Nghiên cứu - Trao đổi

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà quân sự tài ba, kiệt xuất đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta

Ngày Đăng: 20/9/2022 9:37 Lượt xem: 503

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những huyền thoại của lịch sử hiện đại Việt Nam ở thế kỷ XX. Với tư duy và tài năng quân sự thiên bẩm, đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử của dân tộc. Kể từ khi lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong trận Điện biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1954 đến nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng tài ba lỗi lạc trong lòng người dân Việt Nam, mà còn là một vị tướng huyền thoại được thế giới công nhận. Ngay tướng Mỹ Oét-mo-len đã từng phải thốt lên rằng: "Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, là nhà lãnh đạo kiệt xuất mà tôi chưa từng gặp"[1].
            Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. Năm 1925, khi còn là học sinh, do sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, đòi độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc và được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam theo sắc lệnh số 110 ngày 20/01/1948 .
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện tài thao lược và trí tuệ của mình:
           Thứ nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người cộng sản kiên trung: sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, phải chứng kiến người dân nô lệ mất nước sống cơ cực dưới chế độ thực dân, phong kiến, đã hun đúc trong đồng chí Võ Nguyên Giáp lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng. 
Năm 1940, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản, khi đó đồng chí tròn 29 tuổi. Từ đây, đồng chí bắt đầu cuộc đời của một người cộng sản. Ngày 14/8/1945, Võ Nguyên Giáp trở thành uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945,  đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng (nay gọi là Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời (từ ngày 28 tháng 8 đến hết năm 1945) và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ. Ngày 19/12/1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, đồng chí bắt đầu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống lại sự trở lại của người Pháp (1945-1954) trên cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ.
Những năm đầu hoạt động cách mạng sôi nổi với bao khó khăn, thử thách, đã tôi rèn đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, để suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân.
            Thứ hai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp -Tổng Tư lệnh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân pháp xâm lược, đồng chí có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại. Từ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ với trang bị vũ khí thô sơ vừa chiến đấu, xây dựng lực lượng và phát triển thành thành những trung đoàn, đại đoàn, sư đoàn, quân đoàn thiện chiến, kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đặc biệt năm 1954, Đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy các đại đoàn của Quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội Nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng đường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng. Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất ra việc khẩn trương thành lập các quân đoàn[2] chủ lực để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh đề xuất trên của đồng chí Tổng Tư lệnh là sáng tạo và chính xác, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn chiến trường, đáp ứng nhạy bén yêu cầu của sự phát triển quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh vào thời điểm đó.
            Thứ Ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một thiên tài quân sự
Với nghệ thuật “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng không đánh”[3]. Trong kháng chiến chống Pháp, chính ông đã khiến thực dân Pháp phải thất bại trong chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, khi đánh vào Hà Nội cuối năm 1946 và Việt Bắc Thu - Đông 1947; tổ chức thắng lợi chiến dịch Biên giới 1950. Sau đó, với nhãn quan của một thiên tài quân sự, phân tích sâu sắc tình hình địch - ta, đồng chí đã thực hiện phương châm tránh những mũi nhọn của địch và đánh vào chỗ yếu của địch. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với khả năng thiên tài, phân tích sâu sắc tình hình, tư duy nhạy bén, linh hoạt, sau 10 ngày cân nhắc, suy nghĩ, đồng chí đã quyết định ngược lại là "đánh chắc, tiến chắc", mục đích là đảm bảo chắc thắng và ít tổn thất, thương vong cho chiến sĩ. Đây là quyết định dũng cảm, sáng suốt của Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cùng với nghệ thuật đánh chắc, tiến chắc là sự kết hợp giữa nghệ thuật đánh điểm, diệt viện; biết chọn và chớp thời cơ nổ súng tiến công tiêu diệt địch. Chiến thắng mùa Xuân 1975 thêm một lần nữa khẳng định tài năng nghệ thuật quân sự thiên bẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi điểm đúng tử huyệt Buôn Ma Thuột, quân đội ngụy hoảng loạn và nhanh chóng tan rã. Phán đoán địch sẽ rút khỏi Tây Nguyên, Đại tướng đã kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, đề nghị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975 với mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa!"[4] cho toàn quân tiến lên, cùng với 4 cánh quân khác tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
            Thứ Tư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, một lòng vì Đảng, vì nước, vì dân
Hơn 80 mươi năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta và Quân đội ta. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Đại tướng luôn ghi nhớ, noi gương và thực hành lời căn dặn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến ứng vạn biến[5], “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”,… Đại tướng luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng Nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi công việc của Đảng, Nhân dân và Quân đội giao phó.
Khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, thống nhất, Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Khi được Đảng, Nhà nước phân công làm Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, dù công việc rất mới mẻ, nhưng Đại tướng đã nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng” và “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, trực tiếp làm việc và lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đề đạt của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các trí thức, văn nghệ sĩ. Nhờ đó, Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đưa khoa học kỹ thuật Việt Nam từng bước sánh kịp trình độ các nước trong khu vực.
Trong công cuộc đổi mới, với trách nhiệm và tâm huyết của một người lão thành cách mạng đối với sự phát triển của đất nước, bằng khát vọng đưa Việt Nam nhanh chóng phát triển hội nhập với thế giới, Đại tướng tham mưu, đóng góp nhiều ý kiến rất quan trọng cho Đảng và Nhà nước. Đại tướng đã dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên (1980) và Chiến lược kinh tế và quốc phòng biển (1985), thể hiện nhận thức sâu sắc của Đại tướng về yêu cầu đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và vùng biển nước ta.
Mặc dù nắm giữ nhiều cương vị, trải quan qua nhiều lĩnh vực công tác, nhưng ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn toát lên tinh thần nhân văn cao cả, lấp lánh trí tuệ và đặc biệt là luôn tỏa sáng một phẩm cách thanh bạch, hết lòng vì dân vì nước, xứng đáng với danh hiệu “vị tướng của nhân dân”. Với 103 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi Đảng, những cống hiến to lớn của Đại tướng mãi in sâu trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
 ThS. Trình Thị Thu Thảo
Giảng viên khoa xây dựng Đảng
Tài Liệu tham khảo:
  1. Tiểu sử Võ Nguyên Giáp, nhà xuất bản chính trị Quốc gia sự thật, Hn 2020.
  2. Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 Thắng lợi và bài học, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (tháng 5 năm 2015).
 
[1] Cổng thông tin điện tử Biên phòng  cơ quan đảng ủy và Bộ tư lệnh biên phòng: https://www.bienphong.com.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-thien-tai-quan-su-the-ky-xx-post48192.html
 
[2] Trang thông tin điện tử Đảng bộ Thành Phố hồ Chí Minh: Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)
[3] Tiểu sử Võ Nguyên Giáp, nhà xuất bản chính trị Quốc gia sự thật, Hn 2020. Tr 279
[4] Tiểu sử Võ Nguyên Giáp, nhà xuất bản chính trị Quốc gia sự thật, Hn 2020. Tr 451
[5] Tiểu sử Võ Nguyên Giáp, nhà xuất bản chính trị Quốc gia sự thật, Hn 2020. Tr 629

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7984209

Đang Online : 475