Nghiên cứu - Trao đổi

Tuyên Quang nơi ra đời những quyết sách quan trọng, thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn

Ngày Đăng: 6/5/2024 14:43 Lượt xem: 23

 
          Ngày 19/12/1946, “Toàn quốc kháng chiến” bùng nổ. Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám, thời điểm này được chọn làm Thủ đô của cuộc kháng chiến trường kỳ, căn cứ địa trung tâm lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Từ năm 1947 đến năm 1954, Tuyên Quang là nơi ở làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Liên Việt, các đoàn thể; 13/14 bộ và cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, 65 cơ quan Trung ương; Chính phủ kháng chiến Lào... Do là địa bàn tập trung hầu hết các cơ quan đầu não kháng chiến, mảnh đất Tuyên Quang là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, Chính phủ, Quốc hội,… đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.
          1. Tuyên Quang - Nơi ra đời những quyết sách tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Pháp
          Sau ngày “Toàn quốc kháng chiến” bùng nổ, đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội quyết định trở lại căn cứ địa Việt Bắc với niềm tin son sắt: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”[2]. Ngày 02-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang. Một lần nữa, Tuyên Quang đi vào lịch sử khi trở thành “Thủ đô kháng chiến” của dân tộc. Có thể nói, lựa chọn quay trở lại Tuyên Quang của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh là quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược, bởi Tuyên Quang là nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành căn cứ đầu não cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đây là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng. Với ý nghĩa đó, trở thành nơi sống và làm việc chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đứng chân của hầu hết các cơ quan lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội và các ban, bộ, ngành Trung ương, Tuyên Quang chính là nơi in đậm dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội họp bàn, đề ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến.
          Để lãnh đạo kháng chiến thành công, Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mặt trận dân tộc thống nhất. Người đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội chỉ đạo tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; tiến hành giảm tô, giảm tức và tiến tới thực hiện “người cày có ruộng”, chia ruộng đất cho nông dân nghèo. Đồng thời, chỉ đạo những chiến dịch quan trọng như: Chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chiến dịch Biên giới (1950),…
          Nhằm giải quyết những yêu cầu mới của cách mạng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ hai, từ ngày 11 đến ngày 19/02/1951, tại xã Vinh Quang (nay là Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, đại diện cho hơn 76 vạn đảng viên thuộc các Đảng bộ Việt Nam, Lào và Campuchia. Khách quốc tế có đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc và đại biểu Đảng Cộng sản Xiêm (Thái Lan)[3].
          Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày là một văn kiện có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng - tổng kết những kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng và xác định phương hướng, nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam: “1. Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. 2. Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam”[4]. Trong đó, “nhiệm vụ thứ nhất, nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng ta ngày nay là phải đưa kháng chiến đến thắng lợi. Các nhiệm vụ khác đều phải phụ thuộc vào đó”[5].
          Đại hội quyết nghị: “1. Đường lối chính trị của Trung ương: đoàn kết toàn dân kháng chiến trường kỳ, giành độc lập, dân chủ là hoàn toàn đúng đắn. 2. Trải sáu năm qua, Đảng lãnh đạo kháng chiến đã thu được nhiều thắng lợi. Từ nay, Đảng cần kiện toàn thêm sự lãnh đạo kháng chiến, cần tập trung lực lượng lớn hơn nữa, để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. 3. Vì điều kiện mới của Đông Dương và thế giới: ở Việt Nam sẽ xây dựng Đảng Lao động Việt Nam có Chính cương, Điều lệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Ở Cao Miên và Ai Lao sẽ thành lập những tổ chức cách mạng thích hợp với hoàn cảnh hai nước đó. 4. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các đồng chí và những tổ chức cách mạng Miên, Lào để họ lãnh đạo cuộc kháng chiến của hai dân tộc ấy giành thắng lợi cuối cùng. Ngoài ra, Đảng Lao động Việt Nam có nhiệm vụ ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á và góp sức vào công bảo vệ hòa bình dân chủ thế giới”[6]
          Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai với cương lĩnh, đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Thành công của Đại hội đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc và toàn diện, nhất là về tư tưởng, đường lối cách mạng của Việt Nam; mặt khác, đánh dấu sự trưởng thành của các lực lượng cách mạng ở Lào và Campuchia.
          Như vậy, Tuyên Quang vinh dự là nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần II của Đảng. Đây cũng là Đại hội đầu tiên được tổ chức ở trong nước và là Đại hội duy nhất cho đến nay được tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội.
