Nghiên cứu - Trao đổi

"Tự soi, tự sửa" vũ khí sắc bén để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên

Ngày Đăng: 24/9/2021 23:18 Lượt xem: 1802

          Từ rất sớm, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: làm cách mệnh “trước hết phải có Đảng cách mệnh…”. Theo Người, Đảng cách mệnh là nhân tố quyết định sự thắng lợi của cách mạng, nhưng Đảng đó phải bao gồm những người có tư cách của người cách mệnh, mà tư cách người cách mệnh được Người khái quát hết sức đơn giản, ngắn gọn đó là “Cần, kiệm; Hòa mà không tư; cả quyết sửa lỗi mình; cẩn thận mà không nhút nhát…”. Từ những tư tưởng đó với sự quyết tâm nỗ lực của chính mình, Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 2 năm 1930.
           Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã có bước chuyển quan trọng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Song để Đảng trở thành người lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam Đảng phải không ngừng tự chỉnh đốn để Đảng thực sự là Đảng cách mạng. Từ khi chưa trở thành Đảng cầm quyền, năm 1939, Tổng Bí thư của Đảng Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm "Tự chỉ trích" để chỉnh đốn Đảng, đảng viên phải tự chỉ trích trước Đảng. Mục đích của “Tự chỉ trích: Là phải thông qua phê bình và tự phê bình trong Đảng để “tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ”. Trong “Tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ rõ “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ, hay phỉnh họ…”.[1]
          Về phương pháp phê bình và tự phê bình: Trong tác phẩm “Tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ yêu cầu: “Phê bình và tự phê bình phải tôn trọng sự thật, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ.” Đồng chí còn chỉ rõ: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, miễn là sự thảo luận luôn luôn mang tinh thần Bôn-sê-vich, không làm giảm uy tín của Đảng.[2]
          Nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian và công sức để giáo dục và rèn luyện Đảng ta. Tự phê bình và phê bình không những chỉ là tư tưởng mà còn là tấm gương mẫu mực của Người để toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên học tập và làm theo. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”.[3]
          Người khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình,… là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn…”.[4]
           Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của tự phê bình và phê bình với người cách mạng là: “Giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ… Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.[5]
           Trong toàn bộ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng, Người luôn chú ý đến việc giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, đồng thời Người luôn nhắc nhở Đảng, muốn xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân thì Đảng phải thường xuyên được xây dựng và chỉnh đốn để đáp ứng với lòng mong mỏi của nhân dân. Trước lúc đi xa, Người đã để lại bản Di chúc thiêng liêng cho toàn Đảng, toàn dân, trong đó lời dặn “Trước hết nói về Đảng”, Người chỉ rõ, để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng, “…Cần thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, bởi theo Người đó “là cách tốt nhất”.
          Trong quá trình xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn nhất quán quan điểm “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”. Đối với việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, Đảng luôn coi trọng tự phê bình và phê bình, vì Đảng khẳng định:“Tự phê bình và phê bình là một quy luật phát triển và tiến bộ của Đảng, cũng là một phương pháp căn bản để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng”.[6]
            Quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, nhiều vấn đề mới, phức tạp nảy sinh đòi hỏi Đảng phải giải quyết, một trong những vấn đề nổi cộm đó là phải thực hiện xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh loại trừ những căn bệnh nguy hiểm có thể nảy sinh trong Đảng cầm quyền. Vì vậy các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng đều chú trọng công tác xây dựng Đảng mà tập trung thể hiện cao nhất ở 3 Nghị quyết Trung ương chuyên đề, đó là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) Khóa VIII ngày 02/02/1999 về: Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, trong đó có đề cập đến việc thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ngày 16/01/2012 về: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó xác định tự phê bình và phê bình là một nhóm giải pháp quan trọng, Nghị quyết chỉ rõ: Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống…; Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã chỉ rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay đã “làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng”, nếu không bị ngăn chặn, đẩy lùi, thì đây sẽ “là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.[7]
          Đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên cơ sở đó Đảng ta nêu rõ quan điểm trong đó “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
          Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.”[8]
          Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra các giải pháp về xây dựng Đảng, trong đó đã xác định "Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, kế hoạch thực hiện việc đột phá, đổi mới của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm; chú trọng kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, kế hoạch thực hiện việc đột phá." [9]
          Suy thoái tư tưởng chính trị được hiểu là sự biến đổi về phẩm chất chính trị của mỗi người theo chiều hướng xấu, từ chỗ nể nang, ngại va chạm, ngại khó, ngại khổ, lười học tập lý luận chính trị... dần dần đi đến xa rời những nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích của Đảng, giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thường diễn ra từ từ, thầm lặng, trong một quá trình dài với những mức độ khác nhau, thể hiện ở nhận thức, thái độ, lời nói, hành vi của con người. Suy thoái đạo đức, lối sống là sự xuống cấp về đạo đức, thay đổi lối sống theo hướng tiêu cực, phá vỡ các chuẩn mực đạo đức và những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự nguy hiểm của nó còn thể hiện ở chỗ, từ “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực xấu, thù địch”.[10]
         Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Do vậy, muốn ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phải bắt đầu từ việc cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa”. “Tự soi, tự sửa” là mỗi người tự kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa chữa.
          Việc “Tự soi, tự sửa” phải được tiến hành một cách chủ động, ngăn chặn từ xa, đẩy lùi từ sớm, ngay từ khi nó bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ, trong hành động của mình và điều quan trọng là phải thực hiện thường xuyên như “ngày nào cũng ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”.[11]
Với quyết tâm chính trị cao trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã và đang tập trung cao độ cho việc tổ chức đợt sinh hoạt chinh trị chuyên đề “Tự soi, tự sửa” theo các biểu hiện suy thoái nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) trong toàn Đảng bộ Khối, coi đây là việc làm đột phá của các đảng bộ, chi bộ cơ sở. Để có cơ sở lý luận và thực tiễn chặt chẽ, có tính thuyết phục và hiệu quả cao trong đợt sinh hoạt chính trị này, Đảng ủy Khối đã tổ chức sinh hoạt thí điểm việc sinh hoạt chuyên đề “Tự sửa, tự soi” ở một số đảng bộ, chi bộ cơ sở trong Đảng bộ và đã thu được những kết quan trọng bước đầu.
          Để tiếp tục hoàn thiện triển khai kế hoạch sinh hoạt chuyên đề “Tự soi, tự sửa” trong toàn Đảng bộ Khối đạt được hiệu quả cao, theo tôi cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:
          Một là: Chi ủy, bí thư chi bộ cần quán triệt sâu sắc mục đích yêu cầu, nội dung “Tự soi, tự sửa” theo Kế hoạch của Đảng ủy Khối tới đảng viên, gắn với từng chức trách việc làm của từng cán bộ đảng viên để họ nắm chắc việc đối chiếu với hoạt động thực tiễn của bản thân để thực hiện tự soi trên tinh thần tự giác cao. Đây là khâu quan trọng trong việc thực hiện đối với đảng viên ở bước chuẩn bị.
