Nghiên cứu - Trao đổi

Một số gương sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp của Huyện Chiêm Hóa

Ngày Đăng: 22/7/2021 15:35 Lượt xem: 271

          Với cách nghĩ, cách làm năng động và sáng tạo trong những năm qua phong trào của thanh niên huyện Chiêm Hóa thi đua lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng đã có sức lan tỏa rộng khắp; là nền tảng cho đoàn viên thanh niên tiếp tục lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. Với nhiều chương trình, hình thức hoạt động phong phú và đa dạng như “Tập huấn khởi sự doanh nghiệp”,“Ngày hội việc làm”, tổ chức các lớp dạy nghề tại chỗ, chuyển giao những tiến bộ khoa học - kỹ thuật gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, quân nhân xuất ngũ, qua đó đã trang bị những kỹ năng cần thiết cho thanh niên trên con đường lập nghiệp.
          Huyện Chiêm Hóa hiện có trên 8.300 đoàn viên thanh niên, trong đó có trên 4.200 đoàn viên thanh niên sinh hoạt tại 26 cơ sở đoàn của khối xã, thị trấn; thực hiện Chương trình đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp thời gian qua các cơ sở đoàn đã tổ chức các hoạt động cho thanh niên tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu, tư vấn kết hợp hỗ trợ thanh niên vay vốn từ các nguồn vốn giải quyết việc làm, quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, ngân hành Chính sách xã hội, ngân hành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, phối hợp tổ chức học nghề, xuất khẩu lao động. Hiện toàn huyện có 91 mô hình thanh niên làm kinh tế với thu nhập từ 40 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, chủ yếu là các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh tổng hợp, dịch vụ, đã thành lập 04 Hợp tác xã thanh niên tại các xã Tân An, Trung Hà, Kiên Đài, Vinh Quang, có một trang trại do thanh niên làm chủ hộ, 04 Tổ hợp tác tại Phúc Thịnh, Trung Hòa, Kim Bình, Tân Thịnh, đã có 43 mô hình được vay vốn với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
          Điển hình trong phong trào thanh niên lập nghiệp của huyện có thể kể đến các cá nhân, tổ chức đoàn tiêu biểu sau: thanh niên Hoàng Thị Thiết - Bí thư thôn Nà Bây, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa mong muốn hướng đến nền nông nghiệp xanh nên đã lựa chọn chăn nuôi theo một vòng tròn khép kín “Nuôi trâu vỗ béo, lấy phân trâu nuôi giun quế, lấy giun quế nuôi gà và phân giun quế bón cỏ nuôi trâu”. Với những nỗ lực không ngừng gia đình đã thu được trái ngọt từ đàn trâu bò vỗ béo sau khi xuất chuồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đàn gà hơn 2.000 con sẵn sàng đưa ra thị trường. Đặc biệt hơn giun Trùn quế đang có đầu ra ổn định tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Mô hình chăn nuôi của thanh niên Thiết hiện đang được nhiều đoàn viên thanh niên tham quan và học tập kinh nghiệm. Qua những chia sẻ của thanh niên Thiết đã giúp các đoàn viên thanh niên có thêm định hướng mới cho việc thực hiện các mô hình khởi nghiệp của mình với phương châm “Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường” và cô gái Hoàng Thị Thiết đã vẽ con đường khởi nghiệp của mình bằng nỗ lực và niềm đam mê với nền nồng nghiệp xanh.
          Là Giám đốc Hợp tác xã Tân An, thanh niên Hà Quang Tự luôn suy nghĩ bản thân phải gương mẫu làm trước để các đoàn viên khác có thể học tập và làm theo, anh Tự đã đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi trâu bò vỗ béo với quy mô hàng hóa; trong quá trình chăn nuôi Tự thường xuyên học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào đàn vật nuôi cũng như tạo điều kiện giúp đỡ các hộ đoàn viên thanh niên. Cũng là thành viên Hợp tác xã Tân An, thanh niên Dương Văn Sự lại lựa chọn cho gia đình phát triển theo hướng trồng cây ăn quả và chăn nuôi bò, với diện tích đất sản xuất rộng, được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn “Quỹ hỗ trợ thanh niên” để đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi. Anh chia sẻ: “Tham gia vào Hợp tác xã được các thành viên của Hợp tác xã tư vấn, giao lưu, học hỏi về kỹ thuật chăn nuôi trâu bò sản xuất, được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Hợp tác xã đã tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện mô hình kinh tế”.
