Nghiên cứu - Trao đổi

Sự "cất cánh" của hạt gạo thời bao cấp

Ngày Đăng: 13/2/2020 10:22 Lượt xem: 392

          Hồi nhỏ mỗi khi vào bữa cơm, chiếc vung nồi được mở ra là tôi lại khóc. Tôi khóc vì cơm nhà tôi luôn trong tình trạng phần cơm thì ít mà sắn nạo phơi khô thì nhiều. Cái mùi sắn khô nấu với cơm nó ngai ngái, nồng nồng, rất khó ăn (nấu khô thì sắn không chín hết mà quá nước thì nát). Vì thèm một bữa cơm không độn sắn nên tôi rất chăm chỉ, chịu khó đi xếp “gạch” giúp mẹ mua gạo.
          Ấy vậy mà nhà tôi còn hạnh phúc hơn nhiều gia đình khác, vì bố mẹ làm cán bộ nên có tem phiếu mua gạo, mua thực phẩm, hơn nữa nhà tôi ở vùng ngoại thành nên có thể xin đất bỏ hoang của các bác nông dân trong xóm mà trồng sắn. Do đó, dù cơm “độn sắn” nhưng còn có bữa no.
          Thế là cái đói, cái rét cứ theo đuổi tuổi thơ của tôi mà tôi cũng không nhớ cho đến khi nào nhà tôi không phải ăn “độn” nữa? Vì sao mẹ tôi lại có thể xoay sở đủ gạo cho bốn chị em chúng tôi - đang ở tuổi ăn tuổi lớn no được “cái bụng” mà không phải ăn độn? Vì sao mẹ không sai tôi đi “xếp gạch” mua gạo nữa? Lớn lên đi học đại học tôi cũng chẳng hiểu rõ về cụm từ “Thay đổi cơ chế”. Cho đến khi ra trường về làm giảng viên Trường Chính trị, có điều kiện nghiên cứu lý luận tôi mới có câu trả lời đầy đủ nhất, đúng đắn nhất cho những câu hỏi như vì sao chúng tôi không phải đói? không phải ăn “độn”? không phải xếp hàng mua gạo nữa?
          Đọc lại những ghi chép của lịch sử cho thấy: Trong thập niên 1980 của thế kỷ trước, do thiên tai và nhất là do những chính sách sai lầm về kinh tế, Việt Nam thường ở trong tình trạng thiếu lương thực. Nhiều thời điểm giáp hạt, đã xảy ra nạn đói ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc như năm 1987, do mất mùa ở Miền Trung, sản lượng lúa cả nước sụt giảm mạnh nên thiếu đói hay vào tháng 3/1988, cũng là thời điểm giáp hạt, nạn đói đã hoành hành ở 21 tỉnh, thành phía Bắc, với hơn 9,3 triệu người thiếu ăn, trong đó 3,6 triệu người “đứt bữa và đói gay gắt”.
           Đang là một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ trở thành một nước xuất khẩu với số lượng lớn trong thời gian rất ngắn (năm 1989, Việt Nam bắt đầu tiến hành xuất khẩu gạo với sản lượng tới 1,37 triệu tấn gạo, thu về hơn 310 triệu USD chỉ sau 1 năm còn thiếu đói). Đâu là nguyên nhân để nước ta có bước chuyển mình rất ngoạn mục như vậy?
          Điều đầu tiên phải kể đến là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI ngày 5/4/1988 (Khoán 10) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp là chìa khóa then chốt để mở ra một thời kỳ mới cho nông nghiệp Việt Nam nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng. Sự ra đời của Nghị quyết 10-NQ/TW với tư tưởng chủ đạo là giải phóng sức sản xuất của nông dân, đã tạo ra bước ngoặt giúp cho sản xuất lúa nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung có sự phát triển toàn diện, tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định hơn hẳn so với trước đó.
          Tiếp đó là những “cú hích” tạo động lực cho hạt gạo Việt Nam vươn xã ra thị trường thế giới như  Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI (tháng 3/1989) về bỏ nghĩa vụ thu mua lương thực, thực phẩm theo giá thấp, thực hiện cơ chế một giá, lưu thông lương thực tự do, cũng đã góp phần không nhỏ phát triển sản xuất lúa gạo nước ta; Nghị quyết Đại hội VII đã xác định: phát triển nông - lâm- ngư nghiệp gắn với công nghệ chế biến và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục đường lối đổi mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ra Nghị quyết về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010 và gần đây nhất vào ngày 5/8/2008 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và chủ trương “Xây dựng nông thôn mới” cùng nhiều chính sách khác của Đảng và Nhà nước đã và đang tạo điều kiện cho nông nghiệp nói chung và hạt gạo Việt Nam vươn mình như “Phù đổng”. Từ hạt gạo “Thời bao cấp” đã bước ra thế giới một cách vững chắc, tự tin, dần khẳng định thương hiệu với sản lượng và giá trị năm sau cao hơn năm trước, từ năm 1989 đến hết 2018, nước ta đã xuất khẩu được khoảng 127,77 triệu tấn gạo, mang về khoảng 44,66 tỷ USD và trong hơn 10 năm gần đây Việt Nam liên tục nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Không chỉ phát triển về sản lượng hơn thế nữa hạt gạo Việt Nam đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới. Chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong tất cả các phân khúc thị trường, từ thị trường cấp thấp, giá trị thấp của gạo 5%,10%,15%, 20% tấm đến thị trường cấp cao, giá trị cao của gạo thơm, gạo đồ, gạo trắng cao cấp. Từ thị trường dễ tính như Trung Quốc, Trung Đông, Châu Mỹ đến thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU và từng bước trở thành “người làm chủ cuộc chơi” trên thị trường quốc tế. Không chỉ dừng lại ở đó mà ngày 18/12/2018 hạt gạo Việt Nam chính thức có Logo thương hiệu quốc gia và đến nay Logo đã được đăng ký quyền bảo hộ trên thế giới[1]. Gần đây nhất tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Ma-ni-la (Phi-li-pin) loại Gạo ST25 do nhóm nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng lai tạo, phát triển vừa được công nhận là "Gạo ngon nhất thế giới 2019"
          Với kết quả bước đầu sau 30 năm phát triển “hạt gạo Việt Nam” đã đóng góp không nhỏ vào an ninh lương thực quốc gia, quốc tế, đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Để tiếp tục tạo động lực cho hạt gạo phát triển, ngày 03/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 với chủ trương “phát triển thị trường xuất khẩu gạo nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo, góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân, nâng cao thu nhập của người nông dân, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường sinh thái và định hướng cho công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường”.
          Có thể nói, với những quyết sách đúng, trúng của Đảng và Nhà nước, ngành lúa gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước tiến xa hơn, vững chắc hơn, bay cao hơn trên con đường hội nhập.
 
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Xây dựng Đảng
 
 

[1] Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Báo cáo của hiệp hội nông lương Việt Nam

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7984497

Đang Online : 206