Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 3_2015

Ngày Đăng:5/7/2016 8:52:00 PM Lượt xem: 1070

TÌM HIỂU NỘI DUNG "CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG"
QUY ĐỊNH TRONG HIẾN PHÁP NĂM 2013
                                         
                                    Trần Thị Phượng
                                        Khoa Nhà nước và pháp luật
 
Hiến pháp là đạo luật tối cao phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và công dân.
Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013, đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ta. Bản Hiến pháp có nhiều điểm mới, nhiều quy định rõ ràng, nổi bật như quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX. Trong đó, lần đầu tiên khái niệm về Cấp chính quyền địa phương được đề cập đến một cách rõ ràng. Việc quy định “ Cấp chính quyền địa phương” và điểm phân biệt giữa “ Cấp chính quyền địa phương” và “ Chính quyền địa phương” theo Hiến pháp năm 2013 là cơ sở giúp các đồng chí giảng viên có thể truyền tải nội dung bài giảng đến học viên một cách chính xác và cơ bản nhất về bản chất cũng như nội dung của Hiến pháp 2013.
  Điều 111, Hiến pháp năm 2013 quy định: "Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định".
Trước đây, Hiến pháp năm 1992 nói rất chung chung: "Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính do luật định" - Điều 118, Chương IX và Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2003 thì chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính là giống nhau bao gồm cả hai cơ quan là Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ hơn "cấp chính quyền địa phương" và " chính quyền địa phương". Mọi đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, xã) đều có chính quyền (tức là đều có Ủy ban nhân dân). Cấp chính quyền địa phương là cấp gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Nó được tổ chức phù hợp với đặc điểm, nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Do vậy không phải một đơn vị hành chính là một cấp chính quyền.  Ở đâu được coi là Cấp chính quyền địa phương thì ở đó bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, cấp chính quyền có ở những đơn vị hành chính nào sẽ do luật định. Còn ở đâu không được coi là cấp chính quyền thì sẽ có cơ quan hành chính thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính và dịch vụ công tại địa bàn - gọi là chính quyền địa phương (tức Ủy ban nhân dân).
Vậy theo quy định hiện hành sẽ có đơn vị hành chính có cấp chính quyền địa phương ( gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân), và có đơn vị hành chính chỉ có chính quyền địa phương (tức là chỉ có Ủy ban nhân dân).
Quy định mới này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn để khắc phục tình trạng cồng kềnh, trùng lắp chức năng của chính quyền địa phương trong quy định của Hiến pháp năm 1992 và giảm tải gánh nặng tài chính cho Ngân sách nhà nước.  Điều này có ý nghĩa quan trọng mở đường cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, cụ thể là cải cách bộ máy hành chính nhà nước các cấp theo hướng tinh giản, gọn nhẹ  (thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường). Khi không còn cơ quan đại diện tại địa phương, các quyền công dân vẫn phải đảm bảo đầy đủ thông qua việc tăng tính trách nhiệm của người đứng đầu Ủy ban nhân dân và tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận tổ quốc và Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Chỉ tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở những nơi, những đơn vị hành chính có khối lượng công việc lớn, phức tạp đòi hỏi phải có cơ quan đại diện. Không tổ chức Hội đồng nhân dân ở những nơi không cần thiết, mà chỉ  tổ chức chính quyền địa phương (tức Ủy ban nhân dân) làm nhiệm vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trên địa bàn địa phương.
      Quy định mới về cấp chính quyền địa phương được nêu trong Hiến pháp năm 2013 có tính chất bước ngoặt trong tổ chức bộ máy nhà nước, cụ thể là cách thức tổ chức chính quyền địa phương ở mỗi đơn vị hành chính. Mục đích của quy định mới trên nhằm phân định rõ ràng, rành mạnh hơn về cấp chính quyền địa phương, hạn chế quy định còn mang tính chất chung chung của Hiến pháp cũ. Đó là sự kế thừa có chọn lọc, khoa học về cách thức tổ chức bộ máy Nhà nước, đồng thời tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân cả nước, thể hiện tính khả thi và ưu việt của bản Hiến pháp mới. Cách hiểu về Cấp chính quyền địa phương ghi trong Hiến pháp năm 2013 cần được phổ biến sâu rộng không chỉ để cán bộ, công chức - những người thừa hành nắm được, mà để mọi người dân hiểu rõ về bộ máy công quyền phục vụ mình, đảm bảo đầy đủ các quyền công dân theo luật định.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278007

Đang Online : 199