Nội san >> Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019 >> Số 01/2019
Ngày Đăng:6/25/2019 10:07:00 PM Lượt xem: 1420
CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC CỦA TỈNH TUYÊN QUANG TRONG NHỮNG NĂM QUA
Thạc sĩ Mai Quang Thắng
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế khẳng định: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế”. Chương trình hành động số 35-Ctr/TU, ngày 15/01/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 nêu rõ: “Tập trung bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ”. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đưa ra giải pháp: “Thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo có trình độ, năng lực, đủ về số lượng, chuẩn về trình độ, hợp lý về cơ cấu, có tâm huyết nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo”.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục và đào tạo, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức, thực hiện các giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với điều kiện của tỉnh. Nhờ đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Một số kết quả cụ thể:
Trong công tác chỉ đạo, tỉnh đã yêu cầu ngành giáo dục - đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tổng rà soát đội ngũ giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và xác định nhu cầu đào tạo giáo viên trong toàn tỉnh đến năm 2022 trên cơ sở dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; đánh giá và dự báo, xác định nhu cầu đào tạo giáo viên phù hợp với Đề án sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2020.
Đối với công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, từ năm 2013 đến 2018 đã phối hợp tổ chức 09 lớp bồi dưỡng chương trình quản lý giáo dục cho 449 cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học và trung tâm giáo dục thường xuyên tại tỉnh. Tổ chức bồi dưỡng, tập trung và tập huấn cho gần 600 lượt giáo viên cốt cán mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Tập huấn nội dung giáo dục đặc thù, kỹ năng tư vấn tâm lý cho học sinh dân tộc thiểu số và tổ chức hoạt động giáo dục trong trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và trường phổ thông vùng dân tộc thiểu số cho hơn 400 lượt giáo viên và cán bộ đoàn, đội; tập huấn chương trình giáo dục kỹ năng sống cho hơn 600 học viên là giáo viên chủ nhiệm, bí thư đoàn trường, tổng phụ trách đội các trường tiểu học, trung học trên địa bàn tỉnh. Định kỳ tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi nhằm tôn vinh nhà giáo, đồng thời lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán có chất lượng.
Đã cử 203 lượt giáo viên tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Từ năm 2013 đến 2018, đã tổ chức 05 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông cho 220 học viên là cán bộ quản lý, giáo viên và cán bộ, chiến sỹ công an công tác tại vùng dân tộc thiểu số có đồng bào dân tộc Mông sinh sống; gần 200 lượt cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú vùng dân tộc thiểu số được tham gia tập huấn cốt cán do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và gần 800 lượt cán bộ, giáo viên được tập huấn các nội dung giáo dục đặc thù, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, giáo dục văn hóa dân tộc thiểu số và công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh là người dân tộc thiểu số.
Về thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định như: Chính sách về lương, phụ cấp, trợ cấp theo lương, chế độ nhà ở công vụ đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để kịp thời động viên, khuyến khích giáo viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hằng năm có khoảng 4.000 người được nâng lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung; 1.100 người được nâng lương trước thời hạn; 11.000 người được xét duyệt hưởng và nâng phụ cấp thâm niên nhà giáo theo đúng chế độ. 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.
Công tác thi đua khen thưởng được đổi mới theo đúng tinh thần Chỉ thị số 34-TC/TW, ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó, chú trọng việc xây dựng, tôn vinh và nhân rộng điển hình tiên tiến, đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Thực hiện các chính sách thi đua, khen thưởng, xét tặng danh hiệu cao quý theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Theo thống kê, từ năm 2013 đến 2018, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động cho 06 đơn vị; Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 58 nhà giáo; Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 05 đơn vị; Bằng khen cho 18 đơn vị và 21 nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành Trung ương tặng 14 Cờ thi đua cho các đơn vị; tặng Bằng khen cho 59 đơn vị và 143 nhà giáo. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho 108 đơn vị, tặng Bằng khen cho 243 lượt tập thể và 652 nhà giáo; công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho 317 lượt đơn vị; Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh cho 273 lượt nhà giáo.
Việc rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đội ngũ cán bộ quản lý được thực hiện theo quy định và phù hợp với nhu cầu trong từng năm học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh cơ bản có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trên chuẩn, kiến thức, năng lực chuyên môn, có nghiệp vụ sư phạm, được đánh giá đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn cán bộ quản lý theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về giáo dục và đào tạo. Đội ngũ cán bộ, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo được lựa chọn từ đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên giỏi, có uy tín từ các nhà trường; có năng lực tham mưu, lãnh đạo, triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong chỉ đạo chuyên môn và quản lý.
