Nghiên cứu - Trao đổi

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc và mẫu mực của Đảng ta

Ngày Đăng: 11/7/2022 11:14 Lượt xem: 212

- Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ, là Tổng Bí thư trẻ nhất của Đảng, nhà lãnh đạo xuất sắc đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

          Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, 07 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, 02 năm làm Tổng Bí thư, tài năng và những cống hiến to lớn, phẩm chất chính trị kiên cường, đức hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng ta một tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh cách mạng của một người lãnh đạo với tài năng xuất sắc.
           Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09-7-1912 quê ở thôn Cẩm Giàng, Đồng Nguyên, Từ Sơn, Bắc Ninh. Là hậu duệ đời thứ 17 của đại thi hào - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Đầu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Hà Nội. Năm 1930, đồng chí làm Bí thư đầu tiên đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Sau đó, đồng chí bị địch bắt, kết án khổ sai đày ra Côn Đảo. Trong nhà tù, Nguyễn Văn Cừ tranh thủ học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, viết báo và trở thành một cán bộ lý luận xuất sắc. Năm 1936, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được trả tự do, đến năm 1937 đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 3-1938, tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Đảng - là Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử của Đảng ta.
Tháng 11-1939, với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 6 tại Bà Điểm (Gia Định), quyết định thay đổi chiến lược cách mạng, đặt vấn đề dân tộc giải phóng lên hàng đầu. Hội nghị đã quyết định chuyển toàn bộ hoạt động công khai và bán công khai của Đảng vào bí mật, quyết định khẩu hiệu đấu tranh, hình thức đấu tranh, mục tiêu và lực lượng cách mạng, vấn đề mặt trận và vấn đề chính phủ sau này, cũng như thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng. Có thể nói, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 đã ghi nhận bước đầu Đảng đã trở lại với các quan điểm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc nêu ra trong Hội nghị thành lập Đảng, mở đầu cho quá trình chuyển hướng chỉ đạo chiến lược khi bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế thay đổi nhanh chóng. Điều này thể hiện tư duy chính trị nhạy bén và năng lực sáng tạo của người Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Như vậy, nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng cũng tránh được tổn thất to lớn khi kẻ địch trở mặt đàn áp, góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
            Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của công tác tự phê bình và phê bình trong xây dựng đội ngũ cách mạng. Với bút danh Trí Cường, tháng 7 năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cho ra mắt cuốn “Tự chỉ trích”, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tác phẩm “Tự chỉ trích” đã thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng xuất sắc, đồng thời đây là đóng góp to lớn của Đảng ta góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận học thuyết Mác-Lênin.
Hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện; đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Bước vào giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp.
            Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong bối cảnh toàn Đảng đang nỗ lực thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đó là, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp, yêu thương, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy vai trò tiên phong của Đảng. Những đóng góp về lý luận của đồng chí Nguyễn Văn Cừ tiếp tục được Đảng ta vận dụng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
 Th.s Lưu Thị Thu Hà
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
Tài liệu tham khảo
1.Hướng dẫn số 54 –HD/BTGTW ngày 30/5/2022  của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, (09/7/1912 – 09/7/2022).
2. Nguyễn Văn Cừ, Nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương cộng sản mẫu mực,  Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2012.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8005580

Đang Online : 902