Nghiên cứu - Trao đổi

Xây dựng lực lượng công an nhân dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày Đăng: 5/5/2024 22:4 Lượt xem: 67

          Cùng với sự ra đời của hệ thống chính quyền cách mạng trong toàn quốc tháng 8/1945, các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an (CAND) Việt Nam được thành lập ở cả 3 miền: Sở Liêm phóng ở Bắc Bộ, Sở Trinh sát ở Trung Bộ và Quốc gia tự vệ cuộc ở Nam Bộ. Nhiệm vụ chung của lực lượng công an lúc này là: đấu tranh trấn áp phản cách mạng, chống lại thù trong, giặc ngoài và các loại tội phạm, giữ gìn trật tự trị an xã hội, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng Tháng Tám. Việc xây dựng lực lượng CAND trong mỗi thời kỳ cách mạng, nhất là trong những năm đầu của chính quyền cách mạng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng; mà trực tiếp là đối với vận mệnh của chính quyền và sự tồn vong của chế độ mới, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, bảo vệ các chiến dịch quân sự.
          Ngày 01/01/1946, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cải tổ với 18 Bộ, Bộ Nội vụ được thành lập với cơ cấu tổ chức bộ máy gồm 7 cơ quan, đơn vị, trong đó có Nha Công an[2] do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Ngày 19/01/1946, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 14/NgĐ xác định nhiệm vụ của Nha Công an là phụ trách công tác trị an. Theo đó, ngày 21/02/1946 theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Liêm phóng và Cảnh sát thành Việt Nam Công an vụ, đặt trong Bộ Nội vụ. Tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Nha Công an trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện; lực lượng Công an nhân dân được xây dựng, phát triển, kiện toàn hoàn chỉnh từ cấp trung ương đến cấp cơ sở trong toàn quốc[3]. Ngày 9/3/1948, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 113 về vấn đề Công an xã và lập Ban trật tự xã, tiếp theo đó ngày 10/10/1950 Bộ Nội vụ ra Nghị định số 438-NV về việc thành lập Ban Công an xã trong toàn quốc. Đến ngày 03/01/1952, Bộ Nội vụ tiếp tục ký ban hành Nghị định số 09-NgĐ về việc thành lập Công an huyện. Đến thời điển nay, hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng công an được xây dựng và hoàn thiện theo 4 cấp hành chính của Nhà nước: cấp trung ương, cấp khu - tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trên cơ sở kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy công an, ngày 16/02/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL đổi Nha Công an Việt Nam thành Thứ Bộ Công an tách khỏi Bộ Nội vụ và đến ngày 27/8/1953 tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ đã quyết định đổi Thứ Bộ thành Bộ Công an,  trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đồng chí Trần Quốc Hoàn Ủy viên Trung ương Đảng (khóa II) Thứ trưởng Thứ Bộ Công an được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên (và đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng liên tục 28 năm cho đến 1981).
          Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo và rất coi trọng công tác xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng CAND ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ để đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị - quân sự của Đảng trong mỗi giai đoạn cách mạng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, đầu năm 1947 Nha Công an chuyển từ Hà Nội lên đóng quân tạm thời tại huyện Tam Dương, Vĩnh Yên, từ cuối 1947 đến kết thúc cuộc kháng chiến Nha Công an và các cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến của Đảng, Chính phủ cùng nhiều bộ, ban, ngành di chuyển về ATK Tuyên Quang và chọn nơi đóng quân tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang (địa điểm Di tích lịch sử Nha Công an Trung ương hiện nay). Nha Công an đóng vai trò rất quan trọng đối với công tác xây dựng, phát triển lực lượng công an toàn quốc phục vụ kháng chiến và trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng, triển khai tổ chức các lực lượng nghiệp vụ chuyên trách đảm bảo công tác an ninh, an toàn, bảo vệ vững chắc khu căn cứ địa ATK Tuyên Quang – Thủ đô kháng chiến, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan lãnh đạo, đầu não của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành trong suốt thời kỳ kháng chiến và đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ xuân hè 1954.
          Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác công an trong các giai đoạn cách mạng, lực lượng công an đã bám sát chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dựa vào nhân dân xây dựng lực lượng toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ, cơ sở vật chất và kỹ thuật nghiệp vụ ngày càng vững mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Nha Công an Trung ương đã nhanh chóng di chuyển cán bộ, hồ sơ tài liệu lên ATK, ổn định tổ chức, chủ động tăng cường củng cố, kiện toàn về tổ chức cho phù hợp với yêu cầu của cuộc kháng chiến. Ngày 29/01/1947, Nha Công an Trung ương ra Quyết nghị số A00092 về chương trình hoạt động của bộ máy công an trong thời chiến, xác định: Nhiệm vụ của công an là giữ bí mật hậu phương, bao vây triệt đường xâm nhập của gián điệp, kiểm soát dân chúng, khống chế các phần tử hiềm nghi, bảo vệ các cơ quan chính quyền đóng ở thôn quê, miền núi, điều tra địch tình, giúp tin tức cho quân đội đánh giặc. Tại ATK Tuyên Quang, lần đầu tiên Nha Công an tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ nhất (từ ngày 16/5/1947) nhằm xác định tư tưởng trường kỳ kháng chiến, xây dựng tổ chức và chỉnh đốn công tác trong toàn lực lượng cho phù hợp với tình hình mới. Hội nghị xác định cần xây dựng tổ chức công an sát hợp với tình thế và làm cho công an gần dân hơn. Tính chất công an phải gần dân, giúp dân[4] và định ra nguyên tắc lập các Đội danh dự và Công an xung phong. Sau thắng lợi chiến dịch Thu Đông 1947, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ hai (02/1948) họp xác định: Cần ấn định tổ chức mới cho phù hợp với tình hình hiện tại, chủ động tiến hành xây dựng lực lượng và tổ chức công tác hậu cần phục vụ công tác và chiến đấu của công an. Quán triệt chủ trương của Đảng cần bổ sung và phát triển lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị cho tổng phản công, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ tư (3/1949) đã nêu ra vấn đề quan trọng: Xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức của toàn ngành thống nhất, giản đơn, khoa học, tác phong làm việc chính quy; kiện toàn Nha, củng cố Ty, giản đơn Sở, rút bớt quân số... Công an các cấp, các đơn vị địa phương nhanh chóng được chấn chỉnh, kiện toàn về tổ chức và cán bộ cho phù hợp với yêu cầu của tình hình. Đặc biệt từ Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ năm (01/1950) và lần thứ sáu (8/1951), toàn lực lượng Công an nhân dân quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc xây dựng, phát triển lực lượng Công an theo mô hình mới: “Tổ chức gọn nhẹ, cán bộ tinh vi, bí mật, tăng cường nghiệp vụ, lề lối làm việc trên dưới, ngang dọc nhất trí ...”; “Tổ chức phải đảm bảo trên tinh vi, dưới đơn giản, nặng về nghiệp vụ, nhẹ về hành chính, bảo đảm được bí mật và chuyên môn hoá được cán bộ”. Sau Hội nghị, hệ thống tổ chức công an được xây dựng theo mô hình thống nhất từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã (từ Nam Trung Bộ trở ra), tổ chức bộ máy công an nhanh chóng được kiện toàn, hoàn thiện phù hợp theo 5 cấp hành chính của nhà nước: Nha Công an - Sở Công an - Ty Công an - Huyện Công an  và Ban công an xã. Hội nghị xác định rõ phương châm: “Dựa vào nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng để quy định tổ chức và lề lối làm việc của ngành”; xác định tính chất của tổ chức công an là phải đảm bảo được sự nhất trí giữa “chính trị với chuyên môn, giữa trên và dưới, giữa các bộ phận công tác trong ngành với nhau”; cán bộ công an “phải lấy sự kiên định chính trị làm cốt chính”; nghiệp vụ công tác công an thực chất là nghiệp vụ chính trị...
          Một bước tiến quan trọng đánh dấu bước phát triển mới về tư duy, nhận thức trong công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân là tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ năm (01/1950) đã thảo luận và quán triệt sâu sắc các chỉ dẫn của Hồ Chí Minh “Công an ta là Công an nhân, Công an là Bạn dân”. Hội nghị đã thảo luận và thông qua đề án “Công an nhân dân Việt Nam”; xác định và nhất trí cao quan điểm: Công an Việt Nam là Công an nhân dân, “là khí cụ mạnh mẽ của đa số nhân dân”, phải vì dân mà phục vụ, dựa vào dân mà làm việc; Công an nhân dân mang bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân sâu sắc; Công an nhân dân phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải quan hệ chặt chẽ gắn bó mật thiết với nhân dân, phải dựa vào dân để làm việc, lấy nhân dân làm nền tảng của sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự. Đây là cơ sở chính trị quan trọng, định hướng tư tưởng căn cốt, cơ bản để xây dựng lực lượng CAND trở thành lực lượng chiến đấu vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Chính phủ và nhân dân; xây dựng lực lượng Công an tổ chức thống nhất từ Nam chí Bắc theo nguyên tắc gọn gàng, hợp lý, thống nhất ý chí hành động, từ trên xuống dưới, cả dọc và ngang; giáo dục cách mạng và kỹ thuật công an được thể hiện trong Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Đây là quan điểm đặt nền móng xây dựng lý luận Công an nhân dân Việt Nam những năm sau này.