Hằng năm các cơ sở giáo dục đều xây dựng kế hoạch biên chế theo từng môn học, cấp học, từng vị trí việc làm trong nhà trường trình cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu số lượng người làm việc đảm bảo định mức, cơ cấu đội ngũ giáo viên; không có tình trạng thừa giáo viên ở tất cả các cấp học, tính đến tháng 5/2017, toàn tỉnh còn thiếu 1.045 công chức, viên chức giáo dục bậc học mầm non và bậc học phổ thông; dự báo đến năm học 2020-2021, toàn tỉnh còn thiếu 1.522 người (thiếu 708 người do tăng nhóm lớp, 814 người thực hiện tinh giản biên chế).
Nhờ sự quan tâm của tỉnh, trong những năm qua đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có bước phát triển góp phần vào sự nghiệp đưa Tuyên Quang ra khỏi tình trạng kém phát triển và hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, trong thực tế một số cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế về năng lực; chưa chủ động tham mưu, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một bộ phận giáo viên đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nhưng năng lực thực tế hạn chế, chậm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên chưa thực sự trách nhiệm, tâm huyết với nghề, chưa tích cực tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực công tác.
Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, khắc phục một số hạn chế của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, có thể đưa ra một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; vận động, giáo dục tư tưởng chính trị để đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
Hai là, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo chất lượng; chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, trong đó tập trung vào bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, đào tạo nâng cao trình độ, thường xuyên bám sát theo kế hoạch, chương trình bồi dưỡng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quan tâm xây dựng chuẩn mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, có năng lực, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.
Ba là, tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bốn là, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm theo quy định đối với những cán bộ quản lý không đủ phẩm chất đạo đức, yếu về năng lực quản lý, thiếu ý thức trách nhiệm; bố trí công việc khác hoặc đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.
Năm là, thực hiện nghiêm Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 08/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần quan tâm sát sao việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp, quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập.
Tài liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI.
2. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
3. Chương trình hành động số 35 ngày 15/01/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
4. Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 08/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứsáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
5. Báo cáo số 264-BC/TU, ngày 10/7/2018 của Tỉnh ủy Tuyên Quang sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
6. Quyết định số 291/QĐ-UBND, ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Đề án sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017 – 2021.
Các tin liên quan:
- ❧ CÁN BỘ, GIẢNG VÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG TÍCH CỰC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN TRỌNG NHÂN DÂN - Ngày đăng('6/25/2019 10:31:00 PM')
- ❧ TÁC PHẨM DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG HIỆN NAY - Ngày đăng('8/1/2019 2:17:00 PM')
- ❧ XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH, GẮN VỚI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XII - Ngày đăng('6/25/2019 10:27:00 PM')
- ❧ NÊU GƯƠNG - MỘT PHƯƠNG PHÁP DÂN VẬN HIỆU QUẢ - Ngày đăng('6/25/2019 10:27:00 PM')
- ❧ QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC VÀ QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN Ở TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('6/25/2019 10:21:00 PM')
- ❧ KẾT QUẢ 4 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ, NHIỆM KỲ 2015-2020 - Ngày đăng('6/25/2019 10:15:00 PM')
- ❧ HỘI CỰU CHIẾN BINH TRƯỜNG CHÍNH TRỊ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG TỚI THẾ HỆ TRẺ - Ngày đăng('6/25/2019 10:12:00 PM')
- ❧ MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA CHI ĐOÀN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRONG CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THANH NIÊN NHIỆM KỲ 2017 - 2019 - Ngày đăng('6/25/2019 10:11:00 PM')
- ❧ KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG: TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHUYÊN MÔN - Ngày đăng('6/25/2019 10:08:00 PM')
- ❧ HIỆU QUẢ VÀ SỨC LAN TỎA CỦA PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” Ở TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('6/25/2019 10:03:00 PM')
- ❧ HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU TỪ MÔ HÌNH “ĐƯỜNG HOA PHỤ NỮ” CỦA HỘI PHỤ NỮ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG - Ngày đăng('6/25/2019 9:56:00 PM')
- ❧ PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NGƯỜI DÂN TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO Ở HUYỆN CHIÊM HÓA - Ngày đăng('6/25/2019 9:52:00 PM')
- ❧ HIỆU QUẢ TỪ CHƯƠNG TRÌNH 135 Ở XÃ YÊN LÂM, HUYỆN HÀM YÊN - Ngày đăng('6/25/2019 9:32:00 PM')
- ❧ HUYỆN YÊN SƠN ĐƯA NGHỊ QUYẾT SỐ 16-NQ/TU NGÀY 22/5/2016 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH TUYÊN QUANG (KHÓA XVI) VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA, GIAI ĐOẠN 2016-2025 VÀO CUỘC SỐNG - Ngày đăng('6/25/2019 9:31:00 PM')
- ❧ “NÔNG THÔN MỚI, SỨC SỐNG MỚI, DIỆN MẠO MỚI” TRÊN MẢNH ĐẤT SƠN NAM - Ngày đăng('6/25/2019 9:22:00 PM')
- ❧ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA ĐOÀN VIÊN TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI HUYỆN LÂM BÌNH - Ngày đăng('6/25/2019 9:20:00 PM')