Nghiên cứu - Trao đổi

Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo xây dựng và bảo vệ hậu phương kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Ngày Đăng: 6/5/2024 15:43 Lượt xem: 345

MỞ ĐẦU
          Từ kinh nghiệm bảo vệ cán bộ, cơ quan trong thời trước Cách mạng tháng Tám, Đảng đã chủ trương xây các An toàn khu (ATK) là nơi làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên Quang, trong đó có 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Chiêm Hóa, là một trong ba tỉnh (hai tỉnh khác là Thái Nguyên và Bắc Kạn) được Trung ương Đảng, Chính phủ chọn xây dựng ATK. Ngày 19/12/1946, trước tình thế không thể nhân nhượng thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Để bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài, Trung ương Đảng, Chính phủ và lực lượng kháng chiến di chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Đến đầu tháng 3/1947, toàn bộ các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, bộ Quốc phòng và các cơ quan, xí nghiệp, máy móc, vật tư... hoàn tất việc rút khỏi Hà Nội lên Việt Bắc. Nhiều đồng bào các tỉnh miền xuôi cũng tản cư lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Ngày 02/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng trở lại Tuyên Quang và Việt Bắc, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của quân và dân Tuyên Quang là phải tích cực xây dựng, củng cố hậu phương, chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đảm bảo an toàn, bí mật cho các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ đóng trên địa bàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Tuyên Quang đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi.
 
NỘI DUNG
          1. Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo xây dựng và bảo hậu phương trong giai đoạn 1945 - 1950
          Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo tăng cường sức mạnh của Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị
          Đường lối chung chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra là: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh và vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đứng trước những nhiệm vụ hết sức nặng nề, đầy khó khăn thử thách,… kinh tế, văn hóa, xã hội chịu hậu quả nặng nề chế độ phong kiến thuộc địa để lại; chính quyền non trẻ chưa có kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành.
          Trong bối cảnh đó, để đảm bảo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, vấn đề xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh là một trong những yếu tố quyết định.
          Tháng 9-1945, dưới sự chủ trì của đồng chí Tạ Xuân Thu, Hội nghị Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tổ chức tại Nhà Đỏ, xã Nông Tiến đã đề ra những nội dung cơ bản về xây dựng Đảng, củng cố chính quyền nhân dân các cấp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Tuyên Quang từng bước được củng cố, tăng cường số lượng và chất lượng hoạt động. Cuối năm 1946, toàn tỉnh chỉ có hơn 100 đảng viên. Cuối năm 1947, Ban Huyện ủy đã thành lập ở tất cả các huyện, một phần tư số xã có chi bộ Đảng, toàn tỉnh đã có 46 chi bộ và gần 600 đảng viên.
          Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông (năm 1947), cuộc kháng chiến của ta chuyển sang một giai đoạn mới với những đòi hỏi cao hơn. Dưới sự chỉ đạo của Liên khu ủy 10, Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức các Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh: lần thứ nhất vào 02/4/1948; lần thứ 2 vào tháng 9/1948; lần thứ ba vào tháng 02/1949, để đề ra nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ đạo công tác địa phương trong giai đoạn mới. Các kỳ Đại hội của tỉnh thể hiện rõ chủ trương thống nhất về việc tăng cường sức mạnh của Đảng.
          Từ năm 1948, Đảng bộ tỉnh đã phát động thi đua phát triển Đảng trong toàn Đảng bộ, nhờ đó, số lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng của tỉnh tăng nhanh qua các năm, đến tháng 11/1949 có 3.936 đảng viên, tháng 12/1950 toàn tỉnh đã có tới 5.741 đảng viên[3]. Cùng với chủ trương tăng cường số lượng, Tỉnh ủy Tuyên Quang đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ lãnh đạo, năng lực công tác cho đảng viên và các cấp ủy[4].
          Thấm nhuần tư tưởng “Chưa thành lập được chính quyền địa phương thì căn cứ địa khó thành lập và không thể củng cố được”[5] của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh chú trọng củng cố chính quyền nhân dân, khối đoàn kết dân tộc, tăng cường bộ máy kháng chiến các cấp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp được củng cố vững chắc. Trong việc xây dựng, củng cố bộ máy kháng chiến ở địa phương, Tỉnh ủy Tuyên Quang luôn xác định “xã là nền tảng của quốc gia, của chính quyền dân chủ nhân dân, xã là nơi triển khai thực hiện toàn bộ chủ trương, chính sách và công việc của Đảng, Chính phủ và đoàn thể”[6], trong giai đoạn cách mạng hiện tại việc động viên nhân, vật, tài lực cho kháng chiến có kết quả nhiều hay ít là do xã mạnh hay yếu.
Thông qua các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân, quyền làm chủ và ý thức, vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng bộ máy quản lý, điều hành ở địa phương được phát huy. Ngày 6/01/1946, cùng cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang hăng hái tham gia cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Với sự chuẩn bị chu đáo, cuộc Tổng tuyển cử tại Tuyên Quang đã diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, có tới hơn ¾ cử tri đi bỏ phiếu[7].
          Từ năm 1947, để nâng cao hiệu quả công tác của chính quyền các cấp, tỉnh đã quán triệt việc sửa đổi lề lối làm việc theo tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tỉnh ủy chỉ rõ: “Chủ trương đúng nhưng thi hành sai, công việc sẽ không có kết quả. Lối làm việc đúng hay sai nó quyết định kết quả công việc nhiều hay ít”[8]. Qua đợt học tập, cán bộ, đảng viên đã nắm vững được những khâu công tác trọng tâm để tập trung thực hiện và triệt để thi hành phương châm “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, chống kiểu làm việc mệnh lệnh thiếu phương pháp vận động.
          Trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính quyền, các ban ngành chuyên môn cấp tỉnh, huyện như: giáo dục, canh nông, thủy lợi, y tế... lần lượt ra đời làm tăng thêm khả năng quản lý chỉ đạo toàn diện của Ủy ban kháng chiến hành chính.
          Thấm nhuần quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng bộ không ngừng mở rộng Mặt trận, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội liên hiệp Nông dân, Hội liên hiệp Thanh niên... Tới cuối năm 1948 toàn tỉnh có 108.415 người thì đã có 52.850 người là hội viên của các hội.
          Như vậy, sau khi giành chính quyền, bằng nhiều biện pháp tích cực và việc làm cụ thể, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã lãnh đạo quân dân địa phương từng bước hoàn thiện bộ máy hành chính kháng chiến, tăng cường sức mạnh của Đảng. Đó là một trong những yếu tố cơ bản đảm bảo đường lối kháng chiến kiến quốc được thực hiện trên địa bàn tỉnh.
          Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo xây dựng kinh tế, xã hội và phục vụ kháng chiến
         Sau Cách mạng tháng Tám 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc đã nhiều cố gắng cải thiện tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh. Thực hiện lời kêu gọi “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến năm 1947, tỉnh sản xuất được 10.286 tấn lúa, 538 tấn ngô, 371 tấn khoai lang, 1.382 tấn sắn, 1.000 tấn khoai sọ. Về chăn nuôi, toàn tỉnh có 7.861 con trâu, 563 con bò, 337 con ngựa, 11.783 con lợn, 467 con dê, 75.171 con gà, 19.193 vịt, 388 con ngỗng[9]. Tuy nhiên, do hậu quả chính sách bóc lột tàn bạo của thực dân, phong kiến, kết quả của phong trào sản xuất trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến mới chỉ bước đầu giải quyết nạn đói và đáp ứng bước đầu yêu cầu của cuộc kháng chiến.
          Năm 1948, tổng diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh mới đạt 35.103 mẫu, trong khi dân số của tỉnh là 12 vạn người (chưa kể đồng bào tản cư) mỗi năm tiêu thụ khoảng 34.270.770 kg lương thực, trong khi đó tổng sản lượng lương thực của tỉnh hàng năm mới đạt 28.479.000 kg. Trước thực trạng này, để đáp ứng yêu cầu chung của kháng chiến, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã có những chủ trương, biện pháp sát thực để đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Đại hội Đảng tỉnh lần thứ tư (6/1949) đã nêu rõ: “Xây dựng nền kinh tế kháng chiến tự cấp, tự túc trong tỉnh là một vấn đề chủ yếu trong giai đoạn kháng chiến quyết liệt hiện tại. Để chống lại sự phong tỏa của địch, để nâng cao đời sống cho nhân dân, chủ trương trước hết của ta là tự cấp, tự túc về ăn, mặc, về nguyên liệu và sản phẩm cần thiết cho cuộc kháng chiến”[10]. Thực hiện chủ trương đó, tới năm 1950, mặc dù có những khó khăn song tình hình kinh tế Tuyên Quang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ mỗi năm thiếu ăn từ 3 đến 4 tháng, tỉnh đã giải quyết được cơ bản vấn đề lương thực, các nhu yếu phẩm cũng dồi dào hơn. Tuyên Quang không chỉ giải quyết được những yêu cầu tại chỗ mà còn có điều kiện đóng góp ngày một nhiều hơn cho kháng chiến. Trong năm 1948 nhân dân đã đóng góp cho quỹ kháng chiến 1.481.489 đồng[11], mua 120.600 đồng công phiếu kháng chiến. Năm 1949, trong đợt vận động bán gạo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào đã bán cho Nhà nước 139.295 kg thóc, 32.229 kg gạo và cả năm đã mua 550.400 đồng công phiếu kháng chiến[12].
            Xác định phát triển văn hóa, xã hội cũng là một mặt trận, góp phần làm cho kháng chiến nhanh chóng giành thắng lợi, Tỉnh ủy chủ trương tăng cường các hoạt động trong lĩnh vực này nhằm xóa bỏ nền văn hóa nô dịch của thực dân Pháp, xây dựng một nền văn hóa mới, đời sống mới theo đúng đường lối của Đảng. Phương hướng chung là: Mọi hoạt động văn hóa phải nhằm vào khẩu hiệu “Yêu nước, căm thù giặc”, bằng mọi hình thức tập trung động viên nhân dân tham gia kháng chiến, chống nạn mù chữ, phát triển giáo dục, xây dựng nếp sống mới, quét sạch mọi tàn tích nô lệ thực dân trong văn hóa. Đến năm 1950, toàn tỉnh đã có 41.796 người được xóa mù chữ. Huyện Sơn Dương là huyện đầu tiên trong toàn quốc đã thanh toán xong nạn mù chữ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Bên cạnh đó, hầu hết các xã đều lập trạm y tế hoặc túi thuốc chữa bệnh, nhân dân vùng sâu, xa bắt đầu làm các công trình phụ xa nhà, bước đầu hạn chế được bệnh phong và sốt rét...  