          Với lực lượng Công an, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng việc giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an có lập trường quan điểm của giai cấp công nhân vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng cao, thấu suốt đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài”. Các hình thức, nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng được tăng cường thông qua hệ thống các tài liệu, báo chí, ấn phẩm, các lớp huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều tờ báo, nội san của Công an được tổ chức in ấn, phát hành trong toàn lực lượng, như: Báo Công an mới, tờ nội san Rèn Luyện của Nha Công an, Công an nhiều khu, tỉnh ra các tờ báo của Công an địa phương: tờ Trao dồi của Công an Tuyên Quang, tờ Luyện tiến của Công an Nam Định, tờ Bạn dân của Công an Khu XII... Đặc biệt sau khi nhận được Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công an Khu XII (đề ngày 11/3/1948), lực lượng Công an đã chính thức phát động Phong trào học tập, thực hiện 6 lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách người Công an cách mạng kết hợp với phong trào thi đua “Rèn cán lập công” được triển khai trong toàn lực lượng, trong toàn quốc và tích cực hưởng ứng mạnh mẽ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch (6/1948). Công an các đơn vị, địa phương một mặt giáo dục cán bộ, chiến sĩ công an nâng cao nhận thức về đường lối quần chúng, về tính chất Công an nhân dân, nhận thức đúng về bộ máy tổ chức Công an nhân dân và tư cách người cán bộ công an cách mạng, phân biệt bản chất công an cách mạng với công an mật thám, cảnh sát của Pháp - Nhật, phong kiến.
            Trong quá trình chiến đấu, đối với công tác xây dựng lực lượng Nha Công an đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, đào tạo bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ để nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác. Trường Huấn luyện Công an được thành lập từ rất sớm (ngày 25/6/1946) và đã kịp thời huấn luyện, bồi dưỡng cả về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho 2 lớp cán bộ lãnh đạo trung cấp tại số 15 Trần Bình Trọng, Hà Nội trước khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Mặc dù nhiệm vụ kháng chiến rất dồn dập, khẩn trương nhưng Nha Công an Trung ương luôn quan tâm chỉ đạo Trường Công an Trung cấp liên tục tổ chức mở các khoá huấn luyện công an tại ATK Tuyên Quang (Sơn Dương, Chiêm Hóa) phục vụ kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị, quân sự và công tác chuẩn bị tổng phản công của Đảng trong từng giai đoạn. Từ sau Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ sáu (1949) hệ thống tổ chức của Công an được xây dựng thống nhất từ Trung ương đến cấp xã, việc huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ công an các cấp ở các Liên khu, sở Công an ở 3 miền đều được coi trọng, đi dần vào nền nếp, có tính thường xuyên. Các Sở, Ty Công an trong toàn quốc đã chủ động tự đào tạo, bồi dưỡng độ ngũ cán bộ công an các cấp đáp ứng yêu cầu công tác của địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến 5 Sở công an Liên khu và 24 Ty Công an tỉnh đã mở được 187 lớp huấn luyện cho 6.879 cán bộ, chiến sĩ chính quy, trong đó có 4.982 trật tự xã và công an viên. Trong các lớp huấn luyện mở ngắn ngày, nội dung đi sâu về vấn đề nghiệp vụ như: công tác điều tra, trật tự, căn cước, điệp báo, chính trị, trật tự xã, xét hỏi, kiểm soát giấy tờ…Những nội dung này mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp cho từng cán bộ làm công tác chuyên môn. Qua học tập, bồi dưỡng, huấn luyện, các lực lượng chuyên trách, chuyên môn của Công an nhân dân cũng được phát triển, tăng cường thêm. Đây là bước chuẩn bị rất cơ bản và quan trọng cho lực lượng Công an nhân dân đủ sức, đủ lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ các chiến dịch quân sự lớn của Đảng và quân đội mở trong giai đoạn những năm 1951 đến 1953.
          Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nội bộ, thực hiện chủ trương của Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba, lực lượng công an đã tiến hành các đợt chỉnh huấn trong toàn lực lượng. Qua chỉnh huấn đã củng cố được lập trường giai cấp của cán bộ, đảng viên, làm cho cán bộ, đảng viên phân rõ ranh giới giữa ta, bạn và thù, hiểu rõ chính sách đoàn kết toàn dân để kháng chiến. Tại căn cứ địa Việt Bắc, nhất là địa bàn ATK Tuyên Quang và các vùng tự do ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ Công an các địa phương, hầu hết các cơ quan cấp tỉnh và một số cấp huyện đã tiến hành làm tốt công tác bảo vệ cơ quan, thuần khiết nội bộ, kiểm soát chặt chẽ nội bộ, làm rõ những vấn đề nghi vấn; kịp thời phát hiện đấu tranh, xử lý kiên quyết và đưa ra khỏi nội bộ, khỏi ngành những người không đủ tiêu chuẩn chính trị, hủ hóa, ăn chơi sa đọa, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, kỷ luật của ngành[5]; tích cực phát hiện do thám, chỉ điểm, chống địch thâm nhập, bảo vệ nghiêm ngặt tài liệu và những vấn đề cơ mật của Đảng, Chính phủ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo, cơ quan đầu não kháng chiến....
          Để nắm tình hình địch, phục vụ công tác của ngành và sự chỉ đạo kháng chiến của Trung ương, Nha Công an đã xây dựng và tổ chức lực lượng tình báo, phái khiển (từ 1953), thành lập các ban điệp báo, các đội hành động hoạt động trong vùng địch hậu. Sau khi có Chỉ thị số 07 của Trung ương Đảng (31/5/1950) tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, mạng lưới cơ sở bí mật và các mặt công tác tình báo công an được chuyển về Cơ quan tình báo chiến lược của Trung ương Đảng - Nha Liên lạc Trung ương, đồng chí Trần Hiệu Phó Giám đốc Nha Công an Trung ương được cử làm Giám đốc Nha Liên lạc Trung ương. Tại ATK Tuyên Quang, công tác bảo vệ căn cứ địa cách mạng và nơi ở, làm việc, các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chuyên gia, khách quốc tế được Trung ương giao cho lực lượng Công an trực tiếp thực hiện. Nha Công an đã chỉ đạo Ty Công an Tuyên Quang và phối hợp với các đơn vị chức năng khác tổ chức xây dựng và thường xuyên củng cố, tăng cường lực lượng bảo vệ chuyên trách. Từ năm 1947 đã cho xây dựng một số Đồn Công an đặt tại các địa bàn Sơn Dương, Bình Ca để kiểm soát việc ra vào ATK Tuyên Quang. Phối hợp Công an xã, huyện và bộ phận bảo vệ cơ quan phát động quần chúng thực hiện công tác phòng gian bảo mật, thực hiện ba không, xây dựng, phổ biến nội quy ra vào, đi lại trong ATK Tuyên Quang, quản lý, kiểm soát người ra vào khu vực ATK và các địa bàn giáp ranh. Từ 1949, lực lượng công an đã xây dựng thêm một số Đồn mới, tăng cường lực lượng bố trí kiểm soát chặt chẽ các địa bàn trong ATK, xung quanh ATK Tuyên Quang, nhất là những nơi đóng, trú quân của Trung ương, Chính Phủ và các cơ quan cơ mật trọng yếu ...Thiết lập 10 đồn Công an đóng tại: Thị xã Tuyên Quang, Bình Ca, An Phú (Yên Sơn), Km5 Tuyên Quang- Hà Nội, Cầu Bâm, Tân Trào (Sơn Dương), Chợ Bợ (Chiêm Hóa), Chợ Ngọc (Yên Bình)... Lực lượng Cảnh vệ lãnh tụ, bảo vệ vòng trong căn cứ địa ATK và địa điểm đóng cơ quan Đảng, Chính phủ, khách quốc tế được Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo Nha Công an liên tục củng cố, tăng cường về mọi mặt cả về tổ chức bộ máy, biên chế, vũ khí trang bị. Năm 1949 trở đi Nha Công an thành lập một đại đội vũ trang chuyên trách công tác cảnh vệ (tên gọi Đại