Nghiên cứu - Trao đổi

Phát huy tinh thần "Giữ vững chí khí chiến đấu" của Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày Đăng: 23/4/2024 9:50 Lượt xem: 33

      Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân ta. Trần Phú sinh ngày 01/5/1904 tại mảnh đất Hà Tĩnh “địa linh nhân kiệt” có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước, văn hóa và cách mạng, do đó ngay từ nhỏ, tinh thần yêu nước, ham học hỏi, giàu nghị lực vươn lên luôn nhiệt huyết trong dòng máu của đồng chí. Câu nói: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí không chỉ là lời dặn dò trước khi trút hơi thở cuối cùng đối với các chiến sĩ cộng sản lúc bấy giờ mà còn là nguồn động lực to lớn, là lý tưởng sống lan tỏa tới lớp lớp thế hệ trẻ và nhân dân Việt Nam trong hành trình bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia; xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[1].
      Từ “giữ vững chí khí chiến đấu”, nỗ lực phấn đấu vươn lên của nhà lý luận tiên phong trên mặt trận tư tưởng và chính trị…
Cuộc đời niên thiếu của Trần Phú trải qua nhiều biến cố, cha tuẫn tiết trước công đường phản kháng thực dân khi đồng chí 4 tuổi, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, mẹ mắc bệnh nặng và qua đời khi Trần Phú chỉ mới 6 tuổi. Phải trải qua những tháng ngày vất vả mưu sinh nhưng không làm lung lay quyết tâm học tập ở đồng chí. Được sự giúp đỡ của họ hàng, với tinh thần yêu nước và hiếu học, Trần Phú miệt mài học hành, dự thi và đỗ đầu kỳ thi Thành Chung do Trường Quốc học Huế tổ chức và được bổ nhiệm dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (thành phố Vinh), tiếp nối sự nghiệp dạy học cao quý của cha. Tại đây, Trần Phú đã tích cực truyền đạt những tri thức cho lớp trẻ, công nhân và nông dân, giáo dục cho họ lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường không chịu khuất phục trước kẻ thù của dân tộc.
       Năm 1925, Trần Phú tạm gác giấc mơ dạy học và được cử sang Lào để hoạt động cách mạng. Trần Phú đã đi sâu tìm hiểu cuộc sống và nguyện vọng của công nhân, nông dân, có công lớn trong việc giác ngộ cách mạng, rèn luyện lập trường, ý thức giai cấp công nhân cho họ. Sau đó, đồng chí được cử đi đào tạo về lý luận chính trị tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào năm 1926, có cơ hội được gặp Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ lý tưởng cách mạng và vinh dự được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, vào cộng sản Đoàn và được cử về nước hoạt động cách mạng. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, từ một thanh niên yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản.
Trong thời gian tham gia cách mạng, dù bị kẻ thù truy nã gắt gao nhưng không làm nhụt “chí khí chiến đấu”, không làm chùn bước người chiến sĩ cộng sản Trần Phú trên con đường tư dưỡng, rèn luyện về chính trị. Mùa xuân năm 1927, đồng chí tiếp tục học tại Mátxcơva và được bầu làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam. Tuy gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập, phải học muộn một năm, sức khỏe yếu nhưng với sự nỗ lực, Trần Phú đã vượt lên khó khăn và tích cực giúp đỡ các đồng chí khác vươn lên trong học tập.
       Một dấu son chói lọi trong quá trình nghiên cứu và cống hiến lý luận không ngừng nghỉ là khi đồng chí được tín nhiệm tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương và được Nguyễn Ái Quốc giao trọng trách trực tiếp soạn thảo và hoàn chỉnh “Luận cương chính trị của Đảng”. Đối lập với căn buồng xép tầng hầm tối tăm, chật hẹp tại nhà số 7 phố Giăng-Xôle (Jean Soler) nay là ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) ấy, dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin là hình ảnh người chiến sĩ Trần Phú miệt mài soạn thảo bản “Luận cương chính trị của Đảng”, đã phân tích tình hình thế giới và cách mạng ở Đông Dương một cách khoa học, từ đó khẳng định con đường cách mạng Việt Nam, gắn giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc, chống đế quốc với chống phong kiến, độc lập dân tộc gắn với người cày có ruộng. “Luận cương chính trị của Đảng” ra đời với ý nghĩa là Văn kiện lịch sử quan trọng của Đảng, khẳng định năng lực và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong việc vạch ra đường lối lãnh đạo quần chúng đứng lên đánh đổ thực dân phong kiến, giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
       Trong những năm tháng bị tù đày và tra tấn dã man, đồng chí luôn gương mẫu đi đầu phong trào đấu tranh cách mạng, kiên quyết “biến nhà tù thành trường học cách mạng” và trực tiếp tham gia tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho các đồng chí của mình, động viên họ giữ vững lập trường và đặt niềm tin sắt son vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước nhà.
Đánh giá công lao của đồng chí Trần Phú trên phương diện lý luận, trong bài "Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương" đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5/1932, đã viết: “Dưới sự lãnh đạo cương quyết của đồng chí Trần Phú, Đảng ta đã trở thành một đảng quần chúng thực sự và đã tiến hành những công việc lớn lao về tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp quần chúng đông đảo trong cuộc đấu tranh cách mạng".
