Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019  >> Số 01/2019

Ngày Đăng:6/25/2019 10:27:00 PM Lượt xem: 1075

NÊU GƯƠNG - MỘT PHƯƠNG PHÁP DÂN VẬN HIỆU QUẢ
 
   Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Dân vận
 
        Công tác dân vận luôn được xác định là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, là nhân tố quan trọng góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Vì vậy, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”
[1]. Tuy nhiên để thực hiện tốt công tác dân vận có nhiều phương pháp nhưng hiệu quả, thiết thực hơn cả là phương pháp nêu gương.
        Nêu gương là làm mẫu cho người khác học và làm theo. Phương pháp này đã sớm được các nhà kinh điển Mác - Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trong lý luận về công tác dân vận.
        Trong công tác vận động quần chúng, Ph.Ăngghen căn dặn, phải dùng nêu gương và giúp đỡ, không được dùng phương pháp mệnh lệnh, áp đặt. Phương pháp nêu gương đặc biệt có giá trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng. Như vậy, chúng ta có thể nhận thức rằng, trong công tác dân vận thì những tấm gương, những mô hình thực tiễn cụ thể... có tác dụng cổ vũ, động viên, hướng dẫn quần chúng nhân dân rất lớn. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, đối với quần chúng không được dùng mệnh lệnh, áp đặt chủ quan của cá nhân lãnh đạo với họ.
        Phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin rất coi trọng phương pháp thuyết phục, giáo dục và nêu gương đối với quần chúng nhân dân. Người đề ra nhiệm vụ hàng đầu cho các Đảng Cộng sản là phải “thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”
[2]. V.I.Lênin cũng cho rằng việc giáo dục và rèn luyện quần chúng lao động là nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận của Đảng Cộng sản và mọi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin phê phán những đảng viên, cán bộ, tổ chức đảng không gương mẫu, không dũng cảm hoặc “rất ít dùng những điển hình, những tấm gương cụ thể, sinh động, lấy trong mọi lĩnh vực của đời sống để giáo dục quần chúng”[3]. Người yêu cầu lấy kinh nghiệm lâu dài, lấy ví dụ thực tế để chứng minh cho quần chúng thấy rõ sự cần thiết của công việc là một biện pháp có hiệu quả không nhỏ trong công tác dân vận.
        Kế thừa và phát triển quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về phương pháp nêu gương trong công tác dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu ra lý luận về phương pháp nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận mà người thực sự là tấm gương sáng cho mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp học tập và làm theo.
        Theo Bác, giá trị thực tiễn của phương pháp nêu gương đối với quần chúng nhân dân là rất lớn. Bác viết “đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”
[4]. Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, để quần chúng noi theo, tức là phải nêu gương, làm mực thước cho quần chúng noi theo.
        Không chỉ đánh giá cao phương pháp nêu gương mà trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh còn chỉ ra cách thức nêu gương của cán bộ, đảng viên là
“Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải hiểu rõ, phải thực hành như thế…”[5]
        Nêu gương còn là “Nói đi đôi với làm”, nếu không thì chỉ là những người hứa suông hoặc là “nói một đằng, làm một nẻo” của những kẻ cơ hội, trốn tránh nhiệm vụ. Đồng thời, lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên là: Để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải làm kiểu mẫu: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nói phải đi đôi với làm. Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới. Không chỉ đề ra phương pháp nêu gương mà Bác còn thường xuyên rèn luyện, thực hành phương pháp nêu gương và trở thành hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước nhân dân.
        Để cụ thể hóa quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp nêu gương trong công tác dân vận, ngày 07/6/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó, quy định rõ 07 nội dung nêu gương: Về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình, phê bình; về quan hệ với nhân dân; về trách nhiệm trong công tác; về ý thức tổ chức kỷ luật; về đoàn kết nội bộ. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 19/12/2016, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời nên ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Việc thực hiện các chủ trương, quy định nêu gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra kể cả về mặt nhận thức, kiểm tra, đôn đốc. Việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian qua còn hình thức, chưa đi vào thực chất, chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Một số cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự... Vì vậy, để thực hiện tốt hơn phương pháp nêu gương, ngày 25/10/2018 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tốt 08 điểm “xây” và 08 điểm “chống”, được phản ánh trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.
        Đồng thời, để học tập Bác về phương pháp nêu gương, hơn 10 năm qua Đảng ta triển khai sâu rộng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh như Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07/11/2006, của Bộ Chính trị khóa X, về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011, của Bộ Chính trị khóa XI, về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị khóa XII, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện các chỉ thị này đã trở thành các cuộc vận động lớn và đi vào nền nếp với nhiều hình thức phong phú, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.
        Có thể nói, xét về cả phương diện lý luận và thực tiễn thì phương pháp nêu gương trong công tác dân vận đã thực sự trở thành phương pháp hiệu quả góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tạo dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, động viên, khuyến khích nhân dân tích cực thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
 
 

[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.5, tr. 700.
[2]V.I.Lênin: Toàn tập, NXB TB, M.1976, t36, tr. 208;
[3]V.I.Lênin: Toàn tập, NXB TB, M.1977, t37, tr. 109
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.1, tr. 263.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.5, tr. 251.

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8580793

Đang Online : 338