Nghiên cứu - Trao đổi

Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập từ trực tiếp sang trực tuyến tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 5/11/2021 10:11 Lượt xem: 607

          Trước diễn biến phức tạp và khó lường do dịch bệnh Covid 19 gây ra trên toàn cầu, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều biến thể mới đã và đang gây ra nhiều lo ngại đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong xu thế chung ấy, để việc dạy và học tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang không bị gián đoạn do dịch bệnh, đảm bảo tiến độ dạy học, ngay từ đầu năm, nhà trường đã có nhiều phương án để sẵn sàng chuyển đổi khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp - trong đó có vấn đề giảng dạy và học tập từ “trực tiếp” sang “trực tuyến”.

           Thực hiện công văn số 494-CV/HVCTQG ngày 13/5/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về "Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh". Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quy định số 06-QĐ/TCT ngày 17/6/2021 về tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang.

           Nhà trường đã chủ động đầu tư và chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trực tuyến: từ lựa chọn nhà mạng, mua bản quyền phần mềm dạy học trực tuyến Microsoft Team, đặt ra các tình huống phát sinh khi mở lớp trực tuyến… Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm giảng dạy trực tuyến cho cán bộ, giảng viên, tạo lập 01 tài khoản trên phần mềm Microsoft Team để mỗi giảng viên và học viên sử dụng trên máy tính, điện thoại, máy tính bảng có kết nối internet. Nhà trường đã thành lập Tổ kỹ thuật hỗ trợ giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến. Sau khi tập huấn cho giảng viên, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học phối hợp với các khoa chuyên môn tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường, sắp xếp, phân công giảng viên giảng dạy trực tuyến tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường; mỗi bài giảng trực tuyến yêu cầu giảng viên cần xác định nội dung và thời lượng giảng dạy phù hợp, có trọng tâm, bám sát khung chương trình đào tạo.

          Qua thực tiễn được phân công giảng dạy và thảo luận một số bài thuộc Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính dưới hình thức giảng dạy trực tuyến, tôi nhận thấy một số ưu điểm và hạn chế của phương pháp này như sau:

           Thứ nhất, việc giảng dạy trực tuyến là sự lựa chọn hàng đầu trong tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến khó lường, phức tạp. Hình thức này giúp cho việc duy trì hoạt động dạy và học bình thường, vừa đảm bảo yêu cầu giãn cách để phòng chống dịch bệnh. Không giống với việc giảng dạy trực tiếp khi lên lớp, học viên cần phải có mặt để tham gia học tập, việc học trực tuyến có thể kết nối nhiều địa điểm học từ xa với nhau. Mỗi học viên chỉ cần có tài khoản, thiết bị kết nối mạng internet (máy tính, điện thoại…) là có thể học tập đúng tiến độ, an toàn, cũng như hoàn thành các nhiệm vụ được phân công tại đơn vị. Việc học trực tuyến sử dụng camera/webcam, thiết bị thu phát hiện đại nên cho chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ nét. Các thông tin (hình ảnh, âm thanh, tài liệu, video, văn bản,...) hiển thị rõ ràng giúp người dùng dễ dàng theo dõi, tiếp nhận, chia sẻ và trao đổi ngay trong giờ học.

          Thứ hai, đảm bảo an toàn khi mọi thông tin quan trọng trong giờ học chỉ có những thành viên tham dự nắm bắt được. Buổi học và tất cả nội dung học tập sẽ được mã hóa, chỉ những người được cấp quyền mới được tham gia. Phần mềm học tập trực tuyến còn có chức năng lưu trữ lại toàn bộ nội dung của buổi học do đó học viên có thể xem lại những vấn đề cần quan tâm hoặc chưa rõ trong buổi học bất cứ lúc nào. 

