Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:2/22/2018 9:52:00 AM Lượt xem: 1073

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN SƠN DƯƠNG VỚI VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CÁC XÃ, THỊ TRẤN
 
Thạc sĩ Vi Thị Thu Hiền
Khoa Nhà nước và pháp luật
 
          Mở rộng và phát huy dân chủ đặc biệt là dân chủ ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) là xu hướng khách quan, thể hiện bản chất tốt đẹp của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với quan điểm dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối liên hệ, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, ngày 20/4/2007 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI đã thông qua Pháp lệnh số: 34/2007/PL-UBTVQH11 thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đây là văn bản pháp lý vô cùng quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là xã, phường, thị trấn.
          Huyện Sơn Dương nằm về phía Nam của tỉnh Tuyên Quang, có tổng diện tích tự nhiên 78.795,2 ha; có 33 đơn vị hành chính (32 xã và 01 thị trấn); có 424 thôn, tổ dân phố (399 thôn, 25 tổ dân phố). Tổng dân số toàn huyện có khoảng  48.850 hộ; 195.338 nhân khẩu, trong đó: Dân số là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,9% tổng dân số (gồm có 19 dân tộc thiểu số như: Tày, Hoa, Mông, Mường, La chí, Ê đê, Ngái, X’Tiêng, Khơ me, Cơ Tu...) Trên địa bàn huyện có 03 tôn giáo chính là đạo Thiên Chúa giáo, đạo Phật và đạo Tin lành.
          Nhận thức được vai trò to lớn và tầm quan trọng đặc biệt của việc phát huy dân chủ ở cơ sở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và đối với địa phương có số lượng dân tộc thiểu số và tôn giáo lớn như huyện Sơn Dương, trong những năm qua Uỷ ban nhân dân huyện đã phối hợp với Ban Dân vận Huyện uỷ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của huyện thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, chuyên đề ... trong đó có việc thực hiện các nội dung của Pháp lệnh số: 34/2007/PL-UBTVQH11, công tác dân vận; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng chống tham nhũng ở các cơ quan, đơn vị, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân đã được các cấp chính quyền tuyên truyền, triển khai đến được với người dân. Mặt khác, luôn quan tâm đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, thị trấn đã phát huy được tối đa những nội dung  dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra tại địa phương, được nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực như: Các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”... tại các xã Tân trào, Đại Phú, thị trấn Sơn Dương...; các quỹ khuyến học, khuyến tài đã phát huy hiệu quả, với mục tiêu giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi, các học sinh nghèo người dân tộc thiểu số, các con em gia đình chính sách…
          Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân là một trong những hoạt động thường xuyên để lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành các chủ trương, chính sách, quyết định, giải pháp tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân. Đồng thời tạo điều kiện để Nhân dân được tham gia giám sát các chương trình, phát triển kinh tế - xã hội, các công trình kết cấu hạ tầng cơ sở ở địa phương mình. Trong năm 2017, công tác đối thoại, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, đúng quy định với việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ 417 lượt, trong đó: Uỷ ban nhân dân huyện tiếp 237 lượt, Thanh tra huyện 37 lượt, Uỷ ban nhân xã, thị trấn tiếp 128 lượt, tiếp định kỳ và đột xuất của lãnh đạo 15 lượt, những vấn đề nhân dân đề cập chủ yếu tập trung về lĩnh vực đất đai, chế độ chính sách.
          Trong việc thực hiện dân chủ ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Dương có sự đóng góp không nhỏ của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại các xã, thị trấn. Các ban đã thường xuyên thực hiện công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách, thực hiện quy ước của thôn, tổ dân phố và các khoản đóng góp của nhân dân. Đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ công chức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân...
           Quy chế dân chủ ở xã, thị trấn được triển khai thực hiện đã đem lại những kết quả thiết thực, những nội dung cơ bản của quy chế được thực hiện rộng khắp trên địa bàn dân cư, dân được biết, được bàn, được tham gia giám sát. Tác động thúc đẩy các tổ chức và nhân dân hăng hái thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhân dân; góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Qua đó góp phần tạo động lực cho Sơn Dương phát triển toàn diện.
 
 
.
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277996

Đang Online : 188