        …đến “giữ vững chí khí chiến đấu” của người chiến sĩ cộng sản trước kẻ thù.
       Chí khí khiến đấu của người chiến sĩ cộng sản Trần Phú còn được thể hiện ở sự hiên ngang, dũng cảm và không chịu lùi bước trước kẻ thù. Trong quá trình hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, dù từng bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt, bị địch bắt ở Sài Gòn và bị tra tấn với nhiều thủ đoạn dã man, khắc nghiệt nhưng những “gông cùm gang thép” ấy cũng không thể trói buộc được “tinh thần gang thép” của người chiến sĩ Trần Phú. Đứng trước kẻ thù, khi bị tra tấn và thẩm vấn gắt gao, đồng chí vẫn khẳng định lòng trung thành đối với Đảng, cốt cách của người cộng sản dám đối mặt với hiểm nguy với quyết tâm biến tòa án của kẻ thù thành nơi lên án thực dân Pháp. Bằng ý chí kiên cường và không hề run sợ, Trần Phú tuyên bố dứt khoát, đanh thép: “Đừng hỏi làm gì nữa vô ích. Ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các ngươi nghe”.
       Ngày 06/9/1931, do bị kẻ thù tra tấn tàn bạo và dưới chế độ tù đày khắc nghiệt, đồng chí yếu dần và trút hơi thở cuối cùng khi chỉ mới 27 mùa xuân – độ tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ đang căng tràn sức sống và nhiệt huyết. Tuy ra đi khi tuổi đời còn trẻ nhưng tấm gương, “chí khí chiến đấu” và những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú còn mãi vang vọng đến bao lớp người dân Việt Nam. Ý chí ấy được nung nấu từ khi còn nhỏ, hun đúc trong những năm tháng mài giũa trên ghế nhà trường, không ngừng rực cháy trong hành trình hoạt động cách mạng và được đúc kết ở lời nhắn nhủ trong hơi thở cuối cùng của đồng chí Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.
       Nhắc đến đồng chí Trần Phú, Quốc tế Cộng sản khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người Cộng sản Đông Dương”[2].
        Tiếp tục phát huy tinh thần “giữ vững chí khí chiến đấu” trong giai đoạn hiện nay.
       Hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động mạnh; những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các thế lực thù địch xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân.… thì việc học tập và tiếp tục phát huy tinh thần “giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Trần Phú là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đổi mới, tiếp tục “giữ vững chí khí chiến đấu” là kiên định và quyết tâm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đẩy mạnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước; bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân cần:
      Một là, thường xuyên tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện ý chí, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
      Hai là, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách khoa học, thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
       Ba là, tích cực, tự giác học tập, nâng cao trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn chức danh của từng vị trí việc làm, trong đó chú trọng kỹ năng xử lý các vấn đề thực tiễn mới đặt ra nhằm nâng cao năng lực, khả năng tư duy, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong công việc, nhiệm vụ được giao.
       Bốn là, nhận diện và tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
      Học tập và phát huy “chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư Trần Phú, bên cạnh việc thực hiện một số giải pháp ở trên, mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị cần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ và cuộc sống, cụ thể:
      Thứ nhất, thường xuyên trau dồi kiến thức, nghiên cứu lý luận chính trị thông qua nhiều hình thức: tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng như lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Đồng thời, thường xuyên thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học để làm sáng tỏ những nội dung của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
          Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng bài giảng, lồng ghép có hiệu quả nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào bài giảng được phân công; trau dồi kỹ năng sư phạm, áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin để bài giảng sinh động, đạt hiệu quả cao hơn./.
Nguyễn Thị Huyền Quyên
Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  1. Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Trần Phú tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2007.
  2. https://www.tuyengiao.vn/tong-bi-thu-tran-phu-tam-guong-sang-choi-ve- tri-tue-dao-duc-khi-phach-hien-ngang-cua-nguoi-cong-san-62101.
 
[1]   Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, 2021, tr.9.
[2] https://www.tuyengiao.vn/tong-bi-thu-tran-phu-tam-guong-sang-choi-ve-tri-tue-dao-duc-khi-phach-hien-ngang-cua-nguoi-cong-san-62101.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8035632

Đang Online : 1446