            Lãnh đạo quân dân địa phương bảo vệ hậu phương và An toàn khu
            Sau khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, để bảo toàn lực lượng nhằm ngăn chặn bước tiến của thực dân Pháp, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã lãnh đạo thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Đảng. Công tác phá hoại ở thị xã Tuyên Quang được Tỉnh ủy giao cho lực lượng tự vệ thị xã và dân quân du kích, nhân dân các xã xung quanh thực hiện. Với tinh thần tất cả cho kháng chiến, chỉ trong thời gian ngắn, quân dân Tuyên Quang đã huy động 307.000 ngày công, phá được 5.000 m2 nhà ở, 100 chiếc cầu lớn nhỏ, 22km đường liên tỉnh, 61km đường liên huyện và đào đắp nhiều hào, hố, ụ đất chống xe cơ giới, cắm nhiều bãi chông, mìn chống địch nhảy dù. Thực hiện khẩu hiệu vườn không nhà trống, các gia đình ven đường quốc lộ, ven sông Lô làm lán trại sơ tán sâu trong rừng từ 2-3m, lương thực, thực phẩm đều được giấu kỹ hoặc vận chuyển đến nơi an toàn[13]. Những công việc trên đã phát huy tác dụng tích cực, làm chậm tiến độ tấn công của quân Pháp lên Việt Bắc cuối năm 1947.
             Ngày 02/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Sơn Dương, lấy đây làm nơi ở, làm việc và chỉ đạo cuộc kháng chiến. Trong suốt cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc và đến thăm nhiều nơi trong tỉnh như: Hợp Thành, Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh (Sơn Dương); Hùng Lợi, Kim Quan, Trung Trực, Đội Cấn, Mỹ Bằng (Yên Sơn), Kim Bình, Linh Phú (Chiêm Hóa). Tại các nơi đó Bác đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng, Chính phủ, soạn thảo nhiều văn kiện để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp tới thắng lợi cuối cùng. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan Trung ương cũng về đóng quân trên địa bàn tỉnh[14].
              Bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan đầu não kháng chiến là một vinh dự, nhiệm vụ vẻ vang của quân dân Tuyên Quang. Với truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuyên Quang đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này. Nhân dân các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Thị xã Tuyên Quang đã đóng góp hàng chục vạn ngày công, hàng vạn cây tre, nứa để vận chuyển tài liệu, máy móc, hàng hóa và xây dựng kho tàng, nhà ở cho các cơ quan Trung ương. Trước yêu cầu của cách mạng, đồng bào vùng Tân Trào, Minh Thanh (Sơn Dương), Trung Trực, Hùng Lợi, Đạo Viện (Yên Sơn), Vinh Quang, Kim Bình (Chiêm Hóa)... đã tình nguyện nhường nhà ở cho cán bộ kháng chiến ở, tích cực tham gia các đợt dân công. Hành lang giao thông liên lạc giữa các vùng trong khu an toàn từng bước hình thành và được đảm bảo bí mật tuyệt đối. Trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến, khi mà lực lượng công an nhân dân, cảnh vệ còn mỏng, nhân dân Tuyên Quang đã nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng chống mọi sự xâm nhập của kè thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn, bí mật cho Bác Hồ và các cơ quan Trung ương.
              Trong những năm tiếp theo, để đảm bảo an toàn hai vành đai bảo vệ ATK ở căn cứ địa Việt Bắc được hình thành, trong đó, Tuyên Quang giữ vị trí quan trọng. Vành đai vòng trong chạy từ Thành Cóc (Sơn Dương) qua Chợ Chu, Quảng Nạp, Văn Lang đến Tuyên Quang. Vành đai vòng ngoài qua Chiêm Hóa, ngoại vi thị xã Tuyên Quang, đèo Khế, Đại Từ, Bờ Đậu, Chợ Mới đến Chợ Đồn. Việc liên lạc nối hai vành đai với ATK cũng như các đường mòn, “cửa ngõ” vào ATK được dân quân, vệ quốc đoàn với phần lớn con em chiến sĩ là con em các dân tộc Việt Bắc canh gác, bảo vệ, nhất là những nơi xung yếu. Nhiều địa phương đã tổ chức được các đơn vị cảm tử quân, đội xung phong cản địch. Lực lượng vũ trang ở căn cứ địa Việt Bắc còn được phân công về các khu du kích làm nòng cốt để cùng nhân dân củng cố xây dựng căn cứ du kích liên hoàn, vững chắc. Chỉ sau một thời gian ngắn, tỉnh đã tổ chức các đại đội “du kích tập trung” thoát ly sản xuất ở cấp tỉnh, các trung đội du kích ở cấp huyện. Đến tháng 6-1947, ngoài Trung đoàn Vệ quốc quân sông Lô và Đại đội cảnh vệ tỉnh, toàn tỉnh đã tổ chức được 12.120 dân quân, 4.000 du kích, mỗi huyện thành lập từ 1 đến 2 trung đội du kích tập trung[15]. Ngành công an cũng nhanh chóng củng cố và kiện toàn để phục vụ kháng chiến. Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị bộ đội, dân quân du kích và nhân dân địa phương đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo kháng chiến, giữ vững ATK trước sự bao vây, lùng sục của kẻ thù. Ban trật tự của công an tỉnh đóng cách thị xã hai cây số có ba tổ điều tra và bốn đồn công an. Lực lượng công an vừa đẩy mạnh công tác kiểm soát các đồn, trạm, đội, vừa đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo mật, phòng gian. Một số địa phương trong tỉnh còn xây dựng lực lượng công an xã góp phần làm vô hiệu hóa âm mưu tình báo, gián điệp, chỉ điểm phá hoại của địch.
             Từ năm 1946 đến năm 1950, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, nhân dân Tuyên Quang đã đánh thắng 2 cuộc tấn công lớn của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương đầu não kháng chiến, giữ vững vùng căn cứ địa kháng chiến của cả nước. Riêng trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, quân dân Tuyên Quang đã tham gia 48 trận, trong đó có 30 trận đánh độc lập, 18 trận hiệp đồng tác chiến với các đơn vị bộ đội chủ lực, tiêu diệt gần 1.300 tên địch, bắn chìm, bắn cháy 10 ca nô, tàu chiến, phá hủy 1 máy bay, góp phần cùng quân và dân các tỉnh khác trong khu Việt Bắc đánh bại cuộc tiến công chiến lược của thực dân Pháp, bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, trung tâm đầu não kháng chiến cả nước[16].