đội Độc lập, Đại đội Hoàng Hữu Nam hay Đại đội 123, sau này nâng lên thành Tiểu đoàn 600) chuyên trách bảo vệ khu vực đóng, trú quân của Trung ương, bảo vệ các hội nghị quan trọng của Đảng, Chính phủ, bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ II (1951) và các đại biểu đi dự Đại hội. Do yêu cầu của tình hình mới, công tác xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, chuyên trách được Trung ương quan tâm chỉ đạo tăng cường một bước quan trọng. Tháng 5/1950 thành lập Tiểu đội AD chuyên trách bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng; tháng 7/1950 thành lập thêm Tiểu đội AT chuyên trách bảo đảm an ninh cho Tổng Bí thư Trường Chinh và Kho bạc Nhà nước. Lực lượng Cảnh vệ được xây dựng đủ mạnh cả về tiêu chuẩn chính trị, tổ chức biên chế, trình độ nghiệp vụ, trang bị vũ khí. Đến Sắc lệnh số 141/SL ngày 16/02/1953 của Chính phủ đổi Nha Công an thành Thứ Bộ Công an, Cục Cảnh vệ Công an nhân dân được thành lập – đơn vị chuyên trách công tác cảnh vệ của lực lượng Công an. Để tăng cường lực lượng Công an chuẩn bị cho các chiến dịch lớn quân ta mở ở khu vực Tây Bắc và Thượng Lào, chiểu theo Sắc lệnh số 134/SL ngày 28/01/1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thiết lập Khu Tây Bắc, Công an Khu Tây Bắc được thành lập (gồm 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La tách ra từ Liên khu Việt Bắc) do đồng chí Trần Quyết làm Giám đốc Sở với nhiệm vụ chủ yếu nắm tình hình địch, diệt tề, trừ gian, tiễu phỉ, phục vụ các chiến dịch quân sự.
            Cùng với sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân, Phong trào “phòng gian bảo mật”, “Ba không”, xây dựng đơn vị an toàn trong lực lượng vũ trang, trong ATK Việt Bắc và vùng hậu phương của ta cũng được phát triển sâu rộng và mang những nội dung thiết thực như: không được tiết lộ bí mật địa điểm đóng quân, nơi tập kết, ngày, tháng hành quân cho người nhà qua thư từ; không tiết lộ phiên hiệu đơn vị, tên người chỉ huy cho bất cứ ai quen biết... Phong trào phá tề trừ gian, phá kinh tế địch, tiễu phỉ, bài trừ phản động, làm trong sạch địa bàn, nhất là trên các tuyến đường giao thông huyết mạch, quan trọng, các địa bàn xung yếu trọng điểm, vùng phụ cận và giáp ranh với ATK. Hình thức “tổ 3 người” hàng ngày đều sinh hoạt đều đặn và có nội dung kiểm điểm việc thực hiện nội quy “phòng gian bảo mật” thiết thực...
           Để chuẩn bị cho bước phát triển mới của cách mạng, trước những chuyển biến mạnh mẽ của cuộc kháng chiến, trong phiên họp từ ngày 27 đến 29/8/1953, Hội đồng Chính phủ ra nghị quyết về tăng cường xây dựng lực lượng công an về tổ chức và cán bộ. Chính phủ đã quyết định đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng được cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là một bước phát triển vượt bậc, rất quan trọng về công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. Ngày 20/02/1954, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 64/CTTW về Tăng cường lãnh đạo công tác công an, trong đó chỉ rõ: “Các cấp uỷ phải trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố tổ chức, giáo dục, rèn luyện cán bộ công an các cấp, cho cơ quan  công  an  thêm những cán bộ tin cẩn, có năng lực và chuyển  những  người  không thích hợp đi công tác khác để cho bộ  máy  công  an được trong sạch và thực sự là công cụ sắc bén của  Đảng  đấu  tranh chống mọi âm mưu tấn công, phá hoại của  đế  quốc  và phong kiến” [6] ...