          Với thanh niên Hoàng Văn Sình xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa lại lựa chọn chăn nuôi ốc nhồi thương phẩm để phát triển kinh tế, sau vài năm nuôi ốc, thanh niên Sình đã có kinh nghiệm trong chăn nuôi cũng như làm con giống để mở rộng quy mô nuôi ốc, diện tích ban đầu chỉ vài mét vuông đến nay gia đình anh Sình đã phát triển lên trên 2.000m2, hiện nay mô hình kinh tế chăn nuôi ốc của anh luôn là địa chỉ cho các đoàn viên thanh niên trong và ngoài xã tới học tập kinh nghiệm. Theo anh Sình: Qua tìm hiểu phương tiện thông tin đại chúng, nghiên cứu thực tế bản thân anh nhận thấy việc trồng lúa chi phí khá cao và nguồn nước không đảm bảo nên quyết định chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang nuôi ốc nhồi thương phẩm, sau một năm chuyển đổi anh thấy nguồn thu khá ổn định.
Khác với thanh niên Sình, anh Ninh Văn Thành ở xã Kim Bình lựa chọn nghề mộc làm kinh tế, xưởng mộc của đã tạo việc làm thường xuyên cho 06 lao động (trong đó có 03 lao động là đoàn viên thanh niên ở địa phương), xuất thân từ gia đình có nghề mộc truyền thống, thanh niên Thành biết nghề từ nhỏ, cùng với bàn tay khéo léo những sản phẩm mộc làm ra được người tiêu dùng đón nhận.
          Bằng tinh thần xung kích sáng tạo, đoàn viên thanh niên xã Tân An đã phát huy sức trẻ có nhiều đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là việc mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế với quy mô ngày càng lớn đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới của huyện. Để giúp cho đoàn viên thanh niên trên toàn xã phát triển kinh tế, Đoàn thanh niên xã Tân An đã thành lập Hợp tác xã thanh niên với 10 thành viên tham gia, trong đó tập trung chủ yếu vào các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm; mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng Hợp tác xã thanh niên Tân An đã mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu, đây chính là thành quả khẳng định ý chí, nghị lực và tinh thần khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên nơi đây.
          Với những thành công bước đầu của các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên trên địa bàn huyện có vai trò của những thủ lĩnh Đoàn xã. Bởi thông qua “Chương trình đồng hành với thanh niên phát triển kinh tế” Ban Chấp hành Đoàn các xã triển khai tuyên truyền sâu rộng đến thanh niên trên địa bàn, trong đó tập trung giới thiệu về các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế; bên cạnh đó Đoàn xã đã phối hợp các đoàn thể của xã triển khai hướng dẫn về thủ tục vay vốn, mạnh dạn triển khai các mô hình kinh tế như: trồng cây chanh tứ thì, trồng gấc, chăn nuôi gia súc, gia cầm mô hình trang trại, quy mô lớn....Tăng cường kết nối các ngân hàng, các quỹ hỗ trợ, dự án để tìm vốn vay cho thanh niên. Tập trung hỗ trợ thanh niên hình thành các mô hình kinh tế, tham gia phát triển kinh tế hàng hóa theo chuỗi, gắn kết với thị trường tiêu thụ, tích cực kết nối các đơn vị hướng nghiệp, giới thiệu việc làm bền vững cho thanh niên, chú trọng giải quyết việc làm gắn với đào tạo nghề để xây dựng lớp thanh niên lao động có trình độ cao.
          Để phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, triển khai sâu rộng trong thời gian tới huyện đoàn Chiêm Hóa tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đoàn, trong đó chú trọng giúp thanh niên về vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật và xây dựng các mô hình về phát triển kinh tế qua đó khẳng định vai trò của tổ chức đoàn trong đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân lập nghiệp góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
 
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo kết quả công tác đoàn năm 2020 của Huyện đoàn Chiêm Hóa
-Trao đổi trực tiếp các mô hình kinh tế tiêu biểu do Ban Thường vụ Huyện đoàn giới thiệu

 
Thạc sĩ Trần Thị Phượng
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 
 
 
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8281731

Đang Online : 2740