             Hậu phương vững mạnh là điều kiện quyết định để quân và dân Tuyên Quang tiếp tục thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ tiếp theo của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.       
            2. Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo xây dựng và bảo vệ hậu phương trong giai đoạn 1951-1954
Những thắng lợi của quân dân cả nước trong những năm 1947-1950 đã đẩy thực dân Pháp vào tình thế hết sức khó khăn. Song, với bản chất thực dân hiếu chiến, thực dân Pháp đã dựa vào tiền của Mỹ và viện binh, tiếp tục kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đẩy mạnh thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta lúc này đặt ra nhiều vấn đề mới, phải tổ chức hậu phương để đảm bảo cho việc tác chiến ở mức độ tập trung cao, trên quy mô lớn và phạm vi rộng, phải nâng cao sức chiến đấu của lực lượng vũ trang, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến và xây dựng Đảng trong tình hình mới. Đại hội Đảng bộ Liên khu Việt Bắc lần thứ nhất (năm 1951) đã vạch rõ nhiệm vụ chung của Liên khu: “Hai nhiệm vụ chủ yếu nhất là quân sự và kinh tế - tài chính. Đối với các địa phương bị tạm chiến và bị trực tiếp uy hiếp thì lấy nhiệm vụ quân sự làm trung tâm, đối với các tỉnh vùng tự do thì lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế - tài chính làm trung tâm”[17]. Thực hiện chủ trương trên, Tuyên Quang đẩy mạnh hai nhiệm vụ chính xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến.
           Tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chuyên chính dân chủ nhân dân
          Trước khi có chỉ thị tạm ngừng phát triển Đảng của Trung ương (năm 1950), vào những năm 1948, 1949, 1950[18] do chạy theo chỉ tiêu, nghị quyết, nhiều cơ sở kết nạp đảng viên một cách ồ ạt, gượng ép, coi nhẹ hoặc bỏ qua thử thách, lựa chọn nghiêm túc, có nơi kết nạp “nhầm” những người không đủ tiêu chuẩn, tư cách, thậm chí cả phần tử địa chủ phản động. Trước đòi hỏi cấp bách của giai đoạn gấp rút chuyển sang tổng phản công, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tại “Đề án xây dựng Đảng” (năm 1951), Tỉnh uỷ Tuyên Quang xác định: “Năm nay, trước giai đoạn vô cùng ác liệt, đòi hỏi ở Đảng phải có một số cố gắng vượt mức để gánh vác nhiệm vụ trọng đại ấy. Hơn nữa, mai đây khi có lệnh, Đảng bộ tỉnh nhà sẽ ra công khai, người đảng viên hàng ngày phải trực tiếp liên lạc mật thiết với nhân dân để dìu dắt, hướng dẫn họ thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng đề ra. Để làm tròn nghĩa vụ trên, ngay từ giờ, việc cấp thiết trước mắt của chúng ta là phải ráo riết học tập, chính đốn tư tưởng... để đào luyện, tu chỉnh con người cho xứng đáng, làm cho hàng ngũ Đảng thật sự chỉnh tề, thành một đội quân hùng mạnh, việc đó không thể coi nhẹ, có thế nhiệm vụ chúng ta mới làm tròn”[19]. Năm 1952, sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường trên mọi địa bàn, các ban chuyên môn của Đảng bộ được xây dựng, kiện toàn làm tăng thêm sức mạnh lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, khắc phục tình trạng chênh lệch lớn về thành phần giai cấp trong Đảng. Đảng bộ Tuyên Quang đã chú ý đào tạo, bồi dưỡng, gây dựng hạt nhân trung kiên trong những người lao động nghèo khổ, dần đưa họ đến với Đảng. Đến năm 1954, 112 cốt cán ưu tú đã được kết nạp vào Đảng ở nông thôn đã được cải biến rõ rệt, tăng cường được sức chiến đấu của chi bộ, cải thiện mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng[20]. Những kết quả trên đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến của địa phương.
Với chức năng trực tiếp quản lý, chỉ đạo điều hành mọi mặt công tác địa phương, chính quyền nhân dân và các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Từ thực tế của địa bàn miền núi, nhiều thành phần dân tộc, Đảng bộ xác định quan điểm chung trong công tác xây dựng chính quyền các cấp là: “củng cố chính quyền phải quán triệt đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn và phái thể hiện chính sách dân tộc của Đảng”[21]. Để tăng cường tính tập trung, tỉnh chú trọng mở rộng dân chủ trong xây dựng chính quyền các cấp. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân phê bình cán bộ, góp ý kiến xây dựng chính sách (dân công, thuế, sản xuất, tiết kiệm, xử án...) được tiến hành rộng rãi. Trong kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khoá III (năm 1952), số người đi bỏ phiếu là 57.581 trong tổng số 70.222 cử tri, đạt tỷ lệ 81%. Tháng 6/1953, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh được tổ chức lại. Quần chúng được giác ngộ chính trị, tự lựa chọn và bãi miễn người đại diện cho mình về mặt Nhà nước - đó là yếu tố quan trọng tạo nên sự vững mạnh của chính quyền. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, Đảng bộ Tuyên Quang đã có nhiều cố gắng phát triển Đảng trong các cơ quan nhà nước. Đến tháng 8/1954, số đảng viên trong Ủy ban kháng chiến hành chính (90 xã) của tỉnh chiếm tỷ lệ 25,1%.
