Nghiên cứu - Trao đổi

Tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh phòng, chống thông tin giả trên không gian mạng

Ngày Đăng: 18/4/2023 8:4 Lượt xem: 495

         Khoản 3 Điều 2 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi mà con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi thời gian và không gian”.
          Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 9 năm 2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng Internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số) và được xác định là quốc gia có lượng người dùng Internet xếp thứ 13 trên toàn thế giới. Trước sự phát triển mạnh mẽ vượt bậc từng ngày của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không gian mạng đã và đang là môi trường lý tưởng để các cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động thương mại, chia sẻ những thông tin hữu ích, lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt, tương tác, trao đổi ý kiến, liên lạc… chỉ với thao tác đơn giản và chi phí “0 đồng”. Bên cạnh những lợi ích mà chuyển đổi số và không gian mạng đem lại, lợi dụng tính năng chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng của các nền tảng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, TikTok, Telegram, Twitter, Instagram…) các thế lực thù địch đã tập trung thực hiện các cuộc “tấn công mạng – Cyber attack” để đưa ra các thông tin giả, xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở Việt Nam, định hướng dư luận lệch lạc đối với với vai trò lãnh đạo của Đảng, của cán bộ, hạ thấp uy tín của cán bộ lãnh đạo cấp cao và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhân dân ta để lôi kéo sự chống đối chính trị nội bộ.
          Hiện nay, không thể phủ nhận không gian mạng là “địa bàn” lý tưởng để các thế lực thù địch phát tán tin tức giả bởi với sự phát triển của khoa học công nghệ mới thì bất cứ ai cũng có thể dễ dàng lập một tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, website với bất kỳ tên và hình ảnh tài khoản chỉ với chi phí bằng không. Thông tin giả đó chính là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc các vấn đề thực tiễn đang xảy ra, gây ra cách hiểu không chính xác giữa đúng và sai, giữa thật và giả[3]. Từ đó, gây chia rẽ trong xã hội, tạo tâm lý hoang mang, cách nhìn nhận sai lệch về các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, dẫn đến tình trạng bạo lực, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus và bức xúc trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
 
          Dấu hiệu nào nhận biết thông tin giả?
          Thực tiễn trong những năm gần đây, thông tin giả dễ dàng bị các thế lực thù địch nhanh chóng chia sẻ trên không gian mạng bằng nhiều phương thức khác nhau, do vậy mỗi cá nhân cần trang bị cho mình kiến thức cần thiết để nhận diện thông tin giả. Cụ thể, tin giả thường có tiêu đề giật gân, viết in hoa kèm theo các ký tự đặc biệt, gây tò mò, nội dung thông tin mới lạ, thường đề cập đến vấn đề nóng, vấn đề nhạy cảm, vụ án tham nhũng, hiện tượng tiêu cực của một số địa phương đang được dư luận quan tâm[2]. Đồng thời, tin giả có thể là tin tức được đăng tải, đưa tin, bình luận phản ánh trái chiều từ các trang web, các tài khoản cá nhân trên nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Youtube, Instagram…), các kênh không thuộc cơ quan báo chí chính thống hoặc các cơ quan nhà nước và thông tin không được kiểm duyệt cũng như không ghi nguồn.
          Do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, tin giả có thể được tạo ra bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như giả hình (sử dụng công nghệ để cắt ghép tạo hình ảnh người giả y như thật để tạo ra tin tức giả); giả tiếng (sử dụng công nghệ “TTP – text to speech” để chuyển văn bản thành tiếng nói, tạo ra các cuộc gọi tự động với giọng robot thu sẵn và đọc tin tức giả do các thế lực thù địch tự “chế biến” ra; thậm chí tinh vi hơn là phương pháp giả video được thực hiện bằng cách cắt ghép hình ảnh người dẫn chương trình, người nổi tiếng, các chính trị gia có uy tín để lồng vào dẫn bản tin giả, tiếp tục sử dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, “quyền tự do ngôn luận, báo chí” để can thiệp chính trị nội bộ, đưa ra luận điệu sai trái, phát tán thông tin xấu độc nhằm mục đích vu cáo, kích động nhân dân khiếu kiện đông người, bội nhọ, hạ uy tín của lãnh đạo và chính quyền địa phương nhằm chống phá chế độ…
           Bên cạnh đó, tin giả có thể xuất hiện dưới dạng văn bản kèm hình ảnh hoặc gắn kèm đường link liên kết không liên quan tới nội dung bài viết từ các website không rõ nguồn gốc, các kênh nội dung/trang Facebook – fanpage/ nhóm Facebook không xác thực được hoặc các tài khoản cá nhân ẩn danh, ít tương tác và ít bạn bè chung. Thông thường, mốc thời gian của các thông tin giả này thường không trùng với thực tế, do đó người dùng cần cảnh giác với những tin tức cũ, được đăng tải nhiều lần bởi các tài khoản nặc danh.
 
