Nghiên cứu - Trao đổi

Người chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu - Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Ngày Đăng: 27/4/2022 7:34 Lượt xem: 436

          Với 32 năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là một chiến sĩ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, trở thành tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời cho những người cộng sản và thế hệ trẻ noi theo.    

 

Đồng chí Tô Hiệu và cây đào đồng chí đã trồng tại nhà tù Sơn La (Nguồn ảnh: https://dangcongsan.vn/
               
           Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên – một mảnh đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học và được nuôi dạy nền nếp, đồng chí Tô Hiệu đã tham gia các hoạt động cách mạng từ rất sớm. Khi mới 14 tuổi, là học sinh trường Pháp – Việt ở thị xã Hải Dương, Tô Hiệu đã hăng hái tham gia các phong trào yêu nước, tham gia bãi khóa, để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu và các phong trào yêu nước của các chí sỹ Hà Nội.
           Đầu năm 1930, Tô Hiệu vào Sài Gòn, cùng anh ruột là Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Ngày 25/8/1930, Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt và kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Những năm tháng tại Côn Đảo, Tô Hiệu đi theo lý tưởng cộng sản và đến cuối năm 1932 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 20 tuổi – đây là bước chuyển quyết định và toàn diện của Tô Hiệu từ một người yêu nước nhiệt thành trở thành một đảng viên cộng sản.
          Mặc dù bị địch bắt và đày ải trong những nơi địa ngục trần gian, nhưng đồng chí Tô Hiệu đã “biến cái rủi thành cái may” để làm giàu trí tuệ, nghị lực phục vụ Đảng và dân tộc. Hai lần bị đày ở nhà tù Côn Đảo và nhà tù Sơn La với những trận đòn roi dã man của quân thù, đồng chí vẫn hiên ngang, dõng dạc tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường cách mạng của Đảng ta là đúng đắn, không ngừng làm việc và viết các bài tuyên truyền lý luận cách mạng. Ý chí kiên cường của đồng chí Tô Hiệu đã khiến quân thù phải khiếp sợ. Dù biết mình sẽ hy sinh vì bệnh lao phổi đã ở giai đoạn cuối, đồng chí vẫn hăng say hoạt động cách mạng, động viên những người cộng sản giữ vững ý chí đấu tranh, lãnh đạo Chi bộ nhà tù Sơn La một cách quy mô và khoa học, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho anh em tù nhân, tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm cách mạng. Sau này nhiều chiến sỹ cộng sản là đảng viên Chi bộ Nhà tù Sơn La đã trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước như các đồng chí Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Cơ Thạch,…
           Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu đã để lại bài học to lớn về truyền thống yêu nước không chỉ với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Tấm gương ấy không chỉ thể hiện ở lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời, mà còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng của đồng chí Tô Hiệu. Cây đào do đồng chí trồng vào thời gian khi bị giam giữ tại Nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cộng sản. Bản lĩnh kiên cường, bất khuất, tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí Tô Hiệu đã trở thành di sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và lịch sử dân tộc Việt Nam.
          Đồng chí Tô Hiệu còn là một tấm gương sáng về tinh thần tự học và học tập suốt đời để cho thế hệ trẻ hôm nay noi gương. Ngay từ nhỏ, Tô Hiệu đã rất thông minh và học giỏi, khiến bạn bè và gia đình, dòng họ khâm phục. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Tô Hiệu đã cùng các đồng chí của mình biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Đồng chí đã tìm hiểu, mở rộng các mối quan hệ với các tù nhân, từ đó dần dần gần gũi, học tập và tham gia các hoạt động trong tù của những người tù cộng sản. Sau khi mãn hạn tù trở về thôn Xuân Cầu, mặc dù thường xuyên bị mật thám theo dõi nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn không ngừng tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao dân trí, dân sinh, thể lực cho thanh, thiếu niên, mở lớp dạy học tại nhà qua đó giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc cho trẻ em trong làng.
           Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, trải qua vô vàn khó khăn gian khổ nhưng đồng chí Tô Hiệu luôn thể hiện ý chí cách mạng kiên cường với lòng yêu nước nhiệt thành và trở thành một người chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của Đảng ta. Đặt vào từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp của quá trình vận động phong trào cách mạng trước sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp mới thấy hết vai trò tiên phong, tài năng tổ chức và những cống hiến to lớn trong tổ chức xây dựng Đảng và xây dựng phong trào cách mạng của đồng chí Tô Hiệu. Bằng những hoạt động thực tế rất hiệu quả, đồng chí đã góp phần không nhỏ vào việc chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho Đảng và phong trào cách mạng nước ta bước vào giai đoạn vận động tiến tới cách mạng Tháng Tám năm 1945, để lại cho Đảng nhiều kinh nghiệm có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
          Trong bài “Gương hy sinh tinh thần Tô Hiệu” trên báo Cờ Giải phóng ngày 28/01/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận định: “Nói đến Tô Hiệu, những đồng chí nào đã từng tranh đấu với anh bên ngoài hay đã sống qua với anh trong ngục tối hẳn không thể quên anh được. Với tính điềm đạm, nhẫn nại và đầy đức tính hy sinh, anh xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản khuôn mẫu”. Đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhận định: “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”.
           Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Tô Hiệu (1912 – 2022), chúng ta có cơ hội ôn lại lịch sử và ghi nhớ đến người cộng sản kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các thế hệ cách mạng tiền bối, để các thế hệ hôm nay học tập và noi theo. Tinh thần Tô Hiệu là nguồn động lực cổ vũ to lớn cho những người cộng sản Việt Nam hiện nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Cử nhân Ma Thị Thùy Trang
Giảng viên tập sự phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

Tài liệu tham khảo:
 Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912 - 2022). (Kèm theo Hướng dẫn số 42-HD/BTGTU ngày 24/02/2022 của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Tuyên Quang)

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278896

Đang Online : 756