Nghiên cứu - Trao đổi

Đô thị hóa và sự tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2010-2020

Ngày Đăng: 15/11/2021 16:31 Lượt xem: 330

       Đô thị hóa (ĐTH) là quá trình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội mà biểu hiện đặc trưng là sự gia tăng các khu dân cư đô thị, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đất đai vàsự chuyển đối lối sống ngày càng văn minh hơn2. Quá trình ĐTH là một xu thế tất yếu, diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở tất cả các quốc gia trên thế giới, nước nào có trình độ phát triển kinh tế xã hội càng cao thì tỷ lệ ĐTH càng cao.
       Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, cùng với xu thế ĐTH chung của cả nước, tỉnh Tuyên Quang đang có những biến chuyển tích cực về kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực, năm 2020 mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song GRDP vẫn tăng 5,24% đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4 trong các tỉnh miền núi phía Bắc6. Quá trình ĐTH tại Tuyên Quang đã làm chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất theo hướng giảm dần diện tích đất nông nghiệp và tăng diện tích đất phi nông nghiệp và ảnh hưởng tới sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
        Với quy mô dân số Tuyên Quang năm 2020 là 792.900 người, dân số  giai đoạn 2010-2020  tăng thêm 63.562 người, tỷ lệ tăng bình quân trong giai đoạn này là 0,8%/ năm trong đó tỷ lệ tăng dân số khu vực thành thị là 1,37%; khu vực nông thôn 0,71%. Tỷ lệ tăng dân số của tỉnh Tuyên Quang thấp hơn so với tỷ lệ tăng chung của cả nước và của vùng Trung du và miền núi phía Bắc (tỷ lệ tăng bình quân của cả nước trong cùng chu kỳ là 1,14%/ năm; của cùng là 1,26%/ năm).4
       Theo thống kê 80% tỷ lệ dân số sống ở nông thôn; quy mô dân số giữa thành thị và nông thôn của Tuyên Quang trong giai đoạn 2010 – 2019 không có sự chuyển dịch nhiều, theo đó tỷ lệ ĐTH ở mức trung bình từ năm 2010 - 2018 là 13,1% - 13,8% và tăng cao vào hai năm gần đây (năm 2019 là 18,09%, năm 2020 là 21,45%4). Nguyên nhân của sự tăng cao là do các khu công nghiệp của tỉnh chủ yếu được đặt tại các xã thuộc ven thành thị, do vậy không có biến động lớn việc lao động vùng nông thôn phải di chuyển ra khu thành thị để làm việc.
        Cùng với quá trình thay đổi cơ cấu dân cư, quá trình mở rộng đô thị hóa ở Tuyên Quang trong 10 năm qua đã có những biến chuyển đáng kể. Trước năm 2010, tỉnh có 01 thị xã Tuyên Quang, trong đó có 03 phường; 05 huyện với 05 thị trấn và 137 xã. Đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 06 đô thị, trong đó: thị xã Tuyên Quang đã được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh và thuộc đô thị loại II với 10 phường; 06 huyện gồm Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Na Hang, Lâm Bình với 06 thị trấn thuộc đô thị loại V và 122 xã.
Nhìn chung, công tác xây dựng và phát triển đô thị của tỉnh đang thực hiện theo đúng mục tiêu quy hoạch đã đề ra song do nguồn vốn xây dựng và nâng cấp đô thị còn hạn hẹp nên tiến độ vẫn còn chậm.
         Cùng với quá trình đô thị hóa, cơ cấu kinh tế của tỉnh Tuyên Quang đã có những bước chuyển dịch quan trọng, phát triển theo hướng duy trì tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng; đồng thời giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2010, ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản tỷ trọng 32,44%; công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 23,84%; dịch vụ là 40,76%. Ngành công nghiệp và xây dựng có tỷ trọng thấp nhất trong cơ cấu kinh tế. Đến năm 2020, tỷ trọng Nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 22,91%; ngành công nghiệp và xây dựng đã phát triển nhanh chóng và tăng tỷ trọng lên 33,97%; ngành dịch vụ tỷ trọng tăng lên 43,12%5. Có được kết quả này là sự đóng góp đáng kể của ngành công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp sản xuất và chế biến gỗ.
       Tăng trưởng kinh tế của Tuyên Quang trong những năm qua gắn liền với sự gia tăng mạnh mẽ của khu vực công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất hàng hóa được gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tỷ trọng khối dịch vụ tiếp tục tăng, đánh dấu vững chắc hơn cho một giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa gắn liền với hiện đại hóa. Sự phát triển này là phù hợp với đường lối phát triển kinh tế chung của đất nước.Trong giai đoạn tới, tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển hai khối ngành công nghiệp và dịch vụ để góp phần quyết định tới tăng trưởng nhanh nền kinh tế của tỉnh.
        Kết quả bước đầu của quá trình đô thị hóa ở Tuyên Quang những năm qua đã góp phần làm cho hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại hơn; chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất và cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra theo chiều hướng tích cực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp, nông thôn. Diện tích đất chưa sử dụng được khai thác khá tốt để vào mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và xuất khẩu.
