Nghiên cứu - Trao đổi

Năm Mão với những sự kiện nổi bật trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Ngày Đăng: 17/1/2023 9:54 Lượt xem: 527

          Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, mỗi người dân Việt Nam lại có dịp nhìn lại lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước để qua đó thấy được ý nghĩa to lớn, giá trị đích thực mà cha ông ta đã ghi dấu trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước, giữ nước, để từ đó củng cố thêm niềm tin, niềm tự hào dân tộc trên con đường đổi mới, xây dựng đất nước. Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023 đang cận kề, chúng ta cùng nhìn lại một vài sự kiện lịch sử đáng nhớ của dân tộc đã diễn ra vào năm Mão.

          Năm Đinh Mão 967 ghi dấu với sự kiện Đinh Bộ Lĩnh đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc. Đinh Bộ Lĩnh sinh năm 923, quê ở Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, Huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Sau khi lên ngôi vua, ông tự xưng là hoàng đế, thường gọi là Đinh Tiên Hoàng, lấy niên hiệu là Thái Bình, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư-Ninh Bình, xây dựng triều chính, mở đầu triều Đinh. Đinh Tiên Hoàng vốn họ Đinh, tên Hoàn. Bộ lĩnh là tước quan của sứ quân Trần Lâm phong cho, nên còn gọi là Đinh Bộ Lĩnh.Việc đổi xưng là hoàng đế, đổi tên nước thành Đại Cồ Việt và đặt niên hiệu được cho là ba việc làm khẳng định sự độc lập của nước Việt Nam thời bấy giờ mà trước đó không có hoặc hiếm có vị vua nào làm được. Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, mở đầu cho các triều đại phong kiến ở nước ta sau này.
          Năm Quý Mão 1483, Lê Thánh Tông cho biên soạn và ban hành Bộ Luật Hồng Đức. Với tư tưởng: “… trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa, đặt ra pháp luật là để dạy các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm họ biết thế nào là thiện, là ác, điều luật thì làm, điều chẳng lành thì tránh, chớ để đến nỗi phạm pháp”1. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu phát triển của chế độ trung ương tập quyền, xác lập sự thống trị của mình một cách hợp pháp, quy củ, Lê Thánh Tông đã cho biên soạn và ban hành Quốc triều Hình luật - Bộ luật Hồng Đức (Biên soạn hoàn chỉnh vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), niên hiệu Hồng Đức, nên được gọi là Bộ Luật Hồng Đức) gồm 6 quyển 722 điều trên cơ sở kế thừa và phát triển nội dung hình luật của các triều đại trước. Có thể khẳng định, đây là bộ luật hoàn chỉnh, lớn nhất và tiến bộ nhất của Việt Nam thời kỳ phong kiến. Bộ luật bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như: Lĩnh vực luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân và gia đình, luật hành chính…
          Năm Đinh Mão 1927, tác phẩm "Đường Kách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản. Tác phẩm là tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ trong những năm từ 1925 đến 1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc), được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách. Tác phẩm ra đời gắn liền với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tác phẩm đã đề cập đến một loạt những vấn đề cơ bản về lý luận của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của học thuyết Mác-Lênin. Cùng với Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh là văn kiện có tính chất cương lĩnh của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam những năm 1920, vạch ra những hình thức và phương pháp tổ chức lực lượng cách mạng góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Với giá trị to lớn đó, Đường Kách mệnh là một trong năm tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam. Hiện nay, tác phẩm này còn nguyên bản thảo gốc, được lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
          Năm Tân Mão 1951, diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương. Đại hội họp tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11/2 đến ngày 19/2/1951. Đây là đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức trong nước sau 16 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam kể từ Đại hội lần thứ nhất tại Ma Cao - Trung Quốc năm 1935 và là Đại hội duy nhất cho đến nay được tổ chức ngoài thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho trên 76 vạn đảng viên. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam và ra hoạt động công khai, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đại hội đã bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Đại hội đã vạch rõ những nhiệm vụ trước mắt của Đảng nhằm đưa kháng chiến đến thắng lợi. Cũng trong năm này, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt. Mặt trận Liên Việt bao gồm tất cả các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái, các cá nhân yêu nước nhằm kết chặt khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến kiến quốc. Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng.
          Năm Ất Mão 1975, diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Việt Nam, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Nhờ vận dụng sáng tạo phương thức tác chiến: kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy đấu tranh giành chính quyền của nhân dân. Chỉ sau gần một tháng tổng tiến công, ta đã mở liên tiếp hai chiến dịch tiến công chiến lược ở Tây Nguyên và Huế-Đà Nẵng cùng nhiều chiến dịch khác, tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ quân địch. Hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, giải phóng Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và nhiều địa bàn quan trọng khác. Thắng lợi giành được đã tạo ra lực, thế và thời cơ thuận lợi để ta tiến hành chiến dịch quyết định mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã đập tan bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời kết thúc vẻ vang cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), mở ra kỉ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: cả nước độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
          Với một vài sự kiện lịch sử diễn ra vào năm Mão như đã nêu trên, dù chưa thể nói hết những giá trị, ý nghĩa mà nó đem lại nhưng qua đó để mỗi người dân Việt Nam chúng ta nhìn về cội nguồn từ đó nuôi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, củng cố niềm tự hào về dân tộc để cùng vững tin đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội- con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn./.

 
     Thạc sĩ Trần Thị Mai Thu
     Khoa Nhà nước và pháp luật
 
Nguồn:
1 . Viện Sử học Việt Nam – Quốc triều Hình luật, Nxb Pháp lý, H. 1991, tr. 16.
2. Tạp chí nghiên cứu, hướng dẫn công tác tổ chức, xây dựng Đảng của Ban tổ chức Trung ương.

Tin mới nhất:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8698112

Đang Online : 54