu đánh giá xếp loại xuất sắc. Học viên các lớp Trung cấp LLCT-HC sau khi kết thúc các phần học được nhà trường tổ chức cho đi nghiên cứu thực tế tại các xã trên địa bàn tỉnh, qua hoạt động đi nghiên cứu thực tế đã giúp cho học viên gắn kiến thức lý luận đã học để vận dụng vào điều kiện thực tiễn công tác của mình, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Nhờ các biện pháp đổi mới trong cách thức ra đề thi chất lượng học tập của học viên được đánh giá thực chất hơn, đã bước đầu phân loại được trình độ của từng đối tượng học viên, kết quả xếp loại học tập toàn khóa của các học viên đạt tỷ lệ 84,8% Khá, Giỏi trở lên (cụ thể loại Xuất sắc = 0,4%, loại Giỏi = 25%, loại Khá = 59,4%, loại Trung bình = 15,2%).
           Những kết quả đạt được trong công tác quản lý đào tạo năm 2017 của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang là do nhà trường luôn nhận được quan tâm Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự giúp đỡ của các Ban xây dựng Đảng, văn phòng cấp ủy, các sở,ngành, Thường trực các huyện ủy, thành ủy, sự chủ động sáng tạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu trong công tác quản, lý điều hành hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao.
             Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại một số hạn chế: Trong công tác tham mưu, đề xuất của các phòng chức năng trong thực hiện quy chế, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh còn chậm, công tác nắm bắt thông tin, giải quyết các tình huống phát sinh đôi khi còn chưa kịp thời; công tác phối hợp trong quản lý học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng của phòng Đào tạo với các khoa chuyên môn, giảng viên lên lớp với Ban Chỉ đạo các lớp ở huyện còn chưa thật sự chặt chẽ; chất lượng bài giảng của một số giảng viên chưa cao, còn thiếu kiến thức thực tiễn. Ý thức chấp hành nội quy, quy chế và động cơ thái độ học tập của một số học viên chưa cao vẫn còn có học viên đi học muộn, nghỉ học, phải học lại, thi lại…
          Năm 2018, là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cũng là năm đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo Đảng ủy, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, giảng viên công nhân viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý đào tạo năm 2017, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các biện pháp hiệu quả để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao./.
         
 
                                                                     

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070263

Đang Online : 8707