Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:7/6/2018 10:11:00 PM Lượt xem: 1205

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔNỞ TỈNH TUYÊN QUANG, CHỦ TRƯƠNG VÀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
 
Ths. Nguyễn Văn Hòa
Phó Trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Lớp học sửa chữa máy nông nghiệp được mở tại thôn Vực Vại 2,
 xã Phú Lâm (Yên Sơn) (Nguồn: http://baotuyenquang.com.vn/ )
 
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích 5.867,90 km2, đơn vị hành chính gồm có 6 huyện và 1 thành phố với 141 xã, phường, thị trấn (7 phường, 129 xã, 5 thị trấn) trong đó có 57 xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 của Chính phủ, với 2.096 thôn, bản. Đến hết năm 2016, Tuyên Quang có số người trong độ tuổi lao động là 477.149 người, chiếm 62,8% dân số, trong đó, lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 59,3% lao động của tỉnh; dân số sống ở nông thôn trên địa bàn tỉnh là 673.710 người, trong đó hộ nông dân là 171.690 hộ. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn chiếm 85,15%.
 Việc giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng lao động nông thôn, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Xác định được vấn đề đó, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chủ trương, đường lối lãnh đạo vấn đề này. 
 Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và thực tế tại tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã khẳng định:"... Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, trọng tâm là xây dựng và phát triển nông thôn mới...Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của trung ương về phát triển kinh tế nông thôn, chính sách tín dụng, khuyến nông, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Khuyến khích phát triển công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động..."(1)
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV) đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết nêu rõ: "Đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cung cấp kịp thời lao động qua đào tạo nghề... cho các thành phần kinh tế. Rà soát, củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo, dạy nghề đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân... Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.." (2)
Tiếp đó, trên cơ sở những kết quả đã đạt được và tầm quan trọng, nhiệm vụ của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tại Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh cũng đã xác định: "... Tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế... Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ phát triển các ngành nghề truyền thống, xây dựng các sản phẩm đặc trưng của các địa phương...”(3)
Cụ thể hóa chủ trương, đường lối trên, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành thực hiện tốt các giải pháp, do vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả tích cực:
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và các chủ trương của Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 191/QĐ-UBND, ngày 23/5/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" tỉnh Tuyên Quang.
 Để triển khai được thuận lợi, hiệu quả tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" tỉnh Tuyên Quang, trong đó một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban, Phó Trưởng ban là Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ủy viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện. 100% cấp huyện, cấp xã cũng thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Quy chế hoạt động để thực hiện Đề án. UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định thành lập Trung tâm Dạy nghề tại các huyện.
Trong tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh... hằng năm, đăng tin, bài tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Những năm qua đã tổ chức biên soạn, in và phát gần 77.800 tờ rơi với nội dung tuyên truyền chế độ, chính sách của Đề án 1956 tới các thôn bản, hộ nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trong công tác điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan chức năng, các địa phương, hằng năm phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tiến hành rà soát số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề và xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tế. Tổng số lao động có nhu cầu học nghề trên địa bàn tỉnh trong 06 năm 2011-2016 là 34.595 người (riêng năm 2016 số lao động có nhu cầu học nghề là 5.305 người, trong đó số người có nhu cầu học nghề lĩnh vực nông nghiệp là 3.375 người, lĩnh vực phi nông nghiệp là 1.930 người). Trong đó, số lao động đã được đào tạo nghề là 25.021 người, cụ thể: Năm 2011 là 4.535 người, năm 2012 là 3.783 người, năm 2013 là 5.425 người, năm 2014 là 3.299 người, năm 2015 là 3.611 người; năm 2016 tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ và học nghề xong là 4.281 người, trong đó dạy nghề lĩnh vực nông nghiệp là 3.021 người, số dạy nghề lĩnh vực phi nông nghiệp là 1.260 người, số lao động học xong gắn và tạo được việc làm đúng nghề sau đào tạo là 3.291 người, đạt 76,87%. Năm 2017, có 4.242 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Trung bình hằng năm có hơn 7.000 lao động được tư vấn học nghề.