Từ đầu năm 1953, quân dân ta liên tiếp giành được những thắng lợi lớn trong các chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào làm thay đổi cục diện chiến trường Đông Dương, thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh, địch ngày càng sa lầy, suy yếu. Tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Trước tình hình đó, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 8 họp tại ATK Tuyên Quang (12/1953) chỉ rõ: cần tiếp tục chỉnh đốn tổ chức, đào tạo cán bộ nâng cao tư tưởng chính sách, tăng cường học tập nghiệp vụ, sửa đổi lối làm việc... thực hiện việc khen thưởng đề bạt thích đáng, bổ sung cho đủ số người đã được Chính phủ quy định trong biên chế...phải nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp cho cán bộ và chiến sĩ, đánh thông tư tưởng để ai nấy yên tâm tích cực công tác[7]. Lực lượng Công an nhân dân đã sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt tập trung dồn sức phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Phát triển thế thắng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng làm Chủ tịch, đồng chí Trần Quốc Hoàn Bộ trưởng Bộ Công an tham gia Ủy viên nhằm động viên cao nhất, nhanh nhất, nhiều nhất, hiệu quả nhất sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ. Lực lương Công an nhân dân được Trung ương giao nhiệm vụ đảm bảo các mặt công tác an ninh, bảo vệ chiến dịch – đây là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của toàn lực lượng Công an trong thời gian này.
             Như vậy, trước khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Công an và lực lượng Công an toàn quốc đã được tăng cường một bước quan trọng về cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đội ngũ cán bộ, toàn lực lượng đã sẵn sàng tâm thế, củng cố quyết tâm chuẩn bị cho trận chiến đấu mới, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ của chiến dịch Điện Biên Phủ.
            Bộ Công an đã huy động tất cả mọi lực lượng công an các cấp vào trận. Ban Công an tiền phương được nhanh chóng thành lập nằm trong Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương do đồng chí Trần Hiệu (Phó Giám đốc Nha Công an) làm Trưởng ban cùng những cán bộ bảo vệ chính trị khác: Trần Triệu (Phó Giám đốc Công an Khu Tây Bắc) Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Thanh Sơn[8] vv…Một số Sở, Ty Công an thuộc Công an Khu Tây Bắc, Liên khu Việt Bắc, Liên khu III, Liên Khu IV, ATK Tuyên Quang, Thái Nguyên thành lập Ban Công an tiền phương cấp tỉnh hoặc cử cán bộ tham gia Hội đồng cung cấp mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện. Nhiệm vụ của Ban Công an tiền phương là phối hợp các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở, lực lượng quân đội trực tiếp tổ chức và chỉ đạo công tác động viên, tuyển chọn, bảo vệ, đưa dẫn các đoàn dân công vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng phục vụ chiến dịch; chuyển hóa các địa bàn phức tạp, làm trong sạch các địa bàn hành lang dọc theo các tuyến đường từ hậu phương, khu căn cứ ATK, vùng địch hậu lên Điện Biên Phủ; tổ chức cảnh giới máy bay địch, chống gián điệp biệt kích, phỉ đánh úp, bảo đảm an toàn công tác giao thông vận chuyển, ngụy trang, bảo vệ kho tàng và tuyến đường hành quân, nơi trú quân của bộ đội và dân công. Phối hợp với lực lượng bảo vệ Quân đội bảo vệ các đồng lãnh đạo chỉ huy đi công tác, bảo vệ bí mật quân sự cho chiến dịch và từng trận đánh. Thuần khiết nội bộ, đội ngũ dân công, phát hiện, xử lý kẻ địch và bọn phản động trà trộn, chỉ điểm do thám, phá hoại. Tại các ATK Tuyên Quang, Thái Nguyên lực lượng hậu cần - kỹ thuật công an, với các công xưởng, phương tiện còn thô sơ nhưng đã kịp thời hoàn thành việc in ấn các loại giấy tờ: chứng minh thư, giấy công vụ lệnh, các bản nội quy bảo vệ bến bãi, kho tàng, các quy định phòng gian bảo mật theo mẫu quy định của Bộ Công an. Lực lượng thông tin cơ yếu công an phối hợp với cơ yếu Văn phòng Trung ương Đảng trực tiếp truyền tin, mã dịch các bức điện, mệnh lệnh, chỉ thị của Trung ương gửi đến các mặt trận toàn quốc kịp thời, chính xác, an toàn.