       Quá trình ĐTH đã thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các khu vực vùng ven đô thị thông qua việc xây dựng các cụm khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhà máy chế biến. Hoạt động này đã thu hút được một lượng lớn lực lượng lao động nông thôn, lao động tại chỗ, từ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong khu vực
Đô thị hóa góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất dưới tác động của ĐTH tại Tuyên Quang đã góp phần tạo tiền đề cho việc phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, đưa Tuyên Quang là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) xếp hạng từ 56/63 tỉnh ở năm 2011 lên vị trí 31/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 5/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu đất hợp lý còn làm tăng nguồn thu từ đất đối với những diện tích đất có vị trí thuận lợi, có khả năng sinh lời cao.
      Quá trình ĐTH tại Tuyên Quang trong giai đoạn 2010 – 2020 phát triển theo chiều hướng tích cực, hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, và tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. ĐTH đã đem lại những mặt tích cực cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa ở Tuyên Quang còn một số hạn chế:
       Việc xây dựng một số các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội diễn ra chậm. Nguồn thu ngân sách hàng năm thấp nên việc đầu tư kinh phí để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch mời gọi các nhà đầu tư còn hạn chế; một số công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa được triển khai kịp thời theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.
       Chuyển đổi đất nông nghiệp dẫn đến tình trạng bộ phận người dân không có đất sản xuất và thiếu việc làm. Mặc dù địa phương đã có chính sách đền bù cho các hộ bị lấy đất, song trong thực tế, khung giá đất nông nghiệp đã được quy định rất thấp, còn giá các loại đất chuyên dùng lại rất cao, chính vì vậy việc người dân không bàn giao mặt bằng, thậm chí còn phản đối, khiếu kiện.
       Đô thị hóa làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực nông thôn bởi các chất thải, rác thải công nghiệp và sinh hoạt. Nguy cơ gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước cao, làm mất đi hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại các khu vực nông thôn.
Để hạn chế những mặt tiêu cực do quá trình ĐTH đem lại, đồng thời phát triển ĐTH ở tỉnh Tuyên Quang theo hướng bền vững trong tương lai cần làm tốt một số giải pháp như sau:
        Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai, tạo cơ chế thông thoáng và thuận tiện để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư. Giải quyết tốt việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đảm bảo thực hiện dự án theo kế hoạch.
         Xây dựng quy hoạch, khai thác và sử dụng quỹ tài nguyên đất đai theo hướng bền vững và có hiệu quả. Gắn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quy hoạch các ngành, các lĩnh vực. Ưu tiên quỹ đất cho các nhu cầu phát triển như: thương mại dịch vụ, xây dựng đô thị, khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng các lĩnh vực như giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao.
Các cơ quan quản lý chuyên môn như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường và quản lý chặt chẽ công tác phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án; đối với các dự án mới, ngoài việc thẩm định dự án theo quy định thì ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, công nghệ sạch.
        Chính quyền địa phương các cấp cần thực hiện tốt các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, rà soát, bổ sung các chính sách hỗ trợ khác như: Tạo việc làm, đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý kinh tế hộ gia đình cho đồng bào dân tộc, tạo đầu ra cho các sản phẩm nông lâm kết hợp, chế biến và bảo quản nông sản.
 
 Đỗ Việt Hà
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

  TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]       Đàm Trung Phường (2005), Đô thị Việt Nam, NXB Xây Dựng,
[2]       Cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang (2020), Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 5,24% trong năm 2020, Truy cập tại https://tuyenquang.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=18134&l=Tintuc ngày 29/12/2020
[3]       Cục Thống kê Tuyên Quang (2019), Báo cáo kết quả sơ bộ số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Báo cáo số 219/BC-CTK ngày 21/10/2019
[4]       Cục Thống kê Tuyên Quang (2014, 2015, 2016, 2017, 2018), Niên giám thống kê 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, NXB Thống Kê
[5]       Cục Thống kê Tuyên Quang (2020), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và 12 tháng năm 2020 tỉnh Tuyên Quang,, Báo cáo số 245/BC-CTK ngày 28/12/2020
[6]       Tỉnh Ủy Tuyên Quang (2020), Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang Khóa XVII, Ban hành ngày 02/10/2020 

Tin mới nhất:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8701783

Đang Online : 98