Nghiên cứu - Trao đổi

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Nhà lãnh đạo tài năng, vị chỉ huy lỗi lạc của quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày Đăng: 1/1/2024 20:45 Lượt xem: 187

 
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
   (1914 – 1967)
 
          Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh sinh ngày 01/01/1914, quê ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, cuộc sống khổ cực nên từ sớm người thanh niên Nguyễn Vịnh đã có tinh thần yêu nước, căm thù giặc, mong muốn được tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Với mục tiêu rõ ràng, sự quyết tâm, ông đã sớm tham gia và giác ngộ cách mạng, đem hết tinh thần, ý chí để thực hiện hoài bão cứu nước, cứu nhà. Qua quá trình tham gia các phong trào ở địa phương, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy ở người thanh niên yêu nước Nguyễn Vịnh sự gan góc, quyết đoán, không ngại hy sinh, không nề hà gian khổ, từ đó giao cho đồng chí những nhiệm vụ quan trọng để thổi lửa cho phong trào cách mạng đạt được nhiều kết quả. Trải qua gần 40 năm hoạt động cách mạng không ngơi nghỉ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều đóng góp lớn lao trong sự nghiệp cách mạng của nước nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
          Từ tinh thần yêu nước đồng chí thâm nhập thực tế, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở quê hương để rèn luyện và trưởng thành.
          Năm 1931, khi mới 17 tuổi đồng chí đã tham gia các cuộc đình công đòi giới chủ trả tiền công cho người lao động, hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương do Đảng ta phát động. Trải qua thử thách, đồng chí Nguyễn Vịnh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được cử làm Bí thư chi bộ xã Quảng Thọ tháng 11/1937 (tổ chức đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền), năm 1938 đồng chí được cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế. Quá trình đẩy mạnh thực hiện các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, đồng chí luôn thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng, tài năng, trí tuệ, phẩm chất người lãnh đạo, khơi dậy tinh thần đấu tranh quật khởi trong nhân dân, thu được những kết quả quan trọng như đấu tranh làm thất bại kế hoạch tăng thuế của thực dân Pháp và chính quyền tay sai năm 1938. Đây là đóng góp quan trọng của Đảng bộ Thừa Thiên Huế trong cuộc tập dượt lần thứ hai trước khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra.
          Trước sự phát triển của phong trào cách mạng nơi đây, giới cầm quyền Pháp tăng cường đàn áp các phong trào đấu tranh, bắt giam nhiều đồng chí cộng sản, trong đó có đồng chí Nguyễn Vịnh. Từ giữa năm 1939 đến đầu năm 1942, đồng chí bị giải qua nhiều nhà lao (nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột), nhưng sự tra tấn tàn bạo của thực dân không thể khuất phục được ý chí của người cộng sản, ngược lại biến nhà tù thành nơi hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Vịnh đã được anh em trong tù bầu giữ chức vụ bí thư chi bộ nhà tù. Với lối tư duy mạch lạc, tinh thần quyết đoán và trái tim nhân hậu, đồng chí xây dựng kế hoạch đấu tranh với phương châm giảm tối đa sự thiệt hại về con người, lên án tội ác của thực dân, tạo thành tiếng vang lớn trong dư luận, buộc kẻ thù phải chùn bước và điều chỉnh chính sách cai trị trong lao tù, đảm bảo quyền công dân cho phạm nhân. Năm 1942, đồng chí Nguyễn Vịnh cùng một số đồng chí khác tổ chức vượt ngục thành công, nhanh chóng hoà nhập vào phong trào cách mạng, gấp rút chuẩn bị thực hiện chủ trương tổng khởi nghĩa trong cả nước. Thay mặt cho tổ chức Đảng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Vịnh tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 13 đến ngày 15/8/1945) tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là lần đầu tiên đồng chí được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ghi nhận những đóng góp trong phong trào cách mạng, tại hội nghị đồng chí Nguyễn Vịnh được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đặc biệt hơn, đồng chí được Bác đặt tên là Nguyễn Chí Thanh - cái tên thân thiết gắn bó với đồng chí, đồng bào và cả cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Vịnh. Có thể khẳng định, đây là chặng đường quan trọng để đồng chí Nguyễn Chí Thanh được rèn luyện cả về lý luận và thực tiễn, hiểu sâu sắc về chủ nghĩa cộng sản cũng như vai trò của Đảng Cộng sản, sự linh hoạt, nhạy bén trong kế hoạch đấu tranh để đạt được mục tiêu mà cả dân tộc đang hướng tới là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
          Một đại tướng thời đại Hồ Chí Minh để lại nhiều dấu ấn trong lòng nhân dân.