Ảnh: Thông tin giả từ trang web không chính thống với đường link
không rõ ràng (Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân)
 
          Thực tiễn cho thấy có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tình trạng tin giả tràn lan trên các nền tảng xã hội, cụ thể là do hệ thống pháp luật về an ninh mạng còn hạn chế, nhiều quy định chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ mới và thực tiễn đời sống xã hội; các thế lực thù địch chủ yếu sử dụng Internet, mạng xã hội có địa chỉ thiết lập trên máy chủ tại nước ngoài để tiến hành hoạt động phát tán thông tin xấu độc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, do đó gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin giả, có nội dung xấu độc. Mặt khác, công tác quản lý các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog cá nhân… gặp nhiều rào cản bởi nhiều đối tượng sử dụng sim rác, hộp thư điện tử ảo, địa chỉ máy chủ giả để thực hiện việc phát tán thông tin giả, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác truy vết, tìm kiếm và ngăn chặn.
          Kiên quyết đấu tranh phòng, chống thông tin giả trên không gian mạng!
          Xuất phát từ thực trạng trên và những ảnh hưởng nghiêm trọng mà thông tin giả gây ra, mỗi cá nhân, đặc biệt là các cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của bản thân khi tham gia mạng xã hội và kiên quyết đấu tranh phòng, chống các thông tin giả trên không gian mạng, cụ thể:
           Thứ nhất, nhận thức đúng, cảnh giác trước các thông tin giả, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nghiêm túc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-TTTT ngày 17/6/2021.
          Thứ hai, mỗi cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên cần trang bị cho mình “chiếc áo giáp sắt” kỹ năng nhận diện các thông tin giả, vạch trần những phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng không gian mạng đưa thông tin giả mạo xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, quốc gia. Khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào trên không gian mạng, cần xem xét kỹ tiêu đề; chú ý tới các đường dẫn liên kết, kiểm tra địa chỉ trang web để cảnh giác các trang web lừa đảo như: lỗi sai chính tả, thiếu hoặc thừa ký tự, có tên miền trang điện tử gần giống các trang điện tử chính thống[2]; không truy cập vào đường link liên kết do người lạ gửi; so sánh đối chiếu nội dung có nghi ngờ thông tin giả mạo với các nội dung tương tự trên các trang thông tin điện tử chính thống của cơ quan nhà nước…
          Thứ ba, mỗi cá nhân cần suy nghĩ kỹ trước khi thích (like), chia sẻ (share), bình luận (comment) hay đăng tải bất cứ thông tin, hình ảnh, video khi chưa xác thực được mức độ chính xác của thông tin đó.
          Thứ tư, khi xác định được tin giả, cần lưu lại bằng chứng về tin giả (lưu lại đường link, chụp ảnh màn hình tin tức, bài viết, video nghi là tin giả về điện thoại hoặc máy tính) và thông báo tin giả đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc theo địa chỉ như: Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và truyền thông điện tử trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương (Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố)[2].
           Thứ năm, tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật về an ninh mạng: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (sửa đổi năm 2018), Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 15/8/2022 hướng dẫn Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và truyền thông ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-TTTT ngày 17/6/2021… đến nhân dân với đa dạng hình thức tuyên truyền (phát hành cẩm nang phòng, chống thông tin giả trên không gian mạng; loa truyền thanh của thôn; sân khấu hóa; lồng ghép tuyên truyền tại các trường học, các buổi họp thôn...). Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần tiên phong trong việc chia sẻ cả thông tin tích cực, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, những giá trị nhân văn sâu sắc, ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, tin giả, sai sự thật, vạch trần âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, góp phần nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác ở nhân dân.
           Thứ sáu, pháp luật cần có quy định chế tài nghiêm khắc hơn và đủ tính răn đe trong xử lý các hành vi lợi dụng không gian mạng để đăng tải, chia sẻ các thông tin giả.
 
Nguyễn Thị Huyền Quyên
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật


TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Luật An ninh mạng năm 2018;
  2. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và truyền thông ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-TTTT ngày 17/6/2021;
  3. PGS.TS. Đặng Minh Tuấn, Pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (sách chuyên khảo), Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, 2021.
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278053

Đang Online : 245