          Thứ ba, cùng với việc giảng dạy trực tuyến hình thức kiểm tra, đánh giá học viên cũng có nhiều sự thay đổi. Sau mỗi bài giảng trực tuyến học viên bắt buộc phải làm bài thu hoạch, dưới hình thức viết tay, số trang tối thiểu từ 03 đến 05 trang A4, đảm bảo lý luận gắn với thực tiễn. Qua đó, mỗi học viên sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu nội dung bài học, củng cố và khắc sâu thêm kiến thức đã được tiếp thu trên lớp.

          Tuy nhiên, việc giảng dạy trực tuyến vẫn còn nhiều hạn chế như: khối lượng kiến thức giảng trực tuyến ít hơn so với giảng trực tiếp do thời gian giảng trực tuyến ít hơn so với giảng trực tiếp; việc trao đổi bài với giảng viên thông qua một thiết bị trung gian khiến nhiều học viên mang tâm lý không thoải mái, không linh hoạt về ngôn từ cũng như ý tưởng. Một số học viên trong quá trình nghe giảng vẫn phải thực hiện công việc nên đôi khi không tập trung tới bài giảng. Trong quá trình học trực tuyến, đường truyền Internet, các thiết bị kết nối thông minh bị lỗi hoặc sự cố khi hoạt động… do đó cũng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học.  

          Từ những hạn chế nêu trên, tôi đưa ra một số giải pháp khắc phục như sau:

          Một là, do điều kiện thời gian, yếu tố tương tác và những điều kiện chi phối khác trong quá trình giảng dạy trực tuyến nên giảng viên cần chú trọng đến kiến thức trọng tâm, trọng điểm, có thể lược bỏ hoặc định hướng các nội dung để học viên tự nghiên cứu; đồng thời cần thiết kế lại giáo án điện tử để đảm bảo nội dung trọng tâm, sử dụng hiệu ứng phù hợp để người học dễ theo dõi.

          Hai là, việc trao đổi với học viên dù hình thức trực tiếp hay gián tiếp đều cần thiết để tạo sự tương tác với người học. Tuy nhiên, đối với giảng dạy trực tuyến câu hỏi trao đổi với học viên cần phải phù hợp, đồng thời dành một khoảng thời gian nhất định cho học viên nghiên cứu trả lời hoặc “đặt hàng” với học viên về một vấn đề nào đó liên quan tới bài mà học viên đang phụ trách ở cơ sở, qua đó phát huy sự chủ động và tích cực của học viên với bài giảng. Ngoài ra, để tăng sự tương tác, tư duy nghiên cứu độc lập của học viên, giảng viên có thể thiết kế các câu hỏi trắc nghiệm thông qua Web quizizz.com, Google form…và đưa ra yêu cầu về thời gian đối với học viên để trả lời câu hỏi, đây vừa là hình thức tạo ra không khí vui vẻ của lớp học, vừa là hình thức điểm danh của giảng viên lên lớp.

          Ba là, bản thân giảng viên cần tự thích nghi với công nghệ, nâng cao khả năng xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình giảng dạy trực tuyến (như: bị thoát ra khỏi lớp; bị chiếm quyền diễn giả;…); kịp thời liên hệ với Tổ kỹ thuật hỗ trợ giảng dạy, quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến khi có tình huống không xử lý được. Trước khi có lịch lên lớp, giảng viên cần đến trước 20 - 30 phút để lập phòng ổn định lớp học; nhắc nhở học viên bật và chỉnh camera, chọn không gian yên tĩnh để học tập và kiểm tra lại các thiết bị hỗ trợ học tập. Đồng thời, phối hợp với cô giáo chủ nhiệm lớp điểm danh quản lý học viên trước, trong và sau khi lên lớp.

          Bốn là, để bài giảng đạt hiệu quả về chất lượng thì ý thức tự giác học tập của học viên là rất quan trọng, mang yếu tố quyết định. Mỗi học viên cần xác định tâm thế, tư tưởng, tác phong học tập nghiêm túc như đang học tập trực tiếp tại trường. Sau mỗi bài giảng, học viên cần khai thác hệ thống tư liệu, câu hỏi và thực hiện theo yêu cầu của giảng viên./.


 
Thạc sĩ Bùi Trung Dũng
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8280037

Đang Online : 1045