         Hai là: Chi ủy, chi bộ khi thực hiện tổng hợp việc “Tự soi, tự sửa” của đảng viên phải xem xét kỹ từng bản tự soi, tự sửa của đảng viên, Chi ủy phải thống nhất ý kiến chấp nhận hay chưa chấp nhận việc tự soi, tự sửa của đảng viên. Trường hợp những bản “Tự soi, tự sửa” chưa đạt yêu cầu, còn đại khái chung chung thì Chi ủy, bí thư chi bộ kiên quyết gợi ý viết lại. Đây là khâu kiểm soát tính tự giác của đảng viên, nếu không làm tốt khâu này thì sẽ rất dễ dẫn đến tự soi, tự sửa cũng chỉ là qua loa, hình thức.
          Thứ ba: Việc xây dựng báo cáo đề dẫn là của Chi ủy, bí thư chi bộ, vì vậy đề dẫn phải tập trung chính cho việc xác định nhiệm vụ chính trị của chi bộ, xác định tính chất vị trí việc làm của các bộ phận đảng viên để tập trung vào tổng hợp những việc đã làm tốt và những việc chưa làm tốt hoặc chưa làm được từ đó phân tích gắn với những biểu hiện trong nội dung Kế hoạch đã nêu để xác định tính chất mức độ vi phạm suy thoái, nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện suy thoái đó là cơ sở cho bước tiếp theo xác định biện pháp khắc phục.
          Thứ tư: Đồng chí chủ trì sinh hoạt chi bộ phải thực hiện điều hành sinh hoạt đúng quy trình đúng kịch bản đã chuẩn bị, đồng thời khơi dậy được tinh thần hăng hái phát biểu ý kiến của đảng viên tham gia vào những hạn chế, khuyết điểm mà quá trình tự soi của đảng viên đã được Chi ủy tổng hợp. Nếu đảng viên chưa tự nhận ra hạn chế, khuyết điểm của mình thì trong sinh hoạt, chi bộ phải thẳng thắn phê bình chỉ rõ hạn chế, khuyết diểm cho đảng viên đó. Đây là diễn đàn quan trọng nhất để đảng viên bày tỏ tâm tư, tình cảm, thái độ chính trị của mình trong thực hiện phê bình ở chi bộ. Trong bước này đòi hỏi đồng chí bí thư chi bộ phát huy tinh thần gương mẫu trong tự phê bình và phê bình trước chi bộ, tạo khí thế cho đảng viên sôi nổi tham gia tự phê bình và phê bình.
          Thứ năm: Kết thúc việc “Tự soi, tự sửa” của đảng viên và công tác phê bình của chi bộ, thì việc cuối cùng cần phải chú ý là việc chỉ rõ giải pháp khắc phục của hạn chế, khuyết điểm trong “Tự soi, tự sửa” và tùy theo từng khuyết điểm cần phải xác định thời gian khắc phục khuyết điểm trước sự giám sát của chi bộ. Đây là khâu rất quan trọng quyết định đến hiệu quả của việc "Tự soi, tự sửa" của cán bộ đảng viên mà chi bộ trực tiếp quản lý.   
          Ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết đòi hỏi tính tự giác, “Tự soi, tự sửa” của bản thân mỗi người. Việc “Tự soi, tự sửa” là công việc đầy cam go, có khi khó khăn, đau đớn, vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác; có khi vì sợ mất thể diện, mất uy tín mà không dám “vạch áo cho người xem lưng”. Đó là một cuộc đấu tranh, giữa tình cảm và lý trí, giữa sự cầu thị và tính bảo thủ, giữa mặt tốt và mặt xấu trong mỗi con người, đòi hỏi mỗi người muốn tiến bộ phải có dũng khí để vượt qua chính mình. Với sự chuẩn bị chu đáo về chương trình, kế hoạch, sự chú trọng công tác nắm bắt, quán triệt sâu sắc tư tưởng trong cán bộ đảng viên, sự thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tự phê bình và phê bình nhất định đợt sinh hoạt chính trị chuyên đề “Tự soi, tự sửa” trong toàn Đảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh sẽ đạt được những hiệu quả rất thiết thực góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang.
 
 

[1] Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H, 2000, t6, tr 620
[2] Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H, 2000, t6, tr 625
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXBCTQG, H, 2000, t5, tr 265
4 Hồ Chí Minh Toàn tập, NXBCTQG, H, 2000, t5, tr 261
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXBCTQG, H, 2000, t5, tr232
[6] Đảng cộng sản Việt nam,Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, H, 2004, tập 37, tr638-639
[7] Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW khoá XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016, tr.23
[8] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG,ST, H.2021, tr.236-237
[9] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, tr.147
[10] Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW khoá XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016, tr.23
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.82

 
 Nguyễn Kim Tuyến
Phó Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu

Tin mới nhất:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8701931

Đang Online : 8