          Sau thành công của Đại hội II, từ ngày 03 đến ngày 07/3/1951, tại xã Vinh Quang (huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang) đã diễn ra Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt[7]. Trong buổi khai mạc Đại hội, Đảng Lao động Việt Nam làm lễ ra mắt trước các đại biểu nhân dân Việt Nam và xin gia nhập Mặt trận. Phát biểu kết thúc lễ ra mắt Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn sự hoan nghênh, yêu chuộng Đảng của các vị đại biểu và nêu rõ mục đích của Đảng là: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”; Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân thực hiện “Kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”; chính sách của Đảng nhằm làm cho nước Việt Nam “Độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường”.    
          Đại hội quyết định thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt, thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ. Đại hội cử Uỷ ban toàn quốc của Mặt trận, gồm 53 thành viên, Chủ tịch là ông Tôn Đức Thắng, cùng các Phó Chủ tịch và Uỷ viên đại biểu của Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam, Tổng bộ Việt Nam, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Văn hoá, Phật giáo Cứu quốc, Công giáo Cứu quốc, Cao Đài cứu quốc, 12 phái hợp nhất Nam Bộ, các dân tộc miền núi ở Việt Bắc, Tây Nguyên, Trung Bộ, các nhân sĩ - trí thức. Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên Việt.
            Quyết nghị của Đại hội hoan nghênh chủ trương thống nhất Việt Minh - Liên Việt, ghi công Mặt trận Việt Minh và các chiến sĩ Việt Minh đã xây dựng và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam theo đúng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính cương của Mặt trận Liên Việt được ấn định theo phương châm: Đoàn kết các tầng lớp nhân dân yêu nước, lấy lực lượng công, nông và trí thức làm nền tảng để kháng chiến và kiến quốc; vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Kháng chiến phải trường kỳ - kiến quốc trước hết phải nhằm vào những việc thiết thực để đẩy cuộc kháng chiến chóng tới thành công; kháng chiến phải đồng thời với cải thiện dân sinh, phối hợp quyền lợi của quốc gia với quyền lợi của tư nhân điều giải quyền lợi của chủ với quyền lợi của người công; kết hợp tinh thần ái quốc chân chính với tinh thần quốc tế chân chính; phối hợp cuộc kháng chiến của Campuchia, Lào và phong trào bảo vệ hoà bình thế giới. 
Điều lệ của Mặt trận Liên Việt xác định các nguyên tắc cơ bản là đảm bảo sự đoàn kết rộng rãi, thực hiện dân chủ, tôn trọng tính độc lập của các đoàn thể, lấy phê bình và tự phê bình để tiến bộ. Tiến tới lập khối liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ để cùng kháng chiến chống kẻ thù chung, xây dựng ba quốc gia độc lập, phú cường[8].
            Tuyên ngôn của Đại hội biểu dương Việt Minh đã có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tất cả mọi người dân Việt Nam đều phải ghi nhớ công lao đó. Lịch sử mười năm (1941-1951) đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc của Việt Minh cũng là những trang lịch sử vẻ vang của vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam. Vì quyền lợi quốc gia, dân tộc, Việt Minh tự nguyện hoà mình vào Liên Việt. Theo gương Việt Minh, Việt Nam cách mạng đồng minh Hội cũng đã hoà mình vào Liên Việt. Tinh thần vì nước ấy đã làm cho nhân dân Việt Nam đoàn kết và phấn khởi thêm. Tuyên ngôn kêu gọi đồng bào hãy tham gia vào Mặt trận Liên Việt; hãy đoàn kết chặt chẽ hơn nữa xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
           Có thể khẳng định, thống nhất Việt Minh và Liên Việt là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, là bước tiến, sự trưởng thành của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, tạo cơ sở vững chắc để đưa kháng chiến bước vào giai đoạn mới - tích cực chuẩn bị để chuyển mạnh sang giai đoạn tổng phản công. Cương lĩnh của Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam được phổ biến sâu rộng đến tận cơ sở, bởi vậy, Mặt trận Liên Việt đã tập hợp được đông đảo lực lượng trong cả nước để kháng chiến và kiến quốc.
