Nghiên cứu - Trao đổi

Một số điểm mới và giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy phần học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị

Ngày Đăng: 9/6/2023 17:34 Lượt xem: 475

           Thực hiện Quyết định số 292/QĐ-HVCTQG ngày 21/01/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hệ Trung cấp lý luận chính trị (TCLLCT) (Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/5/2021 và thay thế Quyết định số 1479-QĐ/HVCTQG ngày 21/4/2014 về việc ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính), Trường Chính trị tỉnh đã nhanh chóng triển khai, quán triệt văn bản đến các khoa, phòng cùng toàn thể đội ngũ giảng viên. Yêu cầu đặt ra đối với giảng viên là phải nghiên cứu, nắm bắt được những điểm mới, điểm khác của tập giáo trình TCLLCT so với giáo trình cũ, để từ đó có cách tiếp cận soạn bài, giảng bài đảm bảo đúng quy định và chất lượng đề ra.
Đối với môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, để nâng cao chất lượng giảng dạy, thay đổi nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với đặc thù môn học yêu cầu đội ngũ giảng viên phải nghiên cứu, nắm rõ một số điểm sau đây:
             Một số điểm mới trong môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
            Về thời lượng tiết học: Hiện nay chương trình TCLLCT có 13 môn, trong đó môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là phần học thứ 5; gồm 04 bài, tổng số 48 tiết. Như vậy, so với giáo trình cũ, thời lượng giành cho phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tăng 19 tiết, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động thảo luận trong mỗi bài học (đảm bảo ¼ số tiết mỗi bài).
          Về nội dung phần học, được kết cấu thành 4 bài bao gồm:
           Bài 1: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (12 tiết). Bài 2: Những thành tựu chủ yếu của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay (16 tiết). Bài 3: Những bài học kinh nghiệm lãnh đạo của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (8 tiết). Bài 4: Những bài học kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (12 tiết).
          Cách tiếp cận nội dung có sự thay đổi lớn, rút ngắn kiến thức thông sử, tập trung nghiên cứu sâu nội dung thành tựu và kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng ta qua các thời kỳ. Đặc biệt, trong các bài về thành tựu và kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng Việt Nam có bổ sung thêm những nội dung mang tính lý luận, cụ thể như sau:
          Bài 1 tập trung nghiên cứu chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng từ khi thành lập cho đến nay (trước được kết cấu thành 6 bài). Ngoài ra, nội dung lãnh chỉ đạo nghiên cứu theo những vấn đề lớn (ví dụ bài được thiết kế 3 mục, mục (1) Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, mục (2) Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân từ năm 1930 đến 1975, mục (3) Đảng lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam). Cách tiếp cận như trên giúp cho học viên có cái nhìn tổng hợp, khái quát cả quá trình lãnh chỉ đạo của Đảng từ khi thành lập cho đến nay. Đồng thời yêu cầu giảng viên phải thay đổi căn bản cách tiếp cận và nghiên cứu phương pháp giảng dạy cho hiệu quả với đặc thù của bài. Trên cơ sở khái quát vấn đề, giảng viên phải lựa chọn những nội dung trọng tâm, tiêu biểu là minh chứng cho vai trò lãnh chỉ đạo của Đảng ta. Nếu trình bày dàn trải vào những nội dung sự kiện sẽ không hệ thống và xâu chuỗi được vấn đề theo diễn tiến thời gian.
           Các bài 2, 3, 4 nghiên cứu thành tựu và bài học kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Những nội dung trên trước đây thường được lồng vào trong từng giai đoạn cụ thể với mục đích tổng kết, đánh giá những vấn đề đặt ra theo thời gian. Nhưng với cách tiếp cận mới, sẽ giúp học viên có điều kiện nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng theo chiều sâu (thành tựu lý luận, thành tựu thực tiễn); rút ra những thành tựu và kinh nghiệm để vận dụng trong hoạt động thực tiễn hiện nay. Đây là một hướng nghiên cứu khá mới mẻ, yêu cầu giảng viên phải nghiên cứu sâu lý luận để giải thích những vấn đề thực tiễn và minh họa kết quả đạt được bằng sự kiện, vấn đề lịch sử cụ thể. Nếu chỉ với kiến thức thông sử, minh họa lý luận bằng những sự kiện đơn lẻ, rời rạc giảng viên sẽ thiếu hẳn một mảng về căn cứ, cơ sở lý luận, khoa học để Đảng ta hoạch địch chủ trương.
