Nghiên cứu - Trao đổi

Giải pháp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thượng Giáp

Ngày Đăng: 10/10/2024 16:2 Lượt xem: 61

          Thượng Giáp là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Na Hang, nằm cách trung tâm huyện hơn 70 km. Với tổng diện tích tự nhiên là 2.864,59 ha; xã có 6 thôn, tổng dân số là 2.092 nhân khẩu, 454 hộ với 100% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp thuần túy. Hiện tại xã có 07 dân tộc cùng chung sống đoàn kết gồm: Kinh, Tày, Dao, Nùng, Hoa, Thái, Mường, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số. Xác định phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Thượng Giáp, huyện Na Hang đã quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách.
 

Lễ Hội Giã cốm - Hội chợ quê xã Thượng giáp năm 2024
 
           Nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa, Đảng ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch. Đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản của cấp trên về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; triển khai lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các cuộc vận động, các phong trào như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư"; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,… Qua đó, đã cổ vũ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, tạo bước chuyển biến trong nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa, du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã nói riêng và của huyện Na Hang nói chung.
          Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số; các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, trò chơi dân gian, tục thờ cúng, nghi lễ truyền thống, lễ hội được quan tâm, cụ thể: Thượng Giáp đã thành lập được Câu lạc bộ hát Then; khôi phục và duy trì nghề dệt thổ cẩm tại các hộ gia đình. Các trường học trên địa bàn xã khuyến khích học sinh là người dân tộc thiểu số sử dụng tiếng nói và mặc trang phục của dân tộc mình vào các ngày thứ 2 và thứ 5 hằng tuần.
          Xã đã khôi phục và duy trì lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, lễ hội thi giã cốm, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ ở thôn Nà Ngoa. Trong lễ hội, người dân tham gia trình diễn trang phục dân tộc, giới thiệu ẩm thực đặc trưng của dân tộc mình gắn với các hoạt động trò chơi dân gian như tung còn, đánh yến, đánh pao, đi cà kheo; kéo co; hát lượn, hát cọi, hát Then, hát Páo dung, thổi khèn lá, khèn Mông,... Nhân dân và du khách vừa được tham quan vừa được tìm hiểu về phong tục, tập quán của người dân, khám phá những nét đặc trưng về văn hóa các dân tộc được thể hiện qua các lễ hội, trang phục, ẩm thực và sinh hoạt hàng ngày.
          Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển; các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng. Hiện nay, xã đã thành lập và duy trì câu lạc bộ văn hóa thể thao liên thế hệ; 100% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và hệ thống truyền thanh không dây được đầu tư trang bị, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.
          Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được cấp ủy, chính quyền xã xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thời gian tới Thượng Giáp xác định tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp:
          Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, của huyện để khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa gắn với giữ gìn, bảo tồn, thu hút đầu tư để phát triển du lịch. Gắn việc bảo tồn phát huy giá trị, bản sắc văn hóa tộc người với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay.
          Nâng cao trách nhiệm hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; kịp thời kiện toàn về tổ chức và hoạt động, đảm bảo các điều kiện cho Ban Chỉ đạo phong trào hoạt động thường xuyên. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
          Hai là, tạo điều kiện bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại, lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian...; duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; phục hồi, phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu, ứng dụng các tri thức về y, dược học cổ truyền; khôi phục, nâng cao các lễ hội truyền thống, bài trừ hủ tục có hại đến đời sống văn hóa của nhân dân; chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức hoạt động lễ hội; duy trì, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống dân tộc, các tri thức dân gian khác.
