Nghiên cứu - Trao đổi

Đảng bộ xã Lăng Can huyện Lâm Bình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp

Ngày Đăng: 18/5/2020 14:29 Lượt xem: 377

        Lăng Can là một xã khu vực III của huyện Lâm Bình với 8/11 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên 7.333,42 ha, chủ yếu là đất nông, lâm nghiệp với dân số là 6.022 khẩu thuộc 1.374 hộ, chủ yếu là dân tộc thiểu số (chiếm 98,6% dân số của xã). Lao động trong nông nghiệp chiếm trên 58% tổng số người trong độ tuổi; là một xã khó khăn của tỉnh Tuyên Quang với tỷ lệ hộ nghèo trong xã đầu năm 2019 là 11,7%.
        Thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020, ngay từ đầu năm 2019 Ban Chấp hành Đảng bộ xã nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng mà nhiệm vụ trư­ớc mắt là tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; tích cực áp dụng các biện pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất thâm canh nhằm phát triển kinh tế nông lâm nghiệp của xã với các giải pháp cụ thể, thiết thực như:
        Đảng bộ xã Lăng Can giao trách nhiệm cho các chi bộ đẩy mạnh các buổi sinh hoạt chuyên đề, thảo luận bàn biện pháp lãnh chỉ đạo cán bộ đảng viên, hội viên và nông dân làm giàu phù hợp với điều kiện cụ thể của từng gia đình và từng thôn. Thường  xuyên quan tâm giúp đỡ các hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo vượt khó thoát nghèo từ đồng vốn và sức lao động của mình.
        Đảng bộ lãnh đạo chính quyền xã tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích; tổ chức tập huấn để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến từng hộ; lãnh đạo hợp tác xã nông lâm nghiệp cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phục vụ sản xuất kịp thời đầy đủ cho các hộ...
         Lãnh đạo các tổ chức Hội nông dân xã, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể khác thực hiện phong trào chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; các tổ chức đoàn thể đã có kế hoạch, xây dựng các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cho hội viên đăng ký thi đua ngay từ đầu năm… Phong trào này đã góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần thực hiện các mục tiên phát triển kinh tế - xã hội chung của xã.
        Đảng bộ xã đã phát động phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trong toàn xã về phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng từ tiềm năng của xã. Qua đó đã thu hút nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong xã tham gia.    Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp năm 2019 bảo đảm đúng khung thời vụ, diện tích, năng suất, sản lượng theo kế hoạch, đẩy mạnh thực hiện phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bước đầu đã hình thành và phát triển cây trồng, vật nuôi sản xuất hàng hóa tập trung như trồng cây Bò khai, Giảo cổ lam, nuôi lợn đen, trâu, bò vỗ béo...
        Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trên mà kinh tế nông lâm nghiệp của xã Lăng Can đã có sự chuyển mình rõ rệt, từ một xã có nền kinh tế chậm phát triển trở thành một trong những xã dẫn đầu trong phong trào sản xuất nông lâm nghiệp của huyện Lâm Bình.
       Từ phong trào trên đã xuất hiện nhiều tấm g­ương gia đình đảng viên, đoàn viên, hội viên gư­ơng mẫu đi đầu trong phong trào sản xuất kinh doanh, khắc phục mọi khó khăn vư­ơn lên trong cuộc sống tạo ra hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như:
       Hộ ông Nguyễn Văn San, thôn Làng Chùa, với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi ông đã tìm tòi và quyết định lựa chon chăn nuôi lợn đen làm hướng chính để phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2016 gia đình triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi lợn đen theo hình thức gia trại, tổng đàn hiện có trên 40 con, trong đó lợn nái 08 con, lợn nuôi lấy thịt 32 con. Riêng năm 2019 gia đình đã xuất bán trên 70 con lợn thịt, cho thu nhập khoảng hơn 70 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Ngoài ra, ông còn kết hợp trồng rừng sản xuất với gần 3ha rừng keo (3 năm tuổi) và chăn nuôi thêm gà, cá, vịt. Nhờ đó, mô hình gia đình ông đã trở thành một trong những mô hình tiêu biểu của địa phư­ơng để nông dân tham quan học tập. Ngoài ra ông San còn tích cực tuyên truyền, giúp đỡ các hội viên nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong xã về kinh nghiệm để phát trển kinh tế gia đình.
        Hộ ông Hoàng Ngọc Chỉ, thôn Nặm Đíp, do diện tích canh tác hạn hẹp nên ông chọn mô hình trồng rau đặc sản của địa phương (rau bò khai) là hướng phát triển kinh tế của gia đình. Thực hiện mô hình trồng rau bò khai trở thành sản phẩm hàng hóa từ năm 2018, gia đình ông đã đầu tư trồng được 800 gốc với diện tích 1.700m2, sản lượng thu hoạch trên 450kg/năm 2018 và trên 600kg/năm 2019 với mức giá ổn định là 40.000 đ/kg. Như vậy, chỉ với diện tích chưa đầy 2000m2 của gia đình mà đã cho thu nhập trên 20 triệu đồng/năm.
         Hộ ông Nguyễn Quốc Sử, thôn Làng Chùa, xã Lăng Can, lại chọn mô hình VATR làm mô hình phát triển kinh tế gia đình, cụ thể: ông đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, vịt hướng thịt và trồng 3ha rừng mỡ. Từ mô hình này mỗi năm cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
         Từ sự quan tâm thư­ờng xuyên của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự phối của các tổ chức đoàn thể nhân dân; cùng với sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tiến tới làm giàu trên chính quê hương của người dân xã Lăng Can mà kết quả  năm 2019 rất đáng kích lệ, kinh tế của xã tiếp tục được phát triển, một số chỉ tiêu cơ bản tăng khá so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có chuyển biến tích cực, tổng sản lượng lương thực lúa, ngô quy thóc 3.011,3 tấn; phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 19.380 con, trong đó: đàn trâu 1.271 con, đạt 108,8% kế hoạch, đàn bò 233/225 con, đạt 103,5% kế hoạch, đàn lợn 2.710/3.471 con, đạt 78,1% kế hoạch, đàn gia cầm 15.166/23.126 con, đạt 65,6% kế hoạch; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Trồng mới 77,0 ha/72,8 ha, đạt 105,8% kế hoạch năm... Kết quả này đã góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã, cụ thể: năm 2019 số hộ thực giảm nghèo là 14 hộ (có 24 hộ thoát nghèo, phát sinh nghèo mới 10 hộ), nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 11,7% đầu năm xuống còn 10,48% vào cuối năm 2019.
        Với kết quả trên phần nào đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng bộ xã Lăng Can trong việc phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, từng bước xóa đói giảm nghèo. Qua đó cho thấy nghị quyết của Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống của ng­ười dân nơi đây.
 
Thạc sĩ  Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7995470

Đang Online : 416