Nghiên cứu - Trao đổi

Chiến thắng Ấp Bắc sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam

Ngày Đăng: 2/1/2023 20:31 Lượt xem: 179

          Với sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chiến thắng Ấp Bắc ngày 02/01/1963 đã gây tiếng vang lớn, giáng đòn chí mạng vào tinh thần và ý chí xâm lược của Mỹ, làm lung lay chế độ Ngụy quyền Sài Gòn; góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi.
          Từ thắng lợi của phong trào Đồng Khởi của quân và dân miền Nam, cuối năm 1960 cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, gây sức ép và uy hiếp chính quyền Ngô Đình Diệm, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược, chuyển từ “chiến tranh đơn phương” sang “chiến tranh đặc biệt”. Đế quốc Mỹ đã tăng viện trợ quân sự, cố vấn và các đơn vị yểm trợ Mỹ; tính riêng lực lượng cố vấn, năm 1960 có 1.077 người, đến năm 1962 đã tăng lên 10.640 người, bao gồm 2.360 cố vấn và 8.280 quân yểm trợ. Quân đội Việt Nam Cộng hòa tăng từ 7 sư đoàn lên 9 sư đoàn bộ binh và các đơn vị chiến đấu khác với quân số 206.000 người vào năm 1963. Mỹ - Diệm tổ chức miền Nam thành các quân khu, vùng chiến thuật, khu chiến thuật; đồng thời đẩy mạnh dồn dân, lập “ấp chiến lược” nhằm triệt phá các cơ sở du kích, triển khai các chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận, bủa lưới phóng lao,  tăng cường mở các cuộc hành quân càn quét, dùng bom đạn, chất độc khai quang đánh vào các vùng giải phóng, căn cứ kháng chiến của ta…
          Địa bàn Ấp Bắc gồm hai ấp nhỏ là Tân Bình và Tân Thới, thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), cách thị xã Mỹ Tho khoảng 16km; được bao bọc bởi đồng lúa, sình lầy và kênh rạch. Sau khi địch phát hiện lực lượng của ta đang bố trí tại Ấp Bắc, Bộ Tư lệnh Viện trợ Mỹ tại Sài Gòn đứng đầu là tướng P.Háckin cùng Bộ Tư lệnh hành quân của quân lực Việt Nam Cộng hòa (MACV) cấp tốc vạch kế hoạch tác chiến.
          Bằng những phương pháp tác chiến "tân kì" nhất như thiết xạ vận, trực thăng vận, bủa lưới phóng lao từ nhiều hướng, bằng đường bộ, đường thủy, kể cả đổ bộ bằng đường không,… Trong khoảng 20 giờ chiến đấu kiên cường, căng thẳng, quyết liệt, chỉ với khoảng 5.000 viên đạn các loại, quân và dân Ấp Bắc đã mưu trí, anh dũng chiến đấu, đánh bại hoàn toàn 5 đợt tiến công của Mỹ và quân đội Sài Gòn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, tiêu diệt và làm bị thương 450 tên địch (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay trực thăng, bắn hư hỏng nhiều chiếc khác; phá hủy 3 xe bọc thép M113, đánh chìm 01 tàu chiến trên sông.
          Chiến thắng Ấp Bắc có những ý nghĩa lịch sử quan trọng, gây tiếng vang lớn, và giáng một đòn mạnh mẽ vào chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ và quân đội Sài Gòn, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam, mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Chiến thắng này cũng đã giáng đòn chí mạng vào tinh thần, làm nhụt chí của Mỹ và quân đội Sài Gòn, làm sụp đổ lòng tin vào sức mạnh của vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại do Mỹ cung cấp; từ đó, sức chiến đấu của địch bị giảm sút nghiêm trọng, mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng sâu sắc, mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của chế độ Ngụy quyền ở miền Nam.
           Chiến thắng Ấp Bắc khẳng định bước phát triển mới của nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh cách mạng Việt Nam; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến công địch trên cả hai mặt chính trị và quân sự; kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công để đánh thắng kế hoạch bình định, dồn dân, lập ấp chiến lược của địch. Chiến thắng Ấp Bắc là một điển hình sống động về bài học quý giá “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, “dĩ đoản chế trường”, lấy “chính nhân để thay cường bạo”, làm cho đồng bào cả nước thêm phấn khởi, tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng.
Tựa như một Bạch Đằng, Đống Đa, Chi Lăng... quân và dân Ấp Bắc đã làm nên một huyền thoại, đi vào lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 là một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa to lớn, cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng và mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam; là trận mở đầu cho sự khủng hoảng về chiến thuật và là dấu hiệu phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và quân đội Sài Gòn, tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.
          Nối tiếp truyền thống đấu tranh oanh liệt của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trong giai đoạn hiện nay đất nước ta đang tiếp tục tiến lên con đường xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước phồn thịnh. Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh phải “giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ” vì vậy việc ôn lại những mốc son lịch sử, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất là một việc vô cùng ý nghĩa.
          60 năm trôi qua, nhưng Chiến thắng Ấp Bắc đã để lại bài học vô cùng quý giá, tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc là biểu tượng của truyền thống bất khuất, anh hùng, thấm sâu vào máu thịt, trở thành ý chí, quyết tâm và là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tiếp tục không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng xu thế phát triển của thời đại. Phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần tự hào từ chiến thắng Ấp Bắc oanh liệt, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, gần đây là ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19; với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch. Kết quả nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP của Tuyên Quang năm 2022 đạt 8,66%, đứng thứ 6/11 tỉnh miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) tiếp tục được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng cao; công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể được chú trọng. Những kết quả đó là cơ sở, là tiền đề cho sự phát triển của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới.
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, đặc biệt là những chiến thắng vĩ đại; qua đó, tiếp thêm sức mạnh, bồi đắp niềm tin và lòng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của dân tộc ta; về ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mọi kẻ thù xâm lược; quyết tâm cao, nỗ lực lớn vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng và phát triển đất nước hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Thạc sĩ Lưu Thị Thu Hà
Khoa Xây dựng Đảng
 
   
 
 
 
 
 
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278406

Đang Online : 266