          Ba là, hằng năm tổ chức tốt các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ gắn với thi trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Lựa chọn các sản phẩm đặc sắc của các dân tộc để trình diễn, giới thiệu quảng bá tại chợ đêm Na Hang. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa các dân tộc trong xã; đồng thời tăng cường giao lưu với các xã bạn, huyện bạn, tạo điều kiện cho văn hóa văn nghệ, thể thao nhân dân các dân tộc phát triển. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các giá trị văn hóa và việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, tiếp tục nghiên cứu sưu tầm câu chuyện cổ, các phong tục tập quán truyền thống văn hóa, các nhạc cụ, các làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc đã bị mai một.
          Bốn là: tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện lập quy hoạch xây dựng Làng Văn hóa du lịch kết hợp trải nghiệm cuộc sống của đồng bào ở thôn Bản Muồng. Huy động nguồn lực, mời gọi đầu tư xây dựng mới khu du lịch dịch vụ gắn kết với khu du lịch sinh thái ,liên kết vùng về phát triển tiềm năng văn hóa du lịch giữa các xã giáp ranh: xã Yên Thổ ( huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), xã Đường Âm (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang), xã Công Bằng (huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn) tạo thành tổ hợp du lịch cộng đồng, dịch vụ, sinh thái, hình thành các tour tuyến, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc. Khai thác cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa các dân tộc đa dạng để phát triển điểm lưu trú mới tạo ấn tượng cho du khách khi đến với miền sơn cước.
          Trong bối cảnh du lịch hiện nay, việc liên kết vùng là cách làm hiệu quả để ngành công nghiệp không khói phục hồi và phát triển. Liên kết với các công ty lữ hành du lịch để xây dựng các tour phù hợp đồng thời tích cực quảng bá sản phẩm du lịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cả mạng xã hội trên internet nhằm giới thiệu cho công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ về thế mạnh, nét đặc sắc của khu du lịch giáp ranh giữa 4 tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn. Du khách nước ngoài rất ưa thích loại hình du lịch sinh thái - cộng đồng, do vậy cần có những thông điệp quảng bá bằng những thứ tiếng nước ngoài phổ biến để họ dễ tìm hiểu về sản phẩm du lịch của mình.
           Năm là, phát huy vai trò của trưởng dòng họ, già làng, trưởng bản, đặc biệt là nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phục hồi, trao truyền, duy trì hoạt động các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc; có hình thức động viên cụ thể để họ gắn bó và phát huy vốn tri thức vô giá cho các thế hệ hôm nay. Với vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc, trưởng dòng họ, già làng, trưởng bản, đặc biệt là nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tích cực đi đầu trong việc động viên con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập, vận động đồng bào tham gia quỹ khuyến học, xây dựng gia đình, dòng họ khuyến học, góp phần nâng cao hiểu biết, trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số; vận động nhân dân quyên góp tiền, ngày công xây dựng nhà văn hóa, phát huy, giữ gìn phong tục, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, cùng chung sức giữ gìn tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian, các món ăn, bài thuốc và nghệ thuật trình diễn dân gian.
          Sáu là, cần có các biện pháp nhằm khôi phục, bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa vật chất của các dân tộc ở xã Thượng Giáp. Như đối với nhà sàn truyền thống hiện nay, đang có xu hướng bị mất đi để thay vào đó là những ngôi nhà xây kiên cố, hiện đại. Đối với những công cụ lao động hằng ngày đã được lưu truyền và sử dụng hàng trăm năm như cày, bừa, cối xay lúa, cối giã gạo... có hiện tượng các thương lái đi thu mua và trả giá rất rẻ so với những giá trị văn hóa vật chất của nó. Vì vậy chính quyền địa phương cần có những hình thức hỗ trợ, giúp đỡ và tuyên truyền để người dân có ý thức bảo lưu các ngôi nhà sàn cổ, các công cụ lao động cổ, đặc biệt cần khôi phục và giữ gìn các cối giã gạo bằng sức nước, các cọn nước bên bờ suối. Khen thưởng kịp thời cho những gia đình giữ lại được nếp nhà truyền thống và những công cụ lao động truyền thống. Phục dựng lại những ngôi nhà sàn truyền thống bằng những vật liệu truyền thống.
          Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế nhà văn hóa, sân thể thao các thôn, bản theo lộ trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng và củng cố các đội văn nghệ - thể thao và các câu lạc bộ hiện có, phát triển thành các câu lạc bộ dân gian quần chúng chuyên phục vụ du lịch cộng đồng; đẩy mạnh phong trào văn nghệ - thể thao ở các thôn, bản. Gắn kết các hoạt động văn hóa, thể thao với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế du lịch; khuyến khích và phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc trao, truyền các loại hình văn hóa truyền thống.
 
Thạc sĩ Dương Thúy Ngọc
Khoa Lý luận cơ sở

 
 
 

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8500858

Đang Online : 15