            Cùng với việc củng cố chính quyền các cấp, Đảng bộ tỉnh tăng cường sự lãnh đạo với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị. Để đảm bảo việc tổ chức và giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, đầu năm 1951, tỉnh đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Liên Việt tỉnh và xã, Nông hội, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ,… sau khi được kiện toàn về tổ chức, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị hoạt động rất sôi nổi, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hậu phương kháng chiến.
            Củng cố vững chắc hậu phương, tích cực chi viện tiền tuyến
          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II, các Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (3/1951), lần thứ 2 (10/1951), lần thứ ba (4/1952) của Trung ương Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuyên Quang đã tích cực dồn sức cho công cuộc xây dựng nền kinh tế kháng chiến và nền văn hoá mới. Căn cứ vào từng thời điểm, Tỉnh uỷ đã đề ra những nhiệm vụ mang tính chất cấp bách, trước mắt phải tập trung giải quyết như: phát động quần chúng giảm tô, công trái, huy động nhân lực, vật lực cho các chiến dịch. Tỉnh uỷ cũng xác định phát triển sản xuất, tiết kiệm vẫn là công tác trung tâm, xuyên suốt của Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang.
          Sản xuất nông nghiệp được xác định là mặt trận chính trong xây dựng kinh tế thời kỳ này. Nhằm củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, các tổ chức hợp công, đổi công (mầm mống quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa) phù hợp với tính chất, trình độ lực lượng sản xuất, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể được đẩy mạnh và đạt kết quả[22]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích, trong đó điển hình là “phong trào Hoàng Hanh”, “tổ đổi công Trịnh Xuân Bái”[23].
           Từ sự nỗ lực, tinh thần tăng gia sản xuất, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang, sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đã đạt được nhiều tiến bộ. Vụ mùa năm 1951, toàn tỉnh cấy được 51.793 mẫu, thu hoạch 36.255.100 kg thóc, năng suất lúa chiêm so với năm 1950 tăng từ 2 tạ đến 2,5 tạ, có nơi tăng từ 3 tạ đến 3,5 tạ/mẫu. Năm 1954 diện tích cấy chiêm chính vụ và cấy Nam Ninh tăng 3.350 mẫu so với năm 1953, vụ mùa toàn tỉnh có 58.375 mẫu. Chăn nuôi phát triển mạnh ở Chiêm Hoá, Na Hang[24]. Cùng với đó, Tỉnh ủy đã chủ trương vận động nhân dân thu nhặt lâm thổ sản để cải thiện đời sống (nhất là vào thời kỳ giáp hạt). Tiểu thủ công nghiệp có nhiều tiến bộ, đến tháng 10/1953, Tuyên Quang có 7 tổ cán bông, 8 cơ sở dệt chiếu, 49 lò đường, 1 lò thuộc da, 3 cơ sở làm bừa, 41 lò rèn dao, cuốc, xẻng... và 2 lò doanh nghiệp nhà nước sản xuất lưỡi cày, 1 xưởng dệt vải, 2 lò gốm sản xuất bát, chén, nồi, vại...[25].
          Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ tỉnh quan tâm lãnh đạo công tác giáo dục, văn hóa, y tế và vệ sinh nông thôn. Từ năm 1950 đến năm 1952, toàn tỉnh có hơn 80.000 người đã thoát nạn mù chữ, các trường phổ thông phát triển mạnh mẽ với chất lượng giáo dục tốt. Tính đến năm 1954, toàn tỉnh đã có 110 trường phổ thông gồm 403 lớp, 264 giáo viên, 10.716 học sinh (so với thời Pháp, Nhật, tăng 17 lần). Đối với y tế, bên cạnh việc củng cố, xây dựng các bệnh viện, trạm xá, bệnh xá... tỉnh chú ý đào tạo cán bộ y tế xã, phát triển các túi thuốc cơ sở. Đến tháng 6/1953, số cơ sở y tế tư nhân đã có ở Yên Bình (10/17 xã), Yên Sơn (11/20 xã), Hàm Yên (6/13 xã), Na Hang (9/10 xã), tổng số có 55 trong tổng số 100 xã có cơ sở y tế xã.
          Tinh thần yêu nước của đồng bào tuyên Quang thời kỳ này còn thể hiện sinh động qua phong trào mua công trái quốc gia. Năm 1951, toàn tỉnh mua công trái (quy ra thóc) đạt 2.005 tấn, vượt 205 tấn so với chỉ tiêu Liên khu 10 giao. Hàng ngàn gia đình thuộc các dân tộc, thành phần giai cấp khác nhau dù khó khăn vẫn hăng hái tiết kiệm tiêu dùng dành tiền mua công trái phục vụ kháng chiến. Hai người dẫn đầu phong trào đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính khen ngợi. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài đăng trên Báo Nhân dân (số 01, ngày 11/3/1951), khen ngợi và nêu gương[26].
           Lãnh đạo quân dân địa phương bảo vệ hậu phương và An toàn khu
          Khi cả nước bước sang giai đoạn tổng phản công, những yêu cầu về nhân lực, vật lực, tài lực cho tiền tuyến ngày càng lớn và cấp bách hơn. Với vị thế vừa là hậu phương của tiền tuyến, vừa là ATK, nơi đứng chân và diễn ra các hoạt động trọng đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan Trung ương, Đảng bộ tỉnh luôn coi việc xây dựng lực lượng vũ trang là một công tác trọng yếu để bảo vệ hậu phương, bảo vệ căn cứ cách mạng. Hệ thống tổ chức và số lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích thường xuyên được chấn chỉnh, phù hợp với yêu cầu thực tế của từng giai đoạn cách mạng. Cuối năm 1951 toàn tỉnh có 749 chiến sỹ, biên chế thành 4 đại đội và 1 trung đội trợ chiến, các bộ phận chuyên môn của tỉnh đội được sắp xếp lại. Cuối năm 1953, tỉnh đã hoàn chỉnh việc biên chế lại lực lượng bộ đội địa phương theo quy định của Liên khu. Thực hiện phương châm tác chiến của trên là “phát triển chiến tranh du kích lên độ cao”, Tỉnh đội tiến hành củng cố lại lực lượng dân quân du kích. Đến cuối năm 1951, số lượng tăng 250% so với trước, nghiệp vụ trinh sát, kỹ thuật đánh bom mìn, địa lôi ngày càng thành thục... Năm 1954, trong 5 huyện (trừ Na Hang) có 1.734 đội viên du kích, trung bình mỗi xã có 1 tiểu đội với biên chế 10 người[27].
          Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, lực lượng vũ trang địa phương đã làm tốt công tác bảo vệ hậu phương, phục vụ tiền tuyến, tiễu phỉ lập nhiều chiến công. Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Tuyên Quang phối hợp cùng bộ đội Hà Giang tiễu phỉ giải phóng Hoàng Su Phì lần 2 (01/1951), đánh địch ở Bắc Hà (Lào Cai) (01/1951). Tham gia và lập nhiều chiến công trong truy quét tàn quân Trung Hoa dân quốc (6/1951), chiến dịch Lý Thường Kiệt (8/1951). Cuối tháng 12/1951, bộ đội tỉnh đi làm công tác tải thương trong Chiến dịch Hoà Bình 3 tháng theo lệnh của Bộ Chỉ huy Mặt trận đã vượt khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong năm 1954, ngoài việc bảo vệ cầu đường, bộ đội địa phương Tuyên Quang còn điều 5 đại đội làm nhiệm vụ giải tù binh, truy quét biệt kích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
          Cùng với lực lượng vũ trang, tỉnh tăng cường củng cố ngành công an, phát triển hệ thống an ninh nhân dân vững chắc, làm nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, đập tan mọi hoạt động gián điệp, mật thám, bảo vệ cơ quan Đảng, chính quyền, đồng thời làm hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh ở địa phương. Cuối năm 1951, toàn tỉnh đã có 96 ban công an xã và một ban công an khu phố. Năm 1952, cả tỉnh có 52 xã được củng cố, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ: mở 4 lớp huấn luyện cho trưởng, phó ban ở xã, hướng dẫn học tập tài liệu phòng gian, bảo mật và thành lập giao ước thi đua cho các gia đình ở dọc đường giao thông, bến đò, thị trấn thuộc các huyện Yên Sơn, Yên Bình, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hoá, Na Hang. Trong công tác bảo vệ hậu phương, ngành Công an Tuyên Quang cũng lập nhiều chiến công xuất sắc. Tháng 7/1953 đoàn công tác tiễu phỉ với 12 cán bộ công an, 1 trung đội bộ đội tỉnh, quân du kích huyện... đã lên đường để ổn định tình hình chính trị ở vùng giáp ranh 4 tỉnh (Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng). Trong 6 tháng đầu năm 1954, công an tỉnh đã lập xong hồ sơ của 711 đối tượng ở các tổ chức phản động để đưa đi cải tạo, lập hồ sơ của hầu hết các tên địa chủ phản động, gián điệp để xử lý. Bên cạnh đó, Ty Công an phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, năm 1954, đã bắt 6 tên tay sai chuyên cung cấp tin cho Pháp… Thắng lợi của quân và dân trên mặt trận an ninh đã trực tiếp góp phần bảo vệ an toàn cơ sở Đảng, chính quyền và làm thất bại âm mưu của địch hòng tấn công phá hoại từ bên trong địa bàn tỉnh.
           Quân và dân Tuyên Quang còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ giao thông phục vụ chiến dịch. Tỉnh thành lập 2 đội sửa chữa đường (216 và 217), Tỉnh đội thành lập đại đội phòng không, mỗi huyện thành lập 1 ban bảo vệ, các xã có đội bảo vệ từ 10 đến 15 người thường trực bảo vệ đường, nơi cất giấu phương tiện, phát hiện bom nổ chậm. Để phục vụ cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, tháng 7/1953, Tuyên Quang mở chiến dịch cầu đường, huy động 1.021.136 ngày công sửa chữa toàn bộ hệ thống đường dài 168 km. Đồng thời đảm bảo giao thông thông suốt, tính từ 29/11/1953 đến 7/5/1954, đã có 4.734 xe ô tô từ Thái Nguyên qua phà Bình Ca[28].
           Để đảm bảo huy động cao độ nhân lực, vật lực, tài lực cho cuộc kháng chiến đang bước vào thời điểm quyết định, đầu năm 1953, Tỉnh ủy Tuyên Quang quyết định thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương của tỉnh. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến chiến thắng”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã dồn hết sức lực, tình cảm của mình cho mặt trận. Dưới sự chỉ đạo của Ban dân công tỉnh, phong trào “đi dân công là yêu nước” diễn ra sôi nổi. Năm 1952, tỉnh đã huy động 3 đợt dân công với 9.762 người đi phục vụ Chiến dịch Tây Bắc, cả năm huy động 1.021.738 ngày công. Năm 1954, huy động 1.854.360 ngày công. Trong suốt cuộc kháng chiến, chỉ tính riêng việc phục vụ cho các chiến dịch và kiến thiết cầu, đường, phà, Tuyên Quang đã huy động tới 6.519.000 ngày công. Với số dân 13 vạn người, năm 1954 tỉnh đã huy động tới 56.196 lượt người đi dân công (chiếm 43% dân số). Riêng chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Tuyên Quang đã cung cấp cho tiền phương 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.657 kg lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh. Ngoài ra tỉnh còn cung cấp cho bộ đội hàng trăm tấn rau xanh và 1.881.322 kg gạo cho các chiến dịch làm cầu đường...[29]. Những con số trên thể hiện sự cố gắng phi thường và hy sinh lớn lao của nhân dân Tuyên Quang đối với kháng chiến, với cách mạng.
           Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã làm tốt việc bảo vệ, tạo điều kiện mọi mặt cho những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan Đảng và Nhà nước. Từ năm 1951 đến năm 1953, Tuyên Quang vinh dự được chứng kiến và giữ mãi những hoạt động quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng[30]. Từ ngày 11 đến 19/02/1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II được tiến hành tại Kim Bình - Chiêm Hoá. Cũng tại Tuyên Quang, trong năm 1951, 1952 và 1953 một loạt các hội nghị của Trung ương đã được tổ chức[31]. Nhiều thôn xóm, con đường, nhiều vùng rừng núi còn in đậm hình dáng, bước chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người ở và làm việc tại đây[32]. Đồng bào đã tự nguyện, hăng hái tham gia hàng vạn ngày công để vận chuyển vật liệu, máy móc, làm đường, đào hầm, đóng góp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm phục vụ việc xây dựng ATK, đặc biệt đã lập thành tích lớn trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho Đảng hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Ghi nhận những đóng góp của nhân dân Tuyên Quang, trong lời khai mạc Đại hội II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và đồng bào cả nước gửi lời cảm ơn tới nhân dân địa phương. Người viết: “Vật liệu: đều lấy ở chung quanh. Đã dùng trên 100 cây mí, 1 vạn cây mai, 10 vạn cây nứa, 8 vạn lá cọ, 5 ngàn thước vuông gỗ xẻ. Làm đất, đào đắp trên 3.000 thước khối để làm nền nhà, đường đi, hàm tránh máy bay. Nhân công đã dùng 7.000 công chuyên môn và 1 vạn dân công”[33].
          Trong công tác bảo vệ các vùng ATK, tỉnh được phân công nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài. Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã chỉ đạo chặt chẽ các cấp, các ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ngành công an lập trạm kiểm soát ở các cửa ngõ vào ATK và kết hợp cùng lực lượng vũ trang làm tốt công tác trinh sát, điều tra chống gián điệp, phản động trên địa bàn. Tổ chức trật tự xã và sau đó là công an xã được tăng cường quanh khu vực ATK, tích cực hoạt động xây dựng phong trào phòng gian bảo mật theo khẩu hiệu “ba không” trong nhân dân. Nhờ đó, các vùng ATK, các đợt công tác, di chuyển địa điểm của các đồng chí lãnh đạo cách mạng, các cơ quan Trung ương đều giữ được bí mật, an toàn tuyệt đối; mọi hoạt động, âm mưu phá hoại của kẻ thù đối với vùng căn cứ địa kháng chiến đều bị vô hiệu hoá, thất bại trước mặt trận bảo vệ an ninh rộng rãi, vững mạnh của nhân dân.
Ngày 07/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi tới kết thúc chiến tranh. Ngày 21/7/1954, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành thắng lợi huy hoàng, trong đó có sự đóng góp to lớn, quan trọng của quân và dân các tỉnh ATK nói chung, tỉnh Tuyên Quang nói riêng.
 
KẾT LUẬN
           Quá trình xây dựng và bảo vệ hậu phương, căn cứ địa Việt Bắc là một quá trình đấu tranh quyết liệt về mọi mặt với thực dân Pháp. Quá trình này đã khẳng định vai trò của quân và dân các tỉnh trong khu căn cứ địa, trong đó, Tuyên Quang giữ vị trí, vai trò là trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của cả nước.
          Với vị trí “địa lợi, nhân hòa”, Tuyên Quang đã có nhiều đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng, củng cố và bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc - nơi che giấu, bảo vệ cán bộ cao cấp lãnh đạo kháng chiến, nơi xây dựng và là chỗ đứng chân vững chắc cho cơ quan đầu não và các lực lượng vũ trang, đồng thời chiến đấu đẩy lùi nhiều cuộc hành quân của thực dân Pháp.
          Công cuộc xây dựng và bảo vệ hậu phương đã khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ Tuyên Quang. Thành công đó đã góp phần quan trọng vào chiến thắng cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc là nền tảng quan trọng để Tuyên Quang cùng cả nước thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ tiếp theo.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những thành quả và kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ hậu phương cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để xây dựng và bảo vệ hậu phương vững chắc, trước hết phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng - nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố thế trận lòng dân, an ninh nhân dân vững chắc. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách đều vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, mọi việc làm đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”[34]. Có như vậy nhân dân mới tin yêu và đi theo Đảng, nguyện đem sức lực, tài trí, vật chất, tinh thần cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.
TS. Ngô Hoàng Nam[1]
TS. Duy Thị Hải Hường[2]
 
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
2. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang, Tuyên Quang lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Tuyên Quang, 1994.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
5. Văn kiện Đảng bộ Liên khu Việt Bắc năm 1951, tập 7. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Khu tự trị Việt Bắc xuất bản, 1961.
6. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
7. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam, tập 9, tập 10, tập 11. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017.
8. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập 2. Nxb QĐND, Hà Nội, 2005.
9. Việt Bắc 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1954), tập 1. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990.
 
 

[1],41 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
 
[3] Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.121.
[4] Từ một số ít cán bộ, đảng viên có trình độ văn hóa sơ cấp, tới tháng 6/1949 trong số 2.911 đảng viên toàn tỉnh đã có 1.633 đảng viên biết đọc, biết viết, 105 đảng viên qua sơ học yếu lược, 49 đảng viên qua sơ học bổ túc và 20 đảng viên có trình độ trung học.
