Nghiên cứu - Trao đổi

Một số kết quả đạt được trong công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 28/6/2020 16:7 Lượt xem: 420

          Gia đình không chỉ là “tế bào” tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội. Gia đình là nơi nuôi dưỡng, rèn luyện, giáo dục nhân cách của mỗi con người và có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước, quyết định đối với sự hình thành và phát triển của xã hội. Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp của gia đình được tiếp nhận, phát triển góp phần xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa mỗi dân tộc.
           Thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đặc biệt quan tâm đến công tác này. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 14/8/2005 thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 17/7/2013 về việc tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 26/6/2013 thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020; Quyết định số 1041/QĐ-UBND ngày 07/9/2013 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác gia đình tỉnh Tuyên Quang; Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 8/7/2014 ban hành Quy định tiêu chí, thang điểm và mức đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, xóm, bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và nhiều văn bản chỉ đạo khác có nội dung về công tác gia đình... Chính vì vậy mà công tác xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:
          Thứ nhất, công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục: Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh dân số; các kỹ năng ứng xử gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, công tác xóa đói, giảm nghèo... Hình thức tuyên truyền được thực hiện phong phú và đa dạng như: trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, tọa đàm, phổ biến tại các cuộc sinh hoạt chi bộ; thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hội thi, hội diễn, các cuộc họp thôn, xóm, bản, tổ dân phố, sinh hoạt của các câu lạc bộ "Gia đình văn hoá", "Gia đình nông dân văn hoá", "Gia đình phát triển bền vững"; phát hành các ấn phẩm chuyên ngành tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới về cơ sở với trên 163.036 cuốn, gồm: sách Giáo dục đời sống gia đình; tài liệu hỏi - đáp phòng, chống bạo lực gia đình, phát hành đặc san như: Bản tin Thông báo nội bộ, Đặc san Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, Thông tin Phụ nữ Tuyên Quang, Bản tin Tư pháp Tuyên Quang, Bản tin Nông dân Tuyên Quang...; phát hành 34.820 tờ rơi; 200 đĩa tuyên truyền và 400 tranh cổ động tuyên truyền về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng... việc tuyên truyền mang ý nghĩa giáo dục tới người dân, từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống: kỹ năng làm cha me, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; vận động các gia đình tự nguyện, tự giác tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh quan tâm tổ chức các hoạt động biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân trong thực hiện công tác gia đình tại các hội nghị: "Gặp mặt Gia đình văn hóa ba thế hệ tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang", sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020” giai đoạn 2016 - 2018; tổng kết Luật Phòng chống bạo lực gia đình, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình; tích cực hơn trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
          Thứ hai, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác gia đình: tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác gia đình cấp tỉnh, đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã và tổ chức thực hiện công tác xây dựng gia đình trên địa bàn, đến năm 2019 có 7/7 huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác gia đình cấp huyện, 100% xã, phường, thị trấn có Ban Chỉ đạo cấp xã; hằng năm phối hợp với Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" hướng dẫn đánh giá, bình xét gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; sơ kết, tổng kết, tổ chức hội nghị gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh để động viên kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến từ tỉnh đến cơ sở.
          Thứ ba, chính sách và đầu tư nguồn lực: Hằng năm, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ đưa chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác gia đình vào chương trình, kế hoạch công tác; triển khai thực hiện chương trình, dự án, đề án, mô hình…, tạo điều kiện cho các hộ gia đình vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành một số vùng thâm canh, chuyên canh sản xuất hàng hóa, cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế hộ gia đình; qua đó, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực thực hiện tốt các chương trình chăm sóc, tặng quà thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách tiêu biểu, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Tiền khởi nghĩa, người cao tuổi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn...  vào các ngày Lễ, Tết với kinh phí trên 3 tỷ đồng/năm, đặc biệt là cuộc vận động toàn dân ủng hộ xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện; tăng mức đầu tư cho công tác gia đình qua các năm; triển khai thực thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là bảo hiểm y tế hộ gia đình, cụ thể số người tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình tăng hằng năm, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo an sinh, xã hội, giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho các hộ gia đình...
          Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định như: công tác tuyên truyền trong nhân dân về một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ở một số nơi chưa kịp thời; việc thực hiện Luật hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh dân số ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình, ly hôn vẫn còn xảy ra; thu nhập của một số hộ gia đình còn thấp, đời sống chưa được cải thiện. Tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống nhất là trong thanh niên vẫn còn tồn tại; các tệ nạn xã hội đã và đang thâm nhập vào nhiều gia đình....
          Để khắc phục những hạn chế góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong thời gian tới thiết nghĩ các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:
          Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 14/8/2005 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; kịp thời điều chỉnh chính sách, pháp luật cho phù hợp với điều kiện của từng thời kỳ.
          Hai là, tăng cường công tác tham mưu, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác xây dựng gia đình; đẩy mạnh sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội đối với công tác xây dựng gia đình. Lồng ghép công tác xây dựng gia đình với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm; chương trình phòng, chống các tệ nạn xã hội, buôn bán phụ nữ, trẻ em.
          Ba là, tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác gia đình các cấp; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế xã đảm bảo thực hiện yêu cầu nhiệm vụ.
          Bốn là, đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; trọng tâm là xây dựng gia đình văn hoá; thôn, bản, tổ dân phố văn hoá, vận động Nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Quan tâm phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ gia đình.
          Năm là, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình gia đình văn hoá tiêu biểu; chú trọng nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của Nhân dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
 
Thạc sĩ Đỗ Thị Phương Điệp
Phó Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
 
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8005311

Đang Online : 633