Nghiên cứu - Trao đổi

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Ngày Đăng: 30/11/2021 8:18 Lượt xem: 759

            Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay, tồn tại khái niệm về khu vực kinh tế chính thức và khu vực kinh tế phi chính thức. Trong khi khu vực kinh tế chính thức gồm những đơn vị sản xuất kinh doanh có giấy phép kinh doanh, có tư cách pháp nhân, thì khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam được định nghĩa là “tất cả các doanh nghiệp tư nhân không đủ tư cách pháp nhân, sản xuất ít nhất một số hàng hóa và dịch vụ để bán hoặc trao đổi, không có giấy phép kinh doanh và tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp”. Đây là tập hợp các đơn vị sản xuất sản phẩm, vật chất và dịch vụ, thường có tổ chức quy mô nhỏ, quan hệ lao động chủ yếu dựa trên lao động không thường xuyên, họ hàng hoặc có tính cá nhân hơn là những quan hệ lao động qua hợp đồng với những bảo đảm chính thức về quyền lợi, trách nhiệm lao động. 
          Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê chỉ phản ánh khu vực kinh tế chính thức, tuy nhiên khu vực kinh tế phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn ở Việt Nam và chủ yếu bao gồm các hộ kinh doanh gia đình, người lao động tự do và doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng lao động trong khu vực này chiếm tới 48,9% (26,2 triệu người), tương đương với tỷ trọng người làm công ăn lương (48,4%). Phần lớn số lao động này sinh sống ở khu vực nông thôn, chỉ có gần một phần tư sống ở khu vực thành thị. Khu vực kinh tế phi chính thức gồm một số đặc điểm nổi bật sau:
          Thứ nhất, người lao động làm việc phi chính thức không có việc làm thường xuyên, thời gian lao động dài, thu phập thấp, ít có khả năng phát triển nghề nghiệp, dễ bị tổn thương trước các tác động từ bên ngoài. Họ không được điều chỉnh hay bảo vệ bởi luật lao động, khó tiếp cận với các chương trình trợ cấp xã hội.
          Thứ hai, tỷ lệ qua đào tạo của lao động phi chính thức là khá thấp, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn nơi có nhiều làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp và các tổ hợp tác.
          Thứ ba, các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính tức thường hoạt động với quy mô nhỏ, tổ chức sản xuất đơn giản. Mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động chủ yếu dựa trên nền tảng tạm thời hoặc mối quan hệ gia đình, không dựa trên hợp đồng lao động chính thức.
          Thứ tư, khu vực kinh tế này không đóng góp vào thuế hay bảo hiểm xã hội nhưng lại chiếm tỷ trọng không nhỏ trong GDP.
          Thứ năm, khó phân định giữa chi phí sản xuất với chi phí gia đình. Các đơn vị kinh tế này không thể đứng ra ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp khác do không có giấy phép kinh doanh, không có tư cách pháp nhân.
          Tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khu vực kinh tế phi chính thức thu hút số lượng khá lớn lao động, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ cho xã hội với giá cả thấp, phù hợp với mức sống của người có thu nhập thấp. Trong điều kiện nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, rất nhiều người lao động bị mất việc tại khu vực kinh tế chính thức, khu vực kinh tế phi chính thức có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho bộ phận lao động này. Đơn vị kinh tế thuộc khu vực này có ưu thế về nguồn lao động giá rẻ, không đóng góp thuế, bảo hiểm xã hội nên chi phí sản xuất thấp, tính cạnh tranh cao.

 

Các thành viên Đội xe ôm tự quản Bến xe khách Tuyên Quang

          Bên cạnh đó, khu vực kinh tế phi chính thức còn tồn tại những hạn chế như: điều kiện sản xuất kinh doanh tạm bợ, khó tiếp cận tới các dịch vụ công, khó tăng quy mô sản xuất; điều kiện làm việc bấp bênh và thu nhập không đảng bảo ổn định; người lao động không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện nhưng tỷ lệ này cũng khá thấp; ... Đặc biệt trong thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những người lao động phi chính thức thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu thiệt thòi nặng nề ,vì họ không được tiếp cận với các cơ chế nghỉ phép hoặc nghỉ ốm và ít được bảo vệ bởi các cơ chế an sinh xã hội thông thường. Do vậy, vấn đề việc làm và thất nghiệp của lao động khi đại dịch đã và trở thành gánh nặng lớn trong các gói cứu trợ, nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời, làm sụt giảm quá trình sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng sản phẩm và khả năng vực lại của nền kinh tế trong thời gian tới.
          Khu vực kinh tế phi chính thức tồn tại ở Việt Nam là tất yếu khách quan và vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động cũng như đóng góp không nhỏ cho GDP vì vậy cần phải có chính sách và mục tiêu cho khu vực kinh tế này. Để khắc phục những hạn chế và giảm tính dễ bị tổn thương đối với lao động phi chính thức nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế này phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp như:
          - Thúc đẩy quá trình chính thức hóa nền kinh tế như chuyển hộ sản xuất kinh doanh sang thành lập, đăng ký và hoạt động theo các hình thức doanh nghiệp theo quy định tại luật doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc thành lập mới doanh nghiệp.
          - Có chính sách hỗ trợ về thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình gia nhập, rút lui khỏi thị trường; cụ thể hóa các chương trình hỗ rợ về vốn, tín dụng, mặt bằng sản xuất, công nghệ, tiêu thụ sản phẩm và đào tạo nhân lực.
          - Khuyến khích đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động trong khu vực phi chính thức.
          - Xây dựng các chuỗi liên kết, mở rộng các hợp đồng phụ, tạo mối liên hệ với khu vực kinh tế chính thức; tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất kinh doanh phi chính thức tham gia cung cấp các sản phẩm thủ công, dịch vụ phục vụ du lịch, các chuỗi bán hàng tại các đô thị ...
          - Tăng cường chính sách công và sự bảo vệ đối với lao động phi chính thức; bảo đảm các quyền cơ bản của người lao động về việc làm thông qua hợp đồng lao động, tham gia BHXH và bảo vệ các điều kiện làm việc tối thiểu, thi hành những điều luật về tiền lương và thu nhập công bằng.
          - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử phạt đối với những hành động cố tình vi phạm các quy định về hợp đồng lao động, an toàn lao động và đóng BHXH cho người lao động
          - Tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp cho lao động phi chính thức; xây dựng các chương trình, phương pháp đào tạo phù hợp với từng đối tượng lao động cụ thể, đảm bảo tính thực tế, dễ tiếp cận, ít tốn kém, gắn với nhu cầu thực tiễn của người lao động.
          - Đẩy mạnh phát triển chương trình BHXH tự nguyện thông qua cơ chế khuyến khích, hỗ trợ kinh phí để người lao động phi chính thức được tham gia BHXH tự nguyện.
          - Nhà nước cần thực hiện một loạt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động yếu thế trong xã hội
          - Đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (theo Thông báo số 475/TB-VPCP ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ); xây dựng phương pháp luận và tiến hành đánh giá kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát, nhằm phản ánh đầy đủ quy mô của nền kinh tế theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.


Nguồn:
1) Báo cáo Lao động phi chính thức 2016 - ILO, Nhà xuất bản Hồng Đức
2) Báo cáo điều tra Lao động việc làm năm 2020 - Tổng cục Thống kê
3) https://nhandan.vn/kinhte/phat-trien-ben-vung-khu-vuc-kinh-te-phi-chinh-thuc-648856/



 
Thạc sĩ Trần Phương Linh
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
 
 
 
 
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8279631

Đang Online : 639