Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019  >> Số 01/2019

Ngày Đăng:6/25/2019 9:31:00 PM Lượt xem: 994

HUYỆN YÊN SƠN ĐƯA NGHỊ QUYẾT SỐ 16-NQ/TU NGÀY 22/5/2016 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH TUYÊN QUANG (KHÓA XVI) VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA, GIAI ĐOẠN 2016-2025 VÀO CUỘC SỐNG

                          Thạc sĩ Đặng Quốc Tuyên
                          Trưởng phòng Đào tạo
 
        Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa, giai đoạn 2016- 2025 là một trong những Nghị quyết quan trọng đối với bước đi và lộ trình cho sự phát triển nền nông nghiệp của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu về phát triển nông nghiệp hàng hóa mà Nghị quyết đề ra trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Sơn đã chủ động xây dựng các chương trình, đề án trọng tâm tạo ra sự “đột phá” cho phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững trên địa bàn huyện.
 
 Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm 20, xã Kim Phú (Yên Sơn) Lâm Trọng Ứng (bên phải) vận động người dân trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa (nguồn: http://baotuyenquang.com.vn)
 
        Hiện nay, huyện đã xây dựng 5 đề án phát triển nông, lâm nghiệp, trong đó có các đề án phát triển vùng bưởi, vùng chè, vùng nhãn, chăn nuôi trâu, chăn nuôi cá lồng trên sông, gắn với phát triển mô hình kinh tế trang trại, việc thực hiện 05 đề án và 01 mô hình đã triển khai tại các xã theo đúng kế hoạch và bước đầu có hiệu quả. Trong đó Đề án Phát triển chăn nuôi trâu, gắn với thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã phát huy được hiệu quả, huyện đã hỗ trợ trên 35,8 tỷ đồng, triển khai tại 724 hộ với 1.680 con, nâng tổng số đàn trâu toàn huyện lên 19.291 con. Đề án phát triển thuỷ sản cũng đã triển khai tại 05 xã với 15 hộ và 44 lồng nuôi cá, nâng tổng số lồng nuôi cá toàn huyện lên 112 lồng. Đề án cải tạo vườn chè già cỗi được triển khai tại 07 xã và 02 công ty chè. Đến nay đã trồng mới, trồng lại được 87,4 ha bằng giống PH1 và PH11 tại xã Nhữ Hán, Tứ Quận, Trung Sơn, Phú Lâm và Kim Quan. Đề án cải tạo và chăm sóc vườn nhãn chất lượng cao xã Thái Bình; đã triển khai trồng mới 13,3 ha tại 60 hộ; cắt ghép cải tạo 02 ha, tương đương 800 cây có độ tuổi từ 10-15 năm với 132 hộ tham gia, nâng diện tích cây nhãn của xã lên 78,0 ha, đến nay toàn huyện có 369,0 ha nhãn. Đề án phát triển cây bưởi tại xã Xuân Vân, đã triển khai trồng mới 02 ha, nâng tổng số diện tích cây bưởi của xã lên 641,2 ha; góp phần thúc đẩy phát triển diện tích trồng bưởi trên địa bàn huyện lên trên 1.868,4 ha.
        Việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, tạo thành các vùng sản xuất, nhằm phát triển nông lâm nghiệp của huyện theo hướng sản xuất tập trung, xây dựng và quảng bá nhãn hiệu, chất lượng một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Với 90% diện tích đất nông nghiệp, đây là lợi thế để phát triển, tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực này theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó, huyện tập trung nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa trên địa bàn. Một trong những vấn đề được huyện Yên Sơn đặc biệt quan tâm, đó là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời tổ chức rà soát, xây dựng quy hoạch, quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến nông, lâm sản hàng hóa. Nhờ đó mà lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện đã có bước thay đổi căn bản về quy mô và hình thức tổ chức sản xuất để hướng tới nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.
        Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song nhờ vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của tỉnh để đầu tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp nên Yên Sơn đã từng bước khắc phục được tình trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán để hướng đến một nền sản xuất hàng hóa có quy mô và hình thức tổ chức hợp lý hơn. Đặc biệt trong những năm qua việc tổ chức rà soát, quy hoạch về lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa đều hướng tới mục tiêu đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng địa phương để tập trung phát triển, mở rộng vùng sản xuất trong gian đoạn 2016 - 2025. Đến nay, huyện Yên Sơn đã quy hoạch, hình thành rõ nét 04 vùng sản xuất, bao gồm các xã vùng thượng huyện tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực là bưởi, ngô, chuối, hồng, dong riềng, nuôi cá lồng trên sông và cây công nghiệp mía. Các xã vùng ATK tập trung phát triển các sản phẩm gỗ rừng trồng, chăn nuôi đại gia súc, nuôi ong lấy mật. Các xã vùng hạ huyện sẽ quy hoạch phát triển cây công nghiệp chè, nuôi bò thịt, bò sữa và gia cầm. Bên cạnh đó, các xã vùng trung tâm huyện sẽ ưu tiên phát triển những cây trồng chủ lực là cây công nghiệp chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm và thủy cầm… Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Sơn có 208 trang trại, 95 hộ chăn nuôi lợn có quy mô từ 100 đến 500 con và có 05 dự án chăn nuôi lớn, tạo ra sự đa dạng hoá sản phẩm, hàng nông sản, nguyên liệu; đa dạng hoá cơ cấu kinh tế nông thôn.
        Cùng với việc triển khai và thực hiện các đề án, huyện Yên Sơn cũng tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, chú trọng các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của huyện, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 15 sản phẩm hàng hóa tại 9 xã. Đặc biệt, Yên Sơn đã tập trung chỉ đạo đổi mới các hình thức sản xuất, tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị và kết hợp phát triển du lịch sinh thái; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; từng bước xây dựng các sản phẩm nông nghiệp của huyện phục vụ du lịch như: Chè, bưởi, hồng, miến dong, gạo chất lượng cao... Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng trong chế biến nông, lâm sản. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của huyện thông qua việc tổ chức các hội chợ hàng nông nghiệp của huyện, hội chợ thương mại và tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện tại các hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh.
        Sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở huyện Yên Sơn trong những năm qua đang có sự chuyển biến căn bản trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với mục tiêu phát triển và xây dựng mô hình kinh tế trang trại. Toàn huyện hiện có trên 200 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận, số lượng mô hình kinh tế trang trại đã phát triển nhanh chóng ở tất cả các xã trên địa bàn. Huyện cũng xác định, phát triển kinh tế trang trại là hướng đi giúp ngành nông nghiệp đảm bảo sự phát triển bền vững. Hiệu quả lớn nhất thông qua việc phát triển kinh tế trang trại là sử dụng nguồn lợi đất đai, từ sản xuất người nông dân tích lũy được vốn, kinh nghiệm trong quản lý, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, thông qua những mô hình chăn nuôi, trồng trọt, người dân trên địa bàn huyện cũng có thêm cơ hội tiếp cận, học hỏi cách làm hay, từng bước nhân rộng, tạo ra những thay đổi căn bản trong đời sống xã hội.
        Năm 2019 là năm nước rút thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và cũng là hành trình sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện Yên Sơn đã và đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, ưu tiên thực hiện các quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Việt GAP, xây dựng chứng chỉ rừng FSC theo tiêu chuẩn quốc tế tại các địa phương trên địa bàn huyện. Việc hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nên giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện đạt trên 1 nghìn 600 tỉ đồng. Trong đó, giá trị sản phẩm từ các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt trên 800 tỉ đồng, chiếm trên 50% tổng giá trị ngành nông, lâm, thủy sản của huyện. Điều đó cho thấy, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, sự vào cuộc tích cực của chính quyền nên đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Sơn lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015- 2020 và Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XVI đã đề ra đối với việc phát triển nông nghiệp hàng hóa./.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277602

Đang Online : 144