Nghiên cứu - Trao đổi

Bước đột phá trong phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa - Bài 2: Phát huy thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị

Ngày Đăng: 27/11/2019 14:33 Lượt xem: 444

 - Thực hiện mục tiêu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt bình quân trên 4%/năm theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng nhãn hiệu, phát huy thương hiệu sản phẩm, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Bài 1: Khẳng định giá trị gỗ rừng trồng

Phát huy giá trị thương hiệu

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành đã thực hiện đồng bộ 11 chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn và các thành phần kinh tế. Trong đó, tỉnh có nhiều chính sách kích cầu kinh tế nông nghiệp như Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế trang trại, Nghị quyết 12 về hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; Nghị quyết 05 về khuyến khích phát triển các HTX nông, lâm nghiệp; nghị quyết số 03 quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 02 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 11 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, cân đối gần 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ thực hiện các chính sách; lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ từ Trung ương cho nông nghiệp, nông thôn. Nhờ các chính sách kích cầu, Tuyên Quang hiện có 47 nông sản được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, có 40 cơ sở có sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc. 


Sản phẩm rau, củ, quả thủy canh của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm
bày bán tại Siêu thị Tuyên Quang.

Tuyên Quang nổi tiếng với cam sành Hàm Yên được người tiêu dùng trong cả nước biết đến nhờ giá trị thương hiệu đã được khẳng định. Toàn huyện Hàm Yên có hơn 7.000 cam ha, hiện huyện đang triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cam sành Hàm Yên. Phát huy giá trị cam sành, huyện Hàm Yên đã thành lập Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên, hỗ trợ người nông dân sản xuất cam VietGAP, cam hữu cơ, bao tiêu sản phẩm cho người trồng cam. Cam sành Hàm Yên đã đạt nhiều danh hiệu, trong đó mới đây tiếp tục nhận danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”. 

Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã nuôi ong chất lượng cao Tân Trào được chứng nhận nhãn hiệu và dán tem truy xuất nguồn gốc. Ngay sau đó, Giám đốc Hợp tác xã Triệu Sinh Tiến đăng ký với Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đưa sản phẩm tham gia các hội chợ thương mại và được người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố rất ưa chuộng. Ông Tiến chia sẻ, mỗi kỳ hội chợ, đơn vị thường xuất bán được ít nhất hơn 100 chai mật ong. 

Các sản phẩm rau, củ quả được trồng, chăm sóc theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc từ cuối năm 2018. Đầu tháng 11, đơn vị này đã ký hợp đồng cung ứng với Siêu thị Tuyên Quang, giúp người tiêu dùng có thêm địa chỉ lựa chọn sản phẩm sạch, an toàn. 

Không chỉ trợ lực về mặt chính sách, các nông sản sau khi có nhãn hiệu được ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ kết nối, tìm kiếm thị trường sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, đơn vị đã kết nối các đơn vị sản xuất trong tỉnh với nhiều siêu thị để đưa sản phẩm vào bày bán, giới thiệu. Hiện, cùng với sản phẩm rau quả thủy canh của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm, Siêu thị Tuyên Quang đang bày bán, giới thiệu một số sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh như chè Tân Trào, chè Bát Tiên Mỹ Bằng, chè Kia - tăng… Siêu thị Vinmart cũng đã ký hợp đồng, bày bán các sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã Tân Hợp, xã Hồng Thái (Na Hang). Đây là những tín hiệu tích cực sau một thời gian tỉnh tập trung chuyên canh hóa các vùng sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và các thủ tục khác liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.  

Sản xuất theo chuỗi giá trị

Năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) thực hiện mô hình liên kết sản xuất nuôi trâu, bò thịt theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2017 - 2019, hợp tác xã đã cung ứng 2.345 con trâu, bò cho 20 hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Trong đó, riêng trong 9 tháng năm 2019, đã thực hiện cung ứng 1.438 con trâu, bò thịt để vỗ béo, trong đó có 894 con trâu và 544 con bò. Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hiện nay ngoài việc thu mua trâu thịt để xuất khẩu, hợp tác xã cũng đã liên kết với Hợp tác xã Liên Hiệp (TP Tuyên Quang) để chế biến sản phẩm thịt trâu, bò khô. Đồng thời, đơn vị này cũng tìm kiếm địa điểm xây dựng các điểm bán, cung cấp sản phẩm thịt trâu, bò tươi cho người tiêu dùng. 


Chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn).

Chuỗi liên kết sản xuất chè hiện cũng được đánh giá là một trong những chuỗi sản xuất bền vững. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều công ty chè thực hiện mô hình liên doanh với người dân để cung cấp sản phẩm chè búp tươi, phục vụ xuất khẩu, như Công ty cổ phần Chè Tân Trào, Công ty cổ phần Chè Sông Lô, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm… Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến nhỏ, các hợp tác xã cũng thực hiện liên kết với các hộ trồng chè để có đủ sản lượng chế biến. 

Đội sản xuất chè tại các thôn 2, 5, 10, 15, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) nhiều năm nay liên doanh với Công ty cổ phần Chè Sông Lô chăm sóc hơn 30 ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua toàn bộ, với giá bình quân 5.800 đồng/kg, cao hơn chè sản xuất theo phương pháp thông thường 2.600 đồng/kg. Tại đội sản xuất này, đã có hơn 17 ha được Công ty cổ phần chè Sông Lô hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống tưới nước tự động, góp phần nâng cao năng suất chè búp tươi mỗi vụ lên ít nhất 15%. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Như chuỗi liên kết sản xuất, chăn nuôi trâu bò thịt; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến chè; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lạc hàng hóa; chuỗi liên kết sản xuất, nuôi trồng thủy sản… Các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực phát triển mạnh xu hướng sản xuất an toàn, thực hành nông nghiệp tốt, gắn với nhu cầu thị trường. Trong đó, vùng cam trên 7.600 ha, trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 761 ha; vùng chè trên 8.500 ha, trong đó chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất nông nghiệp bền vững là 775 ha; vùng lạc trên 4.300 ha. 

Để tiếp tục hình thành các chuỗi giá trị bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện một số mô hình như: Mô hình cánh đồng lớn sản xuất mía, lạc tại Chiêm Hóa, Sơn Dương; mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa tại Yên Sơn… 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Thành cho rằng, để quản lý nhãn hiệu nông sản, phát triển các chuỗi giá trị, cần củng cố, phát huy vai trò của các hợp tác xã nông, lâm nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 260 hợp tác xã nông, lâm nghiệp hoạt động. Hầu hết các nông sản đăng ký nhãn hiệu, các chuỗi liên kết sản xuất đều do các hợp tác xã quản lý và thực hiện. Trong năm còn lại của nhiệm kỳ và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký nhãn hiệu các nông sản mới và tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với xây dựng các chuỗi giá trị một số sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường. 

Sau gần một nhiệm kỳ, nông sản chủ lực đã chiếm lĩnh thị trường, chuỗi liên kết sản xuất bền chặt và ngày càng mở rộng… Giấc mơ nông sản xuất khẩu đang dần gần lại, khi ngành Nông nghiệp tỉnh đã có những bước đi phù hợp, từ thay đổi cách thức sản xuất đến xúc tiến, quảng bá sản phẩm với nhiều hình thức khác nhau. Đây là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều sản phẩm chủ lực mang lại giá trị thiết thực cho người dân.

Nguồn: http://baotuyenquang.com.vn

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8284630

Đang Online : 14