Nghiên cứu - Trao đổi

Tấm gương làm kinh tế tư nhân giỏi cần được học tập, nhân rộng

Ngày Đăng: 11/10/2021 10:20 Lượt xem: 266

          Anh Hoàng Văn Hương năm nay 42 tuổi, quê ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ba đời trước, cụ nhà anh từ quê hương Phú Thọ di tản do giặc Pháp gây chiến tranh, đã lên định cư lập nghiệp tại thôn Nà Bó, xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang và coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình.

 

Ảnh: Tác giả và anh Hoàng Văn Hương tại địa điểm phát triển kinh tế của gia đình
         
          Thừa hưởng ruộng đất ông cha để lại cùng với tích cực khai hoang hiện gia đình anh đã có hơn 30.000 m2 đất để phát triển kinh tế gia đình. Với một vợ và hai con còn nhỏ còn đang trong độ tuổi đi học (cháu lớn lớp 11, cháu bé lớp 4), lao động chính chỉ có hai vợ chồng. Tuy số người trực tiếp lao động ít nhưng bằng sự nỗ lực chăm chỉ cộng với tư duy vượt khó vươn lên không cam chịu đói nghèo, anh Hương đã tìm hiểu qua nhiều kênh, từ các cán bộ khuyến nông của thôn, xã Phú Bình, qua các phương tiện thông tin đại chúng, cộng với tự tích cực học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế chăn nuôi tại Tuyên Quang và các tỉnh bạn anh Hương đã rất nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường trong phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hóa, phát triển kinh tế.


 

Ảnh: Mô hình chăn nuôi Lợn rừng và Ngựa của gia đình anh Hương
         
          Trên diện tích đất hiện có, anh Hương cùng gia đình sắp xếp bố trí khoa học phù hợp các khu vực chăn nuôi của gia đình. Trên mé đồi cao, anh rào quây lại chăn nuôi ngựa, xuống bên dưới anh xây dựng chuồng lợn, gà, vịt, chim bồ câu, dưới cùng là hệ thống ao để tận dụng các chất thải gia súc, gia cầm nuôi các loại cá.


 

Ảnh: Ao nuôi cá thương phẩm của gia đình anh Hương

 
         Khi chúng tôi đến thăm quan, mặc dù đang tất bật cho đàn lợn ăn nhưng anh vẫn vui vẻ tiếp chuyện, hướng dẫn, giới thiệu tận tình để chúng tôi hiểu về quá trình và kết quả chăn nuôi phát triển kinh tế của gia đình. Anh cho biết, hiện gia đình đang có 11 con ngựa, trong đó có 4 con ngựa bạch; lợn có tổng số 100 con, trong đó lợn rừng là 53 con, lợn nái 8 con (với giá bán anh thông tin là 150.000 đồng/kg lợn rừng). Đàn vịt đẻ trứng có 150 con; 1 ha ao thả cá, sản lượng đạt khoảng 8 tấn cá các loại/năm; đàn gà có 60 con mái đẻ; bồ câu có 80 con. Thực hiện cho ăn theo phương pháp khoa học, cộng với được chăm sóc thú y đầy đủ nên tất cả các con vật nuôi của anh không bị bệnh, đều đang sinh trưởng tốt, mang lại thu nhập cho gia đình.
          Để có được kết quả như ngày hôm nay, anh Hương tâm sự cũng không phải lúc nào chăn nuôi cũng thuận lợi, như giai đoạn đầu, lúc mới tổ chức chăn nuôi lợn rừng anh cũng gặp không ít khó khăn về nguồn con giống, cách chăm sóc lợn con, cách phòng bệnh,…đã có thời điểm lợn rừng ốm chết cả chục con. Để khắc phục anh đã phải tìm hiểu rất nhiều tri thức trên intenet và không ngại cất công đi học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại chăn nuôi lợn rừng thành công khác ở trong và ngoài tỉnh để có được thành quả cho ngày hôm nay.
          Với số lượng vật nuôi các loại lớn, trong điều kiện lao động ít, không thuê thêm lao động để tiết kiệm chi phí, anh Hương đã động viên vợ sắp xếp công việc hợp lý. Mỗi sáng anh và vợ đều dậy từ 5 giờ sáng để lao động, thường đến 20 giờ tối mới xong các công việc dọn vệ sinh chuồng trại, chăm sóc, cho ăn, vừa trồng chăm sóc các cây trồng chuẩn bị thức ăn cho vật nuôi.
          Để tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi làm ra anh đã chủ động tích cực liên kết để bán ở thị trường huyện, tỉnh. Nhiều sản phẩm đã được các thương lái tìm đến tận nhà để mua, hoặc chỉ cần liên lạc qua điện thoại thông minh là anh đã tận tình gửi hàng đầy đủ đến tận nơi, bảo đảm uy tín cao. Bằng cách sản xuất và tiêu thụ hàng hóa chăn nuôi hiệu quả, hàng năm gia đình anh Hoàng Văn Hương đã có có được nguồn thu nhập rất tốt, nhiều năm trở lại đây, đặc biệt năm 2020 anh có thu nhập từ 600 đến 700 triệu đồng từ chăn nuôi.
          Bên cạnh đó, gia đình anh cũng có 1 cửa hàng gần trung tâm xã do vợ anh trực tiếp bán các mặt hàng tạp hóa, vật tư phục vụ nhu cầu đời sống, sản xuất nông nghiệp cho nhân dân trong vùng, cửa hàng này mỗi năm cũng giúp gia đình anh thu nhập thêm mấy chục triệu đồng.
 
 
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7984207

Đang Online : 473