          Về tư duy quân sự, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 02/1951) Đảng ta đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng. Trên cương vị là Bí thư xứ uỷ Trung Kỳ, Bí thư Phân khu uỷ Bình - Trị - Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh có đóng góp to lớn trong việc củng cố sự lãnh đạo của Đảng ta đối với quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội ta, xây dựng nền nếp công tác chính trị, nâng cao nhanh chóng sức chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân. 
Thông qua nhiều bài viết, đồng chí nêu rõ nhiều luận điểm quan trọng, khẳng định Đảng ta là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo quân đội, nên quân đội ta phải thể hiện lòng trung thành với Đảng, tuyệt đối phục tùng chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng khối đoàn kết thống nhất. Đảng ta chỉ có thể giành được thắng lợi khi nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân, sự nghiêm túc, kỷ luật của lực lượng quân đội. Đồng chí tiếp tục khẳng định, quân đội là quân đội của Đảng và thực tiễn đã khẳng định điều đó, do vậy Đảng phải lãnh đạo tuyệt đối quân đội.
         Đối với lực lượng vũ trang, đồng chí luôn tâm niệm phải xây dựng được lực lượng quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Muốn vậy, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã xây dựng nguyên tắc về hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Đó là những nội dung có ý nghĩa chiến lược và tính biện chứng cao. Không những vậy, đại tướng còn quan tâm tăng cường công tác xây dựng Đảng, thường xuyên nâng cao lập trường tư tưởng cho đảng viên là các chiến sỹ, từ tinh thần yêu nước, mỗi đảng viên sẽ nêu cao ý thức trách nhiệm, đoàn kết chặt chẽ để đánh bại mọi kẻ thù. Với cách lập luận khúc chiết, dễ hiểu bằng cách đặt ra những câu hỏi và tìm câu trả lời để giải quyết những vấn đề căn bản như: về lập trường tư tưởng, tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất, chống chủ nghĩa cá nhân.
         Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí là vị tướng có tài thao lược, vừa là người trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam, vừa là người tổng kết, phát triển những luận điểm về chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Những bài viết sắc sảo mang bút danh “Trường Sơn” là những phản ánh sinh động nhất cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam, là những đánh giá, nhận định ở tầm chiến lược về thế và lực, phương hướng phát triển của cách mạng miền Nam Việt Nam, về khả năng chiến đấu, chiến thắng và nâng cao lòng tin của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ.
Cuối năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt, để tăng cường công tác lãnh đạo cách mạng miền Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Trên cương vị người lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất tại chiến trường, đồng chí đã cùng với Trung ương Cục đề xuất với Bộ Chính trị nhiều chủ trương chiến lược, sách lược đúng đắn. Tư tưởng chiến lược về quân sự của đại tướng thể hiện rõ nhất trong quá trình tìm phương pháp đánh Mỹ. Trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ đưa vào lực lượng quân đội tinh nhuệ với số lượng lớn, vũ khí tối tân khiến cho cách mạng miền Nam đứng trước nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu lên những vấn đề cơ bản như: có đánh thắng được Mỹ không? Làm thế nào để đánh Mỹ? Đánh Mỹ để làm gì?... Từ đó, đồng chí phân tích, lập luận và trả lời từng nội dung. Một là, khẳng định truyền thống yêu nước, đoàn kết là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam, với quyết tâm cao chắc chắn sẽ đánh bại kẻ thù. Hai là, tiếp thu và phát triển kế sách đánh giặc của cha ông thành phương châm “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” vừa khắc phục được hạn chế của quân đội ta (lực lượng quân đội ít, vũ khí nghèo nàn) vừa buộc kẻ địch bị động đối phó. Đây là một hình thức bao vây, giam chân lực lượng đối phương cực kỳ sáng tạo của cuộc chiến tranh nhân dân tại nhiều địa phương miền Nam. Ngoài ra đồng chí còn đưa ra quan điểm như phải đánh giá đúng thực lực kẻ thù, đã đánh là xác định phải tiêu diệt gọn, phát triển du kích chiến tranh, mở rộng vùng giải phóng, làm tốt công tác địch vận; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân; củng cố nội bộ, kịp thời rút kinh nghiệm, động viên, khen thưởng… Ba là, xác định mục tiêu đánh Mỹ để đuổi Mỹ, diệt ngụỵ, không chỉ đánh gục lực lượng quân đội mà còn đánh gục cả ý chí xâm lược của chính quyền Mỹ, giành lấy cuộc sống độc lập, tự do cho nhân dân. Thực tế trong quá trình triển khai thực hiện trên chiến trường miền Nam đã đem lại những thắng lợi vang dội, buộc kẻ thù chấp nhận thất bại trong các kế hoạch chiến tranh. Với sự chủ động trong quá trình nghiên cứu, học hỏi và tổng kết