          2. Tuyên Quang - Nơi ghi dấu những quyết sách thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân ba nước Đông Dương
          Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ ngày 13 đến 15/8/1950, tại tỉnh Tuyên Quang diễn ra Đại hội quốc dân Lào (Mặt trận Lào kháng chiến). Đại hội tập trung hơn 100 đại biểu đại diện cho lực lượng vũ trang, nhân dân các bộ tộc trên cả nước Lào. Đại hội quyết định thống nhất các tổ chức quần chúng, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, tức Neo Lào Ítxalạ và Chính phủ Kháng chiến Lào. Đại hội bầu Ủy ban Trung ương Neo Lào Ítxalạ do Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch và Chính phủ Kháng chiến Lào do Hoàng thân Xuphanuvông làm Thủ tướng. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được bầu làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại hội thông qua những nghị quyết, quyết định quan trọng, trong đó có nghị quyết về tăng cường quan hệ đoàn kết chiến lược với Việt Nam và Campuchia đánh đuổi thực dân Pháp, xây dựng một nước Lào độc lập, thống nhất, phú cường[9].
          Tiếp đó, nhằm thắt chặt và tăng cường hơn nữa liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, đưa sự nghiệp cách mạng của Việt Nam - Lào - Campuchia vững bước tiến lên, ngày 11/3/1951, tại xã Vinh Quang (huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang), Hội nghị liên minh ba nước Đông Dương đã được tổ chức. Tham dự Hội nghị có các vị đại diện Mặt trận Liên Việt của Việt Nam, Mặt trận Lào Ítxala, Mặt trận Khơme ítxarắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị với tư cách là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên Việt.
           Tại Hội nghị, ông Tôn Đức Thắng, đại diện Mặt trận Liên Việt trình bày bản Báo cáo chungĐề án tổ chức, Chương trình hoạt động. Các đại biểu thảo luận về tình hình thế giới; tình hình Việt Nam, Lào, Campuchia, quan hệ giữa nhân dân ba nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cùng một số vấn đề khác mà các bên quan tâm. Hội nghị nhất trí thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam - Miên - Lào theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau; đề ra chương trình hành động chung và cử Uỷ ban liên minh nhân dân ba nước Đông Dương gồm các ông Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Minh Giám (Việt Nam) Xupha Nuvông, Nuhắc Phumxavẳn (Lào), Sơn Ngọc Minh, Tuxamút (Campuchia). Uỷ ban liên minh nhân dân ba nước Đông Dương có nhiệm vụ thực hiện quyết nghị của Hội nghị và tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa nhân dân ba nước. Hội nghị thống nhất ra Quyết nghịTuyên ngôn[10].
            Quyết nghị khẳng định ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia đều có kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Cuộc kháng chiến của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia là một bộ phận khăng khít của phong trào hoà bình và dân chủ thế giới. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia là đánh đuổi xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, làm cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia hoàn toàn độc lập; xây dựng ba quốc gia mới, làm cho nhân dân ba nước được tự do, hạnh phúc và tiến bộ. Thành lập liên minh nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau; định chương trình hành động chung của khối liên minh nhân dân ba nước là tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện để đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, làm cho ba nước hoàn toàn được giải phóng. Tăng cường khối liên minh chống mọi âm mưu chia rẽ của địch, làm cho ba dân tộc hiểu và đoàn kết chặt chẽ với nhau. Hết sức giúp đỡ nhau cả về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, kinh nghiệm và cán bộ. Giúp đỡ nhau thiết lập và tăng cường mối liên hệ với các nước dân chủ, làm cho thế giới hiểu rõ và ủng hộ cuộc kháng chiến của ba dân tộc. Thành lập Uỷ ban liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia gồm đại biểu Mặt trận dân tộc của ba nước để thực hiện mục đích, chương trình hành động chung đã thống nhất.
             Tuyên ngôn của Hội nghị nêu rõ, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cố tình xâm chiếm ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và dùng ba nước làm căn cứ tiến công các nước khác, đàn áp phong trào giải phóng của các dân tộc Đông Nam Á, gây thảm hoạ chiến tranh quy mô lớn.  
             Hội nghị kêu gọi nhân dân ba nước hãy đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận của mình (Liên Việt ở Việt Nam; Ítxala ở Lào, Ítxarắc ở Campuchia) làm cho khối liên minh nhân dân ba nước ngày càng thêm vững chắc, đẩy mạnh cuộc kháng chiến của ba dân tộc mau chóng đến thắng lợi, củng cố và phát triển chính quyền dân tộc và nhân dân ở ba nước. Hội nghị kêu gọi nhân dân thế giới và các dân tộc bị áp bức hãy ủng hộ khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia làm tròn nghĩa vụ bảo vệ chính nghĩa và giành tự do.
              Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Đồng nêu rõ: “Trong lúc bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ hết sức cố gắng để chinh phục ba nước, sự đoàn kết chiến đấu của ba dân tộc Việt - Miên - Lào có ý nghĩa lớn lao quyết định. Sự đoàn kết chiến đấu ấy ngày một thêm vững mạnh vì đó là sự liên minh tự nguyện của ba dân tộc, dựa trên cơ sở bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau. Sự đoàn kết chiến đấu ấy là một sự thất bại sâu cay của đế quốc xâm lược trong chính sách lừa phỉnh gây thù hằn dân tộc của chúng. Và đó là một thắng lợi chính trị trọng yếu của ba dân tộc, đẩy thêm một đà mới cho cuộc kháng chiến Việt - Miên - Lào mau đến toàn thắng”[11].  
            Thành công của Hội nghị liên minh Việt Nam - Lào - Campuchia đánh dấu bước tiến mới của phong trào cách mạng ba nước Đông Dương trong việc đoàn kết chống kẻ thù chung, làm cho nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng ba nước càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Đó cũng là sự khẳng định ý chí thống nhất của nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của cách mạng ba nước Đông Dương, đồng thời là đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ dân tộc, “chia để trị”, “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương” của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Ý nghĩa quan trọng của Hội nghị liên minh Việt - Miên - Lào chính là sự khẳng định và tăng cường hơn nữa sức mạnh đoàn kết giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, nhằm đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đặt cơ sở vững chắc cho sự liên minh lâu dài, hợp tác toàn diện giữa ba dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. 
             3. Tuyên Quang - Nơi ra đời những quyết sách góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp
            Đầu năm 1953, theo đề nghị của Chính phủ, Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Mặt trận Liên Việt toàn quốc triệu tập để thảo luận bản đề án “Phóng tay phát động quần chúng, triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức” của Đảng Lao động Việt Nam. Hội nghị nhất trí với bản đề án của Đảng và hiệu triệu quốc dân tích cực thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ. Tháng 11/1953, Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng đã nhất trí thông qua cương lĩnh ruộng đất và quyết định cải cách ruộng đất.
             Để thực hiện nhiệm vụ cải cách ruộng đất, theo đề nghị của Chính phủ, Ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Quốc hội kỳ họp thứ ba tại Việt Bắc (họp tại Tuyên Quang) từ ngày 1 đến ngày 04/12/1953[12].
              Trong diễn văn khai mạc, Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng nêu rõ Quốc hội họp trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến đã lớn mạnh, “thế ta mạnh hơn thế giặc”, ta đang tiến tới một giai đoạn đề ra dự án Luật cải cách ruộng đất. Đó là một quyết sách để đảm bảo cho kháng chiến thắng lợi, là một nhiệm vụ căn bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Với tầm quan trọng đó, quyết sách này phải được Quốc hội, cơ quan quyền lực tối cao, thay mặt toàn dân thông qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội bản Báo cáo “Tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất”. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đọc báo cáo của Chính phủ về thành tích kháng chiến và thảo luận về Luật cải cách ruộng đất. Ông Đỗ Đức Dục, Trưởng tiểu ban xét dự án Luật cải cách ruộng đất trình bày báo cáo và đề nghị Quốc hội thông qua toàn bộ Luật cải cách ruộng đất, vì nó phù hợp với lợi ích kháng chiến và nguyện vọng của nhân dân. Ngày 4/12/1953, toàn thể Quốc hội biểu quyết nhất trí tán thành Luật cải cách ruộng đất. Bên cạnh đó, cũng trong kỳ họp này, Quốc hội lần lượt thông qua Nghị quyết tín nhiệm của Chính phủ, Nghị quyết biểu dương các đại biểu Quốc hội đã từ trần vì nước, Nghị quyết truất quyền đại biểu Quốc hội của những đại biểu rời bỏ nhiệm vụ kháng chiến,... Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đáp ứng ý chí, nguyện vọng của quần chúng nông dân. Quốc hội đã quyết định một quốc sách quan hệ đến thắng lợi của kháng chiến, đến hạnh phúc của toàn dân và thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến[13].
              Ngoài những sự kiện trên, trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, Tuyên Quang còn là nơi diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của Bộ Chính trị, của Hội đồng Chính phủ đề ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc tiến công chiến lược 1953-1954, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu/Chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.
