Nghiên cứu - Trao đổi

Tuyên Quang tích cực trong công tác chuyển đổi số

Ngày Đăng: 22/2/2023 8:4 Lượt xem: 163

          Chuyển đổi số là cụm từ được nhắc đến bên cạnh các khái niệm như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, big data, …và được coi như một xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng số 4.0. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là vấn đề sống còn với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Nhận thức được điều đó, Tuyên Quang đã tích cực, chủ động trong công tác chuyển đổi số.
Từ nhận thức…
          Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình,  chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia.
          Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức.”.
          Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
          Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 55/KH-UBND, ngày 12/4/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch chuyển đổi IPv6 (Giao thức liên mạng thế hệ 6) trong các cơ quan nhà nước tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022 - 2025...
          Đến hành động!
          Từ nhận thức trên, xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, Tuyên Quang đã tập trung các nguồn lực để xây dựng hạ tầng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh. Quyết tâm, tích cực và chủ động trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện:
          Tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống thông tin điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh tới cấp xã, trong đó đã triển khai các hệ thống dùng chung như: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Tuyên Quang, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Đồng thời, đã đầu tư 167 điểm cầu, kết nối các điểm cầu từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh; thành lập 1.845 Tổ Công nghệ số cộng đồng (cấp xã: 138, cấp thôn: 1.707), với tổng số thành viên là 10.217 (cấp xã: 1.351, cấp thôn: 8.866), tỷ lệ tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100%.[1]
          Hiện nay, 100% các trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được phủ sóng băng rộng cáp quang; 100% UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang; 1.693/1.733 thôn, bản, tổ dân phố đã có hạ tầng Internet cáp quang, đạt 81,2%; phủ sóng thông tin di động đến 1.675/1.733 thôn, đạt gần 97%; lắp đặt 65 trạm phát sóng; các doanh nghiệp viễn thông đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dịch vụ trên hạ tầng băng rộng cố định và di động băng rộng, trong đó có dịch vụ 4G, 5G. Nền tảng chung tích hợp chia sẻ các hệ thống thông tin quy mô cấp tỉnh đã được xây dựng và từng bước đưa vào hoạt động. Đang triển khai ứng dụng IPv6 trên hạ tầng, mạng lưới dịch vụ của các cơ quan nhà nước. Đã trình xin chủ trương xây dựng trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh (IOC); xây dựng Kho cơ sở dữ liệu lớn (Big data) và xây dựng Cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh, giải pháp phòng chống mã độc cho máy vi tính của các cơ quan Nhà nước tỉnh Tuyên Quang....
          Tính đến cuối năm 2022, có 17 cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của đơn vị. 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh đều đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng từ cấp tỉnh tới cấp xã, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn cho hệ thống truyền hình trực tuyến của tỉnh; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 99%; có 1.750 chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ đã được cấp cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, các đơn vị thường xuyên sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử... Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của tỉnh được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 582 dịch vụ công. Có 1.784/1.870 thủ tục hành chính đang thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
          Trên lĩnh vực kinh tế số, các cơ quan, ngành hoạt động dịch vụ, kinh doanh; doanh nghiệp sản xuất đã áp dụng và đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy toàn diện thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng hóa đơn điện tử...
          Chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Với nỗ lực và quyết tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chính quyền, các ban ngành chức năng và ý thức, trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, người dân. Tin tưởng rằng trong thời gian tới công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sẽ ngày càng đạt hiệu quả cao, đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Tuyên Quang là một trong những tỉnh xếp loại khá, đến năm 2030 nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Bắc về chuyển đổi số./.
 
 
Thạc sĩ Trần Thị Mai Thu
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Kế hoạch số 55/KH-UBND, ngày 12-4-2022 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
4. Báo cáo số 342/BC STTTT ngày 7/12/2022 của Sở Thông tin và truyền thông về kết quả triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, phục vụ phiên họp tổng kết năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
 
 

[1] Báo cáo số 342/BC STTTT ngày 7/12/2022 của Sở Thông tin và truyền thông về kết quả triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, phục vụ phiên họp tổng kết năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8007076

Đang Online : 2400