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr. 536.
[6] Nghị quyết chấn chỉnh cấp xã của Hội nghị cán bộ toàn tỉnh lần thứ 6 (tháng 4-1950). Tài liệu lưu trữ Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Tuyên Quang. Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Sđd, tr.125.
[7] Báo Quốc hội, số 10 ngày 28/12/1945.
[8] Nghị quyết Hội nghị đại biểu toàn tỉnh lần thứ 6 (tháng 4-1950) “Tích cực đổi mới lối làm việc”. Tài liệu lưu trữ Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Tuyên Quang. Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Sđd, tr.125.
[9] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ 20.
[10] Nghị quyết về nhiệm vụ xây dựng kinh tế, tài chính của tỉnh Tuyên Quang (Đệ nhị lục cá nguyệt - 1949), tài liệu lưu trữ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang. Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Sđd, tr.128.
[11] Giá gạo của Tuyên Quang lúc đó là 1.600 đồng/tạ.
[12] Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang, Tuyên Quang lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Tuyên Quang, 1994, tr.101.
[13] Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang, Tuyên Quang lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Tuyên Quang, 1994, tr.70.
[14] Các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa là nơi đóng quân, làm việc của các cơ quan Trung ương: Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Đài Phát thanh, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam... và các cơ sở sản xuất vũ khí, in ấn tài liệu phục vụ kháng chiến...
[15] Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang, Tuyên Quang lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Tuyên Quang, 1994, tr.66.
[16] Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang, Tuyên Quang lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Tuyên Quang, 1994, tr.94.
[17] Văn kiện Đảng bộ Liên khu Việt Bắc năm 1951, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Khu tự trị Việt Bắc xuất bản, 1961, t.VII, tr. 67.
[18] So với năm 1949, tỷ lệ phát triển đảng viên năm 1950, tăng 31%.
[19] Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Sđd, tr.143.
[20] Báo cáo công tác năm 1954 của Tỉnh uỷ Tuyên Quang, số 21/VP-TQ, ngày 11-1-1955, lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Sđd, tr.142.
[21] Tư liệu Tỉnh uỷ Tuyên Quang năm 1951, lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Sđd, tr.145.
[22] Năm 1954, riêng 2 đợt phát động quần chúng, tỉnh đã tổ chức được 665 tổ đổi công mới, chấn chỉnh 947 tổ.
[23] Anh hùng lao động Hoàng Hanh và Chiến sĩ thi đua Trịnh Xuân Bái là những người tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp sau Cách mạng tháng Tám.
[24] Thực tế cho thấy đàn gia súc tăng rất nhanh ở những điểm tỉnh trực tiếp chỉ đạo, ví dụ như Yên Nguyên (Chiêm Hoá) năm 1953 có 963 con trâu, bò, năm 1954 có 1.152 con (tăng 19%); xã Bằng Cốc (Hàm Yên) năm 1953 có 267 con trâu, bò, năm 1954 có 323 con (tăng 21%).
[25] Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Sđd, tr.168-169.
[26] Xem: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.52.
[27] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Sđd, tr.177.
[28] Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang, Tuyên Quang lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Tuyên Quang, 1994, tr.172.
[29] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Sđd, tr.182.
[30] Các cơ quan quan trọng của Chính phủ, Trung ương Đảng đã di chuyển lên Tuyên Quang: Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội thương, Tổng bộ Việt Minh, Đài Phát thanh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ, Trung ương Đoàn Thanh niên, Trường Đại học Y khoa, Trường Công an, Nhà máy in bạc, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, cơ quan Nông hội, các cơ sở của Bộ Tài chính, cùng các xí nghiệp nhà máy quốc phòng: H51, MK1, Z63, K72, K84, Đoàn 440, an dưỡng đường, quân nhu... Tỉnh Tuyên Quang còn là nơi che chở, giúp đỡ hoạt động của cách mạng Lào.
[31] Ngày 03/3/1951, Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt; Từ ngày 01 đến ngày 05/5/1952 Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất; Năm 1952, Hội nghị đấu tranh kinh tế với địch; Hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc (1953), Hội nghị về công tác tài chính toàn quốc...
[32] Từ ngày 05 đến 19/02/1951, Bác Hồ ở Chiêm Hoá chỉ đạo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II: ngày 05 (29 tết Tân Mão) Bác dự Đại hội tại Kim Bình, ngày 06, Bác chúc tết các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng, đồng bào cả nước và kiều bào, ngày 07, Người chủ toạ phiên họp đầu năm của Hội đồng Chính phủ, ngày 08 và 10 Người dự các cuộc thảo luận Văn kiện của đại hội II, từ 11 đến 19/2, Bác thay mặt Trung ương đọc Báo cáo chính trị, tham dự và điều hành các hoạt động của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ II. Từ ngày 20/02 đến ngày 30/12/1952 Bác Hồ ở hang Bòng (Tần Trào - Sơn Dương). Người tiến hành một số công việc lớn: ngày 03/02, tham dự và phát biểu tại Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, ngày 11/3 dự Hội nghị liên minh nhân dân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, ngày 06/5 Người ký Sắc lệnh thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam, từ 22 đến 28/4/1952, Bác chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba (khoá II), ngày 09/9/1952, Người nói chuyện tại Hội nghị chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc, trong tháng 12, tại Hang Bòng, Bác đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ. Năm 1852 Bác Hồ chủ trì Hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc bàn về vấn đề thuế nông nghiệp, đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị Nông dân toàn quốc tại Tân Hồng (Yên Sơn)...
[33] Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Sđd, tr.186-187.
 
[34] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 51.

Tin mới nhất:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8669358

Đang Online : 212