Nghiên cứu - Trao đổi

Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày Đăng: 4/7/2019 10:9 Lượt xem: 440

        Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, có nhiều cống hiến to lớn đối với tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, chí công vô tư của  người chiến sỹ cộng sản. Tấm gương hy sinh anh dũng và những cống hiến lớn lao của người cộng sản trẻ tuổi đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để các thế hệ sau học tập và noi theo.
        Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/07/1912 trong gia đình nhà Nho nghèo ở một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng thuộc làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Là hậu duệ đời thứ 17 của đại thi hào - danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Từ thủa nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã nổi tiếng là thần đồng, ham học, hay chữ, có chí kế thừa tinh thần yêu nước của cha ông. Năm 17 tuổi, khi còn đang học ở trường Bưởi, đồng chí đã tham gia hoạt động trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Bị mật thám Pháp phát hiện và bị đuổi học, Nguyễn Văn Cừ được tổ chức phân công tham gia phong trào “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh (là một trong những trọng điểm quan trọng trong chính sách bóc lột thuộc địa của thực dân Pháp) và trở thành nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu. Không quản hiểm nguy, gắn bó với phong trào công nhân, đồng chí đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Mạo Khê, sau đó chỉ đạo thành lập Đảng ủy khu mỏ Quảng Ninh. Ngày 15/02/1931, trên đường đi công tác, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, bọn mật thám đã dùng đủ cực hình tra tấn dã man nhưng chúng không khuất phục được ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản tận trung với Đảng. Thời gian ở trong tù, mặc dầu bị đầy ải, tra tấn, Nguyễn Văn Cừ vẫn tranh thủ thời gian học hỏi, thực hiện khẩu hiệu “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” để rèn luyện nghị lực và nâng cao trình độ bản thân. Sau khi ra tù, đồng chí đã trưởng thành về mọi mặt và trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng: Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 09/1937), Tổng Bí thư của Đảng (tháng 03/1938), khi đó đồng chí Nguyễn Văn Cừ chưa đầy 26 tuổi.
        Trên cương vị là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, mặc dù chỉ trong khoảng thời gian hai năm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) sục sôi trong cả nước tạo chuyển biến trong phong trào cách mạng Việt Nam, làm tiền đề dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Là người thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với các trào lưu cách mạng cải lương, cơ hội, với tác phẩm “Tự chỉ trích” ra đời tháng 07 năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần phê bình và tự phê bình trong Đảng. Tác phẩm chỉ với hơn 40 trang, nhưng nội dung lại rất dày về tư tưởng lý luận và có ý nghĩa thực tiễn. Tác phẩm này đã giúp Đảng ta kịp thời đấu tranh uốn nắn những lệch lạc về tư tưởng trong Đảng, vạch mặt bọn tờrốtkít giả danh cách mạng, xây dựng và củng cố Đảng trên phạm vi cả nước, đề ra những chủ trương mới phù hợp với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Tác phẩm ‘Tự chỉ trích” cũng có ý nghĩa rất lớn đối với việc phê bình và tự phê bình trong toàn bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Nâng cao năng lực, trình độ thực tiễn cho cán bộ, đảng viên, tạo cơ sở vững chắc cho việc nắm bắt, kiểm nghiệm chân lý qua phê bình và tự phê bình.
        Đầu năm 1939, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến tác động đến cách mạng Việt Nam và Đông Dương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng. Được sự giúp đỡ, cộng tác của các đồng chí lãnh đạo xứ ủy và thành ủy Nam Kỳ, Nguyễn Văn Cừ đã trực tiếp biên soạn tài liệu Chính sách mới của Đảng - văn kiện chính tức của hội nghị Trung ương 6. Trong các ngày mùng 6 - 8/11/1939, tại nhà ông Hai Hy (tức Trần Văn Hy, ấp Tây - Bắc - Lân thuộc khu vực Mười tám thôn Vườn Trầu xã Tân Sơn Nhất (Bà Điểm - Hóc Môn - Gia Định), Hội nghị Trung ương lần thứ sáu đã được tiến hành với sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Hội nghị đã đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng, mà nội dung trọng yếu là giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc - giai cấp, vấn đề xây dựng Đảng, Mặt trận và phương pháp cách mạng trong tình hình lịch sử mới. Đây là những quyết định hoàn toàn chính xác, kịp thời, phù hợp với sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước. Có thể nói, Hội nghị trung ương lần thứ Sáu đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của Đảng ta. Đến nay, khi nhìn lại những sự kiện lịch sử, chúng ta càng khâm phục quyết định chuyển hướng chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng của Đảng ta tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939) là hết sức sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
        Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, thực dân Pháp ráo riết săn lùng người lãnh đạo đầy tài trí của Đảng. Ngày 17/01/1940, tại ngôi nhà số 312 đường Nguyễn Tấn Nghiệm, thành phố Sài Gòn, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Kẻ thù tìm mọi cách tra tấn, dụ dỗ hòng khai thác những bí mật trong Đảng nhưng tất cả những thủ đoạn của chúng đều thất bại trước ý chí của người cộng sản kiên cường. Bị tòa án thực dân kết án tử hình khi chưa đầy 30 tuổi, hình ảnh đồng chí hiên ngang bước ra pháp trường cùng với nhiều lãnh tụ khác của Đảng đã trở thành một tấm gương, biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất của người cộng sản. Đánh giá công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các chiến sỹ cách mạng tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh của mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy mới xứng đáng là người cách mạng
[1].
        Có những vĩ nhân mà cuộc đời đi qua lịch sử như một ánh chớp rực rỡ. Cuộc đời vì Đảng, vì dân của đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại một tấm gương chói lọi về đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập, mãi mãi là niềm tự hào vô hạn của Đảng và dân tộc ta./.
Thạc sĩ Trần Thị Mai Thu
Khoa Dân Vận
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2009, t. 6, tr. 159-160
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7985604

Đang Online : 1030