           Với đặc thù môn học là xây dựng lại bức tranh trong quá khứ, đề cập đến những vấn đề đã qua. Điều này có thể khiến người học khó nắm bắt và nhận thức đúng đắn, toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng ta; rất dễ rơi vào tình trạng hiện đại hóa lịch sử, áp đặt những nhận thức của hiện tại để đánh giá quá khứ. Đây cũng là một thách thức lớn đối với đội ngũ giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc chương trình TCLLCT. Vậy yêu cầu đặt ra giai đoạn hiện nay đối với cả giảng viên và học viên là phải đổi mới cách tiếp cận và khai thác nội dung để nhận thức đúng, đầy đủ và vận dụng linh hoạt với những vấn đề thực tiễn đặt ra.
          Giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy phần học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
           Một là, phân phối thời gian hợp lý, khoa học đảm bảo thời lượng cung cấp kiến thức, không được cắt bỏ kiến thức một cách cơ học, cần khái quát một bức tổng quan theo từng giai đoạn, trong đó lựa chọn vấn đề đi sâu nghiên cứu chủ trương đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, không nên khai thác quá nhiều các sự kiện lịch sử cụ thể; bảo đảm thời gian thảo luận để học viên nhận biết, thông hiểu và vận dụng; vấn đề đưa ra thảo luận nên là những vấn đề lớn, bao quát cả giai đoạn và gắn với liên hệ thực tiễn.
          Hai là, giảng viên cần linh hoạt vận dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp với đặc điểm từng lớp học, nhằm khơi dậy ý thức tự giác, tích cực, trách nhiệm của người học trong quá trình tiếp nhận, trao đổi thông tin. Khéo léo xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình giảng dạy.
          Sử dụng phương pháp quy nạp, diễn dịch một cách nhuần nhuyễn giúp người học tư duy các vấn đề lớn và rút ra những nhận định đúng đắn. Trên cơ sở giảng viên phân tích vấn đề, cần đánh giá, phản biện toàn diện, nhiều chiều. Từ đó, giúp học viên nâng cao nhận thức chính trị, chủ động trong nhận diện luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nâng cao khả năng đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu cần hướng đến trong công tác giảng dạy lý luận chính trị hiện nay.
          Vận dụng phương pháp sơ đồ hóa với nội dung có tính khái quát cao, ví dụ: ở Bài 1, giảng viên không nên đi sâu phân tích những vấn đề lớn theo giai đoạn lịch sử mà chỉ hệ thống, đề cập. Phân tích, so sánh, tổng hợp, đánh giá những vấn đề lớn, lựa chọn những mốc lịch sử quan trọng để chứng minh, ví dụ: ở các Bài 2, 3, 4; xác định rõ giới hạn giai đoạn nghiên cứu để lựa chọn vấn đề phân tích, không đề cập vấn đề quá rộng sang cả nội dung của bài sau, ví dụ: ở Bài 3. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng trùng lắp kiến thức giữa các bài. Ngoài ra, có thể sử dụng phương pháp hỏi – đáp, nêu vấn đề, thảo luận linh hoạt với đặc thù từng bài.
            Ba là, linh hoạt lồng ghép chủ chương của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay để học viên thấy được sự bổ sung, phát triển của Đảng ta theo chiều dài lịch sử. Từ đó, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức đã học vào xử lý, giải quyết các vấn đề thực tiễn ở cơ sở đặt ra. Đặc biệt, là những bài học kinh nghiệm trong lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng tiếp tục được vận dụng phù hợp với tình hình nước ta trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và toàn diện.
            Tóm lại, Chương trình TCLLCT có nhiều thay đổi hướng tới nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên hiện nay. Đối với môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thay đổi lớn về kết cấu, nội dung đặt ra những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi giảng viên phải nỗ lực trong nghiên cứu và linh hoạt trong sử dụng các phương pháp, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tính hiệu quả, hấp dẫn của phần học; đồng thời đáp ứng được yêu cầu đặt ra với đặc thù của bộ môn là củng cố, xây dựng niềm tin và vận dụng đúng trong hoạt động thực tiễn hiện nay, tạo thành sức đề kháng chống lại các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
 
  ThS. GVC Phạm Thị Thu Trang
  Khoa Xây dựng Đảng
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277903

Đang Online : 95