Nghiên cứu - Trao đổi

Ý nghĩa của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và sự vận dụng trong ngoại giao Việt Nam hiện nay

Ngày Đăng: 26/1/2022 15:30 Lượt xem: 858

          Cách đây 49 năm, ngày 27/01/1973, hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại thủ đô Paris nước Cộng hòa Pháp - lấy tên là Hiệp định Pari. Hiệp định là văn bản pháp lý quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Từ hiệp định này, đế quốc Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam, đưa đến chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
          Hiệp định Paris có ý nghĩa quan trọng, đó là cuộc đấu tranh kiên cường vì các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam. Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều, là văn bản pháp lý toàn diện, đầy đủ nhất công nhận các quyền cơ bản, trong  đó  Mỹ  buộc  phải cam kết "tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", điều mà họ đã cố tình lẩn tránh ở Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào nỗ lực tạo nên bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, từng bước buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, hoàn thành mục tiêu chiến lược "đánh cho Mỹ cút", duy trì được lực lượng. Hiệp định mở ra một cục diện mới, so sánh lực lượng trên chiến trường nghiêng hẳn về ta, tạo đà để toàn quân, toàn dân ta tiến lên "đánh cho Ngụy nhào". Hiệp định Paris còn góp phần ngăn chặn mọi âm mưu can thiệp trở lại của Mỹ khi ta giành thắng lợi hoàn toàn với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
          Ðối với nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao, một lần nữa khẳng định chân lý: một dân tộc quyết hy sinh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định sẽ giành được tự do độc lập mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Hiệp định Paris là minh chứng hùng hồn cho chân lý “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh của mình.
          Trong nền ngoại giao Việt Nam, Hiệp định Paris mãi là trang sử vàng chói lọi, phát huy cao độ nghệ thuật ngoại giao Việt Nam kết tinh từ lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá.
 
Hội nghị Pari về Việt Nam
 (ảnh tư liệu-hệ thống tư liệu Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam)
 
          49 năm đã trôi qua kể từ khi Hiệp định được ký kết, cục diện thế giới đã có nhiều thay đổi. Từ thắng lợi của Hiệp định Paris, dân tộc ta đã tiến những bước dài trên con đường độc lập, thống nhất,  xây dựng đất nước phồn vinh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Chúng ta đã phá bỏ bao vây cấm vận, mở cửa hội nhập vào khu vực và thế giới, là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, là thành viên của hầu hết các tổ chức khu vực và quốc tế.
          Kế thừa và vận dụng tư tưởng ngoại giao của Hội nghị Pari năm 1973, trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì hòa bình hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Sự vận dụng đó thể hiện cụ thể như sau:
          Một là, đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta hiện nay vừa kiên định, giữ vững lập trường, vừa mềm mỏng, linh hoạt, thể hiện được bản sắc, văn hóa, cốt cách của con người Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ trong bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021. Với hình tượng cây tre, đồng chí Tổng bí thư đã đưa ra và khẳng định đường lối “ngoại giao cây tre” và chứng minh rằng dân tộc Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào cũng luôn kiên cường, vững chắc như cây tre nhưng cũng mềm mỏng, linh hoạt, dĩ bất biến, ứng vạn biến, luôn kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
          Hai là, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế"[1]. Với quan điểm đó đã giúp khơi thông, mở rộng quan hệ đối ngoại và đưa quan hệ với nhiều đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, thuận lợi cho công cuộc đổi mới phát triển đất nước. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó 3 nước có "quan hệ đặc biệt", 17 nước "đối tác chiến lược" và 13 nước "đối tác toàn diện". Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...
          Ba là, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, ngành ngoại giao đã chủ động tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai ngoại giao kinh tế, ngoại giao vắc- xin, tranh thủ sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của cộng đồng quốc tế về vắc- xin, vật phẩm y tế trong điều trị và phòng chống và thích ứng an toàn với dịch bệnh.
          Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, từ đó nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
          Từ thắng lợi trong phương pháp ngoại giao tại Hội nghị Pari, với những kết quả đạt được trong công tác ngoại giao hiện nay có thể khẳng định: Hiệp định Pari đã tạo đà nâng cao bản lĩnh, xây dựng đường lối ngoại giao chủ động, linh hoạt của Đảng, Nhà nước ta góp phần  xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước vì một Việt Nam độc lập, hòa bình, hùng cường và thịnh vượng./.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày14/12/2021
 
 

[1] Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam-Tr. 161-162
 
Thạc sĩ Trần Thị Mai Thu
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8279628

Đang Online : 636