những vấn đề lý luận của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược, những bài viết của đồng chí Đại tướng góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Từ cuối năm 1964 đến giữa năm 1967, đồng chí tiếp tục cùng với tập thể Trung ương Cục, Quân ủy Miền lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam. Bằng những hoạt động thực tiễn phong phú và tổng kết lý luận sâu sắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã báo cáo trước Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 khóa III (tháng 6/1967), giúp cho Đảng đánh giá khách quan, khoa học về so sánh tương quan lực lượng giữa ta và đối phương, thể hiện niềm tin sắt son phong trào cách mạng nhất định sẽ giành thắng lợi. Từ đó góp phần quan trọng bổ sung, hoàn chỉnh đường lối chính trị, quân sự của Đảng, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày giành thắng lợi hoàn toàn.
         Trong hoạt động thực tiễn, là người xuất thân từ nông dân, không có điều kiện học nhiều, cả cuộc đời tham gia kháng chiến nhưng đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất say mê tìm hiểu về văn hoá, ông cho rằng văn hoá – nghệ thuật chính là tâm hồn của dân tộc, động lực cho sự phát triển, trong kháng chiến thì đó là động lực để lực lượng quân đội phát huy tinh thần, ý chí trong đấu tranh. Với cách nhìn sâu sắc và đầy bản lĩnh chính trị, ông cho rằng đó chính là sức mạnh nội sinh của mỗi chiến sỹ khi ra chiến trường. Với sự lãnh đạo quyết đoán, táo bạo, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình đấu tranh chống đế quốc, thực dân. Năm 1959, đồng chí được phong hàm đại tướng.
         Trong kháng chiến chống Mỹ, là người trực tiếp chỉ đạo chiến trường miền Nam trong những bước cam go, khốc liệt nhất, được chứng kiến tinh thần chiến đấu anh dũng, sức sáng tạo tuyệt vời của quân và dân miền Nam, đồng chí đã phân tích và quán triệt sâu sắc đường lối chính trị kết hợp với quân sự của Đảng, tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; đẩy mạnh và phát huy hiệu quả cách đánh địch bằng cả hai chân (chính trị, quân sự), ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), trên cả ba vùng chiến lược (đô thị, nông thôn đồng bằng, rừng núi); kết hợp giữa chiến tranh du kích với tác chiến chính quy trên cơ sở chiến tranh du kích, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân... Từ xác định địa điểm tập kết, công tác hậu cần đến kế hoạch tác chiến trực diện với quân xâm lược, quá trình lãnh đạo lực lượng ba thứ quân tạo ra thế uy hiếp chính quyền địch ở nhiều chiến trường từ nông thôn, đồng bằng đến đô thị, miền núi khiến cho địch phải dàn quân, bị phân tán. Từ đó, ta có khả năng tiêu hao địch ở nhiều nơi, giáng những đòn tiêu diệt địch hiệu quả. Những trận thắng phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi), Plây-me vào giữa năm 1965 đã chứng minh cho nhận định sắc sảo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh về quân đội và nhân dân miền Nam Việt Nam không chỉ dám đánh, biết đánh mà còn đánh thắng Mỹ về quân sự trong chiến lược chiến tranh cục bộ. Thực tiễn chiến đấu và những thắng lợi trong trận đụng đầu với quân Mỹ là cơ sở quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương Đảng hình thành và hoàn chỉnh Nghị quyết Trung ương lần thứ 12 khóa III ( tháng 12/1965), khẳng định quyết tâm, đường lối đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Kết quả, quân đội ta đã tiêu diệt được một bộ phận lớn sinh lực địch. Chúng ta không những giữ vững mà còn phát triển được du kích chiến tranh; giải phóng thêm đất đai, mở rộng thêm căn cứ địa; đánh thắng địch và bảo toàn, phát triển được lực lượng quân đội. Quân và dân miền Nam tiếp tục làm tan rã quân ngụy, đánh thắng quân viễn chinh Mỹ - một lực lượng quân đội hùng mạnh và hiện đại nhất thế giới tư bản. Những thắng lợi đạt được một lần nữa là minh chứng sống cho đường lối đúng đắn của Đảng ta.
         Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một chiến sỹ cộng sản kiên trung, một nhà hoạt động chính trị, quân sự lỗi lạc, một người chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm, kiên quyết của lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong lĩnh vực quân sự, đồng chí có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân lớn mạnh không ngừng và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, động viên mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

 
ThS. GVC Phạm Thị Thu Trang
Khoa Xây dựng Đảng
 
Tài liệu tham khảo:
1. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh danh tướng thời đại Hồ Chí Minh. Nxb Quân đội nhân dân, H.2013
2. Nguyễn Chí Thanh những góc nhìn từ hậu thế. Nxb Quân đội nhân dân, H.2017
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8044869

Đang Online : 1356