Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:2/22/2018 9:52:00 AM Lượt xem: 1649

HƯỚNG ĐI MỚI CHO NGƯỜI DÂN XÃ XUÂN VÂN, HUYỆN YÊN SƠN, TỈNH TUYÊN QUANG
 
 Thạc sĩ Trần Thị Mai Thu
 Khoa Dân vận
         
           Xuân Vân là xã nằm ở thượng huyện Yên Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 30 km. Tổng diện tích đất tự nhiên là 3.927.15 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 886,59 ha. Tổng số hộ trong toàn xã là 2.334 hộ với 9.349 nhân khẩu, gồm 11 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể của xã, nhân dân trên địa bàn xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, phát triển trồng cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây bưởi góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Từ chỗ trồng manh mún, nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu địa phương thì đến nay, trên địa bàn xã Xuân Vân đã xuất hiện các vùng chuyên canh cây bưởi, đặc biệt là giống bưởi Soi Hà. Với chất lượng đã được khẳng định, bưởi Soi Hà - Xuân Vân đang được tiêu thụ rộng rãi với giá trị cao, mở ra hướng đi mới no ấm cho bà con nhân dân xã Xuân Vân.
Lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính  K100 nghiên cứu thực tế
 tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn
 
            Để đem lại giá trị bền vững cho loại quả này, Đảng ủy, UBND xã Xuân Vân đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các phòng ban chuyên môn của huyện thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Phối hợp với Trung tâm AQUAFISH (địa chỉ tại Khu đô thị mới Hưng Phú - phường Hưng Thạnh - quận Cái Răng - Cần Thơ) tổ chức làm mô hình trồng và sản xuất bưởi Soi Hà- Xuân Vân theo tiêu chuẩn VietGap cho 21 hộ dân ở thôn Soi Hà với 10,5 ha (thời gian thực hiện từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2017). Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ việc trồng cây bưởi, nhân dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi một số diện tích đất canh tác trồng cây màu có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây bưởi Soi Hà. Ngoài giống bưởi Soi Hà, còn có các giống bưởi có giá trị cao khác như bưởi Da xanh, Năm roi, bưởi Diễn… Đến nay, tổng diện tích cây bưởi trên địa bàn xã là 625,82 ha. Việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm mà đời sống của bà con trong xã đã có những thay đổi đáng kể. Theo ra soát năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã là 20.400.000 đồng/ người/ năm.
           Khi tham quan thực tế một số mô hình trồng bưởi năng suất cao trên địa bàn xã mới thấy hết được những nỗ lực của bà con nơi đây và giá trị mà loại quả này đem lại. Mô hình bưởi Soi Hà của gia đình anh Hoàng Chí Hòa ở thôn Soi Hà - Xuân Vân tập trung đầu tư thâm canh gần 1 ha đất vườn đồi trồng trên 300 cây bưởi được 10 đến 14 năm tuổi, ước tính mỗi cây cho thu hoạch trên 200 quả. Nhờ chú trọng việc đầu tư chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, phòng chống sâu bệnh tốt nên mỗi năm thu nhập ngày một cao. Năm 2017, ước tính trừ chi phí còn thu lãi trên 600 triệu đồng.
            Mô hình bưởi Da xanh của gia đình anh Trịnh Tiến Dũng ở thôn 6 - xã Xuân Vân đã đưa 60 cây bưởi da xanh vào trồng từ năm 2012. Trong quá trình đầu tư chăm sóc, gia đình anh thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ thực tế để áp dụng vào mô hình trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng. Vì vậy, toàn bộ số bưởi da xanh của gia đình anh đều phát triển tốt, tỉ lệ đậu quả và chất lượng sản phẩm luôn được tư thương đánh giá cao. Anh Dũng cho biết: “Để trồng bưởi đạt hiệu quả phải đảm bảo một số quy định chăm sóc, các gốc bưởi phải trồng cách nhau khoảng 4 m để giúp cây phát triển tán, đồng thời phải đảm bảo nguồn nước tưới, quanh gốc bưởi phải được phủ rơm rạ khô giúp cây giữ ẩm. Khi cây cho trái phải thường xuyên loại bỏ những trái sâu bệnh, không phát triển để tránh lây lan. Bưởi trồng càng lâu năm trái bưởi sẽ có vỏ càng mỏng, vị càng ngon, giá bán cũng cao hơn. Do đó, nếu chăm sóc cẩn thận, đảm bảo cây đủ sức thì vườn trồng lâu năm mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Năm 2015, diện tích bưởi da xanh đã mang lại nguồn thu nhập 60 triệu đồng. Đến năm 2017, với số lượng ước đạt gần 10.000 quả dự tính sẽ đem lại thu nhâp hơn 400 triệu đồng cho gia đình anh.
            Với những kết quả bước đầu từ việc phát triển mô hình trồng bưởi đem lại, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: Việc phát triển mô hình kinh tế chưa đồng đều, chưa tập trung, còn nhỏ lẻ; việc quản lý bao tiêu sản phẩm đầu ra chưa đầy đủ, đồng loạt… Trong thời gian tới cần thu hút hơn nữa các nguồn tài trợ, vốn vay ưu đãi của các tổ chức trong và ngoài nước; phối hợp với Ngân hàng chính sách - xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn, phát triển sản xuất; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp sản xuất; hướng dẫn các hộ nông dân liên kết, hợp tác theo nhóm, hộ nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để cung ứng vật tư, phân bón…
           Với bước đi đúng hướng, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sự quan tâm sát sao của Đảng ủy, chính quyền xã và sự nỗ lực của bà con nhân dân, cây bưởi đã thực sự trở thành  loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang./.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070613

Đang Online : 9059