Các nghề đào tạo chính cho lao động nông thôn tại tỉnh gồm nghề lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây lương thực, thực phẩm; bảo vệ thực vật; trồng cây ăn quả; trồng cây công nghiệp; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt; chọn và nhân giống cây trồng; kỹ thuật trồng nấm) và nghề lĩnh vực phi nông nghiệp (sửa chữa máy nông nghiệp; điện dân dụng; nề hoàn thiện; may thời trang; mây, tre đan; thêu ren kỹ thuật; kỹ thuật làm chổi chít). Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã.
 Việc thực hiện mô hình dạy nghề, với mô hình thí điểm đầu tiên (năm 2011), tỉnh tổ chức triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên với: 01 lớp học nghề Kỹ thuật Thêu ren, móc sợi thổ cẩm, 01 lớp học nghề Kỹ thuật Trồng cây cam sành. Sau 3 tháng học nghề có 70 học viên/02 lớp đã tốt nghiệp, được cấp chứng chỉ và có việc làm ổn định. Thu nhập của các học viên sau khi học nghề bình quân từ 2 triệu đồng – 3 triệu đồng/người/tháng. Qua hơn 06 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn tỉnh có 20 mô hình lao động sau khi học nghề tạo được việc làm tốt, trong đó có 12 mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 08 mô hình thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Các mô hình trên đều cho thu nhập tốt với mức trung bình từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Trong phát triển mạng lưới và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập, mạng lưới cơ sở dạy nghề, mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh được quan tâm và phát triển. Đến nay, có 15 cơ sở dạy nghề, trong đó có 01 trường cao đẳng nghề, 03 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 01 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó số cơ sở tham gia hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn là 12 cơ sở, 6/6 huyện trên địa bàn tỉnh có trung tâm dạy nghề. Tổng biên chế của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tính đến 31/12/2015 là 260 (năm 2011 có 114 biên chế, từ năm 2011 đến năm 2015 tăng 146 biên chế do phát triển, thành lập mới trung tâm dạy nghề các huyện và bổ sung nhiệm vụ giáo dục thường xuyên).
Về phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, đầu tư đến phát triển chương trình, giáo trình, học liệu, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc dạy và học. Đến nay, đã chủ động xây dựng, biên soạn mới và chỉnh sửa 09 chương trình, giáo trình cho phù hợp nhu cầu học của người lao động và đáp ứng được yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ, trong đó có 05 giáo trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 04 giáo trình thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo quản trang thiết bị được đầu tư; xây dựng kế hoạch mở các lớp dạy nghề với những trang thiết bị được đầu tư nhằm phát huy công năng của thiết bị, tránh gây lãng phí.
Phát triển giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, công tác phát triển, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy nghề luôn được các cơ sở dạy nghề trong tỉnh quan tâm và đầu tư, bên cạnh đó được Tổng cục Dạy nghề, Hiệp Hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội hỗ trợ kinh phí. Tổng số giáo viên được bồi dưỡng giai đoạn 2011-2015 là 189 người. Qua các năm, các cơ sở đã chủ động tổ chức đưa các đoàn đi học hỏi kinh nghiệm, thăm quan các mô hình tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh trong 07 năm qua (2011-2017) đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 33,10% năm 2011 lên 45,8% năm 2015, 48,5% năm 2016 và tăng lên 51% năm 2017.
Sau học nghề, một bộ phận lao động nông thôn đã áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn, cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành ở khu vực nông thôn đã tăng từ 768.000 đồng năm 2010 tăng lên 1.877.900 đồng (năm 2016), góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đóng góp vào tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2017 là 7,62% và thu nhập bình quân đầu người tại tỉnh Tuyên Quang đạt 36,2 triệu đồng/người/năm.
 
-----------------------------------
          Tài liệu tham khảo:
1. Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015, tr.97- 98.
2. Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV) về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.
3. Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tr.102.
4. Báo cáo số 1460/BC-SLĐTBXH ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Sở Lao động, thương binh và XH tỉnh Tuyên Quang, Kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2016, Phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2017
5. Báo cáo số 368/BC-SLĐTBXH ngày 7 tháng 4 năm 2016 của Sở Lao động, thương binh và XH tỉnh Tuyên Quang, Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015.
6. Báo cáo số 30/BC-SLĐTBXH ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Sở Lao động, thương binh và XH tỉnh Tuyên Quang, Kết quả thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2016
7. Báo cáo kết quả tuyển sinh và đào tạo nghề nghiệp năm 2017 của Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang (Biểu 1)
8. Báo cáo số 175/BC-UBND, ngày 25-11-2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
9. Niên giám Thống kê tỉnh Tuyên Quang 2016, Nxb Thống kê 2017, tr.432
 
 
           
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070935

Đang Online : 119