             Công tác bảo đảm an ninh cho chiến dịch Điện Biên Phủ được lực lượng Công an nhân dân phối hợp triển khai tích cực trên mọi địa bàn. Ở hậu phương và các đơn vị dân công được biên chế thành các tổ đội, học tập kỷ luật chiến trường, phát động phong trào “phòng gian bảo mật”, thực hiện khẩu hiệu “3 không”; phổ biến công tác giữ gìn bí mật, cách thức phòng chống do thám, cách thức nguỵ trang nấu nướng, phơi quần áo, di chuyển để phòng tránh máy bay địch; ban hành quy định việc đi lại, tiếp xúc giao dịch, che chắn nơi ở, nơi làm việc, nơi cất giấu hàng hóa, kho tàng, bến bãi, cầu phà, xe cộ phương tiện đi lại. Công an các địa phương tiến hành một số biện pháp nghiệp vụ cơ bản, quản lý chặt chẽ hàng cơm, quán trọ, địa điểm kinh doanh buôn bán; điều chuyển những phần tử xấu, phần tử nghi vấn ra khỏi địa bàn đóng quân, tuyến đường hành quân, nghỉ chân, tập kết của bộ đội và dân công. Ở vùng địch hậu, lực lượng công an phối hợp với dân quân du kích mở các cuộc tấn công phá tề, trừ gian, phá chính quyền địch, phá kinh tế địch, thành lập Ban thống nhất chống phỉ Tây Bắc (Khu Tây Bắc), trấn áp mạnh bọn phản động tay sai của Pháp, xây dựng các tổ công tác xuống tận các khe, bản xung yếu, vận động nhân dân phòng gian bảo mật và nắm tình hình địch, phát hiện những phần tử khả nghi hoạt động do thám, tấn công bóc gỡ cơ sở gián điệp, phản động ở vùng Tây Bắc và vùng căn cứ kháng chiến... Đến trước giờ nổ súng và trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, mọi kế hoạch quân sự, chủ trương của ta được giữ tuyệt đối bí mật, mọi hoạt động chuyển quân, đi lại của lãnh đạo cơ quan đầu não được bảo đảm tuyệt đối an toàn. Về cơ bản Cơ quan Phòng nhì và tình báo Pháp hầu như không nắm được chính xác các tin tức về những hoạt động quân sự của ta, luôn ở thế bị động đối phó. Đây là một đóng góp hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định cùng với quân dân ta giành toàn thắng ở trận Điện Biên Phủ, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc an ninh trật tự ATK Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang, bảo vệ an ninh, an toàn mọi mặt cho cơ quan đầu não kháng chiến, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, chuyên gia nước ngoài, khách quốc tế đến làm việc, thăm, công tác tại Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang trong suốt thời kỳ kháng chiến chống pháp và trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.
               Thành công của công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy chủ động, tích cực, linh hoạt của Đảng, Chính phủ và Hồ Chí Minh; thể hiện quyết tâm chính chính trị, công sức, trí tuệ và tài thao lược của những người đứng đầu lực lượng CAND; ghi nhận bước trưởng thành vượt bậc của toàn lực lượng Công an nhân dân. Nhờ nhận thức đúng và được chuẩn bị từ sớm, toàn diện về mọi mặt nên lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng lập nên những chiến công oanh liệt trên các mặt trận, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu./.

 
Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Bình Ban
 Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an
 

 
[2] Gồm có: Văn phòng; Nha Thanh tra; Nha Thông tin và Tuyên truyền; Nha Pháp chính; Nha Công chức và Kế toán; Nha Dân tộc thiểu số và Nha Công an (nguồn: Lịch sử Bộ Nội vụ, tập I)
[3] Theo Nghị định số 121, ngày 18/4/1946 và tiếp đến Nghị định số 219 (ngày 5/4/1948) của Bộ Nội vụ lực lượng Công an Việt Nam có 3 cấp: Trung ương tên gọi là Nha Công an Việt Nam (Nha Công an Trung ương), Cấp kỳ gọi là Sở Công an, cấp tỉnh, gọi là Ty Công an (trừ Thành phố lớn)
[4]Bộ Công an, Văn phòng Bộ : Hệ thống hoá văn bản các Hội nghị Công an toàn quốc (1945-1954), Tối mật, Lưu hành nội bộ, Hà Nội-2001, tr.7, 10, 11.
[5] Điển hình là việc xử lý sai phạm của Giám đốc Công an Liên khu III và Trưởng Ty Công an Hà Nam
[6]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG, Hà Nội-2001, tr.24-25.
[7]Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 8 (từ ngày 7 đến 15-12-1953), sđ d, tr.466.
[8]  Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam (1945-2005), Nxb. CAND, Hà Nội 2006, tr.152.

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277282

Đang Online : 875