Nghiên cứu - Trao đổi

Những đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Văn Lương trong công tác Xây dựng Đảng

Ngày Đăng: 28/3/2022 12:2 Lượt xem: 553

Đồng chí Lê Văn Lương (1912 - 1995), tên thật là Nguyễn Công Miều là người cộng sản kiên trung thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng ta, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước ta giao phó nhiều trọng trách: Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI và khóa VII.
Trên cương vị nào đồng chí Lê Văn Lương luôn nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, cần, kiệm, liêm, chính, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết.Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh.
Đặt nền nếp cho hoạt động của Ban Tổ chức Trung ương
Cuối năm 1948, đồng chí Lê Văn Lương được Bộ Chính trị và Bác Hồ phân công thay đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban Đảng vụ. Trên cương vị công tác này, đồng chí Lê Văn Lương có nhiều đóng góp vào thành công chung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đồng chí đã tham mưu, giúp Trung ương, Bộ Chính trị chuẩn bị tổ chức Đại hội, soạn thảo điều lệ mới, chuẩn bị nhân sự ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sau hơn 15 năm Đảng mới tổ chức đại hội, số lượng đảng viên tăng lên rất nhanh, trong đó rất nhiều đồng chí xứng đáng được lựa chọn; vì vậy, việc tham mưu lựa chọn, giới thiệu vào Trung ương phải thật sự khách quan, công tâm. Là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội II của Đảng, đồng chí đã phát huy dân chủ, điều tra, thăm dò, quan tâm lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên các cấp, chú trọng chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo để đánh giá, lựa chọn cán bộ. Một tác phong cẩn trọng trong đánh giá, sử dụng, sắp xếp cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Cũng trong thời kỳ này, đồng chí đã tham mưu mở cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức gắn với cuộc vận động cải cách ruộng đất tại những vùng mới giải phóng theo đúng tinh thần Cương lĩnh chính trị của Đảng; đồng thời, chú trọng công tác giáo dục nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần nhanh chóng ổn định hệ thống tổ chức đảng và củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, xây dựng hậu phương vững chắc để kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ
Khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đồng chí tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình và xác minh những sai lầm, kịp thời báo cáo với Trung ương và Bác Hồ, giúp Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai như: thả ngay và minh oan cho những người bị bắt oan, xử lý oan; khôi phục đảng tịch cho những đảng viên bị xử lý sai... Do đó công tác sửa sai của Đảng được tiến hành khẩn trương và có kết quả. Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương (khoá II) tháng 9/1956, đồng chí đã thẳng thắn, nghiêm túc tự phê bình và với ý thức trách nhiệm đầy đủ trước Đảng, trước nhân dân, đồng chí đã đề nghị và được Trung ương đồng ý cho đồng chí không tham gia Bộ Chính trị và phân công về làm Bí thư Khu uỷ Tả Ngạn để tiến hành sửa sai.
Năm 1957, đồng chí Lê Văn Lương được Bộ Chính trị phân công trở lại làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo Ban, tập trung chỉ đạo công tác phát triển đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, mở cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng, tổ chức phối hợp với cuộc vận động cải cách ruộng đất; định hướng chỉ đạo kết nạp vào Đảng những nhân tố tích cực được lựa chọn trong quân đội và trong cải cách ruộng đất; mở rộng công tác giáo dục nâng cao chất lượng đảng viên; đặc biệt là nâng cao ý thức tổ chức, làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân, xây dựng Đảng thành một khối thống nhất. Đồng chí Lê Văn Lương nhấn mạnh: “Tất cả cán bộ và đảng viên, bất kỳ hoạt động ở ngành nào, cũ hay mới, công nông hay trí thức, cấp trên hay cấp dưới, đều phải đoàn kết, nhất trí. Phải hăng hái chấp hành nghị quyết của đa số và cấp trên, tuyệt đối phục tùng kỷ luật của Đảng, đồng thời, đem ý kiến, sáng kiến, kinh nghiệm của mình góp vào việc quyết định các chủ trương, chính sách của Đảng và giúp sức các cơ quan chỉ đạo làm việc”.
Trong giai đoạn 1973 - 1976, trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng, như: Nghị quyết số 225 ngày 20 tháng 2 năm 1973 của Bộ Chính trị về “Công tác cán bộ của Đảng trong giai đoạn mới”. Đây là một văn kiện rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu bức thiết của tình hình và nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ. Để triển khai quán triệt và thực hiện Nghị quyết, đồng chí nhấn mạnh: Có phương án xây dựng bộ máy tổ chức tốt sẽ quyết định việc xây dựng từng người cán bộ được tốt. Quán triệt phương châm trên, cần nhận rõ tác động qua lại giữa nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức với việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ tổ chức. