Nghiên cứu - Trao đổi

Một số kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XV)

Ngày Đăng: 17/8/2021 16:3 Lượt xem: 443

          Nói đến nguồn nhân lực là nói đến tổng thể các yếu tố thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, thái độ và phong cách làm việc, kinh nghiệm sống, đạo đức, lý tưởng, chất lượng văn hóa, năng lực chuyên môn, tính năng động trong công việc mà bản thân con người và xã hội có thể huy động vào cuộc sống lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Phát triển nguồn nhân lực có thể hiểu là tổng thể các hình thức, phương pháp, chính sách và biện pháp nhằm tạo ra sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng để nguồn lực này đáp ứng ngày càng tốt hơn sự  phát triển bền vững của đất nước.
         Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV) về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020: các cấp uỷ, tổ chức Đảng của tỉnh đã tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết và Kết luận số 51-KL/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên và hội viên; kịp thời xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, Kết luận; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thường xuyên quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 02 và Kết luận số 51, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh thường xuyên giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh; các cấp uỷ, tổ chức đảng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, kết luận của Tỉnh uỷ gắn với thực hiện chương trình, hành động của cơ quan, đơn vị, địa phương về phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Một số kết quả nổi bật như sau:
          Về thực hiện một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020: Cơ cấu nhân lực trong các ngành kinh tế có tỷ lệ lao động trong các ngành kinh tế công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng, trong ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giảm dần qua các năm, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 48,9 % (giảm 25,91 % so với năm 2011, vượt 4,1 % so với mục tiêu Nghị quyết đề ra), công nghiệp - xây dựng chiếm 21,8% (tăng so 10,73 % so với năm 2011, vượt 2,8 % so với mục tiêu Nghị quyết đề ra..); trình độ nhân lực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên nổi bật so với năm 2011 (cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn trung cấp, cao đẳng, đại học, trên đại học đạt 99,4% (tăng 4,2 % so với năm 2011), cán bộ công chức cấp xã là đảng viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp, cao cấp, cử nhân đạt 91,7 % (tăng 1%); số lao động được tạo việc làm mới 217.892 lao động (vượt 37.892 lao động so với mục tiêu Nghị quyết)…
          Về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: các cấp chính quyền đã triển khai thực hiện nghị quyết, chương trình của cấp ủy đảng; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu đề ra. Chú trọng, theo dõi, đánh giá nguồn nhân lực tại địa phương, đơn vị; xây dựng đề án, kế hoạch, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo….Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu về công tác phát triển nguồn nhân lực, sáp nhập cơ quan Tổ chức và Nội vụ một số huyện Lâm Bình, Yên Sơn, Sơn Dương đảm bảo tinh gọn về đầu mối, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động…
          Về nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo: Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017-2020 (từ năm 2016-2019, đã sắp xếp giảm 09 trường công lập và 309 điểm trường lẻ, giảm 246 giáo viên); công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi , phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ được thực hiện thường xuyên, giữ vững kết quả đạt được và từng bước nâng cao chất lượng; công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông từng bước được quan tâm thực hiện, bước đầu có kết quả nhất định; các cơ sở đào tạo và dạy nghề được đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực trong tỉnh..
          Về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động: giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh có 4.347 cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 4.404 lượt đảng viên được cử đi đào tạo lý luận trung cấp trở lên; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho 4.312 lượt công chức, viên chức; đặc biệt triển khai thực hiện Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đưa 17 cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, triển vọng phát triển đang công tác tại các cơ quan cấp tỉnh về xã công tác nhằm tăng cường sự lãnh đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng nói chung. Kết quả sau thời gian thực hiện, từ 17 xã đang trong lộ trình hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn đến nay có 13/17 xã đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận chuẩn nông thôn mới…; quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo và việc làm cho người lao động thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho người lao động nông thôn và các chương trình, dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
          Về thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh: tỉnh đã tăng cường huy động nguồn lực, tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo, từng bước đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, toàn tỉnh có 227/474 trường đạt chuẩn quốc gia; từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng Trường Đại học Tân Trào thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực và trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của tỉnh; đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp….
          Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn có những khó khăn, hạn chế nhất định: kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 chưa đạt như mục tiêu về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức tham mưu, nghiên cứu tổng hợp của cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp huyện…số lượng cán bộ thu hút về tỉnh còn ít, chưa thu hút được chuyên gia, người có học hàm, học vị cao. Mặt khác đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hầu hết đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nhưng năng lực làm việc thực tế của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm trong công việc chưa cao.
          Để phát huy tích cực những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới các cấp uỷ Đảng và chính quyền tỉnh tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp như: tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các mục tiêu của phát triển nhân lực theo Chương trình phát triển nhân lực tỉnh Tuyên Quang để nâng cao nhận thức, vai trò quan trọng của nguồn nhân lực trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song song với đó, tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đưa chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh giai đoạn 2021-2025; rà soát, nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, hình thành các qũy hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất, huy động, phát huy vai trò của doanh nghiệp đối với phát triển nguồn nhân lực./.

* Tài liệu tham khảo:
  Báo cáo số 57-BC/TU ngày 25/6/2021 của Tỉnh ủy Tuyên Quang tổng kết thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.
 
Thạc sỹ Đỗ Thị Phương Điệp
Phó trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8007420

Đang Online : 309