Nghiên cứu - Trao đổi

Đồng Sỹ Nguyên - Vị tư lệnh tài ba của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

Ngày Đăng: 1/3/2023 13:42 Lượt xem: 168

          Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo có đức độ và tài năng. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiều cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), ông đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặt biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

 
          Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 01/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng trong ông đã hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, nhân tố quan trọng thúc đẩy Đồng Sỹ Nguyên giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo cách mạng. Tháng 12/1939 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1947, ông đổi tên thành Đồng Sỹ Nguyên để dễ hoạt động trong vùng địch hậu và tránh liên lụy tới gia đình. Từ đây Đồng Sỹ Nguyên đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội.

 
Chân dung đồng chí Đồng Sĩ Nguyên (Nguồn: https://nhandan.vn/)

          Đầu năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra vô cùng quyết liệt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định giao Đồng Sỹ Nguyên (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đặc trách Tổng cục Hậu cần tiền phương ở tuyến nam Quân khu 4) kiêm làm Tư lệnh Đoàn 559 (Đoàn vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn).
          Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn chiến trường, thấm nhuần đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, trong gần 10 năm làm chỉ huy cao nhất tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn (1967-1975), Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có những chỉ đạo xuất sắc, góp phần quan trọng tạo nên chiến công kỳ vĩ của tuyến đường huyền thoại này.
          Chỉ huy, chỉ đạo tổ chức xây dựng đường Trường Sơn trở thành con đường huyền thoại
          Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn trong bối cảnh tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến quan trọng, đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn và cấp bách cho chiến trường. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông - Tây, nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng và kỳ hình. Đây thực sự “là một hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn nhất với nhiều trục dọc, trục ngang có độ dài 17.000 km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, 4 đường sông dài 600 km; có đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200 km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350 km”, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải lớn với hàng chục, hàng trăm ngả như "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm" từ đó tạo thuận lợi lớn cho chi viện trên chiến trường.
          Xác định công tác bảo đảm xăng dầu cho vận chuyển cơ giới là yếu tố sống còn của công tác vận tải, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chủ động xây dựng hệ thống thông tin và tuyến đường xăng dầu Trường Sơn, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã giải quyết cơ bản việc cung ứng xăng dầu cho tất cả các lực lượng vận tải của Bộ đội Trường Sơn, lực lượng vận tải của 2 nước bạn Lào và Campuchia và các lực lượng hành quân của Bộ trên đường Trường Sơn. Đặc biệt trong chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng dầu cho tất cả các lực lượng tham gia Chiến dịch một cách thuận lợi, kịp thời và nhanh chóng. Nếu không có tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn thì Bộ đội Trường Sơn không thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đánh giá: “Đường ống xăng dầu Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn”.
          Chỉ huy, chỉ đạo tổ chức chiến đấu, bảo vệ, khai thác đường Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường và giúp đỡ cách mạng Lào
Hệ thống đường Trường Sơn không đơn thuần là tuyến đường giao thông, mà thực sự là chiến trường khốc liệt giữa nỗ lực của miền Bắc chi viện cho quân Giải phóng miền Nam và sự đánh phá của lực lượng quân Mỹ và đồng minh. Quân đội Mỹ và đồng minh đã tìm mọi cách để nhằm mục đích cắt đứt con đường vận tải chiến lược này. Các khí tài từ pháo đài bay B-52vũ khí thời tiếthóa học... đến các cuộc hành quân càn quét lớn đến biệt kích phá hoại đều được quân đội Mỹ sử dụng. Bộ đội Trường Sơn đã đối mặt với 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay của giặc Mỹ; chúng trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn bằng nhiều thủ đoạn, nhiều hình thức tàn bạo nhằm triệt hạ con đường.
          Nhưng bằng sự mưu trí, sáng tạo, với bản lĩnh và ý chí quyết tâm phấn đấu đến cùng vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội Trường Sơn đã mở hệ thống đường giao thông với 5 trục dọc và 21 trục ngang dài hơn 17.000 km cho xe cơ giới; vận chuyển gần 2 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Từ năm 1973 đến 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 Quân đoàn chủ lực tham gia chiến dịch; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào; bắn rơi tại chỗ 2.454 máy bay các loại; mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; chuyển hàng vạn thương binh từ chiến trường ra hậu phương nuôi dưỡng và đưa hàng ngàn thiếu nhi vượt Trường Sơn ra Bắc học tập; xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki-lô-mét dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin thông suốt đến các hướng chiến trường; mở 1.400km đường ống xăng dầu, 600 km đường sông… Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện thành công công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam, làm thất bại mọi âm ưu chiến lược của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội trên tuyến đường.
          Bên cạnh việc góp phần vào chiến thắng của Bộ đội Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên còn nhận thức việc giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang, với phương châm “Dựa vào đường lối chủ trương của Đảng bạn, hiệp đồng chặt chẽ với Đoàn chuyên gia Nam Lào, phát huy sức mạnh cùng bạn làm, tránh làm thay”. Công tác giúp bạn Lào được Bộ đội Trường Sơn triển khai hiệu quả, đã góp phần tạo thế trận vững chắc cho tuyến hành lang chiến lược, đã làm tròn sứ mạng chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, thỏa mãn mọi nhu cầu, bảo đảm cho chiến trường đánh to thắng lớn.
          Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, đồng chí được bổ nhiệm và giữ các chức vụ: Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ tư lệnh công trình; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đặc phái viên Chính phủ...
          Trong hơn 70  năm hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân góp phần thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, duy trì thông suốt đường Trường Sơn huyền thoại và trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo tổ chức chiến đấu, bảo vệ, khai thác đường Trường Sơn chi viện sức người, sức của cho các chiến trường và nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào, xây dựng củng cố vùng giải phóng. Với công lao và đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
 
ThS. Trình Thị Thu Thảo
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng


Tài liệu tham khảo
  1. Hướng dẫn số 73-HD/BTGTU, ngày 02/02/2023 về tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 - 01/3/2023).

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278205

Đang Online : 64