             Tóm lại, trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Tuyên Quang là địa danh ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong suốt một thời gian dài. Lòng dân hòa quyện trong thế hình sông núi hiểm trở, cơ động, tiến công, phòng ngự đều thuận lợi, đã đưa Tuyên Quang trở thành một trong những vùng an toàn khu tuyệt đối tin cậy của cách mạng cả nước. Nơi đây được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn làm căn cứ cách mạng, lãnh đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang một lần nữa vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ chọn là trung tâm đầu não kháng chiến. Từ Tuyên Quang đã ra đời nhiều quyết sách quan trọng, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
             Lịch sử cách mạng Việt Nam mãi ghi sâu những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó cũng là niềm tự hào để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang hôm nay kế thừa, phát huy trong xây dựng quê hương Tuyên Quang mạnh giàu, góp phần xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
 
TS. Lê Quang Chắn[1]
 
 
 

[1] Phó Viện trưởng Viện Lịch sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.239.
[3] Đại hội nghiên cứu, thảo luận các văn kiện: Báo cáo Chính trị; Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội; Củng cố khối đại đoàn kết để chiến thắng; Mấy vấn đề cốt yếu của chính quyền dân chủ nhân dân; Xây dựng quân đội nhân dân, hoàn thành chiến tranh giải phóng; Báo cáo về kinh tế tài chính; Xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam; Báo cáo về Thi đua ái quốc. Đại hội ra các nghị quyết về Báo cáo Chính trị; về quân sự; về công tác mặt trận và dân vận; về báo Nhân dân, thông qua Chính cương, Điều lệ, Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.12, 1951, tr.33.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.12, 1951, tr.38.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.12, 1951, tr.420-421.
[7] Tham dự Đại hội gồm đại biểu của Đảng Lao động Việt Nam, các chính đảng (Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam,...), các đoàn thể thành viên, các ngành, các giới, lực lượng vũ trang và nhân sĩ, trí thức, dân tộc, chức sắc tôn giáo trong cả nước. Khách quốc tế có Hoàng thân Xuphanuvông, ông Nuhắc Phumxavẳn (đại diện Mặt trận Lào Ítxala), ông Sơn Ngọc Minh, ông Tuxamút (đại diện Mặt trận Itxarắc Campuchia).
[8] Báo Cứu quốc, ngày 6/3/1951.
[9] Mười hai điểm trong nội dung Đề án về chương trình chính trị, tình hình và nhiệm vụ của chúng ta thông qua tại Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến họp từ ngày 13 đến 15-8-1950 là: 1) Đánh đổ thực dân Pháp và bọn Lào gian bán nước, chống mưu mô can thiệp của đế quốc trên thế giới. 2) Thành lập nước Lào độc lập, thống nhất thật sự, thành lập Chính phủ liên hiệp quốc gia. 3) Thực hiện các quyền tự do dân chủ bao gồm tự do tín ngưỡng. 4) Tịch thu tài sản của thực dân Pháp và bọn Lào gian, giao cho Chính phủ xử lý, quốc hữu hoá các xí nghiệp của thực dân. 5) Xoá bỏ các thứ thuế do thực dân Pháp đặt ra, đặt thuế mới cho công bằng, bãi bỏ chế độ phu phen tạp dịch. 6) Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp. Giải quyết vấn đề giao thông vận tải, cải thiện dân sinh, thực hiện giảm tô, giảm tức. 7) Ban bố luật giao thông và bảo hiểm lao động. 8) Thủ tiêu nạn mù chữ, phát triển giáo dục và văn hoá dân tộc. 9) Phát triển chiến tranh nhân dân và chính thức thành lập Quân đội Quốc gia Lào. 10) Thực hiện quyền dân tộc bình đẳng. 11) Thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, tức Neo Lào Ítxalạ. 12) Đoàn kết với dân tộc Việt Nam, Khơme, đánh đổ đế quốc Pháp và bất cứ đế quốc nào can thiệp vào Lào, mật thiết liên hệ với các nước dân chủ mới, gia nhập Mặt trận hoà bình thế giới (Nguồn: Phòng Tư liệu Viện Nghiên cứu Đông Nam Á).
[10] Toàn văn Quyết nghị và Tuyên ngôn của Hội nghị đăng tải trên Báo Nhân dân, ngày 7/4/1951.
[11] Báo Nhân dân ngày 7/4/1951.
[12] Kỳ họp thứ ba của Quốc hội có 166 đại biểu về dự, trong đó Bắc Bộ có 94 đại biểu, Trung Bộ có 62 đại biểu, Nam Bộ có 10 đại biểu.
[13] Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.861-862.
 
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8094009

Đang Online : 136