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức và tiêu chuẩn cán bộ mà tiến hành đánh giá cán bộ, điều chỉnh cán bộ và kiện toàn bộ máy. Trong công tác cán bộ, đồng chí rất coi trọng kết hợp cán bộ già, trẻ, cũ, mới, cán bộ là trí thức, cả cán bộ ngoài Đảng và xác định sự nghiệp cách mạng là lâu dài, lớp người sau kế tiếp lớp người trước, đội ngũ cán bộ từng bước phải được mở rộng bổ sung, phát triển, được tiếp nối liên tục giữa lớp cán bộ này với lớp cán bộ khác và phải kế thừa có chọn lọc. Phải có sự đoàn kết giữa các lớp cán bộ, tránh gây ra những tâm trạng tiêu cực, không có lợi cho sự nghiệp chung. Đồng chí lưu ý: Cần khắc phục tình trạng một số cơ quan và cán bộ lãnh đạo chỉ bàn nhiệm vụ chính trị, còn về công tác cán bộ thì bàn rất qua loa, khoán cho vụ tổ chức. Như vậy là chưa làm đầy đủ trách nhiệm của người lãnh đạo.
Như vậy, với cương vị là một cán bộ tham mưu cho Đảng về công tác tổ chức đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp quan trọng tạo nền nếp hoạt động cho Ban Tổ chức Trung ương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Xây dựng tư tưởng làm phương châm chủ yếu trong công tác xây dựng Đảng
Từ năm 1951, khi đánh giá về chất lượng đảng viên và công tác xây dựng Đảng, đồng chí Lê Văn Lương cho rằng, không ít người chỉ nghĩ đến việc kết nạp được nhiều đảng viên, phát triển tổ chức cơ sở đảng rộng khắp, sửa đổi lối làm việc, kiện toàn cơ quan chỉ đạo các cấp... và cho rằng, những công việc đó là toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Thực tế cho thấy, nếu tăng cường kết nạp đảng viên, mở rộng tổ chức cơ sở đảng... mà không nắm vững tư tưởng chỉ đạo công tác tổ chức thì sẽ phạm sai lầm; bởi, đã đưa vào Đảng những phần tử chính trị và tư tưởng lạc hậu, dẫn đến tình trạng là: tuy số đảng viên đông, tổ chức cơ sở đảng rộng, nhưng tổ chức đảng phức tạp, thậm chí không giúp ích gì cho việc thi hành nghị quyết Đảng, mà còn làm chậm hoặc cản trở việc thi hành đó nữa. Mặt khác, về thực tế, Đảng ta ra đời trong một nước nông nghiệp, đa phần đảng viên là nông dân, trình độ lý luận còn hạn chế, lập trường, quan điểm của Đảng đôi khi còn chưa rõ. Do đó, nhiều khi làm sai đường lối, hoặc có khi đi ngược chủ trương của Đảng mà không biết! Một số ít đảng viên, về tổ chức thì đã gia nhập Đảng, nhưng về tư tưởng thì còn ở ngoài Đảng. Với sự chỉ đạo chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc của Đảng, nên bình thường họ vẫn chấp hành nghị quyết của Đảng, nhưng đôi khi họ biểu hiện những hành vi chưa thống nhất với Đảng. Đối với những đảng viên như vậy, nếu chỉ dựa vào hình thức kỷ luật Đảng để sửa chữa thì chưa đủ, mà cần phải tiến hành công tác giáo dục tư tưởng sâu sắc và lâu dài. Là nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, nhìn rõ thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên và yêu cầu của cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương đã có quan điểm xây dựng Đảng ta vững mạnh toàn diện là:
Về giáo dục lý luận, tăng cường trong Đảng việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin để cho mọi đảng viên tiếp thu được những kinh nghiệm quý của cách mạng thế giới, nắm vững lập trường, quan điểm của Đảng, nâng cao nhận thức chính trị; để đảng viên có đủ trình độ xác định hoặc nắm vững những chủ trương của Đảng trong mỗi tình thế.
Về lãnh đạo tư tưởng và cải tạo tư tưởng, làm cho đảng viên tẩy bỏ được được những tàn dư tư tưởng lạc hậu, đấu tranh chống những tư tưởng, khuynh hướng sai lầm, trau dồi lập trường, quan điểm vô sản; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất trong Đảng. Những quan điểm cần trau dồi là: ý thức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, quan điểm giai cấp, quan điểm tổ chức và quan điểm quần chúng, nhằm xóa bỏ triệt để bệnh cá nhân chủ nghĩa biểu lộ dưới nhiều hình thức, bệnh chủ quan, xa rời quần chúng...
Như vậy, giáo dục lý luậnlãnh đạo tư tưởng và cải tạo tư tưởng liên quan mật thiết với nhau. Giáo dục lý luận phải kết hợp với lãnh đạo và cải tạo tư tưởng. Nếu làm tốt hai nhiệm vụ trên, nhất định nâng cao được chất lượng của Đảng, làm cho Đảng thật sự xứng đáng đóng vai trò tiên phong lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong mọi thời kỳ.
Đồng chí Lê Văn Lương luôn nêu cao tấm gương trọn đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phục vụ Nhân dân. Ở đồng chí Lê Văn Lương có cái “tầm” của một người làm công tác tổ chức – cán bộ của Đảng và có cái “tình” trong cách ứng xử với mọi người, yêu thương cán bộ, gần gũi với quần chúng, vì sự tiến bộ của đồng chí mình./.
 
Trịnh Thị Thứ
Giảng viên phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
 
Tài liệu tham khảo
1.    Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia - Hà Nội 2000
2.    Hướng dẫn số 46-HD/BTGTU ngày 08/3/2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3/1912 – 28/3/2022)
3.    Tham luận của đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tại Hội thảo khoa học cấp tỉnh Hưng Yên kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương: "Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên"

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278916

Đang Online : 776